Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 16.

Hai mươi ngày sau, trong tổng hành dinh là điện Kính Thiên, Gác ni e và các sĩ quan tề tựu đông đủ. Gác ni e sai rót đầy rượu săm pa nhơ vào các cốc và đứng dậy nói:

-Xin các ngài nâng cốc để chúc mừng chiến thắng của chúng ta. Chỉ 20 ngày với số quân ít ỏi, chúng ta đã chiếm trọn bốn tỉnh của miền Bắc Đại Nam. Điều đáng nói ở đây là quan lại các tỉnh cứ nghe tiếng đại bác của ta là bỏ thành tháo chạy. Thú vị nhất là chỉ mình ngài Hô tơ phơ le và bảy người lính đã chiếm được Ninh Bình chỉ vài giờ trong một buổi sáng.

chanh-1-o-1654697242.jpg
Di tích thành Cửa Bắc- nơi diễn ra trận đánh giữa quân nhà Nguyễn do Tổng đốc Hoàng Diệu chỉ huy với quân Pháp trong trận thành Hà Nội lần thứ 2 (4/1882). Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Cả bọn đứng dậy nâng cốc:

-Chúc mừng chiến thắng nhanh chóng của chúng ta. Ha!Ha!Ha!…

Chúng dốc rượu vào mồm cạn đến đáy cốc. Hô tơ phơ le nói:

-Kỳ lạ là sức chống cự của quân Đại Nam không đáng kể, lý do là quan lại hèn nhát bỏ chạy trước thì binh lính phải tan vỡ mà chạy theo. Chúng ta sẽ chiếm được Đại Nam làm thuộc địa chỉ  nay mai thôi. Ha!Ha!Ha!..

*    *

 *

Vào một sáng tháng 12 năm 1873, Hà Nội chìm trong giá rét của một mùa đông lạnh giá. Trong điện Kính Thiên, Gác ni e và các sĩ quan Pháp đang ngồi hội đàm với Trần Đình Túc, đại diện của triều đình Huế. Cho đến bây giờ triều đình Huế vẫn kiên quyết theo đuổi chủ trương nghị hòa để mong Pháp trả lại thành Hà Nội và các tỉnh đã bị chiếm và mong Pháp ngừng xâm lược Đại Nam. Triều đình Huế và phái chủ hòa đang chơi trò con cừu xin con hổ đang đói đừng ăn thịt mình. Gác ni e và các sĩ quan nâng cốc:

-Xin chào ngài Trần Đình Túc, đại diện của hoàng đế Đại Nam. Xin các vị nâng cốc chúc mừng cuộc hội ngộ Việt- Pháp.

Gác ni e, các sĩ quan cùng Trần Đình Túc đứng dậy. Trần Đình Túc nói:

-Xin thay mặt phái đoàn của triều đình Đại Nam cảm tạ sự tiếp đón của các ngài, đặc biệt là ngài Soái phủ Gác ni e.

Từng người trong bọn dốc cạn rượu, vừa đặt chén xuống thì tình báo của Gác ni e hốt hoảng vào báo:

-Dạ bẩm Soái phủ, quân Cờ đen của tướng người Hoa Lưu Vĩnh Phúc và quân triều đình đang tiến đánh phía Tây thành Hà Nội.

Gác ni e đập bàn quát Trần Đình Túc:

-Các ông ra đây thương nghị tại sao lại còn cho binh sĩ tới gây chiến. Định dùng mưu kế với bản soái chăng?

Trần Đình Túc cả sợ:

-Dạ bẩm quan Soái phủ, chắc đó là quân của Tổng thống quân thứ Tam Tuyên Hoàng Kế Viêm, quân của Đề đốc người Hoa Lưu Vĩnh Phúc, quân của Tham tán quân vụ Tam Tuyên Tôn Thất Thuyết tự hành động, chúng tôi và triều đình hoàn toàn không biết.

Gác ni e ra lệnh:

-Ngài Ba in Đơ xô gi e rơ cùng 30 binh sĩ giữ cửa thành phía Bắc.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Ngài Đa gô rơ me cùng 30 binh sĩ giữ cửa thành phía Nam.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Ngài Bô ni phay.

-Có thuộc cấp.

-Ngài cùng 40 binh sĩ giữ của thành phía Đông.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Còn lại theo ta lên mặt thành phía Tây.

Gác ni e cùng các tùy tùng và binh sĩ lên mặt thành phía Tây quan sát, thấy có khoảng 600 lính Cờ Đen đang chuẩn bị đánh vào thành. Xa xa còn trông thấy thấp thoáng bóng cờ màu vàng của quân Đại Nam. Gác ni e ra lệnh cho trọng pháo:

-Nhằm vào quân Cờ Đen bắn.

Trọng pháo trên mặt thành gầm lên khạc đạn lửa vào quân Cờ Đen. Đạn rơi xuống nổ tung như sấm, khói lửa mịt mù. Quân Cờ Đen hoảng loạn bỏ chạy. Gác ni e ra lệnh:

-Mở cổng thành phía Tây cho bản soái truy kích.

-Tuân lệnh.

Cổng thành mở. Gác ni e cùng 20 lính với súng trường bộ binh cầm tay, lại đẩy thêm một khẩu pháo loại nhỏ lao ra vừa bắn vừa truy kích quân Cờ Đen. Gác ni e không ngờ y đang xông vào trận địa phục kích của quân Cờ Đen ở Cầu Giấy, cách thành Hà Nội về phía Tây khoảng 5km. Khi qua chiếc cầu bắc qua sông Tô Lịch, Gác ni e vấp vào một vật gì đó ngã lăn ra đường, chưa kịp vùng dậy đã bị quân mai phục của Lưu Đoàn, em Lưu Vĩnh Phúc đổ ra dùng gươm đâm chết Gác ni e cùng ba sĩ quan tùy tùng và một lính Pháp. Những tên còn sống sót hoảng sợ tháo chạy về thành Hà Nội đóng cửa cố thủ. Quân Cờ Đen chặt thủ cấp của Gác ni e, ba sĩ quan và một lính đi bêu khắp đường phố Hà nội từ ngày 21-12-1873 đến ngày 5-1-1874. Ba in Đơ cô ky ri thay Gác ni e chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ.

X

Mùa hè năm 1882, toàn châu thổ sông Hồng và Hà Nội ngập chìm trong nắng, cây xanh rợp bóng phủ xuống những mái nhà, những đường phố. Sông Hồng tải phù sa cuồn cuộn chảy về Đông. Những cánh đồng vàng mơ màu vàng của lúa. Làng quê sắp vào vụ gặt hái thu hoạch tháng năm.

Trong thành Hà Nội, ở điện Kính Thiên, Tổng đốc Hoàng Diệu đang ngồi đàm đạo cùng Tuần phủ Hoàng Hữu Xung, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chánh Phan Văn Tuyên, Án sát Tôn Thất Bá và Lãnh binh Lê Trực. Trên chiếc bàn dài gỗ lim khảm ngọc trai đặt bộ ấm trà. Các võ quan ngồi trên hai hàng ghế tràng kỷ  cũng bằng gỗ lim và khảm trai. Tổng đốc Hoàng Diệu nói:

-Mời các ngài dùng trà cho nóng.

-Dạ, đa tạ quan Tổng đốc. Kính mời.

Mọi người bê chén và uống từng ngụm nhỏ. Sau khi các võ quan đặt chén, Hoàng Diệu nói:

-Sau trận giặc Pháp đánh Hà Nội năm 1873, đặc biệt sau trận Cầu Giấy, quân Cờ Đen giết chết tướng giặc Gác ni e, quân Pháp đã bỏ Hà Nội rút về Hải Phòng và đang trù tính rút toàn bộ khỏi miền Bắc thì triều đình lại cử Chánh sứ đại thần Lê Tuấn và Phó sứ đại thần Nguyễn Văn Tường ra thương thuyết với đại diện của Pôn Lui Đúp pe, Thống đốc Nam Kỳ.

Tuần phủ Hoàng Hữu Xung hỏi:

-Nghe nói theo hòa ước năm 1874 đã ký trong cuộc hòa đàm đó, ta còn thiệt thòi hơn cả hòa ước năm 1862.

Hoàng Diệu đáp:

-Quả đúng như vậy, hòa ước ký ngày 15 tháng 3 năm 1784 (Giáp Tuất), tại dinh Thống đốc Nam kỳ, Sài Gòn, được ký giữa phó Đề đốc Pháp là Đúp pe và các đại thần của ta là Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường. Ta công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ lục tỉnh, Đại Nam lệ thuộc Pháp về chủ quyền ngoại giao. Ta mở cửa cho pháp tự do thông thương trên tất cả các cửa biển và trên sông Hồng, các cha cố Pháp được quyền tự do truyền bá đạo Thiên Chúa. Pháp được đóng 100 quân ở đồn Thủy (trong thành Hà Nội) và trên bờ Nam sông Hồng. Đó là hai mũi dao chính đe dọa trực tiếp thành Hà Nội. Đây là hiệp ước bất bình đẳng thứ hai, Pháp được nhiều quyền lợi hơn so với hiệp ước năm 1862. Công dân Pháp trên đất Đại Nam được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có quyền lãnh sự tài phán, tức là họ phạm tội trên đất Đại Nam nhưng ta không được xét xử mà phải giao cho Pháp.

Sau lời của Hoàng Diệu, các võ quan im lặng, buồn rầu, lo lắng cho vận nước. Có tiếng thở dài. Một số võ quan im lặng uống trà cho nguôi cơn giận đang sục sôi trong lòng. Bố chánh Phan Văn Tuyên hỏi:

-Thưa Tổng đốc, thế nào giặc cũng tấn công Hà Nội lần nữa. Để chuẩn bị chiến đấu ta phải báo cáo triều đình để xin tăng viện vũ khí và binh lính.

Hoàng Diệu nói:

-Ta và các ngài được triều đình cử đến đây từ năm 1880. Hai năm qua ta đã ba lần dâng sớ xin triều đình chi viện để củng cố thành lũy đánh giặc. Nhưng đáng tiếc hoàng thượng trả lời…

Đề đốc Lê Văn Trinh hỏi:

-Hoàng thượng trả lời sao? Thưa Tổng đốc.

-Hoàng thượng chỉ dụ rằng chủ trương của triều đình trước sau như một là dùng hòa nghị thương lượng để ngăn ngừa chiến tranh, khả dĩ có thể ngăn chặn Pháp mở rộng xâm lược, khả dĩ có thể chuộc lại Nam Kỳ lục tỉnh, khả dĩ có thể bảo vệ được đất nước. Cho nên không được tăng vũ khí, không được tăng binh lính để Pháp nghi ngờ và phật ý, để pháp kiếm cớ gây hấn.

Án sát Tôn Thất Bá thở dài:

-Cái chủ trương này thành công ở đâu chả thấy, chỉ thấy làm mất ba tỉnh miền Đông và sau đó mất luôn ba tỉnh miền Tây. Đến hòa ước 1874 thì thừa nhận Nam Kỳ lục tỉnh là thuộc địa vĩnh viễn của Pháp, mở tất cả các cửa biển miền Bắc và sông Hồng cho Pháp buôn bán, lại mất luôn chủ quyền ngoại giao, muốn đặt quan hệ với một nước nào đó phải thông qua Pháp, lại cho giặc đóng quân ngay ở Đồn Thủy, Nam sông Hồng  để uy hiếp Hà Nội, uy hiếp miền Bắc.

Hoàng Diệu nói:

-Nhiệm vụ nặng nề của chúng ta là bảo vệ thành Hà Nội. Ngài Lãnh binh Lê Trực hãy nói thêm cho các ngài đây rõ lực lượng để bảo vệ thành Hà Nội.

Lãnh binh Lê Trực đáp:

-Dạ thưa Tổng đốc, thành Hà Nội xây dựng theo bản vẽ của kỹ sư người Pháp từng phục vụ cho Tiên đế Gia Long. Mỗi bức tường thành dài 1.200m, tường thành đắp bằng đất sét, ngoài ốp một lớp gạch lớn và chắc chắn. Trên mặt thành có 49 khẩu thần công nhưng đã rỉ không thể bắn được. Về quân lực giữ thành có 108 lính thu thuế, 151 lính bảo vệ tường thành (pháo binh), 1.574 lính phụ binh, 442 lính vệ binh, 500 lính giám thành, 632 lính chạy trạm. Tất cả trang bị giáo mác và súng hỏa mai.

Hoàng Diệu buồn rầu:

-Như vậy thần công không sử dụng được, cho dù có sử dụng được thì sát thương cũng không cao vì đạn không nhồi thuốc, trúng mục tiêu không nổ, vũ khí bộ binh thiếu thốn lạc hậu. Trong khi đó các ngài đã biết, đại bác Pháp cực kỳ mạnh, bắn xa, chính xác, đạn rơi xuống nổ tán phá và sát thương lớn. Các ngài đã biết ở thành Gia Định, Đại Đồn Chí Hòa, thành Mỹ Tho, thành Biên Hòa, thành Hà Nội năm 1873, quân ta đông, chiến đấu rất anh dũng nhưng vẫn thất thủ vì đại bác hỏa lực giặc rất mạnh. Bộ binh của ta đông nhưng trang bị lạc hậu. Bộ binh của Pháp ít nhưng súng trường cầm tay bắn cũng rất nhanh và chính xác. Thành Hà Nội nay lại có nguy cơ thất thủ như năm 1873. Các ngài có cao kiến gì không?

(Còn nữa)

CVL                                                                       

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-16-a13114.html