Giữa những năm 70 của thế kỷ trước, tôi nhiều lần được diện kiến người đàn bà làm thơ giàu năng lượng sống: Nữ sĩ Ngân Giang.
Bà ở bãi Nghĩa Dũng, khi đó còn thưa thớt người. Dọc hai bên đường còn nhiều khoảng đất trống. Nhà nữ sĩ nhỏ, thấp lụp xụp. Chếch một chút về phía đầu đường có một quán nước chè lợp lá gồi, chỉ thưng liếp tre mặt phía trong. Trong quán, cốc chén và mấy lọ kẹo bày lên chiếc chõng tre cũ kỹ, ọp ẹp. Những đoạn gỗ chắp vá vào mấy cái chân.
Nữ sĩ ngồi sau chiếc chõng tre, gầy, nhỏ thó. Cặp mắt lồi ẩn sau chiếc kính mắt dày như đít chai. Tuy vậy, thần thái của bà toát lên vẻ tự tin, khoáng đạt. Bà hờ hững nhận gói mỳ chính tôi gửi biếu. Tôi có cô bạn làm nghệ thuật ra mắt nhà chồng tương lai. Lén mang theo một ít mỳ chính và vào bếp trổ tài nữ công gia chánh và được bà mẹ chồng tương lai tấm tắc khen con bé nấu món gì cũng thấy ngon ngọt và dễ ăn. Vì vậy, tôi cầu kỳ kiếm cả tuần mới ra gói mỳ chính này.
Bà dục tôi mau ngồi trên chiếc ghế con kê bên cạnh chõng. Lấy cái chai nhỏ trong hộp các tông bên cạnh, bà mời tôi uống rượu để xua đi cái lạnh chiều cuối năm. Thấy tôi chỉ xin chén nước chè, bà vẫn rót rượu ra hai ly nhỏ rồi mới rót cho tôi chén nước chè.
Bà khoe dạo này vẫn khỏe, vẫn làm thơ đều. Không cần đến sách, bà khẽ khàng đọc tôi nghe một vài bài thơ. Nhấp thêm ngụm rượu, bà lại đọc bài thơ “Kính dâng các bậc anh hùng dân tộc” do bà sáng tác rồi tự tay thêu trên tấm vóc đại hồng để tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Hồ Chủ tịch đã cảm tạ và tặng lại bà hai câu thơ:
Mấy lời cảm tạ Ngân Giang
Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.
………………..
Tôi lặng người nhìn bà, ngồi lọt thỏm trong chiếc quán đơn sơ mà vẫn toát lên vẻ oai phong của nữ chủ soái Thi đàn dạo nào.
Bà tên thật là Đỗ Thị Quế. Bút danh là Ngân Giang, Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên…
Quê bà ở thôn Hướng Dương, Thường Tín, Hà Đông nhưng bà được sinh ngày 20/3/1916 trong một gia đình có truyền thống Nho học và bốc thuốc tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Ông ngoại là hậu duệ của chúa Trịnh Sâm và ông nội của bà là nho sỹ Bắc Hà, bạn tâm giao của thi hào Nguyễn Du. Bà học chữ Hán từ cha, chữ quốc ngữ học ké của thày bên hàng xóm và bác gái dạy cách làm thơ rồi truyền tình yêu thơ Đường cho bà. Vì vậy, mới lên 8 tuổi, bà đã có bài thơ “Vịnh Kiều” để đăng báo Đông Pháp với bút danh đầu đời là Nguyệt Quyên. Năm 16 tuổi, bà đã in tập thơ Giọt lệ xuân với bút danh Hạnh Liên do nhà xuất bản Tân Dân ấn hành. Năm 20 tuổi bà viết cho tờ Ngọ Báo. Năm 22 tuổi bà vào Sài Gòn, viết cho Điện tín nhật báo, báo Mai rồi trở ra Hà Nội viết cho Tiểu thuyết Thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Đàn bà…
Khi văn đàn cuốn theo trào lưu Thơ mới, bà vẫn chung thủy với thể thơ Đường luật, điển hình là tập Tiếng vọng sông Ngân với những cảnh đất lạnh, xóm nghèo, chợ chiều, sông quạnh…, dù thấm đẫm tình yêu cuộc sống nhưng âm hưởng chung là man mác buồn.
Bà được tôn vinh là Nữ hoàng Đường thi Việt Nam. Gia tài thơ bà để lại cho hậu thế là hơn bốn nghìn bài. Số lượng lớn thi ca đấy, trước bà không có ai và sau bà cũng chẳng có nhà thơ nào đạt được.
Chiều cuối năm, vui chuyện, bà kể mình đã nhiều lần từng uống rượu và tỷ thí thơ tại Nghinh phong quán ( tên gọi bà đặt cho căn gác nhỏ ) cùng với các thi nhân và văn sỹ cùng thời như Vũ Hoàng Chương, Phạm Huy Thông, Bích Khê, Hồ Dzếnh… và bà thường là người chiến thắng.
Ngân Giang là người đàn bà làm thơ đa đoan và truân chuyên nhất lịch sử văn học Việt. Bà tự nhận : "Kiếp trước tôi là võ tướng, vì giết nhầm một văn nhân nên kiếp này phải làm thi sĩ để trả nghiệp. Vì là nghiệp chướng nên cái nợ văn chương cứ đeo đuổi mãi”.
Viết về bà Trưng từ xưa đều là các nhà thơ nam giới nên khi bài Trưng nữ vương của bà ra mắt bạn đọc năm 1939, nó đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn. Bà Trưng của Ngân Giang rất hào hùng nhưng đầy nữ tính, đang lâm cảnh cô quạnh:
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...
Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi
Câu thơ như vận vào đời. Bà cũng giống nữ tướng Trưng vương, đầy hào khí nhưng bơ vơ giữa dòng đời.
Mới lên 9 tuổi bà đọc kinh Phật, nghiệm thấy mình nhiều tội lỗi như Phật pháp rao giảng nên bà gieo mình xuống Hồ Tây quyên sinh. May lúc đó người nhà phát hiện và cứu kịp thời.
Ông đồ nho Đỗ Hữu Tài hiểu rõ con gái mình nên vừa đến tuổi cập kê, ông đã ép bà sớm yên bề gia thất. Ông đã phải đuổi đánh và đập nát mấy giàn thiên lý quanh sân khiến bà phải bò ra chấp nhận sự sắp đặt của phụ thân. Đó là năm 1935, khi bà vừa tròn 20 tuổi.
Ngay đêm tân hôn, mật thám Pháp đã đến tìm cô dâu mới để tra xét về tội làm thơ kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước dán ở Đền Ngọc Sơn. Ngày đầu tiên bước chân vào nhà chồng, cô dâu mới đã bị mẹ chồng chì chiết là loại “gieo họa cho cả dòng họ”. Từ đêm tân hôn ác mộng, ngày nào ở gia đình chồng, đối với bà cũng là một ngày đen tối. Lại một đêm mưa gió, bụng mang dạ chửa, bà lại một lần nữa quyên sinh ở Hồ Tây và người nhà lại phải một phen vất vả cứu vớt.
Tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ nhưng chí khí là của bậc sỹ phu yêu nước thương dân nên bà tham gia cách mạng từ lúc chưa lấy chồng. Năm 1934, bà gia nhập Đoàn thanh niên cộng sản. Năm 1944, bà chính thức gia nhập Việt Minh. Năm 1945 bà bị hiến binh Nhật bắt ở Nhà Dầu – Khâm Thiên, giam một tháng rồi thả ra. Bà tham gia cướp chính quyền từ tay Nhật, tham gia Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu, rồi Trưởng phòng tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Năm 1946, bà làm phụ trách lễ tân tại Nhà khách Bộ nội vụ. Thời kỳ này với danh nghĩa phụ trách lễ tân , bà đã gặp tướng Tiêu Văn trong đội quân của Lư Hán sang giải giáp quân Nhật. Tướng Tiêu Văn nể tài thơ của bà, điều một đội quân Tàu Tưởng bao vây ngôi nhà 132 phố Duvigneau, nay là Bùi Thị Xuân – Hà Nội, buộc Việt Nam Quốc dân đảng phải thả nhạc sỹ Đỗ Nhuận và hai cán bộ công an ( ông Cao Phi và ông Bảo) đang bị họ bắt giữ trái phép. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã viết chứng thực sự việc này với Nhà nước.
Toàn quốc kháng chiến, bà theo ra chiến khu làm ở Sở tuyên truyền Liên khu 1.
Năm 1949, hai đứa con thơ và cái thai trong bụng dự sinh đẻ khó, bà đành xin phép tổ chức hồi cư về thành Hà Nội để sinh con.
Như mọi người “dinh tê” hồi đó, bà bị mật thám liên tục gọi lên tra hỏi, dò xét. Cũng may, ông Nguyễn Văn Hàm, Đổng lý Văn phòng Thủ hiến Bắc Việt, một người hâm mộ thơ bà, can thiệp và đề nghị bà làm vợ để việc bảo lãnh được suôn sẻ. Nhìn ông Đổng lý vẻ nho nhã, ăn nói bặt thiệp và hứa sẽ coi các con bà như con đẻ, bà nhận lời và chấp nhận xem “ Con tạo xoay vần đến đâu “. Sinh nở xong, bà lại lao vào viết báo và làm thơ, đăng trên các báo Giang Sơn, Hồ Gươm, Tia sáng, Quê hương, Phụ nữ Thời đàm…với bút danh Nàng không tên. Bà tìm cách liên lạc với cách mạng, xung phong ám sát một viên tướng Pháp trong Bộ chỉ huy Pháp tại Hà Nội nhưng không được tổ chức chấp nhận.
Năm 1954, hòa bình lập lại, bà làm việc tại Sở văn hóa Hà Nội.
Năm 1957 thành lập Hội nhà văn, bà được kết nạp và làm công tác Hội đến năm 1961 ra khỏi biên chế, về quê sinh sống. Tại quê hương Thường Tín, Hà Đông bà bị các cán bộ địa phương nghi kỵ, trù dập nên lại kéo theo 10 đứa con về sống nơi đất bãi sông Hồng. Ngày quét lá khô, kiếm củi, tối rửa bát thuê cho quán ăn, bà cùng 10 đứa con sống lay lắt qua ngày ở bãi Nghĩa Dũng – sông Hồng.
Bà làm đơn xin một công việc bất kỳ, kể cả dọn vệ sinh để có tiền nuôi đàn con thơ dại. Bạn hữu văn chương thương bà cũng xúm vào nói đỡ nhưng nguyên tắc của “tổ chức” khiến hàng chục đơn xin của bà như vào chỗ hư vô. Có một lần ông Tú Mỡ, thủ quỹ Hội Nhà văn lúc bấy giờ xót thương chi cho bà 20 đồng gọi là ứng trước nhuận bút các bài thơ bà sẽ viết. Thực tình bạn văn giúp nhau cũng chỉ đến thế chứ ông Tú Mỡ thừa biết lúc này bà đang lo cái ăn cho đàn con thơ dại thì tâm trí đâu mà sáng tác thơ văn. Và nữa, nếu bà có thơ thì báo nào muốn đăng thơ của người bị đưa ra khỏi biên chế Nhà nước. Đúng như bà cảm thán bằng thơ về thời kỳ này:
"Mười năm quét lá bên sông
Hình hài để lại cái còng trên lưng"
Bà có gia tài thơ đồ sộ, nhưng tác phẩm Thi nhân tiền chiến của Hoài Thanh và Hoài Chân; Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan xuất bản thời kỳ đó, không có một dòng nào nhắc tới bà.
Có một dạo, bà được nhận vào hợp tác xã thêu ren Song Hỷ nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn bà lại bị cho nghỉ vì tham gia tố cáo các tiêu cực của Ban chủ nhiệm.
Đời bà thoát nghèo ổn định khi quay về bãi sông, mở quán bán nước chè và cũng là lúc các con đã có đứa kiếm việc đỡ đần được cho mẹ.
Cái chõng tre gẫy chân Nữ sĩ Ngân Giang bày hàng ở quán vốn trước ở trong nhà. Chõng đã cũ lại chịu cảnh bốn bậc tài danh là nhà thơ Hoàng Cầm, Đoàn Phú Tứ, nhạc sỹ Văn Cao, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn cùng lúc trèo lên nên bị sập. Chõng tre đổ nghiêng, dồn các bậc danh tài đất Việt vón cục nơi góc nhà ọp ẹp của Nữ sĩ Ngân Giang. Mấy người con nữ sĩ lúc đó còn bé không hiểu tại sao mẹ và các bác lại cười ngặt nghẽo, cười như chưa bao giờ được cười.
Hầu như quán nước bãi sông của nữ sĩ ngày nào cũng có khách văn chương tìm đến. Nghệ sĩ thời nào cũng nghèo, nhất là thời bao cấp, nên vật chất chẳng trợ giúp cho bà được bao nhiêu, nhưng niềm vui và sự lạc quan họ mang đến cho bà thì vô giá.
……………………..
Đời tư Nữ sĩ Ngân Giang trải nhiều oan khuất và đều đến từ nghiệp thi ca.
Kết hôn với ông dược sỹ Nguyễn Văn Thành, một người chỉn chu và ưa chi tiết, tỉ mỉ. Một buổi “trong rừng chiều trên chiến khu”, đón nhà sử học Nguyễn Huy Liệu ghé thăm, thấy nhà sử học tủm tỉm cười với đôi câu đối nữ sĩ vừa sáng tác, ông lấy xem và đùng đùng nổi giận đòi chia tay bà. Thì ra trong lúc ngẫu hứng bà tả cho ông Trần Huy Liệu về gia cảnh :
“Một sớm chàng đo chai nước mắm
Trăm năm thiếp đếm củ dưa hành”
Ông cựu Đổng lý Văn phòng Nguyễn Văn Hàm, người gá nghĩa với bà từ ngày hồi cư. Năm 1959, khi soạn giấy tờ mang bán đồng nát, bắt gặp bài thơ của bà. Bài thơ như sau :
“Đêm nay thôi đã mấy đêm rồi !
Ai biết đâu rằng ai nhớ ai?
Lất phất hoa bay vào cửa vắng
Nghiêng nghiêng mưa hắt mái hiên ngoài
Trăng soi đã hẳn soi hai ngả
Gió lạnh sao đành lạnh một nơi
Cầm bút toan đề thơ lại đặt…
Gối nào nước mắt có rơi rơi ?”.
Dù bà thanh minh bài đó viết ngày mới hồi cư, nói về nỗi nhớ đồng đội, nhớ chiến khu nhưng ông không chấp nhận. Vụ việc ra Tòa Hà Nội với chứng cứ ngoại tình là một bài thơ khiến luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Phó chánh án trực tiếp hòa giải mà không thành.
Một thiên tình sử xuyên Việt cũng được gắn với bà.
Khi bài “Trưng nữ vương” ra đời, nữ sĩ Ngân Giang nổi tiếng khắp thi đàn. Á nam Trần Tuấn Khải, Phan Khôi, Hoàng Chương, Trần Huyền Trân… đều tỏ lòng ngưỡng mộ. Riêng thi sĩ Đông Hồ ở Thi đàn Hà Tiên cất công ra Bắc năm 1950 để đàm đạo cùng Nữ hoàng Đường thi Ngân Giang. Trở về Nam, thi sĩ Đông Hồ vẫn vương vấn:
“…Chiều rượu say sầu thơ bạn gái”
và “Hoa cúc để gầy thu đất Bắc,
Tháng ngày vương một mối tương tư…”
Đông Hồ là giáo sư văn khoa Sài Gòn. Một ngày cuối năm 1969, ông giảng cho sinh viên bài thơ của người tri kỷ Ngân Giang, bài Trưng nữ vương. Câu kết có 4 dòng, nhưng mới đến dòng thứ 3 : “Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá” thì ông nghẹn lời rồi ngất lịm. Ông ra đi khi đang đắm mình trong những áng thơ của người bạn tâm giao xứ Bắc.
……………..
Từ năm 1989, lần lượt Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam đã phát hành 6 tập thơ của Nữ sĩ Ngân Giang. Khi tái bản cuốn Từ điển văn học, tên bà đã được trang trọng đưa vào trong mục những nhà thơ lớn của Việt Nam. Khi chụp ảnh chung cùng một số nhà văn tham dự Đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (1995), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở Nữ hoàng Đường thi Việt Nam lên phía trước đứng chung vì sợ Nữ sĩ Ngân Giang đứng sau sẽ bị che khuất.
Bà tạ thế hồi 9 giờ sáng ngày 17/7/2002, thọ 86 tuổi, nhưng Tiếng vọng sông Ngân, tác phẩm đoạt giải cao quý của Hội Nhà văn còn vọng mãi với đời.
Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nu-si-ngan-giang-nguoi-dan-ba-da-doan-va-truan-chuyen-dat-ha-thanh-a13524.html