Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 22.

9 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1884, phái đoàn Pháp do Khâm sứ  Pôn Cơ hơ nác dẫn đầu, tháp tùng có đại tá Gơ ri ê và thuyền trưởng Oan lác rơ me cùng 185 sĩ quan và binh lính từ tòa Khâm sứ bờ Nam sông Hương sang hoàng thành Huế. Gơ ri ê ra lệnh:

-Phải để cho toàn bộ phái đoàn Pháp đi vào cửa Ngọ Môn.

  Tôn Thất Thuyết cho người ra đáp:

-Lối chính cửa Ngọ Môn là lối chỉ giành cho hoàng đế Đại Nam đi, không ai được phép đi lối ấy.

 Hai bên dằng co nhau, cuối cùng, chỉ có 3 tên cầm đầu phái đoàn Pháp được đi cửa Ngọ Môn, còn tất cả phải đi theo cửa và đường hai bên.

chnguyen-van-tuong-1655215266.jpg

Nguyễn Văn Tường đại thần phụ chính của nhà Nguyễn. Nguồn: Internet.

 

Cuộc đấu tranh của phái chủ chiến như lập vua mới không hỏi ý kiến Pháp, như viết văn bản trả lời không bằng chữ chính thức nhà nước, không cho phái đoàn Pháp đi lối giữa của Ngọ Môn nhằm bảo vệ quốc thể cho triều đình, nhưng đã làm cho tòa khâm sứ Pháp tức giận. Pháp quyết tâm loại bỏ Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, đập tan phái chủ chiến của triều đình Huế.

  Bấy giờ triều đình Huế chia làm hai phái. Phái chủ hòa có Trần Tiến Thành, Nguyễn Hữu Độ, Gia Hưng Quận Vương… Sau khi vua Hàm Nghi lên ngôi, phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đứng đầu mới nắm trọn quyền hành và đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Pháp. Tôn Thất Thuyết cố gắng tổ chức lại lực lượng kháng chiến ở miền Trung và miền Bắc. Ông ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm đã về Huế sau trận Hưng Hóa (12-4-1884) quay ra hoạt động ở Sơn Tây, Trương Quang Đản hoạt động ở Bắc Ninh, Tạ Hiện hoạt động ở Nam Định, Thái Bình; Phạm Vũ Mẫn và nhạc phụ của Tôn Thất Thuyết là Nguyễn Thiện Thuật hoạt động ở Hải Dương, Hưng Yên. Tại Huế, vào tháng 1 năm 1884, Tôn Thất Thuyết đã lập đội quân Phấn Nghĩa và giao cho do Trần Xuân Soạn trực tiếp chỉ huy để sẵn sàng ứng phó ở kinh thành. Quân Phấn Nghĩa đã lên đến hàng vạn người, bí mật chuẩn bị cho ngày tổng phản công.

  Tôn Thất Thuyết còn cho xây dựng căn cứ chống Pháp. Tại Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị, ông cho xây dựng chiến khu, từ đó có thể mở rộng ra miền núi, các miền trung du miền Trung với Hà Tĩnh-Nghệ An-Thanh Hóa. Tân Sở có đường từ Việt sang Lào và sang Xiêm La. Tôn Thất Thuyết cho vận chuyển lương thực, vũ khí ra Tân Sở. Tại Tân Sở duy trì 1.000 quân, 20 khẩu đại bác, cho cất giấu hơn 300.000 lạng vàng chuẩn bị cho chiến đấu lâu dài.

  Tại kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết cho đặt 300 khẩu thần công trên mặt thành, dựng các tấm phên đan bằng mây, tre, bọc da trâu để hạn chế bớt sự công phá của đại bác Pháp.

  Lợi dụng Pháp vừa bại trận ở Bắc Lệ, Bắc Giang với quân Cờ Đen và quân Thanh, Tôn Thất Thuyết gửi công hàm cho Pháp. Viên Khâm sứ Lơ me tơ rê đang ngồi trong dinh uống rượu cùng các sĩ quan thì có thuộc cấp vào báo:

-Dạ, có người của triều đình Huế đến trao công hàm.

-Cho vào.

  Khâm sứ Lơ me tơ rê cầm công hàm mở ra đọc. Công hàm viết: “Nhân danh đức hoàng đế Đại Nam, đòi các ngài phải rút quân khỏi Mang Cá. Đòi các ngài không được bắt bớ quan lại ở Bắc Kỳ. Hoàng đế phản đối việc khám xét tàu thuyền của người Việt Nam trên các sông, trên các cửa biển. Yêu cầu các ngài phải nộp tiền thuế khai thác các mỏ khoáng sản, than, vàng, bạc, nộp thuế buôn bán thuốc phiện".

  Lơ me tơ rê đập bàn tức giận:

-Cần phải nhanh chóng loại bỏ phái chủ chiến, loại bỏ Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường càng sớm càng tốt.

  Vừa lúc đó có viên sĩ quan phụ tá bước vào:

-Dạ bẩm Khâm sứ, có chỉ thị của ngài Bộ trưởng ngoại giao Pháp.

  Lơ me tơ rê bóc chỉ thị đọc. Chỉ thị viết: “Không thể không trừng phạt những hành vi của viên Thượng thư bộ binh nước Nam. Ngài hãy cho triều đình nước đó biết rằng chúng ta không chịu để cho ông Thuyết ở chức vụ Phụ chánh lâu hơn nữa. Ngài hãy đòi người ta bãi chức ông ấy và đưa đi xa”.

  Lơ me tơ rê uống thêm cốc săm pa nhơ và nói:

-Đã đến lúc hành động quyết liệt rồi.

  Lơ me tơ rê vừa dứt lời thì sĩ quan phụ tá vào báo:

-Dạ bẩm Khâm sứ.

-Có việc gì?

-Dạ, có ngài Đơ cuốc xi vừa được chính phủ Pháp bổ nhiệm làm toàn quyền quân sự, chính trị tại Bắc Kỳ, từ Hà Nội vào Huế muốn gặp ngài.

-Để ta ra đón ngài.

  Lơ me tơ rê ra ngoài cổng tòa Khâm sứ đón Đơ cuốc xi. Khâm sứ thấy ngoài Đơ cuốc xi còn có nhiều sĩ quan và nhiều binh lính châu Phi da đen. Lơ me tơ rê bắt tay Đơ cuốc xi. Đơ cuốc xi giới thiệu:

-Đây là ngài tiểu đoàn trưởng chỉ huy tiểu đoàn châu Phi Nét di e rơ.

  Lơ me tơ rê bắt tay Nét di e rơ. Đơ cuốc xi nói thêm:

-Tiểu đoàn châu Phi có 16 sĩ quan và 870 binh lính, một lực lượng hùng hậu tăng viện cho ngài để ngài thanh toán viên Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết.

-Xin cảm ơn các ngài.

  Lơ me tơ rê nói rồi đón Đơ cuốc xi, các sĩ quan cùng binh lính vào dinh khâm sứ, ra lệnh cho sĩ quan phụ tá:

-Đưa binh lính của tiểu đoàn châu Phi về doanh trại và cho ăn uống no say.

-Dạ, tuân lệnh.

-Còn nữa, ra lệnh cho nhà bếp chuẩn bị tiệc để ta khoản đãi ngài toàn quyền quân sự chính trị Bắc Kỳ và các sĩ quan đây.

-Dạ, tuân lệnh ngài Khâm sứ.

  Trong tiệc, sau khi chạm cốc no say, Đơ cuốc xi nói:

-Cái nút thắt của vấn đề Việt Nam là ở Huế. Ngoài tiểu đoàn lính châu Phi, tôi sẽ điều động thêm tiểu đoàn quân sơn cước do ngài Bôi nét chỉ huy gồm ba sĩ quan và 157 binh lính.

  Khâm sứ Lơ me tơ rê nói:

-Cảm ơn ngài toàn quyền quân sự chính trị Bắc Kỳ. Hiện nay tổng cộng lực lượng được ngài tăng viện cộng với lực lượng có sẵn ở Huế thì số binh lính đã có 1.024 người cùng 19 sĩ quan các cấp. Xin mời ngài toàn quyền và các ngài nâng cốc chúc cuộc hội ngộ, chúc mừng thắng lợi loại trừ được phe chủ chiến, loại trừ được Tôn Thất Thuyết của triều đình Huế.

 Cả bọn nâng cốc tràn săm pa nhơ, chạm cốc và cạn. Đơ Cuốc xi nói:

-Ta sẽ cho mời Tôn Thất Thuyết đến đàm phán và mai phục bắt ông ta ngay tại hội nghị.

  Lơ me tơ rê nói:

-Hay, kế hoạch của ngài đỡ tốn xương máu và thật gọn ghẽ nhanh chóng.

  Đơ cuốc xi gửi công hàm cho Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết mở công hàm đọc. Công hàm viết: “Ngài hãy mở cửa Ngọ Môn để toàn bộ phái đoàn Pháp đi theo con đường giữa để vào điện Cần Chánh thương nghị”.

  Tôn Thất Thuyết đáp bằng thư. Đơ cuốc xi mở thư đọc. Thư viết: "“Cửa Ngọ Môn lối giữa là nơi chỉ giành cho hoàng đế Đại Nam. Ngài là đại diện cho Thủ tướng Pháp nên được phép đi, còn tất cả phải đi cửa khác”.

  Trong cuộc đàm phán, Tôn Thất Thuyết chỉ để cho Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật đi hội nghị, còn Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không đi. Đơ cuốc xi nói:

-Bác sĩ Mu gin đâu?

-Dạ, có thuộc hạ.

-Ngài sang Tử cấm thành chữa bệnh cho quan phụ chính và bảo ông ấy ốm thì cũng phải nằm cáng mà đi thương thuyết.

-Dạ, tuân lệnh ngài toàn quyền.

  Hai giờ sau, bác sĩ Mu gin về và nói:

-Bẩm quan toàn quyền, ngài Tôn Thất Thuyết đuổi tôi về, không cho khám bệnh, cũng không chịu nằm cáng sang đây.

  Đơ Cuốc xi nói với Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật:

-Nếu các ngài muốn yên ổn thì trong ba ngày phải nộp 200.000 thỏi vàng, 200.000 thỏi bạc, 200.000 francs. Báo với vua Hàm Nghi khi phái đoàn Pháp vào triều đình thì phải bước xuống ngai vàng ra đón tiếp.

  Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật tức giận cho sự  ngạo mạn, láo xược, tham lam của tên thực dân cướp biển. Phạm Thận Duật đập bàn quát:

-Ngài từ xa đến là khách. Khách cậy thế mạnh láo xược với chủ là đạo lý gì vậy?

  Nói xong, Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật cùng phái bộ triều đình bỏ thương thuyết ra về. Thấy Tường và Duật về trong sự tức giận, Tôn Thất Thuyết nói:

-Đơ Cuốc xi và bọn cướp biển không có lòng hòa đàm, chúng chỉ kiếm cớ gặp chúng ta để sỉ nhục và đòi hỏi. Mục tiêu của chúng là thanh trừ phái chủ chiến, buộc chúng ta phải hoàn toàn khuất phục. Chuyện đã đến mức này thì chúng ta phải hành động thôi.

  Vừa lúc đó có lính do thám về báo:

-Dạ, bẩm quan Phụ chính, theo tin tức thì đêm 4 tháng 7 âm lịch, quân Pháp sẽ họp nhau ở tòa khâm sứ để khao thưởng quân lính và sĩ quan có nhiều chiến công trong việc xâm lăng Bắc Kỳ, mừng Bắc Kỳ đã hoàn toàn thuộc tay người Pháp.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Tốt lắm, nhân cơ hội chúng đang yến tiệc, ta sẽ tấn công bất ngờ tiêu diệt chúng.

  Tôn Thất Thuyết ra lệnh:

-Tướng quân Lê Trực đâu.

-Dạ có thuộc tướng.

-Đêm 4 tháng 7, tướng quân cho tất cả đại bác ở trên thành chĩa nòng hướng về tòa khâm sứ và đồn Mang Cá.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Tôn Thất Lệ đâu.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân chỉ huy 2.000 quân, nửa đêm vượt đến Nam sông Hương cùng với Thủy sư Đô đốc Hiệp Lý đánh vào tòa khâm sứ.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Xuân Soạn đâu.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân chỉ huy 2.000 quân tại kinh thành và Bắc sông Hương tấn công vào Trấn Bình Đài, tiêu diệt quân Pháp mới từ Hà Nội vào đang đóng tại đây.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL

       

                                                                       

       

                                                                       

       

                                                                       

                                                                       

       

                                                                       

                                                                       

                                                                       

                                                                       

                                                                       

                                                                        

                                                                       

                                                                       

                                                                       

                                                                       

                                                                        

                                                                       

                                                                        

                                                                       

                                                                       

                                                                       

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-22-a13266.html