Cây đa cây đề trong làng bóng đá Việt Nam

Ba anh em nhà họ Trần ở phường Vị Xuyên thành phố Nam Định không hề biết đâu là khổ khi được chơi bóng đá. Với họ, đá xong trận bóng ở đường phố, ra giếng nước gần sân, ngửa cổ tu ừng ực từng gáo nước mát lành là đã tâm can.

cay-da-cay-de-bong-da-1654920468.jpg
 

 

“Góc thành Nam, lều một căn

No nước uống, thiếu cơm ăn…”

Vậy mà ba anh em nhà họ Trần ở phường Vị Xuyên thành phố Nam Định không hề biết đâu là khổ khi được chơi bóng đá. Với họ, đá xong trận bóng ở đường phố, ra giếng nước gần sân, ngửa cổ tu ừng ực từng gáo nước mát lành là đã tâm can.

Ngoại trừ ông con trai thứ 2 tên Trần Duy Lân, sinh tháng 2 năm 1943, đá cho đội Điện lực Hải Phòng, sau giải nghệ về làm chuyên môn kỹ thuật thuần túy, còn lại ông anh cả Trần Duy Long và cậu em út Trần Duy Ly lại gắn bó với bóng đá Việt Nam cả đời người. Không những vậy, đây lại là những người góp phần làm nên lịch sử bóng đá Việt Nam đương đại.

Ông Trần Duy Long

Ông Trần Duy Long, còn gọi là Long “Ki-ép” sinh tháng 12 năm 1941 tại Vị Xuyên, Nam Định. Năm 1949 gia đình ông Trần Duy Long chuyển về Hải Phòng sinh sống. Cả 3 anh em đều lớn lên trong chiếc nôi bóng đá Hải Phòng.

Ông Trần Duy Long đến với bóng đá từ khi còn học tiểu học (1950-1954) trên sân đất Bonal, Sông Lấp (Hải Phòng). 1955-1957 ông là thành viên đội tuyển bóng đá trường trung học Phan Chu Trinh – Một đội tuyển nổi tiếng Hải Phòng. Năm 1956, đội bóng đá Công an Hải Phòng đặc cách nhận ông vào ăn tập khi ông còn đang theo học trường trung học. Năm 1957, ông thoát ly gia đình, ra Hồng Gai làm công nhân cơ khí và tập luyện, thi đấu cho đội bóng đá Hồng Quảng cùng các đồng đội Uông, Chính, Mấm… nên ngay một số trang sử của bóng đá nước nhà, có tư liệu còn ghi ông Long là người gốc Quảng Ninh.

Năm 1959, vừa tròn 18 tuổi, ông Trần Duy Long được triệu tập tham gia Đội tuyển Thanh niên Việt Nam đi tập huấn và thi đấu tại Liên Xô, Ba Lan, Hunggari, Bungari, CHDC Đức trong thời gian 3 tháng. Hết đợt tập huấn, ông được giữ lại trường Huấn luyện Kỹ thuật TDTT TW– Đội tuyển quốc gia thường trực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời chiến tranh. Tại Trường huấn luyện và Đội tuyển Quốc gia, ông cùng ông Lê Thế Thọ (Thọ “lắc”) là cặp bài trùng tiền vệ tổ chức, dẫn dắt lối chơi thông minh với phong cách bóng đá hiện đại, khác hẳn với những Lão tướng Trường Huấn luyện đã thành danh từ thời Pháp thuộc, đang nắm giữ những vị trí chủ chốt ở Đội tuyển Quốc gia.

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn nhớ mãi ông Trần Duy Long và các đồng đội đã chiến thắng Đội tuyển Thanh niên Liên Xô với tỷ số 1–0 năm 1966. Đây có thể dùng từ hiện đại là “Cơn địa chấn” của bóng đá Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, vẫn khuất phục các cầu thủ đến từ nền thể thao hùng mạnh nhất khối XHCN.

Năm 1967 ông Trần Duy Long bị chấn thương sân cỏ, buộc giải nghệ. Ông được cử đi học Đại học TDTT tại Kiev – Liên Xô (Nay thuộc Ucraina).

Ông Trần Duy Long gắn bó máu thịt với Đội bóng đá Tổng cục Đường sắt.

Ở cương vị cầu thủ, cương vị HLV, ông Trần Duy Long đã góp phần đưa đội TCĐS đoạt ngôi Vô địch toàn quốc lần đầu tiên năm 1980, ngay sau ngày đất nước thống nhất và là vị HLV hạnh phúc nhất khi dẫn dắt đội TCĐS vào Nam ngay sau ngày giải phóng, đại diện bóng đá miền Bắc, đấu với đội Cảng Sài Gòn, đại diện bóng đá phía Nam.

Thời điểm ấy dân phía Nam vẫn bị tuyên truyền là “Việt cộng bảy người ôm một cọng đu đủ không gãy”, nên khi thấy đội TCĐS thắng oanh liệt đội Cảng Sài Gòn 2 – 0, họ bất ngờ và thán phục.

Đời cầu thủ, được tham dự trận cầu lịch sử đã là một vinh dự trong đời. Giành chiến thắng trong trận đấu được nhân dân cả nước dõi theo, niềm vui sướng được nhân lên gấp bội.

Sau năm 1984, ông Trần Duy Long chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, tham gia chỉ đạo công tác đào tạo trẻ và hỗ trợ kinh nghiệm cho các CLB tại thành phố Hồ Chí Minh khi thi đấu tại giải vô địch quốc gia.

Ông Trần Duy Long từng là HLV trưởng đội tuyển quốc gia, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Cựu cầu thủ Việt Nam…

Đến tận bây giờ ông vẫn chăm lo cho các hoạt động sân cỏ tại thành phố Hồ Chí Minh và đỡ đầu cho các phong trào bóng đá quần chúng.

Ông Trần Duy Ly

Ông út Trần Duy Ly không sánh được anh cả Trần Duy Long về đẳng cấp cầu thủ, nhưng ở cương vị người quản lý bóng đá nước nhà, những bước thăng trầm của bóng đá Việt Nam đều có sự hiện diện của người đàn ông có tâm và có năng lực này.

Từng là tuyển thủ Đội tuyển học sinh Hải Phòng (1963), ông Trần Duy Ly theo học khóa 1 trường Đại học TDTT (Từ Sơn – Bắc Ninh). Tốt nghiệp năm 1967, ông Trần Duy Ly được giữ lại, làm giáo viên bộ môn bóng đá của trường.

Năm 1972, dù là giáo viên, ông vẫn cùng các sinh viên của trường gia nhập quân đội trong đợt “Lính sinh viên 1972” – Đợt nhập ngũ hào hùng đầy bi tráng của thế hệ sinh viên miền Bắc Việt Nam.

Năm 1975, khi nước nhà thống nhất, ông Trần Duy Ly về công tác tại Phòng TDTT quân đội, phụ trách đào tạo bóng đá trẻ đội Quân khu Ba, trợ lý chuyên môn tại Phòng TDTT quân đội thuộc Cục Quân huấn.

Năm 1987 ông Trần Duy Ly chuyển ngành sang Tổng cục TDTT, được cử tham gia thành viên Ban tổ chức và làm Giám sát trận đấu Giải vô địch Quốc gia suốt từ năm 1987 đến 1997.

1997 đến 2005, ông Trần Duy Ly làm Chánh văn phòng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), rồi Phó Chủ tịch Thường trực VFF. Có thời điểm từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2003, ông Trần Duy Ly là Quyền Chủ tịch VFF.

Bóng đá Việt Nam thời kỳ đầu sau thống nhất đất nước còn bề bộn, manh mún, cát cứ và có những lúc như cõi hỗn mang với những chuyện “đi đêm”, móc ngoặc, xin điểm, bán độ…

Thời kỳ bóng đá Việt Nam chập chững bước vào cách làm chuyên nghiệp (2001-2005), những người làm bóng đá nước nhà có tâm như các ông Trần Duy Ly, Phạm Ngọc Viễn, Trần Văn Mui, Nguyễn Sỹ Hiển, Vũ Hạng, Phạm Quang, Đoàn Thành Lâm, Ngô Xuân Quýnh…đã chung tay, vượt qua những khó khăn thời bao cấp, đưa bóng đá Việt Nam phát triển ổn định trong xu thế chung tiến tới nền bóng đá chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Thế hệ những người tiên phong trong trào lưu đổi mới bóng đá Việt Nam đã được ghi danh trong lịch sử bóng đá Việt Nam và xứng đáng là Thế hệ Vàng những nhà quản lý bóng đá Việt Nam.

Riêng với ông Trần Duy Ly, bom đạn giặc thù ông còn không sợ, vậy những chiêu trò gian dối, man trá trong các hoạt động quản lý bóng đá đâu làm khó được ông.

Mai kia, lớp trẻ thông minh sẽ có những nghiên cứu kỹ càng về giai đoạn này, nhưng chỉ biết khi ông Trần Duy Ly đã lớn tuổi, đã nghỉ hưu, Công ty CP Bóng đá Việt Nam vẫn tha thiết mời ông trở lại làm Trưởng Ban tổ chức giải đấu khi đã ngoài 70 tuổi.

Tính cương trực thẳng thắn của người lính, tính nho nhã mực thước của người đàn ông phố thị, sự thấu hiểu bóng đá Việt Nam đã khiến ông Trần Duy Ly giành được sự tôn trọng của các bạn nghề. Trong các đời Trưởng giải V-League, ông Trần Duy Ly là người được đánh giá cao về khả năng tổ chức và sự công tâm.

Cố Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Đoàn Thao đã từng nhận xét : “Anh Trần Duy Ly và nhiều anh ở Liên đoàn Bóng đá là người của công việc, hết lòng vì bóng đá”.

Đồng nghiệp Nguyễn Hồng Thanh, vừa là “Quân sư”, vừa là Chủ tịch CLB Bóng đá SLNA mỗi khi gặp Trần Duy Ly, đều cất lời chào thân tình và cảm phục : “ Chào người làm bóng đá tử tế”.

Với chức năng quản lý bóng đá, ông Trần Duy Ly vinh dự khi được mọi người trong giới khen tặng như vậy. Đó là hạnh phúc tột cùng của người làm bóng đá Việt Nam.

 

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cay-da-cay-de-trong-lang-bong-da-viet-nam-a13172.html