Giữ gìn phẩm chất trong sáng của người làm báo

1-giu-gin-pham-chat-trong-sang-1655636627.jpg

 

 

 

 

 

 

 

 

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

97 năm trôi qua, Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thế giới luôn vận động không ngừng, các giá trị, chuẩn mực về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng thay đổi để thích ứng. Một nhà báo tốt không có nghĩa là chỉ biết giữ cho “tròn mình”. Mà phải là một người có bản lĩnh, nhạy bén trong việc phát hiện, phán đoán, phân tích để tìm ra bản chất, xu hướng vận động của vấn đề.

Bản lĩnh nghề nghiệp giúp nhà báo "bắt" được mạch sống chủ đạo của xã hội để có cách thông tin phù hợp, hiệu quả. Làm sao để tác phẩm báo chí có sức sống, lay động dư luận xã hội, được công chúng ủng hộ. Hay nói cách khác là bằng trí tuệ, lòng say mê nghề nghiệp, nhà báo chân chính phải nhận thức và làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình để không phụ lòng tin, sự kỳ vọng của Nhân dân. Đó chính là đạo đức dấn thân của nhà báo. 

Để làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, người chiến sĩ báo chí phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác.

Đồng thời phải có đạo đức nghề nghiệp, phải luôn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng của Đảng, với mục tiêu “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; trung thực với chính mình, với người thân trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp, với lãnh đạo cơ quan báo chí, với nghề báo.

2-giu-gin-pham-chat-trong-sang-1655636560.jpg
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại buổi Họp mặt báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 18/6/2022, do Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức. Ảnh: Phạm Bình

Phải có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng; không ngừng học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức, văn hóa và phải xem những điều đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, là một chuẩn mực đạo đức cơ bản của nghề báo. 

Phải luôn đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích của bản thân; luôn gần gũi, sâu sát với đời sống của nhân dân để tác phẩm làm ra hướng tới nhân dân, phản ánh được đúng đắn những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Đồng thời, phải hướng dẫn, thuyết phục, tổ chức, giáo dục nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. 

Thường xuyên học tập, trau dồi để nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, chuyên môn và văn hóa. Chỉ có thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và phông văn hóa thì người làm báo mới có thể để đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mới có thể vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường, hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 

Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất trong sáng của người làm báo là hết sức quan trọng, là yếu tố cấu thành nên phẩm cách, bản lĩnh, tự tin vượt qua mọi thử thách, cám dỗ của đời sống xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ uy tín, danh dự của những người làm báo, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người chiến sĩ trên mọi mặt trận tư tưởng mà Đảng, nhân dân giao phó.

 

 

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giu-gin-pham-chat-trong-sang-cua-nguoi-lam-bao-a13381.html