Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 40.

Đinh Gia Quế nhớ ra:

-Đúng rồi, hôm làm lễ tế cờ khởi nghĩa Bãi Sậy của ta, Nguyễn Thiện Thuật có tới dự, được ngài đó làm chủ tướng thì ta ra đi cũng yên tâm, Nhưng nay ngài ấy đang ở đâu?

  Nguyễn Hữu Đức đáp:

-Bẩm chủ tướng, nay đại bản doanh của Nguyễn Thiện Thuật đang ở Đông Triều, Quảng Ninh.

  Đinh Gia Quế ôm ngực ho một cơn dài, hết cơn ho mới hỏi:

-Các đại nhân có tán thành mời Nguyễn Thiện Thuật về làm chủ tướng Bãi Sậy không?

  Các tướng đồng thanh đáp:

-Chúng thuộc tướng đồng ý.

bai-say-1656765814.png
Nguồn: Internet.

  Đinh Gia Quế nói với Nguyễn Hữu Đức:

-Quân sư hãy thay ta viết một phong thư mời Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ Đại thần Nguyễn Thiện Thuật về làm chủ tướng Bãi Sậy.

-Thuộc hạ tuân lệnh.

  Đông Triều, một sáng mùa đông, Hiệp thống quân vụ Đại thần Nguyễn Thiện Thuật đang ngồi trong bản doanh cùng các tướng bàn việc thống nhất các lực lượng chống Pháp ở Bắc Kỳ, chợt có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, có tướng Đốc Cọp, người của ngài Đinh Gia Quế ở Bãi Sậy đem thư đến.

-Cho mời vào.

-Dạ, tuân lệnh.

  Một người cao lớn khỏe mạnh, đầu chít khăn nâu, quân phục màu nâu bước vào cúi đầu chắp tay nói:

-Kính chào Hiệp thống quân vụ đại thần, chào các tướng quân. Tại hạ là Đốc Cọp, vâng lệnh của chủ tướng Bãi Sậy Đinh Gia Quế muốn trao một phong thư  cho ngài Hiệp thống quân vụ.

  Các tướng và Nguyễn Thiện Thuật đứng dậy đáp lễ:

-Chào tướng quân.

  Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Mời tướng quân ngồi dùng nước.

  Đốc Cọp trao thư, ngồi vào ghế và nói;

-Đa tạ Hiệp thống quân vụ đại thần, đa tạ các tướng quân.

  Trong khi Đốc Cọp uống nước thì Nguyễn Thiện Thuật bóc thư ra đọc. Thư viết: “Tại hạ là Đinh Gia Quế kính thư Hiệp thống quân vụ đại thần, tại hạ đã chỉ huy nghĩa quân Bãi Sậy chống Pháp được 3 năm. Nay đã 60 tuổi, mệnh trời sắp hết, bệnh già vô phương cứu chữa, như ngọn đèn trước gió, tắt trong nay mai. Tại hạ mất đi nhưng không đành để cho Bãi Sậy tan rã khi chí phục thù cứu nước của các tướng sĩ đang dân cao. Tại hạ và các tướng nhất trí mời ngài về làm chủ tướng Bãi Sậy, dựng cao cờ nghĩa, thống nhất lực lượng Cần Vương Bắc Kỳ để chiến thắng quân xâm lược Pháp, cứu dân, cứu nước thì tôi dưới suối vàng mới yên tâm nhắm mắt. Khẩn thiết chờ được hồi âm. Kính thư-Đinh Gia Quế".

  Nguyễn Thiện Thuật xem xong thư, lại đọc to một lần nữa cho các tướng nghe, sau đó hỏi:

-Ngài Đinh Gia Quế ốm nặng khó qua khỏi, ngài muốn mời ta về làm chủ tướng Bãi Sậy, không biết ý các tướng thế nào?

  Nhà Nho Ngô Quang Huy nói:

-Ta đang có chủ trương thống nhất toàn bộ lực lượng Cần Vương Bắc Kỳ vào một đầu mối để có sức mạnh đánh Pháp. Nay chủ tướng nên đi Bãi Sậy một chuyến xem sao. Dù ngài Đinh Gia Quế không mệnh hệ gì thì ta cũng sẽ liên kết được với Bãi Sậy là điều rất nên làm để chống Pháp.

  Các tướng đều nói:

-Chủ tướng nên đi Bãi Sậy một chuyến.

  Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Vậy ta cùng năm tay súng do Đốc Cọp dẫn đường, dùng sáu con ngựa khỏe, đêm nay xuất phát. Mọi việc ở bản doanh do quân sư Ngô Quang Huy phụ trách.

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh.

  Ăn cơm chiều xong, năm tay súng hộ vệ Nguyễn Thiện Thuật lên ngựa do Đốc Cọp dẫn đường phi nước đại trong đêm từ Đông Triều về Bãi Sậy. Khoảng 2 giờ sáng thì tới nơi, gặp quân canh, Đốc Cọp nói:

-Đây là ngài Hiệp thống quân vụ, ta đi đón từ Đông Triều về, mau cho nấu bảy suất cơm và thu xếp chỗ nghỉ ngơi.

-Dạ, tuân lệnh ngài Đề đốc.

  Sớm hôm sau, cử nhân Nguyễn Hữu Đức và danh sĩ Nguyễn Đình Mai tiếp cơm sáng Nguyễn Thiện Thuật. Sau đó khoảng 9 giờ sáng khi được báo Đinh Gia Quế cho mời. Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Đình Mai dẫn Nguyễn Thiện Thuật vào phòng của Đinh Gia Quế. Đinh Gia Quế gầy gò nằm trên giường không dậy được, biết Nguyễn Thiện Thuật đến liền nói:

-Tại hạ không thể ngồi tiếp Hiệp thống quân vụ đại thần được, kính mời ngài xá lỗi.

  Nguyễn Thiện Thuật cầm tay Đinh Gia Quế và nói:

-Đổng Nguyên nhung lâm bệnh, tại hạ tới thăm quá muộn, thất lễ, thất lễ, xin xá tội, xá tội.

  Đinh Gia Quế nói:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Lấy ghế cho quan Hiệp thống.

-Dạ.

  Sau khi Nguyễn Thiện Thuật ngồi xuống ghế bên cạnh giường, Đinh Gia Quế nói:

-Trong thư tại hạ đã nói rồi, nay ta không thể gánh vác công việc Bãi Sậy được nữa, mong quan Hiệp thống quân vụ hãy đứng đầu nghĩa quân ở đây để tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.

  Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Đây là sứ mệnh quá lớn, nhưng để không phụ sự ủy thác, tín nhiệm của ngài Đổng nguyên nhung và các tướng Bãi Sậy, không phụ sự ủy thác của hoàng thượng Hàm Nghi, tại hạ xin tuân lệnh của ngài.

  Đinh Gia Quế cầm bàn tay Nguyễn Thiện Thuật, bàn tay của ông lạnh giá. Ông nói yếu ớt:

-Đa tạ, đa tạ.

  Tiếng nói của Đinh Gia Quế ngừng bặt, đầu nghẹo sang một bên, hai mắt mở to không chớp. Trái tim của người anh hùng Cần Vương Bãi Sậy đã ngừng đập sau khi đã ký thác được sự nghiệp cho Hiệp thống quân vụ, người đại diện cho hoàng thượng Hàm Nghi tại Bắc Kỳ, hưởng thọ 60 tuổi (1825-1885).

  Nguyễn Hữu Đức bảo một người lính cận vệ:

-Đổng nguyên nhung đã từ trần, đi báo cho hai phu nhân Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thảo, công tử Đinh Văn Vinh và hai tiểu thư Đinh Thị Duyên và Đinh Thị Hằng.

-Dạ, tuân lệnh quân sư.

  Một lát sau, hai phu nhân, hai tiểu thư và công tử của Đinh Gia Quế đến. Nguyễn Hữu Đức giới thiệu với họ:

-Xin giới thiệu với hai phu nhân, hai tiểu thư và công tử, đây là ngài Hiệp thống quân vụ Nguyễn Thiện Thuật.

  Hai phu nhân, hai tiểu thư và công tử cúi đầu chắp tay chào Nguyễn Thiện Thuật. Nguyễn Hữu Đức nói tiếp:

-Dạ, bẩm Hiệp thống, đây là hai phu nhân, hai tiểu thư và công tử của Đổng nguyên nhung.

  Nguyên Thiện Thuật cúi đầu chắp tay:

-Tại hạ mới tới thăm Đổng nguyên nhung tối hôm qua, sáng nay mới gặp Đổng Nguyên nhung một canh giờ. Đáng tiếc ngài đã sớm ra đi. Tại hạ xin thay mặt toàn bộ tướng lĩnh, quân sĩ Cần Vương Bắc Kỳ, hoàng thượng Hàm Nghi, quan phụ chính Tôn Thất Thuyết chia buồn với gia đình, với hai phu nhân, hai tiểu thư và công tử.

  Hai vị phu nhân, hai tiểu thư và công tử chắp tay cúi đầu:

-Xin đa tạ Hiệp thống quân vụ.

  Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Tại hạ xin ra ngoài để gia đình gặp Đổng Nguyên nhung lần cuối.

  Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Đình Mai và mọi người ra ngoài. Trong phòng của Đinh Gia Quế vọng ra tiếng khóc than thảm thiết của hai phu nhân, hai tiểu thư, công tử, người nhà và của các gia tướng!

  Nguyễn Đình Mai nói:

-Xin Hiệp thống quân vụ với tư cách là chủ tướng mới của Bãi Sậy hãy đứng ra làm chủ tang lễ cho Đổng nguyên nhung.

  Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Xin đa tạ quân sư. Vậy thì ngày hôm nay chuẩn bị. Ngày mai cho tướng sĩ Bãi Sậy và các thủ lĩnh Cần Vương xa gần đến viếng, trưa quá ngọ, giờ lành đưa Đổng nguyên nhung về nơi an nghỉ. Ta sẽ thông báo cho các lực lượng Cần Vương Bắc Kỳ được biết để họ mặc niệm, chia buồn.

-Tuân lệnh chủ tướng.

                                   

*       *

*

  Nguyễn Thiện Thuật ở lại căn cứ Dương Trạch, phủ Khoái Châu lo liệu tang lễ cho Đinh Gia Quế khoảng sáu ngày. Sau khi xong việc, Nguyễn Thiện Thuật nói với Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Đình Mai và các tướng:

-Ta muốn trở lại căn cứ chính của Bãi Sậy ở làng Thọ Bình, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu làm Tổng hành dinh của toàn bộ phong trào Cần Vương Bắc Kỳ. Các tướng quân thấy thế nào?

  Nguyễn Đình Mai nói:

-Như vậy là hợp lý, nơi đó xưa chính là Tổng hành dinh thời chủ tướng Đinh Gia Quế. Vì bị bất lợi trong cuộc chống càn năm 1885 mới chuyển về đây. Tuy nhiên, đại bộ phận nghĩa quân ta vẫn hoạt động khắp Bãi Sậy và các làng chung quanh.

  Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Vẫn cho một bộ phận ở lại căn cứ Dương Trạch do ngài Đề Tính chỉ huy, còn lại trở về căn cứ Thọ Bình ngay đêm nay. Cần phải đem theo lương thực, vũ khí.

-Tuân lệnh chủ tướng.

  Canh khuya, nghĩa quân và các tướng lĩnh hành quân trở lại thành cũ giữa lòng Bãi Sậy. Đêm yên tĩnh. Một màn đêm bao phủ không gian và bao phủ rừng sậy mênh mông bát ngát. Gió làm cho rừng sậy dập dờn như những làn sóng biển đen ngòm, tạo nên những âm thanh xạc xào, huyền bí. Nghĩa quân len lỏi theo những đường nhất định, bí mật đi về căn cứ. Nếu không thuộc đường sẽ sa vào cạm bẫy do chính nghĩa quân đã đặt để ngăn chặn quân Pháp. Từng mảng lớn của rừng sậy bị giặc Pháp đốt cháy trong những trận càn còn trơ ống sậy gốc đen thui nham nhở giữa rừng sậy vàng úa mênh mông.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-40-a13699.html