Kỳ 39.
Bô rít sô trở lại với hiện tại, liền ra lệnh:
-Thiếu tá công binh.
-Có thuộc cấp.
-Thiếu tá cho triệt hạ ba làng Thượng Thọ, Mỹ Khê và Mậu Thịnh.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Đại tá Đốt.
-Có thuộc cấp.
-Đại tá dẫn 2.000 quân và các sĩ quan truy kích quân Ba Đình và triệt hạ căn cứ Mã Cao.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
Căn cứ Mã Cao thuộc huyện Yên Định, thượng lưu sông Mã do thủ lĩnh Cần Vương Hà Văn Mao cho xây dựng và lãnh đạo. Pháo đài chính nằm bên sông sâu và núi rừng hiểm trở. Ngoài ra còn có 6 pháo đài nhỏ cách pháo đài chính khoảng 3km với chằng chịt chiến hào. Khi truy kích gần đến nơi, đại tá Đốt ra lệnh:
-Đại tá Mét ni giơ.
-Có thuộc cấp.
-Đại tá dẫn 500 quân tiến theo hữu ngạn sông Mã, từ Phủ Thọ tấn công phía tây Mã Cao.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Thiếu tá công binh Dốp phơ rơ. -Có thuộc cấp.
Thiếu tá thu tất cả thuyền bè của dân dọc sông để chở vũ khí lương thực và ngài chỉ huy đội quân đánh vào nam Phủ Quảng, phía đông Mã Cao.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
Cuộc chiến đấu của nghĩa quân và Pháp ở Mã Cao diễn ra kịch liệt. Pháp bắn moóc chi ê và súng trường dữ dội. Nghĩa quân cũng bắn ra xối xả. Tiếng trống, tiếng chiêng hòa với tiếng súng rung chuyển rừng núi. Hàng chục tên lính pháp bỏ mạng trong đó có trung úy Phô dê và một trung úy chỉ huy lính khố đỏ. Đinh Công Tráng nói với Phạm Bành và Hà Văn Mao:
-Nếu cố giữ căn cứ, ta có nguy cơ bị bao vây và bị tiêu diệt, ta nên rút lui để tiếp tục chống Pháp ở nơi khác.
Hà Văn Mao và Phạm Bành nói:
-Cứ làm theo ý của Đề đốc đi.
Nghĩa quân rút khỏi Mã Cao.
Thoát khỏi vòng vây Mã Cao thì Phạm Bành được tin báo:
-Bẩm Tán tương quân vụ, Pháp đã bắt mẹ và con của ngài để buộc ngài phải ra đầu hàng.
Phạm Bành suy nghĩ lao lung, cuối cùng nói:
-Thôi phải ra để cứu mẹ già và con nhỏ.
Phạm Bành ra đầu thú. Khi giặc thả mẹ và con nhỏ ra thì ngài tự sát ngay đêm đó giữ tròn khí tiết. Phạm Bành thọ 60 tuổi. Mẹ già than khóc:
-Con ơi con, đánh giặc cứu nước không chỉ tròn chữ trung mà cũng là tròn chữ hiếu rồi. Sao con không hiểu lẽ đơn giản như vậy mà ra đầu thú chết uổng phí cả một đời? Sao vậy con ơi?
Mùa hè năm 1887, Đinh Công Tráng vào Nghệ An để nhằm khởi nghĩa chống Pháp ở vùng đất này, ngài đến làng Tang Yên, Đô Lương. Do lý trưởng vùng đó báo nên 3 giờ sáng tên Cô tơ, đồn trưởng đồn Đô Lương bao vây ngôi nhà, Đinh Công Tráng bắn nhau với lính của Cô tơ một hồi thì bị trúng đạn hy sinh cùng người em. Đinh Công Tráng thọ 45 tuổi (1842-1887).
Hà Văn Mao, Tống Duy Tân về với Cầm Bá Thước ở Thung Voi, Thung Khoai. Cuối năm 1887 bị truy quét ở châu Quan Hóa, Hà Văn Mao tự sát. Cuối năm 1892, Tống Duy Tân và Hà Văn Nho bị Pháp bắt, năm 1895 Cầm Bá Thước bị bắt ở Thường Xuân.
Sau khi Ba Đình và Mã Cao thất thủ, em trai của Trần Xuân Soạn là Trần Xuân Huấn và con của ngài là Trần Xuân Kháng hy sinh. Trần Xuân Soạn lên Bá Thước, sau đó ngài sang Long Châu Trung Quốc, Năm 1923, Trần Xuân Soạn tạ thế tại Long Châu, thọ 74 tuổi.
IV
Mùa đông năm 1885, làng Dương Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên chìm trong giá rét. Gió khua xào xạc trên những lũy tre, những rặng nhãn bao quanh xóm làng. Lá vàng rơi lả tả xuống những mái tranh nghèo. Gió lùa trên những bãi sậy mênh mông, bát ngát. Những rừng sậy nhô lên từng đợt như những đợt sóng màu vàng cỏ úa. Đời Tự Đức, đê Văn Giang vỡ 18 lần, dân cư đói khát bỏ làng mà đi tha phương. Từ đó, những cánh đồng phì nhiêu của các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào lau sậy mọc um tùm thành rừng, mênh mông bát ngát.
Làng Dương Trạch, phủ Khoái châu là căn cứ thứ hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Đinh Gia Quế lãnh đạo. Gọi là làng nhưng phần lớn đất đai là lau sậy um tùm, hiểm yếu, có chỗ lau sậy cao tới 3m, là một căn cứ chống Pháp lợi hại. Trong Đại bản doanh mái lợp bằng lá sậy, cột tre, vách đất hoặc cũng bằng lá sậy. Đinh Gia Quế ngồi ghế chủ nhân sau một cái bàn gỗ đã cũ, các tướng lĩnh ngồi hai hàng, giữa là những tấm ván cũ kê thành bàn dài. Trên bàn đặt những bộ ấm đun nước và những cái cốc. Ngồi hàng ghế tướng lĩnh sát gần với Đinh Gia Quế là danh sĩ Nguyễn Đình Mai, Đinh Văn Vinh là con trai của Đinh Gia Quế. Tiếp theo bàn bên tả là Đốc Sung, Đề Tính, Đốc Cọp, bên hữu là cử nhân Nguyễn Hữu Đức, Đề Ban, Đề Bần, Đốc Chính. Bốn vị đây là tướng lĩnh của triều đình ở Bắc Kỳ. Khi triều đình Tự Đức năm 1883 ra lệnh bãi binh không chống Pháp thì đã tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy với Đinh Gia Quế.
Đinh Gia Quế sinh năm 1825 tại làng Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, theo Nho học, đỗ khóa sinh và đi dạy học ở làng Thọ Bình, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đinh Gia Quế là ông thầy đức độ, có uy tín trong vùng nên triều đình phong chức chánh tổng, sau thăng lên làm chánh tuần huyện Đông Yên, phủ Khoái châu.
Sau khi đánh chiếm thành Hà Nội lần hai năm 1882, ngày 28 tháng 3 năm 1883, một toán nhỏ quân Pháp tiến xuống uy hiếp thành Hưng Yên. Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, Án sát Tôn Thất Phiên hèn nhát tháo chạy, Pháp chiếm thành không mất một viên đạn. Phẫn nộ trước sự hèn nhát của quan lại, Đinh Gia Quế bỏ quan dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp xâm lược. Lá cờ thêu tám chữ:" Nam đạo Cần Vương bình Tây phạt tội”. Đinh Gia Quế tự xưng là Đổng nguyên nhung.
Đinh Gia Quế cho xây ở quê ngài là thôn Thọ Bình một cái thành chu vi 5 mẫu, có tường gạch bao quanh. Chung quanh thành có nhiều hầm hào và giao thông hào tỏa ra khắp nơi để nghĩa quân vận động chiến đấu. Trong thành có nhà kho, trường tập bắn, luyện võ nghệ. Đại bộ phận nghĩa quân do các tướng chỉ huy đóng rải rác ở các làng Bãi Sậy chung quanh thành.
Suốt hai năm, từ năm 1883 đến mùa xuân 1885, nghĩa quân đã đánh Pháp nhiều trận lớn ở phủ Khoái Châu, Mỹ Hào, Văn Giang, Ân Thi, Tiên Lữ. Nghĩa quân khống chế đường 5 Hà Nội-Hải Phòng, tấn công các đồn bốt, chặn đánh các đoàn xe, phục kích tiêu diệt các toán quân Pháp đi tuần tiễu, các toán thám báo của Pháp. Nghĩa quân đã đánh bại nhiều cuộc càn quét lớn của giặc vào Bãi Sậy, gây cho chúng nhiều thiệt hại như đánh bại cuộc càn quét của thiếu tướng Đô ni ê thuộc lữ đoàn Nê gờ ri ê. Năm 1884, nghĩa quân đánh bại cuộc càn quét của tướng Đơ Cuốc xi. Pháp phải phối hợp với đại Việt gian Hoàng Cao Khải mở càn quét nhưng thiệt hại lớn, phải cho xây dựng nhiều đồn bốt chung quanh Bãi Sậy để bao vây nghĩa quân như đồn Bần Yên Nhân, Ứng Lôi, Đình Cao, Bằng Nang, Phó Nham, An Vi, Bình Phú, Thổ Hoàng...
Mùa xuân năm 1885, quân Pháp mở nhiều cuộc càn quét giữa lúc Đinh Gia Quế đang lâm bệnh nặng. Ông cho dời bản doanh về làng Dương Trạch, phủ Khoái Châu, và hôm nay đang họp các tướng để bàn bạc.
Ngồi trên ghế chủ nhân, chủ tọa cuộc họp quan trọng này quyết định sự tồn vong của Bãi Sậy là Đinh Gia Quế. Đinh Gia Quế khoác áo bông, dáng người mệt mỏi. Ông uống một cốc chè nóng và nói với các tướng lĩnh:
-Vừa rồi cuộc tấn công của Hoàng Cao Khải vào căn cứ thì ta bị ốm nặng nên nghĩa quân bị thiệt hại nặng. Ta nay chỉ sống tính theo ngày giờ. Sự nghiệp cứu nước của Bãi Sậy không thể không có chủ tướng mới. Hôm nay, ta cùng các tướng hãy chọn lấy một người tài giỏi thay ta gánh vác, nếu không thì sự nghiệp của chúng ta sẽ tan nát bởi bàn tay của giặc Pháp và bọn Việt gian.
Danh sĩ Nguyễn Đình Mai nói:
-Chủ tướng quả nhiên là không được khỏe, nay thuộc hạ đề cử cử nhân Nguyễn Hữu Đức, người có đức có tài có thể đảm đương gánh vác được nhiệm vụ khó khăn này.
Nguyễn Hữu Đức dáng phong lưu của một nhà Nho nói:
-Cảm tạ sự đề cử của đại nhân Nguyễn Đình Mai, nhưng xét thấy tại hạ tài hèn sức mọn, không thể gánh vác được việc lớn của Bãi Sậy. Nay tại hạ xin đề cử một người có thể ngồi vào ghế chủ tướng của chúng ta.
Đinh Gia Quế yếu ớt hỏi nhỏ:
-Ai vậy? Xin ngài cử nhân cứ nói rõ?
Nguyễn Hữu Đức đáp:
-Người đó không ai khác là quan Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ Đại thần Nguyễn Thiện Thuật, cháu đời thứ 30 của khai quốc công thần nhà Hậu Lê Nguyễn Trãi.
Đốc Sung hỏi:
-Tại hạ đã nghe danh người này lâu rồi. Xin ngài cử nhân nói rõ hơn.
Nguyễn Hữu Đức đáp:
-Cũng là người trong làng Nho nên tôi biết rõ Nguyễn Thiện Thuật. Nguyễn Thiện Thuật sinh năm 1844, quê quán làng Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà Nho nghèo, sớm nổi danh vì tài văn võ. Năm 1870 Nguyễn Thiện Thuật thi đỗ tú tài, năm 1874 được triều đình cử làm Bang biện. Năm 1876 Nguyễn Thiện Thuật đậu cử nhân và được bổ làm tri phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, năm Kỷ Mão 1879 được bổ nhiệm chức Tán tương quân vụ Hải Dương, năm 1881 giữ chức Chánh sứ sơn phòng tỉnh Hưng Hóa kiêm chức Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây. Nguyễn Thiện Thuật làm quan công minh, thanh liêm và có tài cai trị. Năm 1882, giặc Pháp tấn công Hà Nội lần hai, nhà Nguyễn đầu hàng, hạ lệnh cho tướng lĩnh quan lại Bắc Kỳ bãi binh, không được chống Pháp. Nguyễn Thiện Thuật kháng chỉ, cùng một số sĩ phu, văn thân, tướng lĩnh yêu nước chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Năm 1883, Nguyễn Thiện Thuật lên Hưng Hóa-Tuyên Quang cùng Nguyễn Quang Bích đánh Pháp. Năm 1884 thành Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật lên Lạng Sơn đánh giặc cùng thủ lĩnh Lã Xuân Oai, tuần phủ Lạng Sơn-Cao Bằng. Năm 1885, thành Lạng Sơn thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật sang Long Châu, Trung Quốc. Cùng năm 1885 ngài về nước, nhiệt liệt hưởng ứng chiếu Cần Vương của hoàng thượng Hàm Nghi, đã yết kiến hoàng thượng tại sơn phòng Hà Tĩnh, được hoàng thượng Hàm Nghi phong chức “Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ đại thần Gia trấn trung tướng quân". Tôi nhớ không nhầm thì Nguyễn Thiện Thuật đã vài lần tới tổng hành dinh của quân ta ở Bãi Sậy đàm đạo việc chống Pháp với chủ tướng Đinh Gia Quế.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-39-a13675.html