Đi mót lúa chét

Trong nỗi nhớ về ngày xưa của một người sinh ra và lớn lên từ làng, tôi nhớ thiết tha những mùa đi mót đặc biệt là mót lúa chét.

Đồng ruộng thì mênh mông, vậy mà đói nghèo vẫn đeo bám tuổi thơ tôi quanh năm, đặc biệt là những ngày giáp hạt. Nỗi nhớ quê xưa thành ra cứ day dứt, xót xa. Cứ như một vết cứa trong trái tim, thỉnh thoảng lại cồn lên. Và chợt thương tất cả những người cũ, những nghĩa tình và bài học làm người bất giác chợt thẳm sâu trong suốt tuổi thơ đói nghèo, cơ cực.

mot-lua-1655431235.jpg
Ânh minh họa do tác giả cung cấp.

Ngày ấy, vùng quê đồng chiêm Long Thành, Yên Thành của tôi như một cái rốn lũ của cả huyện dồn về. Tưới tiêu không chủ động chiêm khê, mùa thối, vì vậy đồng ruộng thì mênh mông nhưng người dân quê tôi chỉ canh tác được một vụ chiêm, còn vụ mùa phần đa đất ruộng bỏ hoang chờ ngày lụt tới. Cũng vì vậy mà những cây lúa vụ mùa đã bị trơ gốc rạ sau một thời gian cũng tự đâm chồi, tự lớn lên, tự mang những chét đòng đòng trổ bông và chín.

Không chăm sóc, không kỳ vọng, những cây lúa chét lên chồi như đứa trẻ mồ côi tự lớn lên trên gốc rạ quê mình. Phải vậy chăng mà cây lúa chét dẫu cỗi cằn nhưng cứng cáp không ngờ. Lũ trẻ chúng tôi bên cạnh những buổi chăn trâu bao giờ cũng đeo sau lưng cái rổ tre đi mót lúa. Bì bõm trong bùn đồng trên đồng dưới cứ thấy bông lúa nào cứng thân ngả vàng là ngắt bỏ vào rổ. Xóc xách vậy mà cả buổi cũng được một rổ lúa bông đầy. Chiều về, trên lưng trâu bụng căng tròn, chúng tôi nghễu nghện với rổ lúa chét oai phong như kẻ chiến thắng.

Bà nội tôi đem lúa ấy ra vò đạp bằng chân hoặc có khi ít bà lại dùng hai chiếc đũa kẹp lại tuốt từng bông lúa một. Không ai gặt, đập nổi mấy ngọn lúa chét này! Sau khi có lúa rồi, bà tôi sẽ đem đi luộc rồi phơi phóng, xay xát, dần sàng. Lúa chét mà không luộc chín đem xay thì hạt gạo sẽ nát thành cám hết, bởi lúa này thường ngắt xanh, hạt lúa lại còi cọc. Với lúa chét cũng không ai giã gạo bao giờ. Nhưng cơm gạo chét lại đặc biệt ngon.

Có lẽ đến bây giờ tôi chưa từng được ăn loại gạo nào ngon như thế. Càng nhai kỹ nên cơm càng ngọt và bùi. Dù là lúa chét nhưng mở nồi cơm ra vẫn thơm nức mùi gạo mới. Gặt liền, ăn liền có đâu để dành mà cũ được. Bà nội tôi đưa lọ muối vừng ra lắc lắc phần đứa cháu yêu những mảnh lạc vỡ to hơn dồn trên miệng ống. Với tôi, đó là báu vật của đồng. Ăn và hớn hở cười vì hạt lúa do chính tay mình kiếm được. Đâu đủ lớn khôn để thấy mắt bà và cha mẹ xót xa.

Những mùa lúa chét cứu đói cho dân tôi qua ngày giáp hạt vì mãi đến 6- 7 tháng sau mói đến mùa lúa mới. Những hạt lúa chét ngập trong mưa lụt cho lũ rô đồng béo vàng trên bát. Cái nghèo nhưng lại đầy tình nghĩa Bà tôi không ngần ngừ đem bát gạo cuối cùng cứu đói cho bà cố Viên nhà sát vách. Và ngày mai cố cùng đợi mùa vàng.

Những mùa lúa ấy chỉ còn trong ký ức. Chiêm mùa hai vụ nối nhau. Chưa dám nói để ăn ngon mặc đẹp nhưng cũng đủ người quê tôi no ấm. Bà nội tôi( cố Lệ) về nằm giữa mênh mông đồng bãi quê mình. Đêm trước ngày giỗ bà, tôi mơ thấy tay người lắc lọ muối vừng trên bát cơm gạo chét bà nấu ngày xưa…

Chiều qua, đi bộ qua xóm Đò Trần Phú, xã Hoa Thành xưa, này là thị trấn. Dọc bờ đê có mấy đám ruộng, chét đã lên xanh nỗi nhớ càng khắc khoải. Phải chăng đây là ngày xưa của tôi.?

Chuyện Làng  Quê

Nguyễn Hữu Đề

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-mot-lua-chet-a13314.html