Tôi mua vé tàu hỏa từ Lào cai về Hà Nội. Từ ga Hà Nội mua vé tàu vào TPHCM.
Khi cha tôi hi sinh tôi mới 1 tuổi, cuộc sống như vòng lũ xoáy, như cơn lốc kéo miết cuộc đời tôi đến tận năm 36 tuổi tôi mới thoát khỏi vòng xoáy cuộc đời. Giống như một chiến binh cho dù vượt qua những điều nghiệt ngã nhất, tôi vẫn mang nhiều thương tích đầy mình. Cái vết thương trong trái tim. Trong tâm hồn được ngụy trang dưới vỏ bọc một người phụ nữ nhỏ nhắn ưa nhìn. Khiêm nhường và tiềm ẩn sự mạnh mẽ sắc bén dù thời gian ngồi ghế nhà trường có hạn.
Một mình quyết định lên đường tìm hài cốt của cha. Cuộc hành trình bắt đầu từ những cuộc điện thoại qua đồng đội của cha. Lấy được ngày nhập ngũ, ngày hi sinh, đơn vị và trận đánh mà cha tôi đã hi sinh.
Cuộc gọi đầu tiên tôi gọi cho tổng đài tư vấn khách hàng. Gặp nhân viên tư vấn hỏi đáp các mục, tôi xin số đơn vị của cha tôi. Rất nhanh được các cán bộ Sư đoàn 320 hướng dẫn gọi các số điện thoại cần thiết. Cuối cùng gọi điện đến Bộ Nội vụ và điểm cuối là liên lạc với Sở thương binh xã hội TPHCM.
Tiếng một vị cán bộ vang lên, trả lời tôi: “Đúng rồi chị ơi, bố chị người Đoan Hùng- Phú Thọ. Hi sinh ngày 29/4/1975 tại Đồng Dù, Củ Chi. Hiện đang nằm tại nghĩa trang An Nhơn Tây.”
Tôi bồi hồi xúc động người như trên 9 tầng mây. Cảm nhận được mình vô cùng may mắn. Sắp tìm được cha rồi. Tôi làm thủ tục đi thăm cha ngay. Việc đầu tiên là nhờ anh ấy in cho một văn bản xác nhận cha tôi hiện nằm tại nghĩa trang liệt sỹ An Nhơn Tây chuyển phát nhanh về Lào Cai.
Chỉ sau hai ngày tôi đã nhận được văn bản chứng nhận của sở TBXH TPHCM. Tôi mừng lắm, nhanh chóng hoàn tất thủ tục vào nam.
Trên chuyến tàu toa giường nằm có 4 người được xếp vào một khoang, hai cậu thanh niên và một người đàn ông trung niên. Tôi chưa đi xa vậy bao giờ. Cứ nghĩ 1.700km sẽ đi mấy ngày đường, nên tôi chuẩn bị trứng gà luộc cả chục, nước ngọt cả lốc, bánh trái hoa quả cả bịch to; khi đọc thời gian trên vé tàu mới biết chỉ 38 giờ là đến nơi. Tôi biết mình không dùng hết đồ ăn mang theo. Mời tha thiết mọi người ăn giúp kẻo sẽ hư mất. Sáng ra mới có thời gian nhìn rõ người đàn ông trung niên. Anh rất thận trọng không ăn thứ gì tôi mời. Và không tham gia chuyện trò gì. Khi nghe thủng câu chuyện biết tôi đi tìm cha mình, lúc này anh mới bắt chuyện. Anh bảo: “Hôm qua lên tàu, anh nghĩ em là kẻ lừa đảo. Tại mang bao nhiêu đồ ăn mời mọi người chắc để đánh thuốc để lấy trộm đồ của khách thôi. Giờ mới biết em đi tìm cha.” Từ đó dọc chuyến đi anh làm người hướng dẫn viên du lịch cho tôi. Tới đâu cũng được anh giới thiệu rất rõ lịch sử từng vùng. Đến Nha Trang anh chia tay tôi xuống tàu. Vì anh công tác ở TP Nha Trang và không quên dúi vào tay tôi 500 ngàn nói là cầm đi đường uống nước. Rồi vội vã xuống tàu không để tôi kịp từ chối, không kịp nói lời cảm ơn, về sau tôi mới biết anh là giáo sư sử học.
Khi đặt chân xuống ga Sài Gòn, tôi hỏi thăm đường đi về Củ Chi. Đến được bến xe Củ Chi hỏi thăm về nghĩa trang An Nhơn Tây. Gặp mấy bác xe ôm làm giá: Đi đến đó 40 ngàn. Năm 2009 lúc ấy tiền một ngày lao động phổ thông cũng chỉ 40- 50 ngàn trên một ngày công.
Bác xe ôm hào hứng đưa tôi đi về nghĩa trang An Nhơn Tây. Lúc bắt khách thì mặc cả giá xe ôm cho chặng đường. Nhưng đi đọc đường hỏi chuyện khách. Qua câu chuyện của tôi bác xe ôm lại tỏ ra rất quý khách. Bác bảo: “Em vào tìm ba em thì anh chở giúp em một chuyến có sao đâu. Cần đi đâu thì cứ gọi anh khắc giúp cho. Khổ thân em 36 năm mới có thể đi tìm ba của mình. Những người đi tham gia kháng chiến hi sinh nhiều lắm. Họ quá thiệt thòi. Nhiều người chết vô danh, gia đình không thể tìm được.”
Cuối cùng tôi cũng đã đến được nghĩa trang. Trả tiền bác xe ôm tôi cảm ơn bác. Trước khi rời đi cứ dặn mãi: “Em cần đi đâu thì gọi anh đưa đi tiền bạc không quan trọng em nhé.”
Liên lạc với ban quản trang tìm đến ngôi mộ cha mình. Ông nằm giữa bạt ngàn đồng đội. Đứng trước dòng tên tuổi của cha khắc trên tấm bia trước mặt. Tôi đổ gục trên nấm mộ của cha. Khóc nức nở cả giờ đồng hồ không sao nín được. Tại vì trong tôi không muốn tin rằng cha mình đã mất. Vẫn còn nuôi chút hi vọng mong manh rằng ông lạc đâu đó. Một ngày nào ông sẽ trở về bên tôi có thể mù lòa, không lành lặn. Tôi sẽ sung sướng ào ra ôm lấy cha mình. Tôi sẽ hạnh phúc có cha. Khóc đã thấm mệt tôi đứng lên đi vào trung tâm nghĩa trang nơi đặt những ngôi mộ to ở hai hàng danh dự. Các chức danh, cấp bậc của anh hùng liệt sỹ. Lòng tôi đau sót vô cùng. Tôi thấy mình thật nhỏ bé giữa vô vàn các chú các bác nằm đây. Thắp hương xong trên đài tưởng niệm. Tôi thấp hương cho cha rồi lặng lẽ đi một vòng trong khuôn viên bao la ấy. Nơi có 10 ngàn ngôi mộ của các liệt sỹ. Lòng tôi thương xót tái tê. Vừa đi, vừa muốn nói với mọi người: “Con là con gái của cha con nhưng con là con của lính. Con của hết thẩy mọi người nằm lại nơi đây. Những người luôn mãi mãi tuổi 20; cống hiến cả thanh xuân cho đất nước. Cho con được làm con của tất cả. Cho con được hôn lên bàn chân của mọi người. Những người lính đã hy sinh vì giang sơn Tổ quốc.”
Niềm yêu thương, tôn kính vô bờ . Bàn chân tôi cứ đi, dẫn tôi đến một khu rộng lớn. Những ngôi mộ để chữ vô danh, tim tôi sắt se đau. Tôi hiểu các chú, các bác không bao giờ có cơ hội được về quê với người thân. Cha con tôi vẫn may mắn hơn họ,
Sau một năm, tôi đã đưa cha về quê nhà. Nơi có mẹ tôi, có bác tôi, chú tôi, những người họ hàng và đồng đội cha tôi mong đợi.
Tôi đã hoàn thành được nguyện vọng lớn nhất của đời tôi. Qua chuyến đi tôi cảm nhận được sự quan tâm từ mọi người. Các cơ quan nhà nước, anh giáo sư chưa kịp biết tên, bác xe ôm, đội quản trang… Những những người tôi gặp trên chuyến đi ấm áp tình người. Đầy ắp sự yêu thương đùm bọc.
Cuộc đời vẫn tươi đẹp lắm. Vẫn đáng yêu lắm. Xã hội chuyển màu hồng trong trái tim tôi.
______________
Đây là câu chuyện có thật, về một người con của người chiến sĩ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (nay là 390), Quân đoàn 1 đã hy sinh trước ngày toàn thắng.
Chuyện làng quê
Trịnh Trọng Tiến Nhung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-chuyen-chan-chua-tinh-nguoi-lan-dau-tien-den-tp-ho-chi-minh-tim-cha-a13178.html