Phó cạo xưa và nay

Chả biết vì lẽ gì? Trong từ điển lại gọi những người thợ lành nghề trong công việc nào đấy là "phó" mà không phải trưởng. Ví dụ như: phó cối, phó cả, phó mộc, phó nháy, phó cạo vv... và... vv.

287314024-732931681280770-5012894596080623630-n-1655174650.jpg
Ảnh minh họa

Mà thôi! cái này thì để dành cho những nhà nghiên cứu sâu về ngôn ngữ học. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến một cái nghề mà nó "sống dai" nhất trong mọi nghề. Có lẽ phải bắt đầu từ thời nguyên thủy, cho đến tận ngày nay.

Có những nghề vĩnh viễn mất đi, có nghề thì mai một, hoặc không còn "quý như vàng" bởi có sự can thiệp của công nghệ. Nhưng có nghề thì mặc cho cái sự hiện đại đến đâu, cho dù còn ăn hang ở lỗ, hoặc con người đi lại lên cung Trăng như đi chợ, thì nó vẫn phải hiện diện. Chỉ có sang hơn chứ không hề kém đi. Ấy là cái nghề chuyên đi vặn cổ người ta lấy tiền, tức là cắt tóc, dân gian gọi là "phó cạo". Từ quan lớn cho đến dân đen, kiểu gì cũng phải bị phó cạo vặn cổ.

Ngày xưa ......

Tức là cái thời tôi còn mặc quần thủng đít, lứa tuổi tôi còn nhớ cái giá cắt tóc lúc ấy là 5 xu hay 1 hào gì đấy, tôi chả nhớ rõ. Làng tôi cũng có một ông phó cạo. Những đứa trẻ "nhà có điều kiện" thì được bố mẹ dẫn lên phố huyện. Có đưa sang hơn thì ra hẳn Thủ đô, vừa cắt xong lại còn được xịt vào cái nước gì đấy, cứ phải gọi là thơm nức mũi, về nhà chả buồn tắm còn để ...khoe. Tôi thì hay cắt tóc ở nhà ông phó cạo làng. Có chuyện hay đáo để, tôi sẽ kể sau. Thậm chí có đứa nhà nghèo, còn phải chấp nhận cả cái đầu như "chó gặm" tức là bị phó cạo nửa mùa của nhà xẻo tóc bằng kéo, có đứa còn bị xẻo bằng liềm nữa mới lạ.

Ờ! nhắc đến mới nhớ, ở làng tôi có một ông cắt tóc cho con bằng liềm, hay đáo để, giá kể ra bây giờ thì lớp trẻ có thể trợn tròn mắt lên mà không tin. Nhưng mà có thật: nhà ông ấy có cái liềm cắt lúa, có răng cưa, nhưng chẳng hiểu làm sao ông mài mà nó sắc như dao cạo, mỗi lần cắt tóc cho mấy thằng ranh con, thì y như rằng cả xóm đến xem, ông múa như một nghệ sĩ, ông túm lọn tóc nào ra lọn tóc ấy, chuẩn từng sợi, xẻo ngon như ăn chân gà. Lúc ấy lũ trẻ ranh chúng tôi biết thế quái nào là nghệ thuật. Chỉ biết rằng: xẻo cao cao một tí "cho nó mát" như lời của mấy ông bà bô. Cũng là để lâu lâu mới phải mất tiền cho phó cạo.

Làng tôi có một ông phó cạo... Bây giờ tôi mới kể: ông là cựu chiến binh, cái chân ông khập khiễng từ hồi bị thương ở chiến trường. Tài sản và bộ đồ nghề của ông là một cái ghế... 3 chân, thật ra là 4, nhưng một chân phải bó bột bằng gốc tre, một cái kéo đen sì sì, và một quả "tông đơ" huyền thoại. Ông lấy tiền công chả theo giá cả nào sất, đứa nào có thì 1 hào, ít thì 5 xu. Thậm chí không đưa cũng chả sao, có đứa chảnh hơn thì bảo rằng: ít hôm nữa mẹ cháu trả. Ông cũng cứ ậm ừ cho qua, bởi ông biết: có mà đợi đến mùa quýt. Vậy đấy, phó cạo ở quê là thế. Thật ra thì đứa nào cũng được bố mẹ đưa tiền đi cắt tóc, nhưng lại cố bớt xén để lấy tiền ăn kem mới ra nông nỗi.

Cái giống cắt tóc ở chỗ ông phó cạo làng, kể ra cũng sướng. Ông đặt ghế ra ngoài bờ tre, móc cái gương vỡ một góc tư vào cành dong rồi hành nghề. Tiếng kéo lách ca lách cách, rồi tiếng tông đơ tành tạch, phải nói là buồn ngủ... thôi rồi. Những đứa trẻ vô tư như chúng tôi chả mấy mà lăn ra ngủ khò khò. Có một bận, tôi được mẹ cho 5 xu, đến thẳng nhà ông phó cạo. Chỉ sau vài đường tông đơ, tôi đã ngủ lăn quay. Khi tỉnh đậy, chả thấy ông phó cạo đâu cả, chỉ thấy bộ đồ nghề để bên cạnh. Tôi đồ rằng: chắc ông ấy thấy mình ngủ ngon nên không nỡ gọi. Móc túi ra đặt đồng bạc 5 xu vào cái ghế bị bó bột bằng gốc tre rồi lững thững về nhà.

Người đầu tiên nhìn thấy cái đầu của tôi là mẹ, bà tru tréo lên, rồi dậm chân bành bạch, không cho tôi biết lý do, cũng chẳng có thời gian để thanh minh. Mà lôi cổ tay tôi kéo xềnh xệch lên nhà ông phó cạo. Vừa lên đến nơi thì thấy ông ấy cũng đang ngó nghiêng như đang tìm kiếm tôi.

- Rõ khổ, tôi vào nhà sửa cái tông đơ, ra đến nơi chả thấy cháu đâu cả.

Ông kéo tôi ngồi vào ghế và tôi nhìn vào gương. Ôi dào, hóa ra mái tóc của tôi mới đi được vài nhát thì tông đơ bị hỏng. Nhìn nó còn hơn... chó gặm. Đến lúc ấy tôi mới có dịp nhìn kỹ cái tông đơ của ông phó cạo, nó có 2 càng, nhưng 1 càng bị gãy già nửa, phải bó bột, thân phận chả khác gì cái ghế 3 chân mà tôi đang ngồi. Tôi đoán rằng: cái tông đơ của ông ấy phải có từ thời Napoleon còn mặc quần soóc. Trông nó nham nhở đến thảm thương. Thảo nào mấy đứa trẻ cùng lứa với tôi nó kháo nhau rằng: tông đơ của ông nó... nhai tóc. Mỗi lần bị kẹt là ông lại nghiến răng nghiến lợi mà gỡ ra, có lúc phải dùng cả kìm, rồi cái cán tông đơ nó vỗ vào má tím đen. Rõ khổ.

Ông kể về lịch sử cái tông đơ này là từ hồi còn ở chiến trường, lúc ấy ông có chút khéo tay, nên trong quân ngũ ông trở thành phó cạo chuyên nghiệp, chả bao giờ phải cầm đến súng. Cái tông đơ là "chiến lợi phẩm" ông đem về. Mà đáng lẽ ra ngày ấy ông phải nộp lại, nhưng ông báo cáo bị mất và giấu tiệt trong ba lô. Ngày trở về, với ông như là báu vật để hành nghề, mặc dù nó khập khiễng như đôi chân của ông vậy.

Cho đến tận ngày nay ...

Cái nghề phó cạo nó đã tiến lên rất nhiều, nhưng đồ nghề vẫn chả khác xưa là mấy, cái kéo thì bằng sắt không gỉ, trắng hơn. Vẫn là cái gương, vẫn là cái tông đơ nhưng toàn hàng nhập ngoại hoặc hàng sản xuất trong nước. Nhưng êm ái hơn nhiều, chứ không tành tạch như tông đơ của ông phó cạo làng quê tôi ngày xưa. Đến anh cắt tóc dạo, hoặc bác cắt tóc ở gốc cây ngoài lề đường, hay những người làm trong những Salon có máy lạnh thổi phà phà, thì cũng đều dùng hàng xịn như nhau.

Chỉ có khác chăng là cái bảng hiệu. Nào là Sa lon, nào là hớt tóc nghệ thuật. Có những cửa hiệu sang trọng còn chưng lên biển quảng cáo là "Cây kéo vàng" để thể hiện đẳng cấp. Chứng tỏ nghề phó cạo bây giờ đã nâng lên tầm cỡ nghệ thuật, chứ không phải là cắt "cho nó mát" như ngày xưa. Thế rồi những tiệm cắt tóc thanh nam, thanh nữ mọc lên như nấm. Nhân tiện, tôi kể cho cả nhà nghe: có một lần tôi hớt tóc "thanh nữ". Mọi lần tôi thường hay cắt tóc của cái lão hấp gần nhà. Chả biết hôm ấy "động cỡn" thế nào? Tôi lượn một vòng rồi sà ngay vào một tiệm cắt tóc thanh nữ. Bởi tôi nghĩ: con gái kiểu gì tay chân chả mềm mại hơn con trai.

Kể cũng sướng, con bé cắt tóc cứ gọi là xinh như mộng. Đôi trái bồng đào của nàng cứ lắc lư, rồi khi tỉa tót, nàng cứ đưa qua đưa lại. Nhìn... phát sốt. Lúc gần xong, nàng ghé sát tai tôi thì thào: có vào trong "thư giãn" không anh? Lúc ấy lồng ngực tôi đập loạn xạ, chả còn phương hướng nào. Tôi lắc đầu cứ như ăn phải bả. Tôi chả dại, bởi tôi có nghe loáng thoáng mấy thằng bạn kháo nhau. Chả biết vào trong ấy thư giãn kiểu gì? Nhưng lúc đi ra thì chàng nào chàng nấy chân cứ vẹo như cái chạn mục.

Tôi xin kiếu! Khi em phó cạo vừa đặt đồ nghề cái... cạch, thì tôi vội vàng hỏi giá và móc ví trả tiền. Suýt ngả ngữa vì giá đắt gần gấp 3 lần giá của lão phó cạo gần nhà. Tôi chạy một mạch từ bấy đến nay mà không một lần ngoảnh lại. Hóa ra, ở đời có ai người ta cho ngắm đôi bồng đào miễn phí bao giờ.

Xin thành thật xin lỗi những em cắt tóc thanh nữ "vị nghệ thuật chân chính". Thôi! Dài quá mất rồi, tôi ý định chỉ viết vài dòng, nhưng lan man quá thành ra dở hơi. Rất mong quý vị nào "nghiền" nát hết bài này của tôi và có những chuyện hay về phó cạo, kể cho tôi nghe và... thỉnh giáo.

Sài Gòn

Chuyện Làng quê

Đỗ Đức Thắng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/pho-cao-xua-va-nay-a13240.html