Mái chùa che chở hồn dân tộc

Có thể tự hào khẳng định ngay một điều, bằng câu thơ đã trở nên quen thuộc với nhiều người: "Mái chùa che chở hồn dân tộc".

hon-dan-toc-1656321607.jpg
Một lễ cầu siêu và thả hoa đăng trong chùa. Ảnh MA NAT

 

Qua vài ngàn năm, mái chùa đã là hình ảnh thân quen, trở thành một hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt, đi vào tiềm thức của cả một dân tộc: "Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây" (Nguyễn Khuyến) - "Bầu trời cảnh Bụt/ Thú Hương sơn ao ước bấy lâu nay/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng" (Chu Mạnh Trinh)...

Chùa của làng quê Việt Nam từ lâu đã trở thành biểu tượng của cái đẹp dân dã, hiền hòa, đôn hậu, bao dung, xuất phát từ bản chất từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, yêu hoà bình, tôn trọng sự sống muôn loài, và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong di sản văn hoá Việt Nam. Trong một cuốn sách về Thiên nhiên VN, GS. địa lý Lê Bá Thảo đã viết những dòng như thơ: “Từ thuở nhỏ, ai mà chẳng được sống trong lời ru của bà, của mẹ, mà âm điệu du dương của chúng mang bóng dáng của đất đai làng mạc đã tạo nền cho tình yêu quê hương đất nước thắm thiết lắng sâu vào tâm hồn”[1].

Trong lời ru đó chắc chắn có bóng dáng của những mái chùa quê, và khung cảnh làng mạc nói trên cũng là môi trường quen thuộc, thân thiết của mọi ngôi chùa Việt, như Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) từng nói rõ trong một bài giảng Thiền đạo yếu học: “Cảnh chùa có 4 điều: một là Nước, hai là Lửa, ba là Lương thực, bốn là Rau… Cảnh không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian, vì gần thì ồn ào, mà xa thì không ai giúp đỡ cho”[2]. Chùa thường gắn với những bức tranh quê thơ mộng, với sinh hoạt văn hóa dân gian như qua câu hát miền Trung: “Cu cu mà đậu nóc chùa/ Cho anh cưới chịu đến mùa trả khoai”; cũng có khi lại là biểu tượng cho linh khí non sông: Trấn áp Đông Tây củng đế kỳ/ Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy/ Sơn hà bất đông kinh thiên trụ/ Kiến cổ nan ma lập địa chùy (Trấn áp Đông Tây giữ vững kinh kỳ nhà vua. Đó là ngọn tháp sừng sững cao trội hẳn lên. Như chiếc cột chống trời đứng đó làm cho sơn hà yên ổn. Như mũi dùi dựng trên mặt đất, từ xưa chẳng hề mòn - Phạm Sư Mạnh, Vịnh Tháp Báo Thiên).

Có những câu cửa miệng đáng yêu trong dân gian như: “Chùa làng, phong cảnh Bụt” - “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”… Nhiều chợ làng thường họp ở ngay cửa chùa, dân gọi là “chợ Chùa” (thư tịch ghi là “Tam Bảo thị”). Ngoài các lễ chùa đơn giản dâng “Lục cúng” gắn với cuộc đời Đức Phật, là các Hội chùa - thực chất là Hội Xuân, Hội Thu với các trò chơi dân gian, hoạt cảnh văn hóa dân gian giàu tính nghệ thuật, và nhiều khi Hội Chùa cũng chính là Hội giao duyên của nam thanh nữ tú: “Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ Hội chùa Thầy” (tháng ba), “Dù cho cha đánh mẹ cheo/ thì em không bỏ Hội Keo hôm rằm” (tháng 9)…

Chùa là nơi nuôi dưỡng niềm tin vào giáo lý của Đức Phật bằng xương bằng thịt, từ đó rút ra những giá trị đạo đức cao cả, rồi chan hòa trong cuộc sống để dần trở thành truyền thống dân tộc. Chính tâm linh này đã soi rọi cho cách cư xử, nếp nghĩ, phương châm hành động của ông cha chúng ta trong mấy ngàn năm, như: Chị ngã em nâng. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Thương người như thể thương thân. Chín bỏ làm mười. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. Người ta là Hoa đất. Làm lành lánh dữ. Ở hiền gặp lành. Chùa Việt cũng là nơi thể hiện lòng Hiếu thảo, nguyện vọng báo đáp công ơn sinh thành, nơi Báo tứ trọng ân, xá tội vong nhân... Ngôi chùa, qua hàng ngàn năm đã là biểu tượng một cách tự nhiên cho tâm linh đó của dân tộc.

Chùa Việt có vị trí quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng - dù là tín đồ hay người không theo đạo Phật cũng có thể đến chùa vãn cảnh, nghe giảng kinh hay tham gia các nghi lễ Phật giáo. Mái chùa vốn là nơi chu cấp cô nhi, giúp người nghèo khó, chữa bệnh cứu người bằng thuốc Nam, là nơi cho người hiếm muộn cầu tự, nơi nương náu khi ai đó gặp hoạn nạn...

Mái chùa còn là bối cảnh nảy nở bao mối tình đẹp còn truyền tụng cho tới ngày nay, như chuyện Từ Thức gặp Tiên, chuyện Vua Lý Thánh Tông đi thăm Chùa Dâu mà gặp cô thôn nữ sau thành hoàng hậu, v.v.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo Chu Quang Trứ có nhận xét khái quát: “Một làng quê có các công trình kiến trúc Đình - Đền - Chùa là một làng có bề dày lịch sử và có chiều sâu văn hóa. Làng quê ấy là gương mặt Việt Nam, có cái hạn hẹp của nền kinh tế tiểu nông cá thể lạc hậu, nhưng lại có cái đẹp duyên dáng và đôn hậu cả ở cảnh và người. Trong các dạng công trình công cộng trên, chùa là công trình có sớm nhất, phổ biến nhất, gắn bó nhất với cộng đồng dân làng và dân tộc do đó cũng có sức sống nhất, tồn tại lâu dài nhất và đang tham gia vào đời sống xã hội đương đại”[3].

Lịch sử đã ghi nhận: Phật giáo là một tôn giáo lớn, yêu nước, luôn đồng hành cùng dân tộc với tư cách "Hộ quốc, An dân". Triều đại nào trong thời phong kiến cũng những thiền sư là nhà văn hoá, chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, mái chùa là nơi che chở nuôi dưỡng bao người chiến sĩ, cán bộ cách mạng; bản thân các tăng, ni, Phật tử cũng tham gia tích cực trong các đoàn thể cứu quốc. Qua bao nhiêu cuộc hưng phế, tấm lòng của chùa Việt vẫn hằng trụ, bất biến, đó là cái Tâm lành và Thủy chung với đất nước. Chùa có thể bị phá tan, nhưng chùa không bao giờ bị khuất phục bởi bất cứ thế lực cường quyền, xâm lược nào. Hơn chục năm trước, trong bộ phim truyện truyền hình ba tập “Xuôi ngược đường trần”[4], chúng tôi đã dựng lên hình tượng nhà sư yêu nước Nam Bộ thời chiến tranh… Thông qua lịch sử đau thương của những thời kỳ mất nước, và nhìn vào những xung đột tôn giáo - sắc tộc dữ dằn trên thế giới hôm nay, chúng ta càng nhận thấy cái giá trị sức mạnh tinh thần của một Dân tộc, sự cố kết của tình Đồng bào dựa trên nền tảng Văn hóa và Tâm linh, và những điều đó đã đựơc kết tinh khá rõ trong chùa Việt.

Từ nhiều thế kỷ trước, trên một số tấm bia ở các chùa có khắc ghi sự phê phán nghiêm khắc của không ít trí thức Việt về những gì bất cập, hư hỏng của nội bộ tăng đoàn và sinh hoạt Phật giáo trong một giai đoạn nào đó - như Trương Hán Siêu, Lê Quát, Bùi Huy Bích, Phạm Nguyễn Du, v.v, và được các vị sư trụ trì các đời trân trọng, bảo quản! Điều đó chứng tỏ: những nhà tu hành chân chính cũng đồng tình với sự phê phán của các trí thức để mong Phật giáo nói chung và ngôi chùa nói riêng trở lại linh thiêng và tiếp tục gần gũi với tâm hồn người dân Việt, kể từ thời Bắc thuộc, nói như cố GS. sử học Trần Quốc Vượng: “Đạo Phật thấm vào lòng người dân Việt cổ như nước thấm vào lòng đất”, và “Phật giáo trở thành một tư tưởng dân tộc và tổ chức Phật giáo (tăng đoàn, cư sĩ, Phật tử) trở thành một lực lượng dân tộc”[5].

Chùa Việt là một trong những loại công trình kiến trúc lâu đời bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật nước nhà, đúc kết trong nó tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, văn chương mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Bản thân mỗi ngôi chùa có thể nói là một tác phẩm nghệ thuật khá hoàn hảo, đặc sắc, với tài hoa của người thợ Việt đã giúp chúng chứa đựng được trong nó không chỉ lịch sử Phật giáo mà cả lịch sử một vùng miền; không chỉ sự linh thiêng của nơi thờ tự tôn giáo mà còn cả tâm hồn của người dân lao động Việt Nam nhiều thời đại.

Chùa Việt đã trở thành một phần không thể thiếu trong di sản văn hoá dân tộc, nhiều chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Chùa có từ thời Bắc thuộc, nhưng bằng dấu tích còn lại thì sớm nhất có từ thời Lý, được chia làm ba loại Đại danh lam, Trung danh lam và Tiểu danh lam – tất cả đều là những công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng, mà bất cứ chùa nào cũng bắt đầu bằng Tam quan với ba cửa ra vào - biểu thị ba cách nhìn huyền diệu của nhà Phật về cõi nhân gian… Với vẻ đẹp kỳ lạ của kiến trúc và mỹ thuật dân gian, gắn kết chặt chẽ hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, chùa Việt ngày nay đã tạo nên cơ cấu quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch văn hoá - tâm linh - nghiên cứu khoa học có giá trị đặc sắc.

Ngoài hàng ngàn ngôi chùa trên toàn quốc, hiện nay trên khắp thế giới có khoảng 300 ngôi chùa do tăng ni Việt Nam trụ trì. Học giả phương Tây Moni Bagghee đã nói: "Thế giới ngày nay ngày càng hướng về Đức Phật vì ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân lọai". Sự hiện diện của ngôi chùa, dù bất cứ ở đâu sẽ là biểu tượng của một nền đạo đức cao cả nhất mà con người cần phải vươn tới. Gần một thế kỷ trước, nhà bác học Albert Einstein đã khẳng định: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi Thần Linh, Giáo Điều và Thần Học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện Tự Nhiên lẫn Siêu Nhiên đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lãnh vực nói trên, trong cái Nhất Thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".

Và chùa Việt, với tư cách là Di sản văn hoá vật thể, gắn với di sản văn hoá phi vật thể là các lễ hội và những sinh hoạt văn hoá tâm linh mang màu sắc dân tộc lâu đời đã minh chứng hùng hồn cho ý tưởng trên của Einstein; và chúng xứng đáng được nghiên cứu, giới thiệu, giáo dục, quảng bá một cách hệ thống và chuyên nghiệp qua các loại hình văn học nghệ thuật cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công việc này trước hết có tác dụng giáo dục truyền thống dân tộc, lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, giới thiệu với độc giả/ khán giả trong nước cũng như bạn bè quốc tế di sản văn hoá tôn giáo đặc sắc của Việt Nam, góp phần vào phát triển du lịch bền vững gắn với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.

___________

[1] Thiên nhiên Việt Nam, Lê Bá Thảo, Nxb Giáo dục, 2008, trg 111.

[2] Theo Hà Văn Tấn: Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1993, tr.17.

[3] Sáng giá chùa xưa - Mỹ thuật Phật giáo, Chu Quang Trứ, Nxb Mỹ thuật, HN, 2012, tr33.

[4] VFC - Đài truyền hình VN sản xuất.

[5] Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng VN, nhiều tác giả, Viện triết học HN, 1986, tr.141.

Chuyện làng quê

Mai An, Nguyễn Anh Tuấn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mai-chua-che-cho-hon-dan-toc-a13565.html