Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.      

Kỳ 28.

Cao Thắng đứng dậy:

-Dạ bẩm Thống đốc quân vụ, qua thời gian ngài ra Bắc, chúng tướng ở nhà đã làm được ba việc lớn. Thứ nhất là di chuyển căn cứ lên miền núi, xây dựng đồn lũy kiên cố, cụ thể là xây được bốn khu căn cứ vững chắc. Thứ nhất là căn cứ Cồn Chùa ở Sơn Lâm, Hương Sơn, thứ hai là căn cứ Thượng Bồng, Hạ Bồng ở Tây Nam huyện La Sơn, thứ ba là căn cứ Trùng Khê, Trí Khê thuộc Hương Khê, thứ tư là căn cứ Vụ Quang, phía Tây Hương Khê, thứ năm là hệ thống đồn lũy dựa vào núi Thiên Nhẫn và núi Giăng Màn.

chhatinh24h-232-1655732217.jpg
 Tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân tham gia pghong trào Cần Vương chống Pháp tại Núi Động Voi, Tổ dân phố 3, Thị trấn Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh được khánh thành ngày 23/1/2022. Nguồn: hatinh24h.com.vn

 

Việc tiếp theo là chúng ta đã tập trung chế tạo vũ khí hiện đại gần như của Pháp. Chúng ta đã biết rằng quân Pháp trang bị cho bộ binh hơn hẳn chúng ta. Ngoài đại bác bắn xa, trúng đích, đạn rơi xuống thì nổ, phá hoại và sát thương rất khủng khiếp, bộ binh của chúng cũng được trang bị súng trường hiện đại. Chúng ta chưa thể chế tạo được đại bác như của giặc, nhưng có thể chế tạo được súng bộ binh như súng trường 1784 của Pháp, bắn nhanh, hiệu quả chiến đấu cao. Thưa Thống đốc quân vụ, chúng ta đã chế tạo được hơn 1000 khẩu súng trường hiện đại như vậy ạ.

  Phan Đình Phùng ngạc nhiên:

-Giỏi lắm, các tướng quân lấy mẫu từ súng trường của Pháp à?

-Dạ, bẩm Thống đốc quân vụ, trên đường Nghệ An-Hương Sơn, quân ta đã phục kích tiêu diệt đoàn lính áp tải những hòm bạc để trả lương cho lính đóng ở đồn Phố Châu, đã tiêu diệt 2 sĩ quan Pháp, 15 lính Việt, thu 17 súng trường, 600 viên đạn cùng mấy nghìn đồng bạc. 17 khẩu súng là súng bộ binh bắn nhanh của Pháp. Thuộc tướng đã cho tháo một khẩu ra thành từng bộ phận, xem xét kích thước của từng bộ phận và cho thợ rèn cứ theo kích thước đó mà rèn, mà đúc.

-Nguyên vật liệu thì tướng quân lấy ở đâu?

-Dạ, đồng, sắt thì thu gom trong dân như mâm đồng, nồi đồng đem dát mỏng mà cuốn lại. Thuốc súng thì từ diêm tiêu đào trong các hang núi. Lúc đầu chất lượng súng không đạt, thuộc tướng phải cử Cao Đạt sang Xiêm La học cách làm súng của người Anh và mua thuốc nổ. Nòng súng phải làm bằng thép non và khoan bằng thép già.

-Thợ rèn làm súng người ở đâu?

-Dạ, đó là các thợ rèn ở hai làng Trung Lương và Văn Trung, sau huy động cả thợ làng Vân Chàng.

-Súng này có hiệu quả bằng súng 1784 của Pháp không?

-Dạ, bẩm Thống đốc quân vụ, súng của ta kém hơn vì làm bằng phương pháp thủ công, lò xo kém nên bắn được 6 phát phải dội nước cho lò xo nguội mới bắn tiếp được, thứ hai là nòng không có rãnh xoắn (khương tuyến) nên đạn không đi xa được. Tuy vậy, súng này vượt trội hơn hẳn súng hỏa mai và mọi loại súng lạc hậu nhồi thuốc và đạn từ họng súng của ta, tốc độ bắn nhanh và chính xác không kém súng trường của Pháp.

  Phan Đình Phùng gật đầu:

-Đúng như tướng quân nói, đại bác của Pháp quá hiện đại. Tất cả các thành lũy của ta kiên cố như thành Gia Định, Đại Đồn Chí Hòa…đều bị đại bác chúng phá tan cho quân tràn vào. Đại bác của ta thì lạc hậu, không sát thương được chúng. Khi chúng tràn vào, quân ta chỉ có gươm, dao chưa lại gần để giết chúng thì đã bị súng bắn tay của chúng sát hại. Chế tạo súng trường kiểu Pháp phải có một nền công nghiệp máy móc hiện đại. Các tướng quân với thợ rèn nông thôn mà chế tạo được súng như vậy là quá giỏi, quá xuất sắc. Vũ khí này sẽ năng cao hiệu quả chiến đấu của quân ta. Nhưng 1.000 khẩu thì quá ít vì quân số của ta có thể lên tới vài nghìn. Có thể đúc súng nhiều hơn được không? Tướng quân Cao Thắng?

-Dạ, bẩm Thống đốc quân vụ, sắt, đồng lấy trong dân chúng ở Hà Tĩnh đã cạn kiệt, ta lại chưa khai thác được sắt, đồng, mà có khai thác được cũng chưa có công nghiệp luyện kim để luyện quặng thành sắt, thép thì mới dùng được. Ngành luyện kim này chúng ta chưa có ạ.

  Phan Đình Phùng buồn bã thở dài:

-Sự bảo thủ của triều đình đã giam hãm đất nước trong vòng lạc hậu, nghèo đói. Khi ta ở  triều đình, chứng kiến bao nhiêu lần ông Nguyễn Tường Tộ dâng sớ xin cải cách, duy tân đất nước đều bị các quan lại bảo thủ gạt đi. Hoàng thượng Tự Đức nghe theo bọn quan lại bảo thủ này nên bây giờ đất nước và chúng ta chịu hậu quả nặng nề là mất nước.

  Phan Đình Phùng buồn bã lại thở dài, lại uống nước tiếp. Cao Thắng và các tướng lĩnh cũng buồn bã im lặng. Một lát sau Phạn Đình Phùng mới nói:

-Thôi được, mưu sự tại nhân, thành bại tại thiên. Ăn cơm trưa xong, Thống lĩnh Cao Thắng cho dựng 5 bia, cho 5 xạ thủ bắn thử súng mới ta xem. Còn ngày mai ta sẽ cùng tướng quân đi xem các căn cứ mà tướng quân đã cho xây dựng.

-Dạ, thuộc tướng tuân lệnh Thống đốc quân vụ.

  Sau cơm trưa, tại thao trường Núi Nưa, căn cứ Vụ Quang, Cao Thắng cho dựng 5 cái bia bằng cót nứa, mỗi bia là một hình người cao 1m, giữa bia là một vòng tròn đen nhỏ làm tâm điểm. 5 người lính đứng cách xa 300m. Cuộc thử súng mới này có Phan Đình Phung tới xem. Khi người lính cầm cờ giơ lên và hạ xuống, một loạt tiếng nổ vang lên, 5 tia chớp vọt ra khỏi 5 nòng súng. 5 người lính chạy lại nhổ 5 cái bia đem lại cho Phan Đình Phùng xem. 5 viên đạn trúng vào vòng tròn đen giữa bia tạo nên lỗ thủng ngọt sắc và cháy xém. Phan Đình Phùng kinh hãi, còn toàn quân reo hò sung sướng. Phan Đình Phùng nói:

-Khá lắm, không kém gì súng trường của Pháp.

  Ngày hôm sau và mấy ngày tiếp theo, Cao Thắng và một vài lính cận vệ dùng ngựa dẫn Phan Đình Phùng đi thị sát đại bản doanh Ngàn Trươi và các căn cứ thành lũy mà Cao Thắng đã thiết kế và cho xây dựng.

  Sau bữa ăn sáng, tại tổng hành dinh Vụ Quang, Phan Đình Phùng họp và nói với các tưỡng lĩnh:

-Ta sẽ chọn căn cứ Vụ Quang làm tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa. Thứ hai, ngay lập tức các tướng quân cho người đưa tờ hịch của ta đến tất cả các thủ lĩnh nghĩa quân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa về Vụ Quang họp để thống nhất hành động đánh Pháp.

  Các tướng đồng thanh đáp:

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh Thống đốc quân vụ Đại thần.

                                    *        *

                                        *

Bấy giờ là tháng 9 năm 1889, những làn gió lạnh thổi cây lá reo lên xào xạc, cây cối đu đưa và rắc những lá vàng bay lả tả. Núi rừng Hà Tĩnh càng thêm âm u, huyền bí. Trên con đường từ Nghệ An lên Vụ Quang, thi thoảng có những tốp người ngồi trên lưng ngựa, mặc thường phục lái buôn phi nước đại về bản doanh Hương Khê của Phan Đình Phùng. Đó là những thủ lĩnh của nghĩa quân Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa theo lời mời của Thống đốc quân vụ Đại thần Phan Đình Phùng về Vụ Quang thống nhất lực lượng, hành động chống giặc cứu nước. Ngay gần Tổng hành dinh Vụ Quang, trên các ngã đường thấp thoáng có những đội quân mai phục sẵn sàng đánh chặn quân Pháp tấn công, bảo vệ cho cuộc họp, bảo vệ các thủ lĩnh.

  Sau khi đến nơi, các thủ lĩnh được bố trí nơi ăn, nơi nghỉ, được Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh Hương Khê như Cao Thắng, Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, Cử nhân Phan Quảng Cư, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Can, Phan Đình Phong, Nguyễn Mục, Phan Bá Niên... tiếp đón trọng thị. Ngoài các toán quân mai phục bịt các con đường vào Vụ Quang, Cao Thắng còn cho 500 binh sĩ bí mật bảo vệ, qua hai ngày họp bàn, 15 thủ lĩnh các địa phương phát biểu. Ngày cuối cùng, Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, người ghi chép cuộc thảo luận đọc lời kết luận coi như nghị quyết của các thủ lĩnh như sau:

Thứ nhất, các thủ lĩnh đồng lòng tôn Đình nguyên tiến sĩ, Thống đốc quân vụ đại thần Phan Đình Phùng làm Tổng chỉ huy nghĩa quân bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Thứ hai, dưới quyền chỉ huy của Thống đốc quân vụ đại thần có 15 quân thứ ở các tỉnh:

1.Khê thứ thuộc nghĩa quân Hương Khê do thủ lĩnh Nguyễn Thoại chỉ huy.

2.Can thứ là nghĩa quân ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh do thủ lĩnh Nguyễn Chanh và Nguyễn Trạch chỉ huy.

3.Lai thứ là nghĩa quân ở tổng Lai Thạch, huyện Can Lộc do thủ lĩnh Phan Đình Nghinh chỉ huy.

4.Hương thứ là nghĩa quân ở huyện Hương Sơn do thủ lĩnh Nguyễn Giao chỉ huy.

5.Nghi thứ là nghĩa quân ở huyện Nghi Xuân do thủ lĩnh Ngô Quảng, Hà Văn Mỹ chỉ huy.

6.Cẩm thứ là nghĩa quân ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh do thủ lĩnh Hoàng Bá Xuyên chỉ huy.

7.Thạch thứ là nghĩa quân ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh do thủ lĩnh Võ Phát chỉ huy.

8.Diệm thứ là nghĩa quân ở làng Tình Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh do thủ lĩnh Cao Đạt chỉ huy.

9.Lễ thứ là nghĩa quân ở làng Trung Lễ, huyện La Sơn, Hà Tĩnh do thủ lĩnh Nguyễn Cấp chỉ huy.

10.Kỳ thứ là nghĩa quân huyện Kỳ Anh do thủ lĩnh Võ Phát chỉ huy.

11. Anh thứ là nghĩa quân ở huyện Anh Sơn, Nghệ An do thủ lĩnh Nguyễn Mậu chỉ huy.

12. Diễn thứ là nghĩa quân ở huyện Diễn Châu, Nghệ An do thủ lĩnh Lê Trọng Vinh chỉ huy.

13. Thanh thứ là nghĩa quân ở Thanh Hóa do thủ lĩnh Cầm Bá Thước chỉ huy.

14.Bình thứ là nghĩa quân ở Quảng Bình do thủ lĩnh Nguyễn Thu chỉ huy.

15.Lệ thứ là nghĩa quân ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình do thủ lĩnh Nguyễn Bì chỉ huy.

-Như vậy, chúng ta có 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 binh sĩ. Những thủ lĩnh chỉ huy quân thứ là 15 vị, hôm nay đều có mặt đông đủ tại đây, đều là những tướng lĩnh có năng lực, uy tín và một lòng vì nước, vì dân. Chúng tôi tin rằng các ngài sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

  Ngừng một lát, Phan Trọng Mưu nói tiếp:

-Toàn bộ nghĩa quân trong 15 quân thứ trang bị giống nhau, đó là quân phục màu nâu, lưng buộc đai màu xanh, cờ hiệu là cờ ngũ săc, cờ của triều đình hoàng thượng Hàm Nghi. Trang bị vũ khí là những vũ khí thông thường gươm, dao, súng hỏa mai. Nhưng Cao Thắng và các tướng lĩnh ở Hương Khê đã sáng tạo và rèn được 1.000 khẩu súng trường bắn nhanh kiểu của Pháp 1784, chiến đấu rất hiệu quả. Nay chia đều cho 15 quân thứ. Về địa phương, các ngài dựa theo đó mà đúc nhiều thêm thì tốt. Về lương thực, chúng ta phải dựa vào sự đóng góp của bách tính. Sau đây xin các vị thủ lĩnh nghe Thống đốc quân vụ Đại thần, Đình nguyên Tiến sĩ căn dặn các vị vài lời.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-28-a13413.html