Gặp nhau trên đường Trường Sơn

Chúng tôi hành quân đến trạm 33 Lào vào hơn một giờ chiều, ai cũng mệt. Nhưng cái đói trỗi dậy trong lòng, nên ai cũng nhanh chóng ổn định chỗ ở rồi cùng nhau nấu cơm ăn.

gap-nhau-truong-son-1656512968.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Nghỉ ở bãi khách nên các cọc phụ để mắc võng, giá ba lô còn nguyên. Đặt ba lô vào vị trí rồi mỗi người một việc. Chỉ có hai bếp, sáu cái cọc là phải thay vì nó đã cháy mất 2 phần 3 thân cọc. Tôi nhanh nhảu đi chặt một cây nhỏ hơn cổ tay một chút, chặt làm sáu đoạn, vót nhọn một đầu làm sáu cái cọc bếp, để thay cọc đã cháy. Củi vẫn còn chỉ phải kiếm thêm một ít để nấu cho đủ. Tiểu đội anh thì lấy rau cải ra rửa, anh lấy củ mì (sắn) ra gọt vỏ để hấp vào cơm. Đây là thành quả của đồng đội tôi biết tiếng Lào, ngoại giao với đồng bào chỉ cần năm chiếc kim Tây (kim băng). Đóng cọc bếp xong tôi xuống suối múc nước lên để nấu cơm nấu nước nấu canh.

Có phái đoàn ra Bắc đi ngang qua, tôi nhìn thấy một người quen quen, đúng rồi anh Du anh họ tôi, tôi thốt lên: "anh Du"! Anh cũng đứng khựng lại nhìn tôi, qua giây phút ngạc nhiên, anh cũng nhận ra tôi. Hai anh em cùng chạy lại ôm nhau, anh nói: "Thằng Sáu lớn nhanh quá, cao hơn cả anh, hồi ở nhà đứng chỉ đến vai anh sao lớn nhanh thế"! Tôi bảo Anh: "Đã bốn năm năm rồi còn gì anh". Anh có nước da sạm nắng, tôi hỏi anh: "Anh về Bắc à"? Anh trả lời: "Anh là cán bộ khung, đi giao quân xong, về lấy quân để huấn luyện tiếp". Phía trước một cô gái ngồi trên phiến đá, nhìn chúng tôi tươi cười, tôi hỏi anh:"Ai đấy anh"? Anh nói: "Cô văn công đồng hương đấy, cô được chuyển về Đoàn Đông Trường Sơn, theo đơn vị anh ra Quảng Bình theo Đoàn. Tôi nhắn anh: "Ra có dịp về thăm nhà, cho em gửi lời hỏi thăm sức khỏe tới mẹ gia đình em, nói là em vẫn khỏe, anh nhé". Anh kể cho tôi nghe một vài câu chuyện chiến trường, rồi bảo thôi em ở lại cố gắng nhé, anh phải đi theo đoàn không giao liên họ sốt ruột. Nói rồi anh đi về phía cô gái, hai người rảo bước để bám sát đoàn.

Chúng tôi triển khai bữa cơm chiều thật vui vẻ: Có sắn hấp cơm, canh rau cải, măng nấu ruốc. Anh đồng đội của tôi nói: "Hôm nay các cậu chỉ mất năm cái kim Tây mà đã được bữa thịnh soạn, là nhờ tiếng ngoại ngữ của tớ đấy. Anh nào có của quý gì cứ gom cho tớ, đảm bảo tớ ngoại giao, tình quân dân thắm thiết, mà lại có những bữa liên hoan hấp dẫn nữa. Gia đình đồng đội tôi là Việt kiều sống bên Lào, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cùng Việt kiều Thái Lan, về nước theo chính sách của Chính phủ góp phần xây dựng quê hương.

Đêm Trường Sơn, đang trong mùa mưa, tiếng mưa rừng ào ạt, mưa rơi trên muôn ngàn cây lá, trên dòng suối cộng hưởng thành bản nhạc rừng ru những chàng trai trẻ, những chiến sĩ tân binh vào giấc ngủ ngon lành.

Khoảng bảy giờ sáng chúng tôi tiếp tục hành quân về phía Nam. Chúng tôi ở tiểu đội một, trung đội một, đại đội một nên lúc nào cũng là lính tiên phong dẫn đầu tiểu đoàn.

Chúng tôi hành quân đến khoảng chín giờ sáng thì gặp một con suối nước chảy siết. Theo giao liên báo cáo, con suối này sâu, rất nguy hiểm trong mùa mưa khi lũ về, đã có bộ đội do sơ ý đã hy sinh mùa mưa năm trước. Bên kia suối cũng có đoàn khách đang chờ sang sông (lũ về nên suối đã thành sông). Nhận được tính chất nguy hiểm của dòng suối lũ về. Đại đội tôi truyền lệnh xuống khắp tiểu đoàn:

- Xuống ba lô, giải lao chờ qua sông!

Phía bên kia, anh giao liên của đoàn khách, quần dài quàng cổ, súng AK vác trên vai phải, tay trái nắm chắc sợi song mây, lần từng bước trong dòng nước lũ sang bờ Bắc phía chúng tôi, chiếc cầu đã chìm sâu dưới nước gần một mét. Anh báo cáo trực tiếp tình hình với ban lãnh đạo của đại đội tôi: Anh đang đưa đoàn cán bộ chiến sĩ miền nam ra bắc. Cụ thể đoàn có hai mươi bảy người, có mười nam, năm nữ và mười hai em thiếu nhi vừa nam vừa nữ. Đây là đoàn khách đặc biệt, gồm các Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới... ra Bắc để báo cáo thành tích và tình hình đồng bào Miền Nam đánh giặc.

Lập tức ban lãnh đạo đại đội cho liên lạc đi mời ban lãnh đạo tiểu đoàn đến bàn giúp đoàn khách sang sông. Kế hoạch được vạch ra nhanh chóng: Tiểu đoàn điều động mười bảy chiến sĩ, cao ráo có sức khỏe tốt, sang hỗ trợ cán bộ và chiến sĩ nữ cùng các em nhỏ qua sông. Số chiến sĩ cần chỉ trọn trong trung đội tôi là đủ, trong đó có tôi. Với tính chất nguy hiểm của dòng lũ, chỉ lần lượt từng người qua. Khi mười anh của đoàn khách qua hết, mười bẩy chiến sĩ chúng tôi lần lượt qua sông, tôi đứng thứ năm kể từ phía Bắc xuống, số cuối của các chiến sĩ gái. Tôi nhắc: "Bạn chuẩn bị gọn gàng tôi đưa bạn qua sông". Bạn bảo tôi: "Kêu bằng em chứ sao lại bạn"? Tôi trả lời: "Tôi chắc gì đã hơn tuổi bạn, xưng hô vậy đâu được". "Trông anh chững chạc lắm, hơn em là cái chắc! Thế anh bao nhiêu tuổi"? Tôi trả lời: "Tôi đủ tuổi nhập ngũ". "Đó, em mười bảy tuổi nè, em được chưa"?

Lần lượt các cô gái Nam Bộ, được các chàng trai Miền Bắc cõng trên lưng qua sông. Hình ảnh đẹp tuyệt vời chưa có sách vở nào nói tới. Đến lượt tôi, nhắc bạn ra mé nước tôi đưa bạn qua sông. Bằng một động tác nhẹ nhàng, hai tay bạn bám chắc vai tôi và co mình lên, chúng tôi qua sông. Tay tôi bám chắc sợi song mây, chân lần từng bước trên chiếc cầu đã chìm sâu dưới nước gần một mét. Đang đi bạn cất tiếng: "May quá, các anh cho chúng em quá giang, không thì phải chờ nước rút mới qua được". Tôi bảo bạn ngồi vững nha, đừng chao đảo, sơ xẩy một tý là làm mồi cho cá đấy. Bạn: "Dạ em ngồi im nè".

Chân tôi lần từng bước vững chắc, dòng nước chảy xiết, chỉ cần chệch nửa bàn chân là bị nước cuốn trôi. Đến bờ tôi quay lưng để bạn nên, tôi cũng lên về vị trí của mình, bạn theo tôi để cùng trò chuyện, trong lúc chờ đoàn em nhỏ sang sông. Bây giờ tôi mới có thời gian nhìn bạn. Bạn có dáng đẹp của những cô gái đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc mũ tai bèo chưa che khuất làn tóc mây rủ xuống bờ vai. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng, nổi bật nên đôi mắt đen sáng vẻ hiền hậu. Chiếc khăn rằn quàng cổ nổi bật trên nền chiếc áo Bà Ba màu tím. Quần vải Mỹ A ôm sát đường cong mềm mại. Khẩu súng Cabin khoác chéo sau lưng, đúng dáng một nữ chiến sĩ mà tôi đã thấy trong tranh ký họa, của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, họa sĩ Lê Lam của những năm 65-66. Bây giờ được coi tận mắt hình ảnh ấy.

Chưa cần tôi hỏi chuyện, bạn vào đề ngay: "Em Bến Tre xứ dừa anh ạ! Em là dân quân du kích, cũng có lúc là bộ đội địa phương. Thành tích của em là diệt xe cơ giới. Cụ thể là ba xe M113, một xe tăng. Chúng cứ càn quét vào thôn ấp, qua ruộng làm dập nát hết mùa màng của dân, tức quá. Chúng em nhờ các anh bên quân giới, tiếp sức cho được mấy quả mìn DH10 mới diệt được chúng. Trong đoàn em còn mấy chị mấy anh nữa đều là Dũng sĩ đó, có cả Anh hùng nữa". Bạn chỉ tay về phía các em thiếu nhi đang qua sông: "Ngay cả sắp nhỏ kia, cũng có em là Dũng sĩ đó"! Bạn nói tiếp:

-Được các chú cho đi báo cáo thành tích, đi thế này nhớ má, nhớ trận địa lắm, nhưng mà em thích biết miền Bắc hơn.

Đoàn khách đã sang sông đầy đủ hai mươi bẩy người. Trưởng đoàn cám ơn cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn tôi giúp đỡ, rồi tiếp tục hành quân. Bạn đi sau cùng, được mươi bước, quay hướng về phía tôi nói rõ to, hình như bạn muốn mọi người đều nghe thấy: "Em còn chưa biết quê anh đó"! Tôi chưa kịp trả lời thì đồng đội tôi đã đồng loạt lên tiếng, như hô khẩu hiệu:

- Hà Tây quê lụa em ơi...

Tiếng vỗ tay tiếng cười tiếng reo hò lan tỏa hết hàng quân, như lời chào tiễn đưa đoàn khách về phương Bắc.

Tiểu đoàn tôi qua sông, gần năm trăm cán bộ chiến sĩ hết trọn một ngày.

Trường Sơn, có những con suối, bình thường nó trong mát, hiền hòa, thơ mộng, nhưng đến mùa mưa mùa lũ nó lại hung dữ, cuốn trôi đi tất cả. Là nỗi kinh hoàng cho người đi rừng. Không loại trừ bộ đội Trường Sơn.

Chuyện làng quê

Nguyễn Đăng Dung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gap-nhau-tren-duong-truong-son-a13640.html