Người cao tuổi suy ngẫm về hạnh phúc và bất hạnh

Hạnh phúc là chủ đề khó viết, tôi đã dự thảo bài viết này từ đầu năm 2021, đôi lần chỉnh sửa mà vẫn chưa thỏa đáng. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả, nhân ngày 28 tháng 6, là ngày Gia đình Việt Nam.

nguoi-cao-tuoi-suy-ngam-ve-hanh-phuc-1656384636.jpg
Ảnh minh hoạ (nguồn: st)

Sướng - Khổ; Thiện - Ác; Phúc - Hoạ; Hạnh phúc - Bất hạnh;... là những cặp "phạm trù" có nội hàm đối xứng nhau. Tôi đã có bài viết về sướng - khổ, thiện - ác... độc giả hiểu rõ.

Hạnh phúc, bất hạnh là "khái niệm" được "đo đếm" bằng định tính, mang tính tương đối, luôn vận động, luôn thay đổi. Hạnh phúc, bất hạnh được đánh giá tại một thời điểm, khoảng thời gian nào đó và quá khứ đã xảy ra thì biết rõ. Còn tương lai thì hạnh phúc, bất hạnh là dự báo trên cơ sở hiện tại. "Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí".

1. Bất hạnh

Bất hạnh là không hạnh phúc; không hạnh phúc có thể là bình thường, như vậy, hiểu bất hạnh = bình thường là không đúng. Bất hạnh là thế nào?

Cuộc đời là bể khổ! Con người sinh ra là khổ và khổ đến mức nào đó, quá khổ, thì gọi là bất hạnh. Bất hạnh thường được dùng trong một số trường hợp: mồ côi bố mẹ; đứt gánh giữa đường - chồng (vợ) bỏ nhau hoặc chết; già yếu không có nơi nương tựa; con cái hư hỏng nặng, bất nhân bất hiếu. Chữ "bất hạnh" ít nói và nói là chuẩn trong những trường hợp nêu trên.

Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi buồn, đau thương, bất hạnh đều chỉ có thể dựa vào chính mình.

2. Hạnh phúc

"Hạnh phúc" được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày tương đối dễ dãi, dùng nhiều trong lời nói, văn viết, trái ngược với "bất hạnh" ít dùng?! Hạnh phúc ai cũng có nhưng có nhận biết được hay không? dù có hạnh phúc mà không biết, vậy hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc là tâm trạng, cảm giác và cảm nhận được sự thoải mái về nhu cầu của mình. Hạnh phúc đơn sơ là cơm no, áo đẹp, là những nụ hôn! hạnh phúc ngay trong từng giây từng phút đang sống mỗi ngày. Hạnh phúc là mắt còn nhìn thấy, ăn còn thấy ngon, tai còn nghe rõ điều hay, chân còn biết đi. Đó là những "hạnh phúc" thường nhật, như là sung sướng!

Sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Hạnh phúc là sung sướng và nhiều người coi sung sướng là hạnh phúc. Hạnh phúc ở trên thân và trong tâm. Hạnh phúc hay niềm vui không tự nhiên mà có. "có phúc, có đức không có sức mà ăn", "trồng cây Đức sẽ hái quả Lộc". Hạnh phúc được hiểu đúng, hiểu đủ sẽ là nội dung dưới đây.

3. Một người hạnh phúc

Cuộc đời con người là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên. Đời sống hiện tại là kết quả của sự tạo dựng trong quá khứ; đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng hôm nay. Nhiều người thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, đua đòi không chú trọng tới "phẩm chất" của nó. Hãy xây dựng đời mình một cách đúng đắn! Hạnh phúc có được cũng là do chính mình. Hạnh phúc sẽ không đến gõ cửa tìm bạn, niềm vui cũng không tự nhiên mà có. Hạnh phúc phải nỗ lực mới có thể đạt được, luôn phải tìm kiếm không ngừng.

- Người cao tuổi nhìn lại 60 năm qua, đến hiện nay là hạnh phúc nếu đạt được đủ 4 yếu tố căn bản sau: Sức khỏe bình thường, Vật chất vừa đủ, Tinh thần thoải mái và con cháu thành công.

Người ta thường nói và treo trong nhà ba chữ: "Phúc - Lộc - Thọ" theo một thứ tự chặt chẽ, không ai dám nói, treo ba chữ này khác đi. Người ta thường xếp tượng ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ theo thứ tự đó, không ai dám xếp ba Ngài khác được. Vì sao? Vì rằng: khi ta được hạnh phúc, có đủ đầy 4 yếu tố căn bản nêu trên thì nên làm phúc (phước), nên bố thí cho mọi người. Làm phúc sẽ "có phúc, có phần (Lộc)", tức là Phúc phải trước Lộc; Phúc là nền móng cho Lộc, Thọ. Ai đó vội vàng hái lộc mà chưa tạo phúc thì lộc nhanh đến, nhanh đi! Khi có Phúc, Lộc thì càng hạnh phúc hơn, sẽ sống lâu (Thọ). Phúc, Lộc, Thọ có mối quan hệ biện chứng với nhau, hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển. Khi đó tạo nên "ba chân kiềng" rất vững bền, đồng hành suốt cuộc đời.

- Giai đoạn 2: người cao tuổi xem xét Hạnh phúc theo tuổi, khó nói đầy đủ về hạnh phúc và nhận thức về hạnh phúc khác với người trẻ tuổi. “Thực ra làm quan cao (to) không bằng nhiều tiền; Nhiều tiền không bằng sống lâu; Sống lâu không bằng vui khỏe; Vui khỏe không bằng hạnh phúc.” Hạnh phúc là mục tiêu hàng ngày và cuối cùng cao nhất của đời người. Hạnh phúc của người cao tuổi là tiếp tục duy trì, phát huy hạnh phúc đã tạo dựng ở 60 năm trước: sức khỏe, vật chất, tinh thần và con cháu.

Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui. Hạnh phúc phải dùng trái tim để cảm nhận, có cảm nhận được hay không còn phụ thuộc vào chính bản thân bạn.

4. Vợ chồng hạnh phúc

"Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng.

Được mất, bại thành bỗng chốc hóa hư không. Phú quý, vinh hoa như mộng ảo.

Sắc tài, danh lợi tựa phù du". Chỉ có tình cảm, tình yêu là vĩnh cửu và tình vợ chồng cao quý hơn tất cả!

Trong lễ cưới, luôn chúc đôi bạn trăm năm hạnh phúc, chữ "hạnh phúc" thật là cao quý và cả đời phấn đấu gắn bó với nhau để có được hạnh phúc!

Kinh tế xã hội càng phát triển thì số cặp vợ chồng ly hôn càng tăng, sự bất hạnh càng tăng, nhất là những đứa con thiếu bố, mẹ, dễ bị bất hạnh tiếp theo! Vợ chồng trẻ bây giờ có 5 năm đầu tiên là "tìm hiểu" khá căng thẳng, số vụ ly hôn cao nhất. Tiếp theo 5 năm nữa có sự hiểu biết về nhau và chấp nhận sự khác biệt nhưng số vụ ly hôn vẫn nhiều. Giai đoạn sau 10 năm là tương đối hoà hợp, vợ chồng đã có ít nhất là 2 đứa con từ 3 tuổi trở lên cũng "dễ nuôi" và là cầu nối vợ chồng ngày thêm bền chặt. Hạnh phúc của lứa tuổi này được đo đếm bằng sự nuôi dưỡng con tốt về thể chất, trí tuệ, sự phát triển về kinh tế, vui vẻ về tinh thần...

Người cao tuổi đã trải qua cuộc sống vợ chồng, nuôi con, dỗ cháu nên nhận ra hạnh phúc vợ chồng đều gặp nhiều khó khăn, phức tạp và hầu hết là hạnh phúc. Vì họ hiểu: trên đời không có người đàn bà nào đúng như ý muốn của người đàn ông muốn và ngược lại không có người đàn ông nào đúng như ý muốn của người đàn bà muốn. Cho nên đã thành vợ chồng thì chớ có giá mà, ước gì... Phải chăng "Văn mình - Vợ người" là ý nghĩ thường có ở mọi người: vợ người khác, xinh đẹp tốt hơn vợ mình! "Nằm trong chăn mới biết chăn có rận"! Cái được người ta chẳng hay để ý, cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm "cá mất là con cá to"?! Vợ chồng cần nhẫn nhịn, có khi cần phải nhẫn nhục! Tấm lòng vị tha, rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, "trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình". Vợ chồng ví như hai chân của một con người, dựa vào nhau mà bước tiếp quãng đường đời, trời cho.

"Chồng bát còn có lúc sô" nên chồng vợ không tránh khỏi những cuộc va chạm nhưng thời gian và trải nghiệm sẽ làm lành những nỗi buồn đau. Nhiều khi ngồi kiểm điểm những sự "bê bối" của mình trong quá khứ, chúng ta thấy mình đang phải cam chịu những hậu quả của nó.

Cần hiểu rằng một chuyện buồn trong cuộc sống dù có đau đớn đến mức nào rồi đến một ngày nó sẽ chỉ là một phần rất nhỏ bé so với cả quá khứ và nó cũng không nghiêm trọng đến mức như bạn nghĩ bây giờ.

5. Gia đình hạnh phúc

Gia đình hạnh phúc khi từng người trong gia đình là người hạnh phúc, trước hết phải là vợ chồng hạnh phúc. Ngược lại từng người hạnh phúc thì gia đình hạnh phúc! Nhưng vẫn còn ngoại lệ: từng người hạnh phúc nhưng gia đình chưa chắc hạnh phúc? Vì sao?

Chìa khoá hạnh phúc gia đình là sự bao dung và hiểu nhau, là lòng biết ơn và sự tôn trọng. Một gia đình hạnh phúc là “Yêu thương, tôn trọng nhau, biết cách quan tâm và chia sẻ, thấu hiểu và bao dung”. Không có một trong những điều đó, là gia đình không hạnh phúc?! Niềm vui (nỗi buồn) ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy và giải quyết.

Cuộc sống luôn công bằng, mọi người biết đủ, biết sống "khéo" thì luôn hạnh phúc. Làm việc tốt, lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui, bối dưỡng các sở thích của bản thân, sẽ có một cuộc sống nhiều màu sắc hơn. Tâm thái bình tĩnh đối mặt với mọi điều, chỉ như vậy bạn mới luôn vui vẻ, khỏe mạnh.

Đong cho đầy Hạnh phúc. Gói cho trọn Lộc Tài. Giữ cho mãi An Khang. Thắt cho chặt Phú Quý.

 

Chuyện làng quê

Đặng Văn Hương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-cao-tuoi-suy-ngam-ve-hanh-phuc-va-bat-hanh-a13595.html