Hắn đi học vỡ lòng trước tôi cũng mấy năm. Thời chúng tôi bắt đầu đi học vỡ lòng, sau đó, nếu học hết phổ thông thì phải học 10 năm nữa, khi mà không bị "đúp" năm nào, với 3 cấp học 1, 2, 3.
Thời chúng tôi học nó thế. Học phổ thông, kể cả lớp vỡ lòng chuyện phải học đúp, ở lại học từ 2 đến 3 năm một lớp là chuyện rất bình thường. Vì thế cho nên, khi vào học cấp 1, đến lớp 3 thì chúng tôi học cùng nhau, nên bây giờ về quê tôi với hắn vẫn được coi là đồng môn!
Trước khi tôi vào học cấp 3 thì hắn cũng cố bươn trải để tốt nghiệp cho được cấp 1. Hắn không học tiếp, vì hắn đã đến tuổi thanh niên. Hắn nghỉ học, sau đó địa phương gọi hắn đi bộ đội.
Thực ra, do học dốt, nên hắn cũng đã muốn bỏ từ lâu. Nhưng bố hắn, một trong những người bần, cố nông lãnh đạo cách mạng. Trước đây bố hắn tham gia các phong trào đấu tố nhiệt tình, năng nổ để cố mà kiếm miếng ăn, nên cũng được họ cho đứng vào hàng ngũ của Đảng, mặc dù lão không đọc thông, viết thạo. Bình dân học vụ chỉ giúp lão ký được cái chữ loằng ngoằng và ghi được họ tên mình bên dưới!
Ấy thế mà lão cũng được làm Trưởng Công an xã, vì lão là Đảng viên. Mà đã là Đảng viên thì phải xếp làm lãnh đạo!
Bố mẹ hắn cố ép bằng được hắn học để có tý bằng cấp mà!
Cực chẳng đã, nhưng hắn phải nghe lời, tuân theo mệnh lệnh sắt!
Hắn đi bộ đội, khi đó chuẩn bị giải phóng miền Nam, nên huấn luyện được rút ngắn, vừa hành quân vào Nam vừa huấn luyện. Hắn to cao, có sức vóc, hắn vào miền Nam, một thời gian sau đó giải phóng. Hắn được phân về trại cải tạo bọn Ngụy quân, Ngụy quyền, đâu ở Bình thuận. Mấy năm sau, do hắn không có bằng cấp 2, nên được ra quân, trở về địa phương.
Vào bộ đội, nên hắn cũng được kết nạp Đảng vì có lý lịch tốt, bố hắn là Đảng viên mà!
Hắn về địa phương sau khi rời quân ngũ, bố hắn vẫn còn là Trưởng Công an xã. Hắn định vào làm chân Xã đội, nhưng đã có anh sỹ quan cấp úy về phục viên chiếm rồi, nên bố con hắn tính toán xin vào làm Công an xã.
Mấy năm sau, bố hắn nghỉ vì tuổi cao, sức yếu, nghiễm nhiên Trưởng Công an xã về tay hắn ngon ơ!
Bố bàn giao cho con, tốt quá còn gì bằng. Tre già thì măng mọc vẫn ở trong một bụi thôi mà. Đời con nối tiếp đời cha!
Trên cả tuyệt vời!
Cũng cần nói rõ thêm, khi hắn bỏ học, ở nhà, lúc đó vẫn là Hợp tác xã, hắn đi vào đội thủy nông làm công điểm giúp cha mẹ hắn. Hắn khỏe mạnh và láu cá. Hắn được kết nạp vào Đoàn TNCS, rồi nhờ cái láu cá và lại có khiếu văn nghệ, văn gừng hắn năng nổ vươn lên. Hắn được bầu làm Bí thư Chi đoàn. Hơn một năm sau khi vào quân ngũ, hắn được kết nạp vào Đảng.
Có lần tôi hỏi vui hắn:
- Này cậu, bạn là Đảng viên, bạn có biết cụ Các Mác là người nước nào không vậy!?
Hắn nhìn tôi, rồi mỉm cười, nói:
- Ông cứ hay đùa!
- Làm gì có ông nào tên là Các Mác!
Tôi kháy lại:
- Ông, cậu là Đảng viên mà không biết ông Các Mác là ông nào sao!?
Sau hồi suy nghĩ tỏ ra rất nghiêm túc, hắn vỗ tay lên trán, cười nói:
- Tôi nhớ ra rồi ông ơi!
- Không phải ông Các Mác đâu, đó chính là ông Mác Lê nin.
- Ông ta họ Mác, tên là Lê nin người nước Nga.
- Cậu không nghe câu nói chủ nghĩa Mác - Lê nin à!?
Tôi đành phải dắt hắn vào chính ngôi nhà hắn, tại đó có thờ các lãnh tụ Mác, Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh, v, v, ..., đọc rõ từng tên, chỉ cho hắn rõ từng người một, hắn mới trầm trồ và cám ơn tôi!
Nhưng dù sao hắn cũng còn hơn hẳn ông bố.
Bố hắn ngày xưa toàn thao thao bất tuyệt rằng:
- "Ông Lê Duẩn do cùng họ với ông Lênin, nên ông được Lênin cất nhắc làm lãnh đạo, lên làm Tổng Bí thư đấy thôi!"
Tôi nhìn hắn hồi lâu, rồi cười xòa, chẳng muôn nói gì thêm!
Sau khi rời quân ngũ hắn xin vào làm bảo vệ, hắn được chính bố hắn điều lên làm việc ở CA xã, phụ trách hình sự. Hắn năng nổ tích cực. Một thời gian sau, khi bố hắn nghỉ, hắn được người ta bầu chọn làm PCT xã kiêm trưởng CA.
Lần đó, tôi về quê lên xã gặp hắn để xin chứng nhận về hoàn cảnh gia đình, làm lại giấy khai sinh mới. Hắn đưa cho tôi tờ giấy trắng và nói:
- Cậu tự viết đi, họ tên, quê quán, con cháu ai, lý do xin chứng nhận, xác nhận, làm giấy tờ gì, v,...v, (lúc đó chưa có mẫu đơn in sẵn).
Tôi viết xong đưa cho hắn đọc, đọc xong hắn nói
- Cậu viết lại đi, chỗ này không được đâu, phải viết là họ tên bố, mẹ, phải thêm mở đóng ngoặc chữ cha bên cạnh chữ bố, vì là từ địa phương, có nơi dùng thế này, nơi dùng thế kia!.
Tôi ngạc nhiên hỏi!
-Sao, cứ phải bắt buộc thế à!?
Hắn nói:
- Ông học nhiều, đi nhiều mà chả biết gì cả. Ông không biết ở Hà Nội người ta đều gọi là bố, còn nơi khác như miền Trung chẳng hạn, họ lại gọi bằng cha hay sao!?
- Hà Nội là Thủ đô thì họ gọi là chuẩn xác nhất, nhưng phải để nơi khác họ cũng hiểu.
- Thôi cậu viết lại đi, rồi tôi chứng nhận cho.
Lắc đầu ngán ngẩm, nhưng tôi cũng đành làm theo, vì họ quy định thế mà. Không làm theo họ không xác nhận!
Đến bây giờ, lớn tuổi, hắn đã về hưu, thằng con trai hắn đầu nhà hắn cũng nối dõi tông đường, theo nghiệp ông, nghiệp cha. Sau khi hắn cố chạy lắm, cháu mới tốt nghiệp trung học ở trường vừa học vừa chơi (vừa học vừa làm) đóng tại xã dưới. Nghe đâu, nay đã trở thành trung tâm đào tạo cán bộ. Con trai hắn không phải đi nghĩa vụ, không đi đâu nữa cả, chỉ ở nhà hoạt động xã hội ở địa phương. Hình như có sự "sắp đặt, an bài của trời đất". Con trai hắn cũng lại làm ở Ban CA xã.
Nhưng thằng này được cho học nhiều, nên khôn ngoan và ma mãnh hơn hẳn cha và ông cậu ta.
Cậu ta được kết nạp vào Đoàn khi còn học bổ túc vừa học, vừa làm lớp cấp 3. Về địa phương được bố và ông dìu dắt, cậu ta được kết nạp Đảng khá sớm!
Là Đảng viên trẻ, thế rồi nhanh chóng, cậu ta được xã cử đi học nghiệp vụ ngắn hạn.
Học xong, trở về công tác, cậu ta cũng lại được sắp xếp, bố trí làm phó CA phụ trách hình sự.
Với thân hình cao to, nước da ngăm đen vạm vỡ lại thêm có chút tàn độc, cứng rắn, cậu ấy lại đang là nỗi khiếp đảm của đám trẻ ranh hay đùa nghịch, phá xóm, trộm cam, trộm ổi vặt vãnh.
Còn các bà buôn thúng, bán mẹt thì khỏi phải nói, nhìn thấy cậu ta cứ như thấy quỷ. Nhờ vậy trật tự tại địa phương nơi lề đường, cổng chợ ổn định hơn và nạn trộm cắp vặt cũng đỡ hơn nhiều.
Tất nhiên đối với các vị đại ca, giang hồ có máu mặt và vụ việc lớn thì cậu ta chịu!...
- Những công to, việc lớn, cái đó có trên lo - Cậu ta thổ lộ!
Lần đó, tôi về nhà, ở gần nhà tôi có chuyện vợ chồng anh hàng xóm xích mích, ghen tuông gì đó, sảy ra cãi, đánh nhau. Nặng đến nỗi phải gọi CA xã kéo quân vào can thiệp, giải quyết.
Thấy tôi về, có mặt ở đó can ngăn, cậu ấy đích thân mời tôi.
Tôi được mời ra làm chứng.
Sau khi lập biên bản sự việc xong, cậu ta đọc to lên cho tất cả mọi người có mặt cùng nghe. Khi đọc đến đoạn anh chồng cầm cái que có bán kính gần 20cm đuổi đánh vợ. Lúc đó tôi cầm chén nước, đang uống, tôi bật cười sặc cả nước, làm nước bắn cả lên bàn.
Cậu ta nhìn tôi nghiêm mặt nói:
- Chú làm ơn nghiêm túc vào, đây là trụ sở, nơi làm việc của chính quyền, không phải chỗ đùa cợt đâu (tôi là người làm chứng, lại đồng môn với ông bố nên cháu nó cũng có phần mềm mỏng hơn)!
Tôi vội vàng:
- Thành thật xin lỗi, tôi không cố ý, tôi bị sặc nước !
Đọc xong cậu ta đưa cho tôi xác nhận và ký!
Tôi đành phải viết, viết cho đúng, cho rõ ràng:
- "Tôi xác nhận anh chồng có đuổi vợ đánh và anh ta có cầm cái que to bằng ngón chân cái, chứ không phải anh ta cầm cây cột nhà đuổi đánh vợ!"
Xác nhận xong tôi được về, còn hai vợ chồng anh ấy thì phải ở lại để làm việc tiếp.
Hiện tại cậu ta đã là trưởng CA xã. Cậu ta lại có đầy đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ từ trung cấp lý luận chính trị, đến cử nhân này, cử nhân nọ. Nói chung, các văn bằng, chứng chỉ cậu ta đều tốt nghiệp tai trung tâm đào tạo cán bộ. Cái nơi mà cậu đã học và tốt nghiệp phổ thông vừa học vừa làm ngày xưa!
Bây giờ đi đâu, ngồi đâu cậu ta cũng vỗ ngực khoe khoang:
- "Cám ơn Đảng và chính quyền cho tôi được đi học. Nay tôi đã học hết chữ rồi, tôi trở về phục vụ nhân dân, xây dựng địa phương, ... !"
Đúng là cậu ta hơn hẳn cha, hơn hẳn ông mình ngày xưa, đó là thời gian, số lớp học, số văn bằng, chứng chỉ. Họ cố đào tạo cậu ta!
Chất lượng tri thức, trí tuệ chắc bố con, ông cháu nhà họ chẳng nhỉnh hơn nhau là mấy!
Riêng tôi, đối với cậu ta, tôi không hiểu trong bảng chữ cái tiếng Việt,... cậu ta học đã nhớ được hết các chữ chưa!?
Trái Tim Người Lính
Phạm Tuấn Giáo
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/truyen-thong-gia-dinh-thoi-buoi-nhieu-nhuong-a13211.html