3.
Khu Năm thực hiện tự túc lương thực cho nên việc sản xuất đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ dân chính và cả bộ đội. Thực phẩm, phần lớn là tự túc, nhưng cũng có một số nhu yếu phẩm như vải, muối, mắm, đồ hộp, đường, mì chính... phải mua từ vùng địch lên. Đội sản xuất đã cạn các loại này, Hoài và Giáo được cử đi Kỳ Long (Tam Kỳ, Quảng Nam) mua hàng...
Hai người rời Đội sản xuất, leo lên dốc, rồi đi theo con đường mòn, hướng về nóc Ông Chanh. Đây là một xóm nhỏ (nóc) của đồng bào dân tộc Ca Dong, có hai chục gia đình, là đơn vị kết nghĩa với Đội sản xuất Làng Tuyên. Tới bên một con suối khá lớn, Giáo và Hoài dừng chân, ngồi nghỉ. Biết đây là bến nước của nóc Ông Chanh, nơi linh thiêng của người Ca Dong, hai người không lội xuống mà ra máng nước rửa ráy. Dòng nước trong lành của núi rừng thấm qua da, đem cái mát ngọt của thiên nhiên vào tận tim phổi, khiến hai người tỉnh táo, khỏe khoắn hẳn ra.
Hoài đã công tác ở nhiều vùng núi, tiếp xúc với nhiều dân tộc thiểu số. Có ý thức đặc biệt đối với việc học ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục, tập quán của từng dân tộc mà mình tiếp xúc, Hoài có cách ứng xử phù hợp, được đồng bào tin yêu. Hồi ở Sơn La, một thân một mình lội suối, trèo đèo lên vùng cao Thuận Châu, nơi du kích địa phương bắn rơi máy bay, bắt sống phi công Mỹ, để viết bài, Hoài không hề bỡ ngỡ, lạc lõng. Khi ở lại làm việc tại một bản, Hoài ý tứ tránh quay lưng vào nơi thờ cúng của gia đình mà anh tạm trú, khiến chủ nhà phải thốt lên: “Cán bộ biết phong tục tập quán của đồng bào mình, mình rất quý cán bộ” và tạo mọi thuận lợi cho anh ăn ở, làm việc. Trong khi ngồi làm việc với cán bộ xã bằng tiếng Kinh, Hoài nghe được đồng bào ngồi quanh bàn tán bằng tiếng Thái chuyện bắn rơi máy bay, bắt sống phi công, nhờ đó có nhiều tài liệu sinh động, quý giá phục vụ bài viết. Ở vùng đồng bào Ca Dong cũng vậy, Hoài nói được tiếng đồng bào, cùng ăn cùng ở cùng làm một cách thuần thục theo đồng bào, hiểu rõ và tôn trọng những phong tục tốt đẹp của người Ca Dong, được đồng bào coi như người dân tộc mình. Anh thường nghĩ: Giá như không có chiến tranh, cuộc sống được yên bình, no đủ, thì biết bao sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào sẽ được thực hành, làm cho đời sống thêm bao ý nghĩa. Hoài nhớ lại câu chuyện đã được nghe ở nóc Bà Bốn khi anh đang ở Ban: “Từ thuở xưa, có hai anh em mồ côi sống chung trên đỉnh núi Ngọc Linh. Một ngày nọ, khi đi săn được một con dúi, người anh bận việc vào rừng. Ở nhà, do sơ suất, người em đã để thú dữ ăn mất con dúi. Quay về nhà không thấy con dúi nữa, người anh nghi cho người em đã ăn hết thịt con dúi. Người em tủi thân bỏ nhà, đi về hướng mặt trời mọc để tìm đường sinh sống. Người anh ở lại lập làng gọi là người Xơ Đăng. Người em dựng nóc, sinh con đẻ cái, gọi là người Ca Dong. Từ đó có người Ca Dong”. Hoài nghĩ, câu chuyện này cho thấy, như bao nhiêu dân tộc khác, người Ca Dong rất tự hào với truyền thống dân tộc và bao giờ cũng muốn tìm về với nguồn cội của mình.
Chưa đến nóc, đã nghe tiếng lợn ủn ỉn. Bước qua bức rào thấp dùng để ngăn lợn chạy ra ngoài, Hoài và Giáo đi vào mảnh đất hơi mềm, ẩm ướt, chi chít vết chân lợn. Đang rúc rúc ủi đất ở góc rào là một con lợn to, màu đen. Quanh đó, bầy gà tíu ta tíu tít mổ thóc. Vài năm gần đây, trúng mùa liên tiếp, đời sống bà con nóc Ông Chanh khấm khá hơn một chút.
Tối hôm ấy, Hoài được sống trong không khí ấm áp tình đồng bào. Người lớn, trẻ em nóc Ông Chanh cùng Hoài, Giáo ngồi quanh bếp lửa, thăm hỏi, chuyện trò râm ran.
Ông Chanh nắm tay Hoài, nói:
- Cán bộ sắp xuống đồng bằng. Các cháu hát cho cán bộ Hoài, cán bộ Giáo mấy bài hát đi.
Các cháu ngoan ngoãn nghe lời Trưởng nóc, cùng nhau hát mấy bài hát mà Hoài đã dạy bấy lâu nay, khi anh có dịp ghé nóc, hoặc các cháu vào Đội đổi công sản xuất. Sau khi các cháu hát hết bài “Em nhớ Tây Nguyên”, Giáo hoan hô rất to, rồi nói:
- Các em hát bài của người Kinh nhiều rồi, bây giờ các em hát cho các anh nghe bài hát của người Ca Dong nào!
Các cháu im lặng, lúng túng. Ông Chanh gỡ bí cho các cháu:
- Bây giờ bác hát trước, các cháu noi theo nghe!
Ông Chanh cầm lấy cây đàn brooc-jiêng, thân là một quả bầu khô rỗng ruột và cần là một ống lồ ô dài, nho nhỏ, chỉ có hai dây. Brooc-jiêng là loại nhạc cụ đơn giản, dễ làm, phổ biến, thân thiết với người Ca Dong. Ở nóc này, hầu như nhà nào cũng có một chiếc đàn brooc-jiêng.
Ông Chanh gẩy lên những nốt nhạc đơn giản, rồi hát. Ông hát bằng tiếng Ca Dong, Hoài tự dịch cho mình như sau: “Hôm nay lễ hội ká-pêê-nau thật vui/Là người Ca Dong hãy về đây vui chơi cùng nhau trong hội mừng lúa mới/Lúa ơi ta gieo hạt giống xuống đất/Lúa hãy cho gốc to/Gốc đều nhiều hạt/Để năm nay mùa màng được hạt/Lúa cho người Ca Dong đủ ăn đủ dùng...”. Người đàn ông chừng năm mươi tuổi này gầy gầy, mặt xương xương, nhưng giọng hát lại vang, ấm lạ thường. Câu kết được ông ngân lên dài và vang như tiếng chiêng ngân, như tiếng cồng dội, lan tỏa khắp không gian làm ấm cả căn nhà, lay động trái tim Hoài. Ôi, ước mong của người dân, cũng chính là ước mong của Hoài, chỉ đơn giản, bình dị vậy thôi, mong một cuộc sống yên vui, no đủ với những sản vật do chính mình tạo ra!
Ông Chanh vừa dứt lời, thì H’Ly, một phụ nữ khoảng gần bốn mươi tuổi, mặc váy thuôn, áo không tay và đeo những chuỗi hạt cườm rất nhiều màu sắc, đứng dậy. Hoài ngỡ ngàng khi thấy chị cầm trên tay chiếc kèn máp xinh xinh, được làm từ cây lách, tấu lên những giai điệu dân gian cổ truyền. Tuy giai điệu đơn giản, những bản nhạc đó vẫn nói thay con người tình yêu đồng loại, yêu nương rẫy, bản làng, ngưỡng vọng thần linh. Xong, chị lại cất tiếng hát. Chị có giọng hát vang, cao vút: “Tôi ở vùng này, tôi sẽ đi bắt chồng ở làng khác/Một là bắt chồng ở Trà My/Hai là bắt chồng ở Trà Vân/Dù mẹ có một đứa con vẫn thả mẹ/Dù cha có một mình con vẫn thả cha/Tôi đã theo chồng ở vùng Trà My không thể thả chồng/Tôi đã theo chồng ở vùng Trà Vân không được thả chồng/Hai đứa không bỏ nhau”. Nghe chị H’Ly hát, Hoài ngẫm nghĩ: “Bài hát có ý nghĩa thật. Nó cho người nghe hiểu phong tục của người Ca Dong là cấm người cận huyết thống lấy nhau và đã lấy nhau thì chung thủy suốt đời”.
H’Ly vừa dứt lời, Giáo đứng lên, hoan hô nhưng lại lắc đầu: “Chị ơi, các em mà cũng hát như chị, đi lấy chồng nơi khác, thì Làng Tuyên chúng tôi làm sao đây!”. Mọi người cười vang. Được thể, Giáo hào hứng: “Em H’Len hát đi. Anh thấy anh Hoài khen em hát hay lắm nhưng anh chưa được nghe. Bây giờ em hát đi!”.
H’Len bẽn lẽn đứng lên. Cô mới mười bảy tuổi, cơ thể tròn mẩy, gọn gàng trong chiếc váy dài đến chân và chiếc áo không có tay. Làn da nâu, đôi mắt tròn, sáng, giọng vang nhưng vẫn mềm mại, H’Len nói: “Em biết ít bài lắm, em biết hát gì bây giờ!”. Giáo được thể, giục: “Bài gì cũng được. Bài về tình yêu thì càng hay!”. H’Len đứng ngay ngắn lại, rồi hát bằng cả tiếng Ca Dong và tiếng Kinh: “Em đang ở trên con dốc núi cao đợi anh dẫn bước/Em đang ở bên con suối lớn nước chảy xiết chờ anh cõng qua”. Giáo khoái quá, đập hai tay xuống sàn, miệng liến thoắng: “Hay, hay, hay. Đợi anh, đợi anh cõng qua...”. Hoài bấm nhẹ vào đùi Giáo, ra hiệu không được thô lỗ với đồng bào. Thấy H’Len xấu hổ lùi vào sau tốp mấy chị phụ nữ, Giáo dừng lại, rồi nhìn Hoài, cười ngập ngừng. Hồi nãy, thấy Giáo cứ nhìn chằm chằm vào cánh tay trần và bộ ngực non trẻ của H’Len, Hoài cũng đã bấm vào đùi Giáo khá mạnh.
Trong khi cuộc vui diễn ra sôi nổi, thì H’Ly lột vỏ mấy củ sắn, rửa sạch, cắt khúc và dựng cạnh bếp lửa. Những khúc sắn trắng nõn được xếp vòng tròn, đón hơi lửa, nóng lên, khô dần, khô dần. H’Ly cứ chậm rãi xoay các khúc sắn để chúng tiếp xúc đều với lửa. Dần dần, các khúc sắn khô căng, chuyển từ màu trắng bóng sang trắng đục, rồi vàng dần, vàng dần. Ông Chanh lấy lá lót tay, cầm một khúc sắn đã chín vàng đưa Hoài và một khúc khác đưa Giáo: “Cán bộ ăn đi!”. Hoài hiểu rằng bà con Ca Dong ở đây rất chân thực, đã mời ăn là mời thực lòng; người được mời không được khách sáo. Trong đội sản xuất, anh em truyền tai nhau câu chuyện về cách mời của đồng bào như sau: “Mình mời thiệt đó mà. Nếu cán bộ không ăn, thì mình cũng cho con heo ăn thôi!”. Câu chuyện có vẻ hơi thô, nhưng nói lên được tấm lòng chân thực của đồng bào. Hồi chiều, trong bữa cơm, ông Chanh lấy từ trên gác bếp xuống một con chuột lớn đã được sấy khô cong, làm thức ăn mời Hoài, Giáo. Hiểu rõ ông Chanh đã đem món ăn quý giá để dành của mình ra đãi, Hoài và Giáo ăn trôi chảy món chuột sấy, mặc dù thịt của nó có mùi thum thủm, ôi chao là khó nuốt. Còn bây giờ, Hoài tận hưởng củ sắn thơm phức, ròn rụm từ ngoài vào trong, đến bánh mì Hà Nội cũng không thể ròn đều và thơm như thế.
Phải đến gần nửa đêm, mọi người mới ra về, để lại cho Hoài và Giáo những món quà đầy tình nghĩa: nào nếp, gạo, nào mè, chuối, để làm thức ăn trên đường xuống núi. Niềm vui từ buổi gặp mặt dân làng đem lại, khiến Hoài không ngủ được. Anh nhớ lại, có lần đã được dự lễ cúng máng nước, cúng mừng lúa mới tại nóc Ông Xây. Hồi đó, vào lúc lúa đã từ nương rẫy đổ về đầy kho, nóc Ông Xây tổ chức lễ ăn mừng lúa mới (Ká-pêê-nau) - lễ tôn vinh vị Thần lúa (Mó-pế) - nhằm cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho dân làng một mùa vụ bội thu, một cuộc sống no đủ. Trong hoàn cảnh chiến tranh, máy bay Mỹ luôn luôn rình rập, cuộc sống còn biết mấy khó khăn, bà con trong nóc vẫn chuẩn bị chu đáo theo đúng phong tục truyền thống. Ông Xây có đầy đủ lễ vật để cúng, gồm: một ché rượu cần ngon, một con gà luộc chín, một con cá niên nướng, bánh lá dong, quả bầu rượu, trầu cau, chén thang trầm và đặc biệt là gạo lúa đỏ mới, sản vật của chính vụ lúa này. Dân làng vẫn có đủ trang phục truyền thống của dân tộc mình trưng diện trong ngày lễ: Nữ mặc váy thuôn, áo không có tay, đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ và chuỗi dây đồng dài quấn thêm ở thắt lưng, nam đóng khố, quấn chéo tấm choàng bằng thổ cẩm trên ngực. Ông Xây trịnh trọng khấn vái, mời các Yàng pui (Thần lửa), Yàng kong (Thần núi), Mó-pế (Thần lúa), Ka rá-tơ ní (Thần đất), Ka rá-mắt hy (Thần mặt trời), Ka rá-mó huýt (Thần nước), Két-ka rá (Ma tốt)... và ông bà, tổ tiên về dự lễ. Người đàn ông Ca Dong hiền lành ngày thường, bỗng nghiêm trang, thiêng hóa, rầm rì thay mặt dân làng giao tiếp với thần linh. Cúng xong, ông Xây lấy tiết gà bôi lên ché rượu và cắm cần uống một ngụm, rồi mời dân làng cùng chung vui. Ông trao cần rượu của mình cho Hoài, bảo anh phải uống thực lòng. Lẽ ra, lúc này sẽ có đội cồng chiêng vừa đi vòng tròn quanh ché rượu, vừa diễn tấu những âm điệu truyền thống của người Ca Dong, nhưng vì bom Mỹ nổ trúng ngôi nhà cất cồng chiêng, nên bây giờ bà con phải bỏ qua một nghi lễ linh thiêng, thân thuộc của mình!
Đêm. Rừng núi âm u phát ra nhiều loại âm thanh, tạo thành một bản nhạc giàu giai điệu. Tiếng lợn ủn ỉn, khìn khịt. Tiếng thở của trâu, bò phì phì. Tiếng gió đuổi nhau trên các ngọn cây xào xạc. Tiếng những cây lồ ô bị gió lay, cọ vào nhau kêu ken két. Nổi lên trên mọi âm thanh là tiếng đàn nước, với giai điệu không định hình, cứ binh ba binh boong, nghe sao mà thanh bình.
Hoài thấy Giáo cứ trở mình qua, trở mình lại, có lúc nhổm dậy, liền cảnh giác. Hoài được nghe anh em trong đội kháo nhau rằng Giáo đã làm một việc rất tệ hại, mà cứ kể bô bô, lấy làm tự hào lắm. Đó là lúc Giáo còn chưa thoát ly gia đình, lên căn cứ. Có một đám cưới trong làng, gần nhà Giáo. Lợn gà, rượu thịt bày biện tưng bừng, khiến cả chủ và khách vục đầu trong cuộc nhậu nhẹt. Riêng Giáo, anh ta không mải ăn nhậu mà chỉ chăm chăm vào cô dâu, một cô gái hai mươi tuổi, người chắc mẩy, ngực căng tròn. Khi thấy cô dâu tỏ vẻ mệt mỏi, rời cuộc nhậu và chú rể vẫn đang mải mê với rượu thịt cùng bạn bè, Giáo liền lẻn theo cô dâu. Cô dâu về phòng tân hôn, tắt đèn, lên giường. Giáo lách cửa vào. Thấy cô dâu thở đều đều, hơi thở nhẹ dần, Giáo nhẹ nhàng lên giường, đẩy khẽ. Cô dâu tưởng chồng về, nằm xích lại. Thế rồi, Giáo là người động phòng thay chú rể. Chuyện sau này thế nào, thì Giáo không kể, nhưng có điều chắc chắn là bây giờ anh ta vẫn chưa có vợ.
Hoài nằm im, thở nhẹ. Ở góc sàn bên kia, nơi H’Len ngủ, cũng có tiếng thở nhè nhẹ, đều đều. Giáo cựa quậy một lúc rồi từ từ nhổm dậy. Hoài vội giật áo Giáo. Giáo giật mình, thì thào: “Tôi đi tiểu mà!”. Hoài cũng thì thào: “Đi thì đi. Chớ làm bậy!”. Đêm dần trôi trong bản giao hưởng đa dạng thanh âm của rừng, của làng, của cây cỏ và muông thú.
***
Sau hai ngày mải miết lội suối, băng rừng, Hoài và Giáo tới sông Trường. Đi trên đường chiến lược số 14, Hoài thấy dưới bờ sông có một cô gái đang vội vã bước đi. Trông dáng người, Hoài biết ngay là giao liên, những người có nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ, bộ đội đi theo các trạm để tới đồng bằng hoặc lên căn cứ. Từ đây trở đi, Hoài và Giáo phải đi với giao liên, vì đã vào vùng giáp ranh với địch rồi, cần đi đúng đường, nếu chỉ chệch đường một chút, là gặp nguy hiểm. Vừa gặp cô gái, Hoài vội hỏi: “Về trạm Hoà đi đường nào, đồng chí?”. Cô vừa ngước nhìn lên, trả lời: “Đi đường nớ!” vừa hối hả bước.
Sông Trường rộng nhưng nông, nước trong veo, hai bên bờ phơi ra những bãi cát trắng xóa hoặc những bãi sỏi, đá xam xám. Đoạn sông này là huyết mạch giao thông nối vùng căn cứ với vùng đồng bằng nên bọn địch rất chú ý. Hằng ngày, Moranh (máy bay trinh sát) của địch thay nhau lượn lờ, hễ thấy gì khả nghi là gọi pháo bắn tới vô hồi. Nhiều khi, chúng gọi máy bay trực thăng chiến đấu HU1A hoặc tàu rọ, một loại máy bay trực thăng nhỏ gọn, tới cắn xé. Dọc sông, đất đai đầy thương tích. Cây cối nát nhừ. Những nấm mộ còn nằm rải rác đó đây. Bộ đội lan truyền nhau một câu chuyện bi thương về trận oanh tạc đẫm máu của bọn máy bay HU1A cách đây một năm. Hồi đó, có một tiểu đoàn quân nghĩa vụ (bộ đội từ miền Bắc vào) hành quân dọc con sông Trường này. Anh em là lính trẻ, mới mười tám, đôi mươi, chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Ở ngoài Bắc, anh em đương đầu với các loại máy bay phản lực, chứ chưa bao giờ tiếp xúc với máy bay trực thăng. Cho nên, khi hai chiếc máy bay trinh sát phát hiện đoàn người, bắn đạn khói xuống, anh em còn cười, bảo rằng bọn này ngớ ngẩn, bắn đạn xịt, không nổ, mà không biết rằng chúng bắn đạn khói chỉ điểm cho đồng bọn tới oanh tạc.
Chỉ một lát sau, hai chiếc HU1A bay tới. Nhìn hai “con chuồn chuồn” sóng đôi trên không, anh em lính trẻ chỉ trỏ, thách thức: “Xuống đây mà chơi!”. Lúc đó, chỉ huy mới truyền lệnh: “Tản vào hai bên bờ gấp!”. Không kịp rồi, máy bay đã bắt được mục tiêu. Hai chiếc trực thăng bay so le dọc hai bờ sông, nhanh chóng hạ độ cao và xả đạn xuống. Anh em bộ đội chạy tán loạn. Nhiều người đã vào được khoảng rừng hai bên sông. Nhưng còn không ít người lúng túng, chạy bết bát dọc sông. Có nhóm cụm lại ở tảng đá giữa sông, liền bị trúng một quả đạn rốc két trên máy bay phóng tới. Anh em bộ đội hầu như không kịp lấy súng ra tác chiến, phơi mình chịu những làn đạn điên cuồng... Máu bộ đội hòa vào nước sông, đỏ ngầu...
Mối nguy hiểm luôn luôn rình rập như vậy chính là nguyên nhân làm cho cô giao liên đi như bị ma đuổi. Cô di chuyển quá nhanh, gần như là chạy. Hoài, Giáo theo hút cô, bàn chân dường như không bám đá sỏi và cát ven bờ, song lại đạp nước bắn tung toé, khiến quần áo ướt mèm. Thật chết tiệt, cái gùi của Hoài bị sút quai, trễ sang một bên vai. Hoài đành ngồi xuống, cột lại. Thế là mất hút cô giao liên, hai người bị lạc mất gần một buổi đường. Tới ba giờ chiều mới tìm được đường, vào trạm. Cũng may, lúc đó trời mới giáng cho một cơn mưa dữ dội, mà lại là mưa đá mới ghê chứ. Những viên nước đá to bằng đốt ngón tay rào rào rơi xuống, lóng lánh như những giọt nước mắt khóc cho cuộc đời của nó ngắn ngủi quá, vì chỉ một lúc nó đã tan biến thành nước và bị đất hút lấy hút để... Hoài lượm mấy viên đá cho vào miệng, cố tìm lại cảm giác mát lạnh và thú vị khi còn ở Hà Nội ăn kem, uống cà phê đá. Song vô hiệu. Mát lạnh thì có, nhưng chẳng thú vị gì. Nhạt nhẽo không thể tả được. Hết mưa đá, trời trút xuống một trận mưa rào ào ào như thác đổ.
Tối hôm ấy, Hoài và Giáo nghỉ lại trạm giao liên. Thời gian ở đội sản xuất, suốt ngày làm lụng trên nương rẫy, tối chín - mười giờ mới đi ngủ, cho nên mọi người ít có điều kiện tâm sự cùng nhau. Bây giờ, rảnh rỗi, hai anh em mắc võng gần nhau, vừa đung đưa vừa thủ thỉ tâm tình. Hoài nói với Giáo, mình tình nguyện đi B làm phóng viên chiến trường, nhưng cho tới bây giờ, qua hơn một năm rồi, vẫn chỉ quanh quẩn ở căn cứ, làm tin tức hoặc tham gia gùi cõng. Bây giờ, được giao nhiệm vụ chính là sản xuất, mong Giáo hướng dẫn thêm về cách thức gieo trồng. Giáo cũng rủ rỉ kể chuyện về mình. Quê Giáo ngay gần đây, một làng quê miền trung du không giàu sang nhưng cũng không đến nỗi khốn khó. Nhà đông anh em, Giáo sớm nghỉ học để giúp cha mẹ lao động sản xuất. Nhưng, đâu có được yên thân. Bọn ngụy lùng sục bắt lính, Giáo phải trốn chui trốn lủi mà cũng không thoát. Rồi Giáo bị bắt vào lính Bảo an (địa phương quân). Trong lúc bị đưa đi huấn luyện, Giáo trốn thoát rồi được dẫn lên vùng giải phóng, tham gia cách mạng. Giáo tâm sự thật rằng, mình tuy không cao lớn, nhưng khỏe và nhu cầu “chuyện ấy” lớn lắm. Bị kìm nén mãi thế này, hai mươi tư tuổi rồi, không biết làm sao chịu được. Hoài cảm động vì sự chân tình của Giáo, chỉ biết khuyên Giáo là cố gắng giữ mình, nếu cần, thì lấy vợ đàng hoàng, chớ làm chuyện bậy bạ, hại đời người phụ nữ và làm bại cả danh mình.
***
Phải chờ trạm một ngày mới có trực - tức là có giao liên dẫn đường (ôi, chờ và trực). Hoài và Giáo vào đội sản xuất số Hai của Ban, ở ngay gần Nước Oa. Địch mới càn lên vùng này, để lại những dấu vết tàn phá khắp nơi: Một ngôi nhà của Đội bị đốt cháy, chỉ còn trơ khung đen xì. Kho thóc ở tận góc rừng bị phá tan hoang. Cây cối bị đạn gục đổ ngổn ngang. Một con trâu bị bắn chết, xác nằm bên bờ sông Trường, trương phềnh lên. Đội chỉ có bốn người, thì đội trưởng Cẩn bị thương, đang đi viện, Chi được điều về Ban, chuẩn bị đi công tác đồng bằng, Tiến lại đang ốm khặc khừ, chỉ còn mỗi mình cô Mai lủi thủi đi làm cỏ lúa.
Tiến ốm, là do ngâm mình trong nước quá lâu. Đúng hôm địch càn, Tiến đi lên cánh rừng phía Tây để hái măng. Tới con suối không tên, tình cờ thấy mấy con cá nổi lập lờ, ngắc ngoải, Tiến vội lội xuống vớt lên. Lúc sau, lại thấy mấy con cá nữa trôi xuống. Cứ như thế, suốt một buổi sáng, Tiến dầm mình trong nước suối lạnh ngắt vớt được một gùi cá đầy. Hóa ra, bọn Mỹ thả mấy quả bom nơi đầu nguồn, làm chết hàng loạt cá. Lại nghe nói, đó là bom lân tinh, rất độc. Nhưng thôi, mặc, cứ có cá cải thiện bữa ăn là vui rồi! Về nhà, chỉ vừa thả gùi cá xuống, đã thấy bọn địch đổ quân ngay bãi cát sông Trường. Tiến vùng chạy, trốn vào bụi cây rậm rạp gần nhà bếp. Thấy bọn lính cướp gùi cá, Tiến thầm rủa: “Mặc cha chúng bay, nếu cá bị nhiễm lân tinh, chúng bay ăn mà mắc bệnh, thì đáng đời!”. Một cơn sốt kéo tới như giông bão, quật ngã Tiến. Người nóng như lửa. Đầu đau như búa bổ. Tiến nằm rên hừ hừ từ hôm địch rút đến nay.
Giáo lại bên võng, sờ đầu Tiến. Nó nóng như nồi rang. Giáo bảo: “Trúng nước rồi. Để mình lể sẽ hết!”. Giáo tìm quanh nhà, lấy một mẩu bát vỡ có đầu nhọn hoắt, cạnh sắc lẹm, ngồi bên Tiến. Tay trái bóp trán Tiến, tay phải Giáo cầm mảnh sành trích mạnh vào chỗ da nổi lên. Mấy giọt máu đen sì tứa ra. Giáo bỏ mảnh sành, lấy tay bóp nặn, máu đen tiếp tục chảy ra. Tới khi thấy có máu đỏ, Giáo dừng tay. Tiến mừng rỡ kêu lên: “Hết đau đầu rồi. Sao anh tài thế!”.
Gặp họa sĩ Hồng vừa kết thúc chuyến công tác Quảng Đà về. Sau phút hàn huyên, Giáo bàn, trong khi chờ trực, ba anh em cùng nhau giúp Đội khắc phục cảnh hoang tàn này. Là người đầy nhiệt huyết, Hồng tán thành ngay, nhưng bảo mọi người chờ một lúc, để anh đi đặt bẫy bẫy gà rừng. Hoài tò mò, đi theo xem Hồng làm thế nào. Ra đến bãi cát ở góc sông Trường, Hồng chỉ cho Hoài xem những vết chân gà dẫm đạp khắp nơi. Anh nói, đầy tin tưởng: “Bọn gà này đông đấy. Chúng chưa bị bẫy bao giờ, nên dạn lắm, thế nào mình cũng bẫy được!”. Nhìn mấy cái bẫy mà Hồng mang theo, Hoài thấy nó đơn giản quá - chỉ là một cái cần tre, giống như cần câu, nhưng nhỏ hơn, cùng với một sợi thòng lọng làm bằng dây cước. Hồng bảo: “Thôi, đặt bẫy phải bí mật. Ông về trước đi!”. Hoài đành quay về, không thỏa được trí tò mò.
Chỉ một loáng sau, Hồng đã về, cùng Hoài, Giáo khắc phục hậu quả của trận càn. Việc đầu tiên là dọn kho thóc. Bọn địch hồi này bị đánh tơi tả ở đồng bằng, thỉnh thoảng lại lên vùng căn cứ của ta cắn trộm. Do đó, các đợt càn của chúng diễn ra chớp nhoáng, có khi chỉ trong một ngày, kéo đến hai ngày là cùng. Vì thế, chúng không thỏa sức phá phách như trước. Chính vì vậy, kho thóc không bị chúng cướp đi. Sau khi gạt hết lớp thóc cháy đen, ba người xúc số thóc còn lại vào thúng, đổ vào chiếc bồ lớn. Số thóc bị thiệt hại, mất khoảng một phần ba số mà Đội vừa thu hoạch. Ngôi nhà, đã bị cháy đen, không còn cách nào khắc phục, ba người đành củng cố ngôi nhà bếp - nó mới bị phá vách, chặt gãy hai cột. Giáo đi cắt tranh làm liếp. Hồng, Hoài đi chặt cây, thay hai cột nhà. Chỉ đến chiều, mọi người đã hoàn thành công việc. Hồng tuyên bố, đầy tin tưởng: “Tôi sẽ khao các bạn món thịt gà rừng!”. Hoài nài bằng được Hồng cho đi theo, nhưng Hồng xua tay: “Không được, vẫn còn thời hiệu bí mật”. Hồng đùa vậy, rồi cười hề hề: “Thì đi, bí mật gì đâu! Ông sẽ thấy con gà trống to tướng mắc bẫy cho mà xem!”.
Ra đến gần bãi cát góc sông Trường, Hồng bảo Hoài: “Ông nghe xem, có tiếng gà không?”. Hồng lắng nghe, chỉ có tiếng nước sông chảy rì rào. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Hoài, Hồng chê: “Ông không nghe thấy tiếng gà chứ gì? Thôi, ra bắt gà đi, một con gà trống cỡ bự nhé!”.
Đi thêm mấy chục bước, lội qua một lạch nước, bước vào bãi cát, Hoài sửng sốt nghe tiếng gà kêu quang quác. Hồng hất hàm, cười nheo cả mắt: “Thấy chưa?”. Quả nhiên, một con gà trống mắc bẫy, vừa nhảy tưng tưng, cố giật chân ra khỏi thòng lọng, vừa kêu hoảng loạn. Hồng nhanh chóng bắt con gà, gỡ ra khỏi bẫy, đưa cho Hoài: “Nắm chắc nhé, kẻo mà mất ăn!”. Hoài phục lăn Hồng, chàng họa sĩ này đã bẫy được gà, mà lại còn biết trước đó là gà trống, mới tài chứ! Hồng lò dò quanh bãi một lúc, rồi nói, vẻ tiếc rẻ: “Một con mái mắc bẫy, nhưng xổng mất rồi!”. Cũng tiếc con gà bị xảy bẫy, nhưng Hoài quan tâm đến cái tài đoán gà của Hồng hơn, nên chẳng xuýt xoa gì, mà hỏi: “Làm sao ông lại biết sẽ bẫy được con gà trống?”. Hồng lại cười hề hề, trông đến là hài hước. Chỉ vào con gà trống đang giãy giụa trên tay Hoài, Hồng giải thích: “Cái giống đực là hay nịnh đầm. Ông có để ý, bọn gà trống, khi kiếm được mồi, thường nhấp mồi lên, thả mồi xuống, túc túc gọi gà mái đến không?”. “À, đúng rồi, gọi đến cho gà mái ăn.” - Hoài tỏ vẻ cũng hiểu biết về thói nịnh đầm của các chàng mào đỏ này. Hồng lại cười tít mắt: “Đấy chỉ là bước một thôi. Bước hai mới là mục đích của hành động nịnh đầm!”. Hoài giương mắt nhìn Hồng, không hiểu. Hồng vẫn tít mắt cười, cái miệng trề ra, trông hiền lành nhưng lại pha chút hóm hỉnh: “Ông còn trẻ, chưa vợ, nên chưa biết “bước hai” là phải thôi!”. Nói tới đó, Hồng im lặng, như thách thức sự hiểu biết của Hoài, theo kiểu “Người khôn ăn nói nửa chừng/Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo!”. Vừa lúc ấy, con gà rừng kêu đến “quác” một cái, quẫy mạnh suýt tuột khỏi tay Hoài. Hồng cười tít hơn: “Hóng quá, tới mức suýt để sổng gà cơ à? Thôi, nói cho ông biết nhé: Bước hai là... là... tòm tem ấy mà! Vẫn chưa hiểu à? Tức là đạp mái chứ còn gì nữa. Hiểu rồi nhé!”. “Khà... khà... khà...”, Hồng cười một tràng dài. Xong, vẻ chu đáo, Hồng nói cặn kẽ: “Trong bầy gà rừng, con gà trống mạnh khỏe nhất, to lớn nhất là đầu đàn. Hắn thường đi trước, tìm kiếm, gặp mồi là gọi bọn gà mái đến. Thấy mồi mà mình đặt, dứt khoát là anh gà trống xông đến trước tiên. Và rồi, sập bẫy. Hè hè, Sập bẫy chứ không phải là đạp mái nhé. Cho nên, bẫy gà rừng, thì được con đầu tiên, bao giờ chả là con gà trống bự, rõ rồi chứ?”. Có lẽ hứng khởi quá, Hồng cười hề hề, dài giọng ra: “Tớ đây này, muốn tòm tem vợ, thì từ chiều, phải nịnh bà xã ra trò đấy!”.
Anh họa sĩ này tuy hơn Hoài có hai tuổi, nhưng nhà ở nông thôn, thuộc diện tảo hôn, đã có vợ và hai con. Vợ lớn hơn anh hai tuổi, chân chỉ hạt bột, ngày đồng ruộng, chiều tối bếp núc. Hồng bảo, vợ hiền như thế, đi đâu mình cũng yên tâm, chả sợ bị anh hàng xóm “biến thành phở”. Hoài đã được Hồng cho xem bức tranh “Nhớ quê”, Hồng vẽ cảnh vợ con bên giếng nước đầu nhà. Bức tranh bột màu giản dị nhưng sinh động, nồng ấm, thể hiện tình yêu vợ con, quê nhà của tác giả sâu nặng vô chừng.
Chiều hôm ấy, mọi người được liên hoan một bữa cơm với thịt gà kho gừng, canh bí xanh nấu xương gà, hai món mà Hoài ưa thích và đích thân “đạo diễn”. Riêng Tiến, vì ốm, được dành riêng một đùi gà nấu với cháo đậu xanh, húp nóng, toát mồ hôi!
Cơm xong, Hồng đi hái lá vối về làm một nồi đậm đặc chiêu đãi mọi người. Anh họa sĩ - nông dân này rất tháo vát, năng nổ, việc gì cũng chủ động làm. Bên chiếc bàn đá lớn ở sân, mọi người ngồi uống bát nước vối đậm tình quê. Rồi Hồng giở cặp, cho mọi người xem những bức ký họa mà mình vừa vẽ trong chuyến công tác vừa qua.
Sau đợt càn, bao giờ cũng có những ngày yên bình. Bầu trời Trà My tịnh không một bóng máy bay, chỉ có những đám mây trắng lặng lẽ trôi. Cũng không một tiếng pháo nổ uỳnh oàng. Dòng sông Trường rì rào đổ nước về xuôi. Thỉnh thoảng vang lên tiếng chim cu hót “cúc cù cu... cu...”, điểm nhịp là tiếng chim bìm bịp khắc khoải: ”Bíp... bịp... bíp... bịp...” . Hoài ngồi sát bên Hồng, vừa xem tranh, vừa nghe Hồng kể về sự tích từng tác phẩm. Trải lên bàn bức ký họa một cô du kích đang giương súng lên ngắm, Hồng giải thích: “Đây là cô Ba, một du kích Điện Bàn, mới mười tám tuổi, đã tiêu diệt năm tên lính Mỹ khi chúng đến gây tội ác ở Điện Ngọc!”. Với bức tranh một bà già da mặt nhăn nheo, nụ cười móm mém, Hồng nói: “Đây là má Tám, có bốn người con là liệt sĩ, nhưng má vẫn ngày ngày nấu cơm nuôi du kích!”. Thấy bức ký họa chỉ vẽ một hang đá, với tảng đá chắn trước cửa hang, Hoài hỏi: “Bức này có ý nghĩa gì?”. Hồng lắc đầu, mắt nhìn xa xăm: “Đây là một câu chuyện bi hùng, mình chưa nghĩ ra cách diễn tả!”. Hồng kể, đây là chiếc hang đá mà đài Minh Ngữ của Thông tấn xã Quảng Đà dùng làm nơi ở, làm việc. Hằng ngày, từ nơi này, phát ra những bản tin do phóng viên viết gửi về Thông tấn xã Giải phóng, qua điện đài. Một ngày, nơi này bị oanh tạc. Một quả bom rơi gần, nổ tung, bê nguyên một tảng đá lớn lấp kín cửa hang. Trong hang có hai điện báo viên. Họ vẫn sống, nhưng không thể nào thoát ra được. Anh em bên ngoài cũng không thể nào di chuyển được tảng đá để cứu đồng đội. Tảng đá bít kín đến nỗi không thể đưa thức ăn, nước uống vào hang. Qua từng ngày, tiếng kêu gọi trong hang đá lặng dần, lặng dần, rồi im hẳn! Hồng bảo: “Vẽ thế nào cho được cảnh ấy? Nghệ thuật nhiều khi bất lực trước chiều sâu của cuộc sống!”. Hồng còn đưa ra trên chục bức ký họa nữa, với đủ loại nhân vật, từ anh lính trẻ bộ đội chủ lực, tới một đoàn bộ đội hành quân, từ anh du kích bắn máy bay, tới đội dân quân chống càn, bức nào cũng sinh động, tràn đầy khí thế hào hùng tấn công và nổi dậy của quân dân Quảng Đà. Một điểm chung trong các bức ký họa mà Hoài nhận thấy, là gương mặt tất cả các nhân vật đều ngời sáng, biểu hiện một tinh thần lạc quan, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Xem tranh của Hồng, một hiện thực hào hùng được tái hiện sinh động, trong lòng Hoài lại bùng lên nỗi khao khát được xuống đồng bằng sống trong lòng dân, tham gia tấn công và nổi dậy, để có những bài viết xứng đáng góp phần cổ vũ cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.
Đêm ấy, Hoài và Hồng dường như không ngủ, nhỏ to đủ mọi chuyện. Hồng đi B trước Hoài, đã giúp đỡ Hoài rất nhiều, từ việc dạy cho cách buộc gùi tới cách phát rẫy hoặc chống trả những cơn sốt rét. Có lần hai người vào rừng chặt hũ đoác, Hoài hăng hái leo lên, hạ gục ngọn đoác xuống. Hồng bảo: “Làm như thế, sẽ rất khó róc vỏ cây lấy hũ. Thôi, bỏ đi. Chặt cây khác, nhớ vạc dần vỏ vào cho tới khi lấy được hũ đoác ra, chứ đừng hạ cây xuống!”. Dạo ở A9, Vượng vào Quân khu, Hoài và Hồng ở cùng nhà, thường cùng Nga nghe chương trình sân khấu truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vào các tối thứ bẩy, mà vở kịch họ thích nhất là Tiền tuyến gọi. Đêm rừng lạnh lẽo, bụng người nào cũng lép kẹp, nhưng chẳng ai kêu than, mà chỉ chăm chú nghe câu chuyện diễn biến qua tiếng nói của các diễn viên. Họ thấy như được sống cùng các nhân vật kịch, thêm nghị lực vượt qua thiếu thốn, gian khổ.
Với Hoài, giọng nói ấm áp, nụ cười vô tư, hành động chân tình, chu đáo của Hồng chính là nguồn động lực lớn giúp anh mau chóng làm quen, đứng vững, rồi vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến trường, giữ vững tình yêu nghề nghiệp và khát vọng cống hiến. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Hồng là chuyến đi Quảng Đà. Hồng và Hoài được cử xuống gặp đoàn của anh Quyền để nhận một số phương tiện nghiệp vụ do cơ quan ngoài Bắc gửi vào. Nhận đồ đạc, nghỉ một ngày, sáng hôm sau Hoài và Hồng rủ nhau xuống Sơn Phúc mua một ít hàng. Hai người chỉ có trách nhiệm xuống Quảng Đà, nhận vật tư, rồi về. Song muốn thấy đồng bằng một chút nên họ liều đi. Đường xuống dần, trườn qua những đồi lúp xúp, cây cối thưa thớt. Qua một quãng rừng, Hoài thấy có mấy hố bom lớn, dấu tích của lũ máy bay B52. Cây cối tơi tả. Đất đai nhừ nát. Bên đường có những mảnh quần áo rách và ở một vài đám đất có nhặng bu đến - từ đó mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chắc có anh nào xấu số bị bom xé vụn ra, rải xác khắp nơi. Hai người tiến gần đến vùng giáp ranh - nơi tiếp giáp giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm. Có những người mang hàng đi ngược chiều với hai người. Họ cho biết tình hình rất căng. Bọn biệt kích ở núi Chóp Nón luôn luôn kiểm soát con đường vượt ranh. Hễ phát hiện người là chúng bắn đạn súng cối đến hoặc gọi pháo nã tới. Do vậy phải vượt ranh vào sáng tinh mơ hoặc sẩm tối. Hồng và Hoài định tranh thủ vượt ranh buổi trưa, tối đó mua hàng và sáng sau về sớm. Ai cũng ngăn họ: chớ nên liều lĩnh. Hoài và Hồng bàn cãi mãi: đi hay không đi. Một mặt mong được thấy đồng bằng, một mặt sợ xảy ra chuyện gì sẽ bị kỷ luật. Vừa bàn cãi vừa đi xuống. Sắp tới con đường dưới chân núi Chóp rồi. Đường vắng ngắt, không một bóng người, chỉ có những hố bom, những thân cây đổ ngổn ngang. Hoài bỗng nghe hai tràng súng máy nổ đanh, ròn. Ai bắn đấy? Hồng bảo hình như du kích bắn máy bay. Một lúc sau, Hoài thấy một cậu bộ đội trạc mười tám mười chín tuổi tay xách dép hớt hải chạy tới. Cậu ta cho biết mình vượt ranh, bị bọn biệt kích phát hiện. Chúng không nã cối mà bắn đạn thẳng tới. May mà không trúng. Hoài và Hồng dừng lại bàn bạc: Thôi, quay lên kẻo chết uổng mạng, lại bị kỷ luật. Nếu là đi công tác thì dù ác liệt đến mấy cũng phải vượt qua, đằng này lại tự ý đi mua hàng...
Hai người quay lại, xa dần gò Đu. Tại đó có xác hai người bị biệt kích Mỹ bắn chết cách đây đã lâu. Không ai chôn cả, giờ đây hai cái xác chỉ còn là hai bộ xương, lồng hai bộ quân phục mục nát.
Chuyến đi ấy, tuy không có điều kiện vẽ tại chỗ, nhưng ấn tượng sâu sắc đã giúp Hồng vẽ nên mấy bức ký họa sinh động về gò Đu, về chiến sĩ vượt ranh. Tình yêu nghề nghiệp, khát vọng cống hiến của người nghệ sĩ lúc nào cũng rừng rực trong Hồng, giúp anh vượt qua mọi khó khăn một cách nhẹ nhàng và cứ mỗi lẫn gặp khó khăn, anh lại có tác phẩm mới.
(Còn nữa)
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-am-rung-cho-a1316.html