Có những người thành đạt nơi phố thị, cũng có những người còn lấm lem ở chốn thôn quê. Nhưng tất thảy đều dành cho ông giáo già một niềm kính trọng không bờ bến. Mặc dù trước đây ông giáo nổi tiếng là người thầy cực kỳ nghiêm khắc, nghiêm khắc đến độ cực đoan.
Lớp học trò ngày xưa cũng có những kẻ bướng bỉnh, mà theo ngôn ngữ ngày nay họ gọi là "cá biệt". Nói chung thời nào cũng vậy, đám "đầu bò" ấy có những tai quái chẳng khác gì những kẻ choai choai ngày nay. Bây giờ gọi là ...trẻ trâu.
Hùng là một học trò như vậy. Những trò tai quái của Hùng thì không sao kể hết được, những trận phạt của thầy thì cũng không thể nào nhớ nổi. Nhưng cũng lạ: đám đầu bò ngày ấy không có thói quen về "tâu" với cha mẹ, như những đứa "con vàng, con bạc" giống như thế hệ trẻ bây giờ.
Hiện tại, Hùng là một người thành đạt, anh nổi tiếng không chỉ vì những đóng góp ở quê hương, mà tại nơi anh sinh sống trên phố thị cũng là một đại gia có "máu mặt".
Anh gọi điện trước, sẽ về thăm thầy năm nay. Ông giáo già mừng lắm. Việc đón tiếp Hùng không chỉ là một người trò cũ, mà đó còn là một người thành đạt. Mới sáng sớm, ông đã cho đứa cháu nội ra đứng chờ ở đầu làng. Ông dặn kỹ lắm: hễ thấy ai đi xe ô tô loại sang hỏi thăm nhà, thì dẫn đường cho họ tới.
Thằng bé chạy tới chạy lui cả buổi mà chẳng thấy bóng dáng chiếc ô tô nào. Ông giáo già có vẻ buồn.
Đột nhiên ông nghe tiếng "cạch", chiếc xe đạp dựng chân chống ngay trước sân nhà ông. Một người trung niên, mái đầu đã muối tiêu, một bộ quần áo bình thường, không cà vạt, cũng chẳng giày đen bóng loáng như ông tưởng tượng. Đứng trước ông giáo già tóc đã bạc phơ, người đàn ông trung niên cúi rạp người xuống trước ông:
- Con chào thầy ạ.
Người đàn ông ấy bất chợt quỳ xuống
Phải Hùng đây rồi. Hùng "đầu bò". Ngót nửa thế kỷ trôi qua, khuôn mặt già đi, nhưng cái nét đầu bò thì không hề thay đổi trong con mắt của ông giáo. Hai người lặng đi hồi lâu, những ký ức chợt ùa về như cơn lốc.
Năm ấy ...
Vào những năm 80 của thế kỉ trước. Hùng còn là một cậu bé con, khuôn mặt choắt, nhưng cái tướng lì lợm hiện rõ trên ấy. Hùng là học trò của thầy suốt những năm học cấp hai. Không có những trò nghịch ngợm phá phách nào trong khuôn viên trường mà không có bóng dáng Hùng là đầu têu. Các thầy cô khác trong trường đều lắc đầu. Duy chỉ có thầy Long (là tên ông giáo già) mới có thể trị được cậu ta.
Những đòn phạt nặng ký đã được thầy áp dụng. Và dĩ nhiên là chưa bao giờ Hùng dám phản kháng, bởi thầy là một người cực kì nghiêm khắc.
Hùng còn nhớ như in, lần phạt quỳ năm ấy, có lẽ đó là lần phạt quỳ cuối cùng trong cuộc đời học sinh của Hùng. Khi những đứa bạn cùng lớp đã về từ lâu, thì Hùng vẫn còn bị quỳ trước bảng. Mức quy định thời gian bằng cái bóng nắng mà thầy vạch lên để quy ước trước cửa phòng học.
Những năm đói kém chung của cả nước thời bao cấp, việc đi học chỉ bằng nửa củ khoai lót dạ, thì việc phạt ấy là một cực hình. Hùng chỉ len lét nhìn theo bóng nắng liếm dần đến cái vạch quy ước của thầy mà như muốn khuỵu xuống.
Cũng lúc ấy, tiếng loẹt xoẹt dép lê của thầy cũng vừa vào ngang cửa. Trên tay là một suất cơm tập thể của thầy. Một tô cơm với nửa quả trứng và một nhúm rau muống xào. Trong thời buổi khốn khó, Thầy đã phải nhịn ăn để dành suất cơm tập thể cho Hùng.
Mãi đến sau này, khi dự những buổi yến tiệc với sơn hào hải vị, nhưng với Hùng, đó là suất ăn ngon nhất trong đời. Mặc dù Hùng phải ngồi ăn trong giàn giụa nước mắt.
Hai Thầy trò trong câu chuyện lúc nhặt, lúc thưa, tất thảy đều né tránh những điều vụn vặt. Nhưng trong ánh mắt, ai cũng cảm thấy nỗi băn khoăn về mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện tại, nhất là những ràng buộc và những chế tài trong giáo dục thời nay.
Bữa cơm trưa đãi khách đã được dọn ra, bất chợt Hùng ghé sát tai Thầy nói nhỏ:
- Thầy ơi! Con muốn được ăn suất cơm chỉ với một nửa quả trứng, như suất cơm thầy đã dành cho con ngày xưa.
Chuyện Làng Quê
Đỗ Đức Thắng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-hoc-tro-cu-a13754.html