Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 43)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.  

Kỳ 43.

Bấy giờ là mùa đông năm 1888, Thống sứ Bắc Kỳ Sác lơ Lui Oa rơ nét đang ngồi trong dinh theo dõi chiến sự của quân Pháp và quân Cần Vương Bãi Sậy. Tin thất bại của quân Pháp dồn dập được báo về. Thống sứ vừa cạn cốc rượu vang thì có sĩ quan tùy tùng vào báo:

-Dạ, bẩm Thống sứ, Thống tướng O le Cuốc xi ra lệnh tấn công căn cứ Trại Sơn của Đốc Tít, đã huy động bộ binh, pháo binh, công binh nhưng bị thất bại và bị thiệt hại nặng.

bai-say-3a-1657020199.gif
Văn chỉ Bình Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên- nơi đây đã từng là đại bản doanh của nghĩa quân Bãi Sậy (Bộ văn hóa xếp hạng di tích Lịch sử- Văn hóa năm 1962). Nguồn: baotanglichsu.vn

 

  Thống sứ Bắc Kỳ Sác lơ Oa rơ nét đập bàn, chiếc cốc rung lên:

-Thống tướng O le Cuốc xi thật là đồ ăn hại. Cho gọi tướng Lô bai rô dơ tới đây.

-Dạ, tuân lệnh Thống sứ.

Một lát sau Lô bai rô dơ tới:

-Thuộc cấp chào Thống sứ.

-Mời thiếu tướng nghe lệnh: Nay bổ nhiệm thiếu tướng làm tư lệnh trấn áp phong trào Cần Vương Bãi Sậy thay cho thống tướng O le Cuốc xi không hoàn thành nhiệm vụ.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

  Thống sứ Bắc Kỳ rót thêm một cốc rượu và nói:

-Mời tướng quân nâng cốc. Chúc tướng quân hoàn thành sứ mệnh.

-Đa tạ Thống sứ.

  Hai tên chạm cốc và ngửa cổ cạn ly.

  Sau khi nhậm chức, Lô bai rô dơ ra lệnh:

-Đại tá công binh Phơ rét.

-Có thuộc cấp.

-Đại tá cho xây dựng nhiều đồn bốt nhỏ để bao vây Bãi Sậy, tách sự quan hệ của dân chúng với nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Trung tá Đôn ni ê.

-Có thuộc cấp.

-Lúa đã chín, trung tá cho quân Pháp cùng quân khố đỏ của Hoàng Cao Khải đi gặt hết lúa của dân Hải Dương và Hưng Yên để họ không thể nộp lương thực cho nghĩa quân.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

  Ngày 12 tháng 11 năm 1888, Đôn ni ê, giám binh Nây, chỉ huy đồn Mỹ Hào, bang tá Nguyễn Hữu Hào cùng Hoàng Cao Khải dẫn lính về gặt lúa ở Lưu Trung,  tổng Lưu Trung Xá. Quân Pháp và lính khố đỏ đang gặt lúa thì ở cánh đồng bên cạnh có 800 phu gặt lúa, tay liềm, tay hái cũng tràn xuống gặt. Lát sau quân Pháp mãi làm thì đoàn phu gặt đã tiến lại gần, bao vây và rất nhanh rút súng bắn xối xả vào quân pháp và lính khố đỏ. Thì ra đó là nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Văn Sung, Vũ Văn Đồng chỉ huy, theo lệnh của Nguyễn Thiện Thuật đến diệt Pháp để  giữ lúa cho dân và cũng là cho nghĩa quân. Súng nổ vang trời, khói bốc mù mịt. Nhiều đàn chim vội dáo dác bay lên trời. Bị đánh bất ngờ, giám binh Nây chết tại trận cùng 30 tên Pháp và khố đỏ. Bang tá Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Cao Khải, Đôn ni ê thoát thân chạy về Kẻ Sặt, sau đó chạy về Hải Dương.

  Ngày 9 tháng 2 năm 1888, trong một cuộc đụng độ giữa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Dương chỉ huy với quân Pháp do viên đội Phi li pê chỉ huy. Súng nổ vang trời, khói lửa mù mịt. Thốt nhiên, Nguyễn Thiện Dương kêu lên một tiếng và gục xuống. Nguyễn Thiện Kế chạy lại đỡ em thì Nguyễn Thiện Dương đã hy sinh. Đó là một cái tang đau thương của gia đình Nguyễn Thiện Thuật, của toàn quân Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật họp các tướng và hỏi:

-Tên Phi li pe chỉ huy đồn nào?

  Nguyễn Thiện Kế thưa:

-Dạ, hắn ở đồn Bản Yên, xã Đòn Ghềnh ạ.

  Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Đề Tính, Đội Văn nghe lệnh.

-Dạ, có thuộc tướng.

-Đêm nay hai tướng quân vây đồn Bản Yên, giết chết tên Phi li pe để ngày mai tế vong linh trong lễ tang của Nguyễn Thiện Dương.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

  Đêm đó, năm tên lính đồn Bản Yên đi tuần quanh đồn, bỗng nhiên từ trong bóng đêm bị quân mai phục khống chế dí dao vào cổ đâm chết không kịp kêu. Năm người lính Bãi Sậy thay quân phục đi vào cổng đồn. Lính gác hỏi:

-Ai?

-Mày mù à, chúng tao là lính tuần tiễu, bây giờ trở về. Mở cổng.

Lính gác mở cổng đồn, lập tức bị đâm chết. Quân của Đội Tính, Đội Văn tràn vào đồn. Đội Văn nắm cổ áo một tên lính dí dao vào cổ hỏi:

-Đồn trưởng Phi li pe ở đâu? Nói tao tha mạng.

  Tên lính sợ hãi dẫn đường. Đến cửa phòng, Đội Văn đạp cửa xông vào. Phi li pe vừa giật mình tỉnh giấc, Đội Văn bấm cò, ngực Phi li pe hứng trọn một băng đạn, máu tuôn ra đầm đìa. Toàn bộ lính trong đồn 21 tên bị tiêu diệt. Đội Văn cắt đầu Phi li pe về đặt lên bàn thờ Nguyễn Thiện Dương trong ngày tang lễ.

  Năm 1887, Nguyễn Thiện Thuật trong hành dinh nhận được tin báo:

-Dạ, bẩm Hiệp thống quân vụ, thủ lĩnh nghĩa quân Thái Bình và Nam Định Tạ Hiện bị giặc bắt và bị xử chém ngày 2 tháng 2 năm 1887 rồi ạ.

  Lại có tin báo;

-Dạ, bẩm Hiệp thống quân vụ, nghĩa quân Thái Bình đã chặn đánh và tiêu diệt được tên quan hai Na ni en và đội quân của hắn ở Bình Bắc, trả thù cho Đô thống Tạ Hiện ạ.

  Lại có tin báo:

-Dạ, bẩm Hiệp thống quân vụ, thủ lĩnh Nguyễn Cao bị giặc bắt và bị xử chém ở Vườn Dừa Hà Nội ngày 14 tháng 4 năm 1887 ạ.

Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Quân sư Ngô Quang Huy.

-Dạ, có thuộc tướng.

-Quân sư hãy viết bài văn tế Nguyễn Cao cùng những thủ lĩnh  như Tạ Hiện và những nghĩa quân đã hy sinh để nâng cao lòng căm thù giặc của quân ta, kiên quyết chiến đấu để trả thù cho đồng đội.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

  Tháng 12 năm 1888, tin tức chiến sự liên tiếp bay về phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Tháng 12, Hà Nội chìm trong gió rét. Thống sứ Bắc Kỳ Sác lơ Oa rơ nét uống xong cốc rượu và gọi sĩ quan tùy tùng vào bảo:

-Hãy đem cho ta bản Tổng kết chiến sự ở Bắc Kỳ năm 1888.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

  Thống sứ Bắc Kỳ giở tập tài liệu ra xem. Tài liệu viết:

-“ Đêm 1 rạng ngày 2 tháng 2 năm 1888, 200 quân Bãi Sậy đã giao chiến với quân Pháp ở chợ Tông Long, tỉnh Hải Dương.

Đêm 26 tháng 3 năm 1888, quân Bãi Sậy đã tiêu diệt đồn Bình Phú ở Hưng Yên.

Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 4 năm 1888, nghĩa quân Bắc Ninh do Đốc Kiệt chỉ huy đã tập kích quân Pháp ở Đa Phúc. Tại Vĩnh Phúc lại nổi lên 500 tay súng hoạt động mạnh ở sông Cà Lồ.

  Từ 25 tháng 6 năm 1888 đến ngày 16 tháng 7 năm 1888, 200 nghĩa quân Bãi Sậy đã giao chiến với quân Pháp ở gần đồn Hà Châu, Hưng Yên. Giữa Hà Nội và Bắc Ninh rất nhiều đội du kích có từ 30 đến 50 tay súng hoạt động, đánh Pháp ngay ở bến đò sông Đuống.

  Nghĩa quân của Đội Văn, Bãi Sậy đã tấn công quân Pháp giáp ranh Bắc Ninh và Hà Nội, cắt đứt đường giao thông Bắc Ninh-Hải Dương, tiêu diệt, tất cả những toán quân do thám của Pháp.

Ngày 23 tháng 7 năm 1888, 500 tay súng đã tiêu diệt toàn bộ đội quân của quan hai Sân đi ê khi họ từ Bắc Ninh đến Hà Hội.

Ngày 11 tháng 9 năm 1888, Đốc Tít tấn công đồn Uông Bí.

Cuối tháng 9 năm 1888, Nghĩa quân Bắc Giang đánh đồn Lâm, An Châu, Bình Hội.

Ngày 10 tháng 10 năm 1888, nghĩa quân đã đánh đồn Lương Tài, cách Hải Dương 6 km về phía tây.

  Ngày 11 tháng 11 năm 1888, 300 tay súng nghĩa quân đã tấn công đồn Dương Hòa, Hưng Yên do Nây làm đồn trưởng.

 Ngày 12 tháng 11 năm 1888, quân Bãi Sậy do Ngô Quang Huy chỉ huy đánh quân Pháp gặt lúa của dân ở Liêu Trung. Đôn trưởng Nây tử trận. Hoàng Cao Khải phải chạy vào chùa Liêu Trung, giả làm nhà sư mới chạy thoát.

Đêm 27 rạng 28 tháng 11 năm 1888, nghĩa quân  Đội Văn tấn công quân Pháp ở bến đò Đuống, nghĩa quân Hải Phòng đánh chiếm đồn núi Voi.

Ngày 2 tháng 12 năm 1888, 400 tay súng nghĩa quân tấn công cùng một lúc hai đồn: Đồn Tứ Kỳ và Yên Phương, cách Hải Dương 12 km về phía nam”.

  Xem xong bản Báo cáo tình hình chiến sự, Thống sứ Bắc Kỳ Sác lơ Oa rơ nét nói với thiếu tướng Lô bai rô dơ:

-Cứ tưởng bắt được vua Hàm Nghi ở Sơn phòng Hà Tĩnh năm 1888 thì phong trào Cần Vương sẽ tan rã. Không ngờ Hàm Nghi đã bị đi đày ở An giê ri, bắc Châu Phi mà ảnh hưởng ngài còn lớn ở Đại Nam như vậy. Lính đâu.

-Dạ, bẩm Thống sứ.

-Cho mời ngài Hoàng Cao Khải đến đây.

-Dạ.

Một lát Hoàng Cao Khải đến:

-Chào ngài Thống sứ.

-Chào  ngài Kinh lược đại thần. Ngài đi dẹp loạn ở Bãi Sậy khó nhọc quá. Mời ngài ly rượu săm pa nhơ nhân gặp mặt.

  Hoàng Cao Khải vẻ ngượng ngùng đáp:

-Không dám, không dám, chúng tôi đã cố hết sức mà chưa dẹp được Bãi Sậy, lại chịu nhiều tổn thất về binh lính và sĩ quan, mong Thống sứ thông cảm.

  Sau khi hai bên cụng và cạn ly, Thống sứ Bắc Kỳ nói:

-Ngài Kinh lược sứ này, ta vừa đọc xong báo cáo tình hình chiến sự năm 1888 của phòng tình báo phủ thống sứ, quân Bãi Sậy ngày càng hoạt động táo tợn và rộng khắp trong khi vua Hàm Nghi, linh hồn của phong trào Cần Vương đã bị bắt. Nay ta ra lệnh thành lập đạo quân tuần cảnh do ngài làm Tư lệnh trưởng, ngài Mu sơ li ê làm Cảnh sát sứ để thống nhất lực lượng Việt-Pháp, tăng cường sức mạnh để đè bẹp quân Bãi Sậy, lực lượng chủ chốt của Cần Vương Bắc Kỳ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-43-a13764.html