Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 35)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 35

III.

Thời gian thấm thoát đã bước vào mùa thu, nắng rải xuống vàng vọt, dịu dàng, những đợt gió heo may đầu mùa thổi lạnh khắp miền trung du Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đồi núi cây xanh bao phủ đã ngả màu vàng, lá vàng bay tơi tả, những màn sương mong manh trắng xóa trên những cánh đồng lúa ven những quả đồi đang sắp trổ bông. Những đàn chim từ phương Bắc đang sải cánh trên bầu trời bay về phương Nam tránh rét.

  Làng Đồng Biên, thuộc Bồng Trung, Vĩnh Lộc cũng chìm trong rừng tre, tán lá, chìm trong gió lạnh của mùa thu. Giữa làng hiện lên một căn nhà ngói khang trang. Trước nhà là cái sân lát gạch rộng, tiếp theo sân là ao cá. Những cây cau, cây mít soi bóng xuống ao trong vắt. Trong sân, hai con chó vàng lớn nằm lim dim canh giữ.

dinh-cong-trang-1656342164.jpg

Chân dùng Đinh Công Tráng do người Pháp vẽ. 

Đinh Công Tráng (1842 - 1887) là lãnh tụ chính của khởi nghĩa Ba Đình (tên cứ điểm ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ XIX tại Việt Nam. Nguồn: Internet.

 

  Trong gian giữa của căn nhà, vẫn thường thấy như nhà của cư dân Thanh Hóa, sát vách tường kê bàn thờ gia tiên. Bàn thờ sơn son thếp vàng, trên đặt bài vị bằng gỗ sơn son, đặt những bát hương lớn bằng sứ trắng, vẽ rồng phượng màu xanh. Còn có những lư đồng thắp nến mỗi khi cúng lễ. Phía trước bàn thờ đặt bộ bàn ghế thấp hơn dùng để tiếp khách hoặc chủ nhân ngồi uống trà. Bàn bằng gỗ gụ, hình chữ nhật khảm trai, hai bên bàn là hai ghế tràng kỷ hoa văn chạm khắc tinh xảo.                          

Hôm nay, hai người đang ngồi đối diện với nhau trên hai ghế, uống trà sau bữa ăn sáng. Chủ nhà là Nguyễn Đôn Tiết, bạn của thủ lĩnh Cần Vương Mã Cao Hà Văn Mao. Ngồi đối diện với Nguyễn Đôn Tiết là một người cao lớn, dáng vẻ uy nghi, đó chính là Đề đốc Trần Xuân Soạn, người được lệnh của Tôn Thất Thuyết ở lại để gây dựng, giúp đỡ phong trào Cần Vương tỉnh Thanh Hóa. Từ Mã Cao, qua Hà Văn Mao, Trần Xuân Soạn biết Nguyễn Đôn Tiết và ghé về thôn Đồng Biên, tổ chức một cuộc hội nghị quan trọng, họp tất cả thủ lĩnh phong trào Cần Vương Thanh Hóa để mở rộng, phát triển phong trào.

  Do được báo tin nên suốt cả ngày hôm đó, kẻ trước người sau lần lượt tìm tới. Cho đến tối thì đông đủ các thủ lĩnh. Hôm sau, sau bữa ăn sáng, Trần Xuân Soạn ngồi ghế chủ tọa hướng ra ngoài sân, các thủ lĩnh ngồi theo hai ghế tràng kỷ đối diện với nhau, giữa là bàn trà. Sau một lượt trà, Trần Xuân Soạn nói:

-Thưa các vị, các vị đều đã biết nước ta đang bị giặc Pháp xâm lược, chúng đã đặt được nền bảo hộ của chúng trên toàn cõi Đại Nam. Hoàng thượng Hàm Nghi và quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết thuộc phái chủ chiến vẫn kiên quyết đánh Pháp. Sau khi kinh thành Huế thất thủ ngày 5 tháng 7 năm 1885, xa giá của hoàng thượng phải chạy ra sơn phòng Quảng Trị, sau đó lại phải bôn ba ra sơn phòng Hà Tĩnh,  sơn phòng Quảng Bình. Hoàng thượng đã hai lần xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu, hào trưởng yêu nước đứng lên giúp vua cứu nước. Ta là Đề đốc kinh thành Trần Xuân Soạn, đồng hương với các vị, thừa lệnh của hoàng thượng và quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết đứng ra phụ trách toàn bộ phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa, Nghệ An, phải gây dựng, phát triển phong trào Cần Vương ở hai tỉnh này. Các vị là những người trung với vua, với nước về đậy tụ nghĩa là bàn về công việc cứu dân, cứu nước to lớn này. Thay mặt hoàng thượng và quan Phụ chính, ta xin cảm tạ các ngài. Bây giờ chúng ta làm quen với nhau. Bắt đầu từ hàng ghế bên phải ta, vị đầu tiên bên trong, xin kính mời.

  Người bên phải đầu tiên bên trong giáp với Trần Xuân Soạn đứng dậy. Đó có lẽ là người cao tuổi nhất trong số các thủ lĩnh có mặt. Người đó nói;

-Thưa quan Đề đốc, thưa các vị, tại hạ là Phạm Bành, năm nay 59 tuổi (1827-1886), quê quán ở làng Thượng Xá, Hậu Lộc Thanh Hóa. Năm giáp Thân 1864, tại hạ đậu cử nhân, được bổ nhiệm làm Án sát tỉnh Nghệ An. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của hoàng thượng Hàm Nghi, tại hạ từ quan về quê cùng ngài Hoàng Bật Đạt mộ quân khởi nghĩa chống giặc. Nay tại hạ về đây tụ nghĩa dưới cờ của ngài Đề đốc, danh chính ngôn thuận nhận chiếu Cần Vương của hoàng thượng.

  Trần Xuân Soạn nói:

-Đa tạ ngài Phạm Bành đã hưởng ứng chiếu Cần Vương chính nghĩa. Ngài tiếp theo, xin kính mời.

  Người ngồi cạnh Phạm Bành dáng đậm khỏe, lực lưỡng, cương trực đứng dậy:

- Thưa quan Đề đốc, tại hạ là Đinh Công Tráng, năm nay 44 tuổi (1842-1886), quê quán ở làng Trinh Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tại hạ là chánh tổng, sau đó tham gia quân ngũ của Hoàng Kế Viêm chống Pháp ở Bắc Kỳ. Tại hạ đã tham gia trận Cầu Giấy ngày 19 tháng 5 năm 1883, trận mà quân ta giết chết tướng giặc Hăng ri Vi e rơ. Sau khi hoàng thượng Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, tại hạ được tướng quân Hà Văn Mao báo về đây gặp Đề đốc để danh chính ngôn thuận đứng dưới cờ Cần Vương chống Pháp.

Trần Xuân Soạn nói:

-Đa tạ ngài Đinh Công Tráng đã đứng dườ cờ Cần Vương chính nghĩa của hoàng thượng.

  Rồi Trần Xuân Soạn chỉ vào người ngồi ghế đối diện ngay trước mặt mình:

-Xin kính mời ngài.

Người đó đứng dậy, dáng phương phi, dũng cảm:

-Thưa quan Đề đốc, tại hạ là Hoàng Bật Đạt, năm nay 59 tuổi (1827-1886), quê quán ở làng Bô Đầu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tại hạ thi đậu cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868),  làm giáo thụ huyện Phong Doanh (Ý Yên), Nam Định, sau đó triều đình đổi đi làm tri huyện huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1882, khi Pháp đánh thành Hà Nội lần 2, tại hạ đề nghị Tổng đốc Bắc Ninh tổ chức kháng chiến nhưng bị khước từ. Tại hạ liền chiêu binh chống Pháp nhưng bị quan trên ra lệnh giải tán. Tại hạ bỏ quan về quê. Sau khi có chiếu Cần Vương của hoàng thượng Hàm Nghi, tại hạ đã liên hệ với các ngài Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Nguyễn Đôn Tiết, Nguyễn Khế, Lê Toại chuẩn bị dấy binh hưởng ứng. Nay về đây dự cuộc hội ngộ để chính thức đứng dưới cờ Cần Vương chính nghĩa.

  Hoàng Bật Đạt nói xong ngồi xuống, cầm ly nước uống. Trần Xuân Soạn nói:

-Đa tạ ngài Hoàng Bật Đạt đã về dưới cờ Cần Vương.

  Rồi Trần Xuân Soạn chỉ người ngồi kế bên Hoàng Bật Đạt:

-Xin kính mời ngài Nguyễn Đôn Tiết.

Nguyễn Đôn Tiết đứng lên. Đó là một người dáng nho nhã. Nguyễn Đôn Tiết nói:

-Thưa quan Đề đốc, thưa các ngài, tại hạ năm nay 50 tuổi (1836-1886), là người làng Thọ Vực, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Năm 1879 tại hạ đỗ phó bảng, từng làm tri phủ. Sau khi hoàng thượng Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, tại hạ về quê chiêu mộ quân đánh Pháp. Nay tại hạ dưới cờ của quan Án sát Phạm Bành và của Đề đốc, dưới cờ của quân Cần Vương.

  Nguyễn Đôn Tiết chỉ vào một thanh niên khoảng gần 25 tuổi ngồi cạnh:

-Đây là Nguyễn Hiệu Tri, con trai của tại hạ, cũng đòi  đi theo Cần Vương giết giặc.

  Người thanh niên vội đứng dạy khoanh tay:

-Dạ, cháu xin chào quan Đề đốc, xin chào các bác, các chú.

  Trần Xuân Soạn và mọi người có mặt đều mĩm cười. Trần Xuân Soạn nói:

-Trẻ tuổi mà muốn tham gia đánh giặc cứu nước, ý chí thật đáng nể trọng.

  Nghe Trần Xuân Soạn nói vậy, Nguyễn Hiệu Tri vội đứng dậy khoanh tay:

-Dạ, cháu cảm ơn ngài Đề đốc quá khen.

  Trần Xuân Soạn nói:

-Vậy là các ngài đã làm quen với nhau, hoặc đã quen biết nhau từ trước do cùng chí hướng Cần Vươg cứu nước. Có hai thủ lĩnh Cần Vương vì bận việc quân nên hôm nay không về được. Đó là ngài Hà Văn Mao, thủ lĩnh nghĩa quân Mã Cao, Yên Định. Hà Văn Mao người dân tộc Thái, quê quán ở xã Điền Lư, châu Quan Hóa (Bá Thước). Gia đình ngài Hà Văn Mao nhiều đời làm thủ lĩnh người Thái, người Mường ở vùng thượng đạo Thanh Hóa, được triều đình gia phong chức tước. Bản thân Hà Văn Mao là thổ ty Mường ở châu Quan Hóa, thượng lưu sông Mã. Ngài Hà Văn Mao đã được gặp quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ngày 22 tháng 4 năm 1886 tại Quan Hóa, được Tôn Thất Thuyết phong làm Tán lý quân vụ, chỉ huy kháng Pháp ở miền Tây Thanh Hóa. Ngài Hà Văn Mao đã xây dựng căn cứ ở Mã  Cao, Yên Định và chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp ở Bái Thượng, La Hán, Thọ Xuân.

  Trần Xuân Soạn nâng một ly nước uống, đặt chén xuống và nói tiếp:

-Người thứ hai hôm nay không đến được nhưng các ngài phải biết để liên hệ sau này, ngài Cầm Bá Thước, người dân tộc Thái, có tên Thái là Lò Cắm Pán, quê quán bản Sầm Nưa, tổng Trịnh Vạn, châu Thường Xuân, Thanh Hóa. Gia đình Cầm Bá Thước là lang đạo nhiều đời. Cha là Cầm Bá Tiêu được triều đình Tự Đức phong là quản cơ. Cầm Bá Thước sớm thay cha làm thổ ty và được triều đình phong là Bang tá. Cầm Bá Thước đã được hội kiến với quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết ở tổng Trịnh Vạn, châu Thường Xuân. Tại đây Tôn Thất Thuyết đã cử Tống Duy Tân làm Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa, Cầm Bá Thước làm Bang biện quân vụ hai châu Thường Xuân và Lang Chánh.

  Đinh Công Tráng hỏi:

-Xin ngài Đô đốc cho biết thêm về ngài Tống Duy Tân, Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa?

  Trần Xuân Soạn nói:

-Tống Duy Tân, người làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngài Tống Duy Tân sinh năm 1837, năm Canh Ngọ 1870 đỗ cử nhân, năm Ất Hợi 1875 đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm tri huyện, sau làm Đốc học Thanh Hóa, rồi làm Thương biện tỉnh vụ. Tháng 8 năm 1885, được hoàng thượng Hàm Nghi phong làm Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa.

  Phạm Bành hỏi khi Trần Xuân Soạn đang uống nước:

-Xin Đề đốc nói qua vài điều về ngài để chúng tôi được biết?
  Trần Xuân Soạn đáp:

-Ta năm nay 37 tuổi, nghĩa là sinh năm 1849, quê quán Đông Thọ, trấn trị Thanh Hóa. Gia đình ta là nông dân nghèo khó. Ta phải đi lính thay cho con một phú hào để lấy tiền nuôi gia đình. Do ta có công tiễu phỉ ở miền Bắc nên được phong chức lãnh binh, sau được phong Đề đốc Bắc Ninh, rồi được phong Đề đốc kinh thành. Ta là người của phái chủ chiến. Sau khi Tự Đức chết, ta đã cùng Ông Ích Khiêm giết chết tên vua thân Pháp là Hiệp Hòa ngày 29 tháng 11 năm 1883. Ngày 2 tháng 8 năm 1884, vua Kiến Phúc mất đột ngột, hoàng thượng Hàm Nghi lên ngôi, ta được Tôn Thất Thuyết điều vào trong Tử cấm thành. Ngày 5 tháng 7 năm 1885, cuộc đánh Pháp của phái chủ chiến ở kinh thành thất bại, ta cùng quan Phụ chính hộ giá hoàng thượng Hàm Nghi và hoàng gia chạy lên sơn phòng Quảng Trị, sau lại hộ giá ra sơn phòng Hà Tĩnh ở Khe Tá, huyện Hương Khê, rồi xa giá hoàng thượng lại về Minh Hóa, Quảng Bình. Sau đó, theo quyết định của Tôn Thất Thuyết, ta đi cùng ngài ấy ra Thanh Hóa, được ngài chỉ định ở lại quê nhà gây dựng phong trào Cần Vương chống Pháp. Còn Quan Phụ chính tiếp tục đi Trung Quốc để mong tạo điều kiện chi viện cho phong trào trong nước.

(Còn nữa)

CVL

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-35-a13591.html