Cây Sanh – “Ma Làng” của người dân Lương Sơn, Hòa Bình
Ngày xưa cây nhiều gốc, rễ, tuy nhiên theo thời gian với nhiều lý do khác nhau nay cây còn 54 gốc xòe tán rộng các hướng, trên cây có rất nhiều loài lan sống bám trông thật đẹp mắt. Với tuổi đời trên 800 năm, cây Sanh cổ thụ đã là “nhân vật” trong phim “Ma Làng” và “Ma làng 10 năm sau” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Hoàng Lâm.
Chính sự nối tiếng ấy đã khiến cây sanh được các đạo diễn phim biết đến. Người đầu tiên đưa cây sanh bén duyên với điện ảnh là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Trong một lần lang thang xứ Mường, ông được người dân kể nghe về cây sanh bản Suối Cốc. Tìm đến đây, chứng kiến sự kỳ vĩ của cây sanh, sự mộc mạc của bản Suối Cốc, ông lập tức chọn nơi đây làm bối cảnh dựng phim.
Những cảnh quay của bộ phim đình đám là Ma làng 1 (2007) được thực hiện tại bản Suối Cốc không thể hiếu hình ảnh gốc sanh đầu làng. Bối cảnh phim chân thực, nội dung sâu sắc, cảnh quay đẹp đã khiến bộ phim Ma làng 1 thành công rực rỡ.
Tiếp sau thành công của Ma làng 1, bộ phim Đàn trời (2012) của đạo diễn Bùi Huy Thuần; Ma làng 2 (2013) của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần; series hài Làng ế vợ của đạo diễn Trần Bình Trọng… đều chọn cây sanh bản Suối Cốc làm bối cảnh thực hiện cảnh quay.
Từ đó, cây sanh bản Suối Cốc như trở thành một diễn viên thực sự. Bối cảnh phim nào quay tại đây cũng khiến cho những bộ phim thành công, được khán giả yêu thích.
Đây là loại cây có tổng chu vi gốc lớn nhất và cũng là cây đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây Di sản Việt Nam ngày 10/5/2012.
Theo các vị cao niên trong làng, trước đây cây chỉ có 1 gốc, tuy nhiên sau hàng trăm năm, những dây leo từ trên cao buông xuống đất tạo thành một khối các rễ mới, phát triển như các gốc đại thụ.
Năm 2012, sau khi cây sanh cổ thụ ở đầu làng được công nhận Cây di sản Việt Nam, người dân bản Suối Cốc (xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) coi cây như “báu vật” của làng. Họ đưa cây sanh vào hương ước của làng, xã để cùng nhau bảo vệ, hằng ngày cắt cử người để mắt tới cây sanh.
Từ thời xa xưa, các cụ đã đặt biệt danh cho cây này là “ma làng” rồi truyền tai nhau cho con cháu nghe. Trải qua nhiều cuộc kháng chiến khốc liệt, cây sanh vẫn đứng hiên ngang như vị thần hộ mệnh đánh đuổi giặc, bảo vệ sự bình yên cho làng.
Vì vậy, chỉ cần nhắc đến tên cây “ma làng” là người dân quanh vùng đều biết. Từ xa xưa khi giặc Pháp xâm lược, cây như vị thần hộ mệnh đánh đuổi giặc, bảo vệ sự bình yên cho làng.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, cây sanh cổ thụ ở bản Suối Cốc vẫn xanh tốt, tán rộng che chở cho người dân những trưa hè nóng bức. Với người dân Suối Cốc, cây Sanh như linh hồn của ngôi làng. Người và cây như bạn tâm giao, cây và người hòa quyện làm một. Ngày qua ngày, cây vẫn tỏa bóng mát, là nơi vui đùa của trẻ thơ, trở thành một điểm đến ưa thích của nhiều người thích khám phá.
Mộc Miên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chiem-nguong-khong-gian-binh-yen-noi-cay-sanh-di-san-800-tuoi-a13770.html