Thương ai đội mảnh trăng khô đỉnh đầu

Tôi đọc tập thơ “ Xin gửi chút tình” của anh, và cuối cùng, ấn tượng nhất vẫn là những bài thơ ngắn. Hãy làm dài đường thơ của mình bằng những bài thơ ngắn, những bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu thôi, Phạm Thông nhé!

tho-pham-thong-1655306609.jpg
 

Thơ Phạm Thông thật thà chơn chất như con người anh. Mới gặp một lần, nhưng tôi cảm thấy ngay “tạng” người như anh rồi cũng khổ, nhiều khi ngồi chiếc ghế sát cạnh quan quyền mà lòng không vui, nhìn con sáo trong lồng vui hót mà chợt trào nước mắt:

“ Sáo ở trong lồng sáo vẫn vui

Lon ton nhảy nhót hót trăm lời

Ngoài kia nắng đẹp trời trong quá

Sáo hót sao mà nước mắt rơi” ( Sáo ở trong lồng)

Phạm Thông đã từng có những tháng năm đi kháng chiến trên rừng sâu núi thẳm “ Gập ghềnh chân bước đồi hoang/ Nghe chim trói cột gọi hoàng hôn rơi/”( Tìm em), đã từng giữa Trường Sơn bật khóc khi nghe tin Bác Hồ mất:

“ Tìm đâu ra dẫu một nén hương

Giữa đại ngàn nghe chim nức nở

Hoa chuối rừng đỏ nỗi tiếc thương” ( Nghe tin Bác mất)

Những câu thơ khóc Bác mộc mạc, những hình ảnh chân thực như lọc qua nước mắt. Người như Phạm Thông, sống kiên trung với lý tưởng của mình, chợt một ngày có cảm giác như lạc lõng giữa “kinh tế thị trường”:

“ Uống rượu giữa đám đông

Ngậm tăm vờ thằng ngốc” ( Uống rượu giữa đám đông)

Vờ ngốc thì không phải ngốc, nhưng có thiếu một chút “thức thời”, một độ “hoà nhập mà không hoà tan” chăng? Tôi rất phục những người thức thời, những người “hoà nhập” nhanh, dù nhiều khi chính họ cũng không biết mình đang hoà nhập vào cái gì. Nhưng tôi cảm thấy gần gũi với những người nhiều khi lạc lõng giữa một đám đông thức thời, thực tế, những người nhiều lúc không biết nói làm sao, biểu lộ thế nào cho phải đạo ? Mà “đạo” thời nay thì thay đổi khôn nguôi, biến hoá khôn lường. Thôi thì, những lúc một mình lại nhớ một mình: “ Đạn bom nhàu nát lời ru/ Mẹ thương con ở chiến khu không nhà/”( Xuân của mẹ), mẹ thương con ngày xưa, con thương mẹ bây giờ “ Củ khoai cong/Quấn mình trong cát/ Ngón chân mẹ già/Nguệch ngoạc giữa đường trưa/” ( Lời của cát). Thơ Phạm Thông cứ thủ thỉ lầm thầm như thế, như nói với ai mà hoá ra nói với mình, không dám khuyên can ai mà như tự vấn mình qua mỗi bước trầy trật đường đời. Những bài thơ ngắn chỉ 4 câu của Phạm Thông lại là những bài thơ “dài” về ý tứ, về độ nén của cảm xúc, về những không gian ngoài lời. Tôi nghĩ, nếu Phạm Thông dày công hơn cho những bài thơ 4 câu này, anh sẽ tạo cho mình một cách nói riêng. Thơ bất luận ngắn dài, nhưng tùy theo “ tạng” mỗi người, như Phạm Thông, mỗi khi viết những bài tứ tuyệt( tự do) anh lại trở về đúng cái chất thật và cả sự kìm nén nghệ thuật của mình. Tôi đọc tập thơ “ Xin gửi chút tình” của anh, và cuối cùng, ấn tượng nhất vẫn là những bài thơ ngắn. Hãy làm dài đường thơ của mình bằng những bài thơ ngắn, những bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu thôi, Phạm Thông nhé! Như bài “ Trăng khô” này, bài thơ 4 câu mà tôi cho là đặc sắc của Phạm Thông. Xin đọc và ngẫm những gì bên ngoài, bên trên và cả bên trong bài thơ ngắn ấy:

“ Nhón chân vói níu trời cao

Bàn tay hụt hẫng chạm vào hư vô

Đêm thâu bóng lạnh đời cô

Thương ai đội mảnh trăng khô đỉnh đầu”

Chính lúc nhìn thấy “trăng khô”, là lúc thơ bắt đầu “mọc” đấy! Viết thơ lục bát mà đạt tới độ cô đọng của thơ Đường như thế, cũng hiếm thấy!

 

Quảng Ngãi, tiết mạnh thu Mậu Tí - TT

 

 

 

thanh thảo

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuong-ai-doi-manh-trang-kho-dinh-dau-a13285.html