Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)     

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.  

Kỳ 26.

Tôn Thất Thuyết ngồi lặng đi một lúc. Hình bóng hai con trai thương yêu hiện ra trước mắt ông. Một lúc sau, nén đau buồn ông nói:

-Đã quên mình, quên nhà dấn thân vì nước thì phải chấp nhận hy sinh thôi.

chphdinhphung-1655562007.jpg
Phan Đình Phùng (1847 – 1895) hiệu: Châu Phong, là nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam. Nguồn: Internet.

 

  Trong chiến đấu vì độc lập dân tộc, không thiếu gì những gia đình Việt Nam đã hy sinh nhiều người cho sự nghiệp thiêng liêng này, trong đó có gia đình Tôn Thất Thuyết. Cha ông là Đề đốc Tôn Thất Đính, cháu năm đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm 1885, trong khi kinh thành Huế thất thủ, ông tìm cách chạy theo theo vua Hàm Nghi thì bị giặc bắt ở Quảng Bình, bị đày ra Côn Đảo và mất ở đó ngày 5 tháng 7 năm 1893. Vợ Tôn Thất Thuyết là bà Nguyễn Thị Thành theo giúp vua Hàm Nghi, bất chấp gian nan khổ cực nên mất ở sơn phòng Quảng Trị ngày 26 tháng 9 năm 1885. Em ruột Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Lệ, Tham biện sơn phòng, chỉ huy cánh quân đánh vào tòa khâm sứ. Khi kinh thành thất thủ đã hộ giá vua Hàm Nghi và hoàng gia, đã hy sinh ở Mai Lĩnh, Quảng Trị, cản giặc truy kích cho vua và hoàng gia chạy thoát. Em ruột Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Hàm, tri huyện Nông Cống, Thanh Hóa, đang xây dựng phong trào Cần Vương thì bị giặc bắt, tuyệt thực mà hy sinh khi đang trên đường bị đưa vào Đà Nẵng. Hai con trai là Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đạm là những tướng lĩnh trong phái chủ chiến, hi sinh ở sơn phòng Quảng Bình khi bảo vệ vua Hàm Nghi. Con trai Tôn Thất Hoàng bị giặc bắt ở Cam Lộ, Quảng Trị, bị đày lên Lao Bảo và hy sinh tại đây. Con trai thứ chín của ông là Tôn Thất Trọng, khi 8 tuổi đã theo thủ lĩnh Cần Vương Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình. Về sau theo Phan Bội Châu đi Đông Du và mất ở nước ngoài. Cha vợ Tôn Thất Thuyết là Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh lừng danh của phong trào Cần Vương Bãi Sậy Hưng Yên, Hải Dương và một vùng rộng lớn đồng bằng Bắc Bộ. Con rể Tôn Thất Thuyết là Nguyễn Thượng Hiền, đỗ hoàng giáp năm 1892, được bổ nhiệm làm Quốc sử Quán, sau làm đốc học Ninh Bình. Năm 1907, Pháp phế truất vua Thành Thái, Nguyễn Thượng Hiền bỏ quan, đi theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Người đời đã tặng gia đình Tôn Thất Thuyết là “Toàn gia yêu nước”, tấm gương sáng chói của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên con đường hy sinh vì nghĩa lớn  của dân tộc.

  Tại Trung Quốc, Tôn Thất Thuyết đã nén thương đau, cùng các đồng chí của mình như Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thiện Thuật mua sắm vũ khí đưa về nước cho nghĩa quân Cần Vương đánh Pháp. Việc này kéo dài cho đến năm 1894, khi biên giới Việt -Trung bị đóng. Hầu hết các thủ lĩnh ở Bắc Kỳ đều liên hệ với Tôn Thất Thuyết. Ông đã xây dựng nhiều toán vũ trang từ Trung Quốc xâm nhập về nước đánh giặc. Tháng 6 năm 1892, Tôn Thuyết cho Lương Phúc đưa quân về đánh Pháp ở Hoành Bồ, Quảng Ninh mang danh nghĩa quân Hàm Nghi. Tháng 3 năm 1895, Tôn Thất Thuyết đánh vào Cao Bằng. Năm 1895, Pháp ở Đông Dương yêu cầu nhà Thanh quản lý Tôn Thất Thuyết và Lưu Vĩnh Phúc. Từ đó hoạt động của Tôn Thất Thuyết coi như chấm dứt. Cả cuộc đời chống Pháp của ông thất bại. Tuy  nhiên khi đó ông chưa biết được rằng phong trào Cần Vương do ông và vua Hàm Nghi khởi xướng dù không thành công nhưng đã làm chậm tiến trình xâm lược Đại Nam của Pháp tới 30 năm, chúng phải xâm lược lại những vùng đã xâm lược. Sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ Cần Vương đã nêu cao truyền thống bất khuất của dân tộc, đã để lại những tấm gương sáng chói, những bài học kinh nghiệm cho các thế hệ sau tiếp bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Anh hùng phẫn chí, Tôn Thất Thuyết thường cầm dao chém vào đá để trút mọi căm hờn quân xâm lược. Dân ở Long Châu, Quảng Đông gọi ông là "“Đả thạch lão" (ông già chém đá). Tôn Thất Thuyết mất tại Trung Quốc ngày 22 tháng 9 năm 1913, thọ 74 tuổi. Kính trọng ông là người trung liệt, đại thần  nhà Thanh là Lý Căn Nguyên đã xây mộ ông và dựng bia ở Thiên Quang. Nhân sĩ Quảng Châu có câu đối viếng ông: "Thù Tây chẳng đội trời chung muôn thuở anh hồn về Quận Tượng. Giúp chúa riêng  tìm cõi thác nghìn năm xương nát gửi Long Châu!”.

II.

  Đó là đầu tháng 10 năm 1885, sơn phòng thượng Âu Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong cây lá đồi núi mịt mùng, những làn gió lạnh thấu xương thổi thốc tháo khắp non ngàn, lá cây khua xạc xào, lá vàng rơi lả tả. Sương giăng trắng xóa che đi những tia mặt trời le lói. Rừng núi càng thêm âm u thần bí.

  Triều đình kháng chiến Hàm Nghi từ Sơn phòng Cam Lộ, Quảng trị nhưng không an toàn nên xa giá đã ra đây từ tháng 9 năm 1885.Trong căn nhà lợp lá cọ vách nứa, vua Hàm Nghi đang ngồi uống trà với Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp đứng bảo vệ hai bên. Chợt có Lê Trực vào báo:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, bẩm quan Phụ chính, có quan Tham biện sơn phòng, Tán lý quân vụ Hà Tĩnh Phan Đình Phùng từ căn cứ Vụ Quang xin vào gặp.

  Vua Hàm Nghi nói:

-Cho mời vào.

-Dạ.

  Phan Đình Phùng đi vào. Vua Hàm Nghi nhìn thì đó không phải là võ tướng mà là một văn quan đàng hoàng, nho nhã. Phan Đình Phùng quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

  Vua Hàm Nghi nói:

Miễn lễ, khanh đứng dậy đi.

-Tạ hoàng thượng.

  Phan Đình Phùng đứng dậy và nói:

-Chào quan Phụ chính.

Tôn Thất Thuyết nói:

-Mời quan Tham biện Tán lý quân vụ ngồi.

-Đa tạ quan Phụ chính.

  Tôn Thất Thuyết nói với vua Hàm Nghi:

-Hoàng thượng còn chưa biết, còn thần với quan Tham biện là quan đồng triều. Đại nhân Phan Đình Phùng đây là Đình Nguyên Tiến sĩ, đỗ vào năm 1877, quê ở làng Đông Thái, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh, từng giữ chức Ngự sử dưới triều tiên đế Tự Đức và Dục Đức. Đại nhân là người đầu tiên hưởng ứng chiếu Cần Vương của hoàng thượng, giúp vua đánh giặc cứu nước.

  Vua Hàm Nghi gật đầu hài lòng:

-Quả là một trung thần một lòng vì vua vì nước.

  Tôn Thất Thuyết mời:

-Mời ngài Tham biện xơi nước.

-Đa tạ, kính mời hoàng thượng, kính mời quan Phụ chính.

  Trong khi Phan Đình Phùng uống nước, Tôn Thất Thuyết nói tiếp:

-Mong đại nhân bỏ qua việc ta cách chức Ngự sử và cho ngài về quê khi ngài phản đối ta phế vị vua thân Pháp Dục Đức.

  Phan Đình Phùng đặt chén xuống và nói:

-Quan Phụ chính khi đó cũng vì triều đình, vì đất nước mà thôi. Ta mà để bụng thì đã không tới đây gặp ngài.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Thực ra ta biết ngài là bậc trung nghĩa nên cho về quê để gây dựng phong trào kháng Pháp ở Hà Tĩnh mà thôi.

-Đa tạ quan Phụ chính tin tưởng.

  Tôn Thất Thuyết hỏi tiếp:

-Hôm nay hoàng thượng triệu ngài vào đây là muốn biết phong trào Cần Vương ở Hà Tĩnh phát triển thế nào sau chiếu Cần Vương lần 2 ban xuống tại sơn phòng Hà Tĩnh?

  Phan Đình Phùng đáp:

-Tâu hoàng thượng, thưa quan Phụ chính, sau khi hoàng thượng xuống chiếu Cần Vương lần 2 thì ở Hà Tĩnh có khởi nghĩa của Lê Ninh ở làng Trung Lễ, Đức Trung, La Sơn, phủ Đức Thọ. Thứ hai là cuộc khởi nghĩa của Cao Thắng ở Hàm Lai, Sơn Lễ, Hương Sơn, thứ ba là khởi nghĩa của Lê Trạch và Nguyễn Chanh ở Can Lộc, thứ tư là khởi nghĩa của Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ ở Nghi Xuân, thứ năm là khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Thuận ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ở Nghệ An có khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhạ.

  Vua Hàm Nghi nói:

-Lê Ninh thì ta biết. Đầu tháng 10 vừa qua nghĩa quân của ngài ấy đã hạ thành Hà Tĩnh, bắt giết bố chánh Lê Đại phản nghịch, thân Pháp, đã kháng chỉ không ra đón ta khi xa giá về sơn phòng Hà Tĩnh. Sau chiến công này ta đã phong Lê Ninh làm Bang biện quân vụ.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Cha của Lê Ninh là Lê Khanh từng làm bố chánh Quảng Bình. Nhà Lê Ninh có 7 anh em yêu nước đều đi theo phong trào Cần Vương, thành những tướng lĩnh tài năng như Lê Diên, Lê Trực, Lê Võ, Lê Phác, Lê Hoạt, Lê Phất. Con Lê Ninh là Lê Nghệ còn nhỏ cũng đã tham gia đánh giặc. Thầy dạy võ nghệ gia đình Lê Ninh là Lê Năng. Họ đã khởi nghĩa từ chiếu Cần Vương lần thứ nhất mà hoàng thượng ban ở Tân Sở, Quảng Trị.

  Phan Đình Phùng nói:

-Tâu hoàng thượng, thần không chỉ biết mà còn hợp tác với Lê Ninh trong trận đánh bảo vệ căn cứ Đông Thái, thuộc La Sơn của thần và căn cứ Đại Đồn Trung Lễ của Lê  Ninh.

Tôn Thất Thuyết nói:

-Bây giờ nhiệm vụ của ngài là phải liên kết các cuộc khởi nghĩa thành một phong trào thống nhất mới thắng lợi được, muốn vậy phải có danh nghĩa quyền lực để chỉ huy quân Cần Vương bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Hoàng thượng hãy phong Phan Đình Phùng làm Thống đốc quân vụ đại thần, chỉ huy quân Cần vương bốn tỉnh.

  Vua Hàm Nghi nói:

-Ta phê chuẩn.

 Phan Đình Phùng quỳ lạy đáp:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

  Sau lần gặp vua Hàm Nghi và nhận trọng trách nặng nề to lớn, các thủ lĩnh ở Hà Tĩnh là Lê Ninh ở La Sơn, Nguyễn Duy Chanh, Nguyễn Duy Trạch ở Can Lộc, Cao Đôn ở Thạch Hà, Cao Thắng ở Cồn Chùa, Hương Khê đều về Đông Thái, huyện La Sơn, trở thành tướng của Phan Đình Phùng. Trước khi về với Phan Đình Phùng, các thủ lĩnh dưới sự lãnh đạo của Lê Ninh đã tấn công hạ thành Hà Tĩnh. Đêm mùa đông cuối năm 1886, toàn bộ vùng làng Đông Thái và chung quanh chìm trong bóng tối, cây cối, làng mạc ban đêm như mênh mông vô tận. Vài vì sao lấp lánh trên bầu trời lạc lõng. Gió lạnh thổi se sắt, rét cắt da cắt thịt. Doanh trại của nghĩa quân trải bạt ngàn trong đêm. Chỉ còn những người lính canh gác hoặc tuần phòng là còn thao thức với những ánh lửa lập lòe xé rách màn đêm. Trống canh đã điểm canh hai vang lên trong đêm trường tĩnh mịch.

(Còn nữa)

CVL

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-26-a13361.html