Ngày xưa trong khu chợ nổi tiếng nhất có hủ tíu chú Sáu Xồi rồi cuối chợ có quán của Dì Xủ, trên chợ có hủ tíu Dì Năm Hoa dạng bình dân ngon bổ rẻ. Nhưng khi ở xóm Đình có quán hủ tíu của anh Ba Cà nhỏng xuất hiện thì hầu như tô hủ tíu quán anh Ba như một thỏi nam châm thu hút hết khách ăn hủ tíu của chợ Cái Vồn. Mỗi ngày chỉ riêng quán của anh Ba cà Nhỏng thôi đã tiêu thụ hết 50 ký hủ tíu. Nếu tính một ký bánh nấu được 10 tô thì 50 ký mỗi ngày bán được là 500 tô. Giá bây giờ là 40 ngàn một tô thì doanh thu mỗi ngày bình quân là 20 triệu. Vì vậy mà nhân công ở quán anh Ba cả chục người, mỗi buổi chiều nhân công lột tỏi và hành tím mỗi thứ cả một thau lớn, và khi bằm xong khử với mỡ nước, mùi thơm bay lừng cả xóm... Nhân công thuê từ các chị phụ nữ gần xóm gần nhà dạng nông nhàn nên khỏi nuôi cơm, đó cũng là một cái hay nhưng cái dở thì cũng nhiều không kém.
Tô hủ tíu của anh Ba cà Nhỏng thời đó như một hiện tượng lạ vậy, xe từ Cần Thơ đi Sài gòn chạy ngang bất chợt ngửi phải mùi nước lèo thôi là phải quay đầu xe lại liền. Nhưng cái dở đã nói là những người ở xóm vô quán anh Ba làm thuê một thời gian sau khi nghỉ họ đều mở tiệm bán hủ tíu với cách nấu và mùi vị y chang vậy và giá bán rẻ hơn nên quán anh Ba từ từ mất khách. Trong các tiệm một thời làm thuê cho anh Ba cà Nhỏng có tiệm hủ tíu của anh Thổ hớt tóc mà bảng hiệu còn duy trì đến hôm nay ở đường Lê văn Vị.
Nhưng anh Ba Cà Nhỏng trước khi mở quán hủ tíu ở nhà thì trước đó anh đã bán hủ tíu ở HTX trong bến xe ở Cầu Bắc Bình minh (sau 30/4/2975). Chị Năm Nhanh bán hủ tíu ở khu Chợ bà nói mỗi ngày chị bán lẻ và bỏ mối ở các quán hủ tíu khu Cầu bắc khoảng 200 ký bánh, (Nguồn bánh chị lấy ở chợ Ba Càng ) chỉ riêng quán hủ tíu của anh Ba cà Nhỏng là gần 100 ký rồi.
Thời đó trong nhà lồng chợ Bà có quán hủ tíu bình dân của anh Bảnh dạng ngon bổ rẻ, mỗi buổi sáng anh bán được 15 ký bánh hủ tíu. Buổi chiều anh hay bày tiệc nhậu tại quán hủ tíu của mình. Mỗi lần nhậu là hay cá độ ai thua trả tiền mồi tiền rượu, cá độ bằng cách kéo tay, bẻ tay hay bẻ chân mà lần nào anh Bảnh cũng thua người bạn nhậu là chủ quán cà phê, nên một lần anh thách bỏ cục than đước vô lòng bàn tay cùng nắm lại ai chịu nóng không nổi thì thua? Lần đó không ai chịu thua ai nhưng khi buông hai tay ra cả hai người đều bị phỏng và mấy ngày sau bàn tay anh sưng lên không cầm nổi cây vợt để nấu hủ tíu, còn người bạn kia thì cũng không châm được ly cà phê. Đúng là chơi ngu hết chỗ nói luôn. (Bây giờ anh Bảnh nghe nói bị tai biến rồi)
Sau khi anh Ba dẹp quán hủ tíu thì con gái anh là cô Yến nối nghiệp ba mình nhưng Yến không bán hủ tíu mà mở tiệm bán Phở, thương hiệu Phở Yến cũng duy trì trên 20 mươi năm rồi và hiện nay giá một tô phở cũng là 40 ngàn đồng. Ai muốn tìm chút hương vị của tô hủ tíu Ba cà nhỏng bây giờ có thể qua đầu cầu Cái vồn lớn ngay đầu cua quẹo về Đôi ma, tìm quán hủ tíu của thằng Trúc là cháu ngoại của anh Ba nó còn nối nghiệp của ông ngoại nó với thương hiệu hủ tíu Ba cà nhỏng.
Hủ tíu Cái vồn nguyên liệu chính làm bằng bột gạo, gạo làm hủ tíu phải là gạo cũ và bột phải xay để qua đêm. Bánh tráng xong phải đem ra phơi nắng khoảng 4 tiếng đồng hồ, nếu làm bánh phở thì chỉ phơi tầm 30 phút là được. Ở các nơi khác như Đồng tháp hay Long xuyên hủ tíu đa số là hủ tíu bột lọc nên bánh để lâu không bị mốc nhưng dai nhách khó ăn.
Quán hủ tíu thì nấu súp bằng xương heo và thịt cũng là thịt heo nhưng so với quán phở thì khác nhau nhiều lắm bởi vì Phở được nấu bằng xương bò và tô phở cũng sử dụng thịt bò. Hai thứ hai cách nấu với nguyên vật liệu khác hẳn không lẫn vào nhau được.
Trước đây dân ở Bình minh muốn ăn thịt Bò thì phải đi Cần thơ hay qua Vĩnh Long mới có. Từ ngày Bình minh thành Thị xã thì Thịt bò bán đầy đường. Trên đoạn đường NTMK trước đây đầy dẫy quán thịt cầy bây giờ cũng còn ít lắm, mà thay vào đó là các sạp thịt bò tươi rói từ hai bên cầu vượt kéo dài tới cầu Phù ly (Sở dĩ các quán thịt cầy mọc lên từ thời đoàn an dưỡng 44 để phục vụ cho các anh thương binh miền bắc đưa về an dưỡng nơi đây. Vì vậy mà sau 30/4/1975 ở Bình Minh đã xuất hiện người mua bán chó và có cả phe cẩu tặc rồi.)
Bây giờ trong khu chợ cũ trên con đường Ngô Quyền quán hủ tíu của chú Năm Xèo cũng rất đông khách, mỗi tô có giá 40 ngàn, tuy giá hơi cao nhưng rất sạch sẽ và hương vị đậm đà xem như là một thương hiệu có tiếng mấy mươi năm, quán hủ tíu chú Năm Xèo cũng là nơi hội tụ của những người con xa quê hương mỗi lần về thăm quê đều hẹn nhau đến quán để tìm lại hương vị thân quen.(trong đó có người viết bài này luôn nhé các bạn)
Nếu có dịp nào đến Thị xã Bình minh xin mời các bạn ghé quán hủ tíu bất kỳ nào đó để thưởng thức mùi nước súp hầm xương ngọt lịm thơm lừng mũi, cọng bánh trắng đục màu bột đều tăm tắp, những miếng thịt tươi ngon, có gan, cật, lá mía, phèo heo... Được hòa quyện với chút thịt nạc băm, một muỗng tóp mỡ giòn rụm béo ngậy, một hương vị làm nên thương hiệu hủ tíu xứ Cái vồn, rất khác ở các nơi khác mà ăn một lần rồi sẽ nhớ mãi khó mà quên.
(Ở Cái vồn ngày xưa có hai lò hủ tíu lớn. Một là lò của Dì Út Lình, là em gái của mẹ tôi. Hai là lò của chú Hà Dậu, phía bên sông thuộc xã Đông Thành ngang khu chợ)
Chuyện làng quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hu-tiu-cai-von-a13726.html