Dừng chân ba ngày ở một làng nhỏ miền Trung. Gia đình chúng tôi ở có hai vợ chồng và ba cháu. Hôm nay có việc đằng ngoại, từ sáng anh chị cùng hai cháu nhỏ sang làm giúp và liên hoan. Còn lại em gái khoảng mười lăm tuổi, em bận ôn thi vào cuối cấp, lớp bảy nên em ở nhà học bài và có việc gì thì làm cho cha mẹ. Buổi trưa em đi học về mình em nấu cơm ăn, xong nghỉ trưa chiều ôn bài tập. Đơn vị chúng tôi cũng ăn xong, mỗi người nằm trên võng của mình. Cái mắc trong nhà, cái mắc ngoài vườn, miễn là chỗ nào có bóng mát.
Người ngủ, người ngồi viết thư về nhà, người đem sổ tay ra viết Nhật ký. Tôi ngồi viết thư. Đã xa nhà được mấy tháng rồi! Bồi hồi nhớ lại ngày nhập ngũ, ngày gia đình bạn bè thầy cô tiễn lên đường. Đoạn đường xa xôi đã tính đến hàng trăm cây số, qua bao nhiêu làng mạc ruộng đồng sông núi. Những điều đó tôi đều ghi lại trong thư gửi về. Xong thư tôi đánh một giấc nồng cho đến lúc trung đội trưởng gọi dậy. Anh bảo tôi trực ban ở nhà, gia đình cần gì thì giúp sức, còn toàn bộ anh em đi giúp địa phương củng cố hầm hào công sự chống máy bay bắn phá của giặc Mỹ.
Tôi ở nhà cũng chả có gì làm, mượn em mấy tờ báo cũ em mượn được của câu lạc bộ ở trường mang về. Vừa xem báo, tôi thỉnh thoảng quan sát em ôn bài. Hình như em đang giải một bài toán khó, nét mặt đăm chiêu, vài giọt mồ hôi bết lên mấy sợi tóc trên trán. Tôi rời võng ra xem có gì giúp được em không. Nơi đây bộ đội thường qua làng nên các em dạn dĩ và tin quý lắm. Em đang giải bài toán liên quan đến Hằng đẳng thức đáng nhớ. Bài em giải tràn lan hết cả trang giấy. Thấy tôi chăm chú đọc, em ngập ngừng hỏi: "Anh ạ. Anh xem em giải thế này được không ạ"? Tôi bày cho em hai cách giải đơn giản dễ hiểu và ngắn gọn. Em lộ vẻ vui mừng: "Anh giỏi thế! Anh là sinh viên năm mấy ạ"? Tôi trả lời em: "Anh mới là học sinh cuối cấp thôi. Thầy anh bảo đi bộ đội có thời gian ôn, về thầy cho tốt nghiệp đấy"! Em: "Dạ"! Tôi bảo em: "Thế còn bài vở gì không anh giúp"! Em nói: "Còn vẽ cái bản đồ anh ạ". Em mở chồng sách trước mặt lôi ra cuốn địa lý lớp bảy và mở ra trang có bản đồ, tôi bảo: "em lấy giấy phê đúp ra đây anh vẽ cho". Tôi vẽ xong cho em khoảng mười phút. Em khen: "anh vẽ đẹp quá"! Tôi vẫn có hoa tay, vẽ bản đồ địa lý thày toàn cho năm điểm (điểm tuyệt đối) mà. Giúp cho em xong bài vở, tôi hỏi em:
-Còn việc gì không anh giúp!
-Dạ! Chỉ còn gánh nước thôi ạ!
Tôi nghĩ ngay đến việc nhường cho em việc nhẹ, để việc nặng tôi gánh vác:
-Thế này em nhé! Em đi bỏ cho anh lá thư, để anh gánh nước cho.
Em ngạc nhiên nhìn tôi: "Anh biết gánh nước ạ"?
Chắc em hiểu lầm tôi là chàng thư sinh không biết công việc, mà toàn dựa vào mẹ vào chị, chỉ có học và chơi. Em biết đâu, tôi là người lao động. Chuyện gánh nước đối với tôi là chuyện nhỏ, gánh nước tôi có thể vừa gánh vừa xách thêm được thùng nước phụ nữa. Những mùa nước về đồng, tôi thường ra sông gánh nước. Từ nhà ra đến bờ sông khoảng năm trăm mét, tôi đi qua con đường cây, qua cánh đồng, các mẹ các chị cứ khen mẹ tôi có con ngoan giúp được việc, đỡ đần cho mẹ.Những năm 1966-1967 tôi còn làm thủy lợi trong đội bán chuyên giúp mẹ.
Trước khi đi bỏ thư giúp tôi, em đưa tôi ra bể nước, và chuẩn bị cho tôi đôi đòn gánh, móc xích và đôi thùng đựng nước. Bể nước nhà chỉ còn ít nước, cạn đến đáy, nước còn khoảng ba đốt ngón tay. Em đứng trong sân chỉ tôi ra chiếc giếng cách nhà khoảng một trăm mét, gần dưới chân một quả đồi, có cây đa bên cạnh làm mốc.
Chúng tôi vào việc, tôi đưa cho em lá thư.Em cầm thư lật đi lật lại và hỏi tôi:
-Thư không có tem hả anh?
-Thư bộ đội thời chiến em ạ, không cần tem.
-Dạ em biết rồi ạ.
Thấy em đội chiếc nón cũ đã bạc màu vì mưa nắng. Tôi bảo em, lấy mũ cối của anh mà đội cho chắc chắn. Em nói đùa: "Em mà đội mũ của anh ra dân quân họ bắt phạt ngay, tội lấy mũ của bộ đội". Tôi và em cùng đi về phía giếng làng, cũng là đường em đi học và ra bưu điện. Tới bờ giếng em còn xem động tác múc nước của tôi ra sao.Tôi đặt cân đòn gánh trên vai, hai tay cầm hai ngáng miệng thùng, vục lấy nước thành thạo. Em đứng nhìn với vẻ khâm phục một chàng thư sinh biết lao động và yên tâm đi, thoáng sau đã đi khuất sau quả đồi trước mặt, tôi cũng vào việc chăm chỉ. Tôi chỉ chạy trong vòng hơn một giờ đồng hồ, là bể nước đầy ăm ắp, khoảng ba mươi gánh.
Bóng ngả về chiều, hoàng hôn đang xuống, chưa thấy em về. Đồng đội tôi đã giúp dân xong việc về cả, tắm giặt xong đi ăn cơm. Tôi đứng trước sân đầu ngõ ngóng em, bầu trời mây đen đang kéo dầy đặc, sắp có trận mưa to. Một đồng đội của tôi, lấy giọng quê em trêu: ”Bọ”ơi! Đường đến Bưu điện là năm cây số, nhưng mà phải qua đèo qua suối, qua đồi qua núi qua khe, chắc phải ngót chục cây đấy.
Tôi không tin là xa như vậy, nhưng thực sự lo lắng. Tôi đi về phía giếng làng, may quá thấy em cũng xuống đến chân đồi trước mặt, tôi vội chạy ra đón. Mồ hôi em dính bết mấy sợi tóc trên trán, bên vành tai.
-Anh làm mệt em rồi.
-Không có chi anh, chỉ đi qua trường em học một chút thôi mà !
Cơn mưa chiều ập xuống, trong niềm ân hận khôn tả, tôi kéo tay em chạy thật nhanh.
Trái tim người lính
Nguyễn Đăng Dung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-chieu-mien-trung-a13554.html