Kỳ 44.
Hoàng Cao Khải đáp:
-Đa tạ Thống sứ, thật là một giải pháp kịp thời để hành động quân sự của chúng ta thắng lợi.
Thống sứ đáp:
-Ta tin tưởng vào ngài và ngài Mu sơ li ê.
Sau khi Hoàng Cao Khải và Mu sơ li ê cầm quân đi, thống sứ vẫn nhận được tin tức qua báo cáo của phòng tình báo phủ Thống sứ: “Quân Pháp đánh nhau với quân Bãi Sậy ở Đông Nhu, viên quan khố xanh Lơ ô le bị tử trận. Tháng 3 năm 1889, nghĩa quân do Ngô Quang Huy chỉ huy cùng em là Ngô Quang Chước đánh Pháp ở bắc Hải Dương, bắc Hưng Yên, Vĩnh Phúc (Kim Anh), Sơn Tây, Thái Nguyên, đánh những trận lớn ở Quế Võ, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Ngày 11 tháng 4 năm 1889, viên quan Đơ mốt bị nghĩa quân giết chết, giám binh Lăm be rơ bị trọng thương. Quân Pháp đang khiếp sợ, đã gọi Nguyễn Thiện Thuật là "Vua Bãi Sậy”. Trong khi đó, nghĩa quân Vĩnh Yên do Đốc Khoát chỉ huy, Đốc Giang đứng đầu hoạt động mạnh ở phủ Vĩnh Tường, giam chân quân Pháp ở Kim Đề
Tháng 5 năm 1889, Đốc Tít chặn đánh nhiều đoàn tàu của Pháp trên sông Kinh Thầy, lấy được nhiều lương thực, súng đạn.
Đêm 23 rạng ngày 24 tháng 7 năm1889 viên quan khố xanh Ê sô bị giết ở làng Hoàng Vân. Ngày 18 tháng 10 năm 1889, chính Nguyễn Thiện Thuật đã bắn viên quan Mô ti lông bị thương.
Đêm 11 rạng 12 cùng năm, nghĩa quân Vĩnh Yên đã tiến đánh phủ Quốc Oai, gần sông Đáy. Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Hải Dương cùng Mu sơ li ê đem 1.500 quân đánh Đốc Tít ở Hai Sông. Đốc Tít không chỉ đứng vững mà còn đem quân đánh thành Hải Dương" .
Đọc xong báo cáo, Thống sứ gọi sĩ quan tùy tùng:
-Người đâu.
-Dạ.
-Cho gọi Hoàng Cao Khải, Thiếu tướng Nê gơ ri ê, đại tá Đôn ni ê và Mu sơ li ê.
Sau khi mọi người đến đã đầy đủ, Thống sứ Bắc Kỳ nâng cốc:
-Mời ngài Kinh lược sứ, các tướng quân cạn chén bởi cuộc hội ngộ.
-Đa tạ Thống sứ.
-Đa tạ thống sứ.
Cả bọn cạn cốc xong, Thống sứ Lui Oan nét tơ nói:
-Chúng ta đã thành lập quân tuần cảnh, trong các cuộc hành quân đã dùng pháo binh, bộ binh, công binh nhưng không có kết quả. Trong năm 1889, quân Bãi Sậy còn tấn công khắp nơi, gây cho ta nhiều tổn thất. Các ngài có cao kiến gì để chiến thắng quân Bãi Sậy đây?
Hoàng Cao Khải nói:
-Tại hạ được biết quân Bãi Sậy tồn tại và hoạt động được là do dân chúng tiếp tế lương thực, đưa con em tòng quân cho Nguyễn Thiện Thuật. Muốn tiêu diệt được Bãi Sậy cần phải cô lập nghĩa quân, tức là phải xây dựng đồn bốt kiên cố, hỏa lực dày đặc, cắt đứt mối liên hệ giữa Bãi Sậy với bách tính. Thứ hai là Bãi Sậy và các căn cứ khác ở các địa phương có nhiều sông ngòi vây quanh, cho nên mỗi trận đánh phải có tàu chiến thì mới đem đại bác vào gần, chở quân đổ bộ thì mới thực hiện được chiến dịch thắng lợi.
Ngừng một lát, Hoàng Cao Khải nói tiếp:
-Muốn bắt cọp phải triệt phá hang cọp. Có thể cho phóng hỏa đốt toàn bộ rừng sậy như quân ta đã phóng hỏa đốt toàn bộ lũy tre ở Ba Đình Nga Sơn để tiêu diệt được nghĩa quân Phạm Bành, Đinh Công Tráng.
Thống sứ hỏi:
-Các ngài còn kế sách gì khác không?
Tướng Nê gờ ri ê nói:
-Ngài kinh lược sứ là người Việt nên hiểu cách đánh của người Việt, cứ thực hiện khi tấn công ngoài bộ binh, công binh, Pháo binh thì có tàu chiến để đổ bộ và pháo kích có hiệu quả, thứ hai là xây đồn bao vây Bãi Sậy thì chắc là hiệu quả.
Thống sứ Bắc Kỳ nói:
- Ngài Thiếu tướng nói phải. Công cuộc chinh phục Đại Nam của chúng ta từ năm 1858 đến nay thu được thắng lợi, xác lập được nền bảo hộ của nước Pháp ở đây một phần là do sự cộng tác của một bộ phận quan lại người Việt như ngài Kinh lược sứ nhiều kinh nghiệm đây. Nay mai tiêu diệt được phong trào Cần Vương, ngài sẽ được chính phủ Đông Dương tặng thưởng xứng đáng với công lao, ngài sẽ “Vinh thân phì gia"”như người Việt thường nói.
Câu ‘Vinh thân phì gia” làm cho Hoang Cao Khải không hài lòng, nhưng tay sai đâu dám làm phật lòng chủ. Chẳng qua Thống sứ là người Pháp, không hiểu được sự thâm trầm của câu chữ Nho đó mà thôi. Hoàng Cao Khải đành chắp tay nói:
-Đa tạ ngài Thống sứ, lão phu không dám.
Thống sứ đứng dậy nâng cốc;
-Có kế sách mới rồi. Chúc các ngài thắng lợi.
-Đa tạ thống sứ
-Đa tạ thống sứ.
* *
*
Mùa hạ năm 1889, vùng Bãi Sậy chìm trong nắng, gió. Rừng sậy vẫn mênh mông và hoang vu, dập dờn từng đợt như sóng biển màu xám. Trong Tổng hành dinh, Nguyễn Thiện Thuật được thám mã báo[A1] :
-Dạ bẩm Hiệp thống quân vụ, tướng Lãnh Điền, Lãnh Lộ đã hy sinh trong cuộc giao tranh chống Hoàng Cao Khải xây đồn bốt bao vây Bãi Sậy.
Lại có tin cấp báo:
-Da bẩm Hiệp thống quân vụ, Tướng Lãnh Ngữ, Đề Tính hy sinh trong cuộc chiến chống giặc xây đồn bốt.
Nguyễn Hữu Đức nói:
-Bẩm chủ tướng, do quân Pháp xây đồn lũy bao vây dày đặc, bách tính không thể tiếp viện lương thực nên lương thực Bãi Sậy đã gần cạn kiệt.
Nguyễn Thiện Thuật hỏi:
-Vũ khí, đạn dược thế nào?
-Dạ, cũng thiếu thốn mà không bù đắp được.
-Còn nhân lực và quân lính?
-Dạ, do bị bao vây, con em các nơi không thể đến gia nhập nghĩa quân, quân số đã giảm mà không bù đắp được.
Lại có tin thám mã báo:
-Dạ bẩm chủ tướng, căn cứ Hai Sông do Đốc Tít chỉ huy đang bị Hoàng cao Khải vây đánh. Lần này chúng dùng cả tàu chiến nên tình hình rất nguy ngập ạ.
Nguyễn Thiện Thuật hỏi Nguyễn Hữu Đức:
-Quân sư cử 1.000 quân do Đốc Vinh chỉ huy đến cứu Hai Sông.
-Dạ, tuân lệnh Hiệp thống quân vụ.
Hôm sau, Đốc Vinh vào gặp Nguyễn Thiện Thuật:
-Dạ bẩm Hiệp thống quân vụ, sau một ngày chiến đấu, thuộc tướng không thể phá được đồn bốt kiên cố bao vây đi tiếp viện cho Hai Sông, lại còn làm 200 nghĩa sĩ hy sinh, thuộc tướng xin chịu tội.
Nguyễn Thiện Thuật nói:
-Đứng dậy đi, tội không phải do tướng quân mà ở tên Hoàng Cao Khải đã áp dụng chiến thuật của tên đại Việt gian Nguyễn Thân bao vây bằng lô cốt kiên cố đàn áp Phan Đình Phùng. Trong cuộc xâm lược của ngoại bang, bọn Việt gian cực kỳ lợi hại, nguy hiểm.
-Dạ, Hiệp thống nói phải.
Lại có một tùy tướng vào báo:
-Dạ, bẩm Hiệp thống quân vụ, có thư của Hoàng Cao Khải ạ.
Nguyễn Thiện Thuật mở thư ra đọc. Thư viết: “Kính chào quan Hiệp thống quân vụ đại thần Trung tướng quân, tại hạ là Hoàng Cao Khải kính thư. Tại hạ được hoàng thượng Đồng Khánh cho nhân danh hoàng thượng hạ chỉ dụ khuyên ngài về với triều đình và chính quyền bảo hộ Pháp. Triều đình và người Pháp hứa bảo đảm tính mạng của ngài và gia đình, bảo đảm vinh hoa phú quý của ngài. Nay kính thư. Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải”.
Nguyễn Thiện Thuật nói với các tướng:
-Hoàng Cao Khải biết ta đang khó khăn, viết thư dụ hàng. Người đâu.
-Dạ
-Đem giấy, bút mực ra đây.
Nguyễn Thiện Thuật cầm bút viết thư xong gọi:
-Người đâu.
-Dạ.
-Đem thư này bắn tên sang phía quân Hoàng Cao Khải
-Dạ, tuân lệnh.
Hoàng Cao Khải khi đó đang cùng các sĩ quan Pháp tiến đánh Hai Sông của Đốc Tít. Sĩ quan tùy tùng vào báo:
-Dạ bẩm quan Kinh lược sứ, có thư hồi đáp của Nguyễn Thiện Thuật.
-Đưa đây ta xem.
-Dạ.
Khải nhận thư, bóc ra đọc. Thư viết: “Dù ngươi có nhân danh Đồng Khánh thì cũng chỉ là một phường bán nước để vinh thân phì gia, thành tội đồ muôn đời của dân tộc, của lịch sử, bị muôn đời nguyền rủa. Vì vậy, ta “Bất khẳng thụ chỉ” (không chịu nhận chỉ).
Hoàng Cao Khải đọc xong, mặt mày tím tái, mắt tối xầm lảo đảo ngã vật xuống đất. Lính cận vệ vội đỡ lên chiếc giường dã chiến. Một lát sau, Khải tỉnh dậy thét:
-Ta xóa sổ Hai Sông xong sẽ tiêu diệt Bãi Sậy.
Khải nghiến răng làm cho hai má đã hóp nay càng hóp lại, mắt long lên sòng sọc:
-Ta sẽ thiêu chết quân Bãi Sậy.
Lúc bấy giờ là tháng 7 năm 1889. Trời mùa hè nắng như thiêu đốt vùng Hai Sông. Hoàng Cao Khải quyết tâm tiêu diệt căn cứ này, liền ra lệnh:
Tán lý Lê Xuân Dục
-Có thuộc tướng.
-Tán lý hãy đem quân đóng ở xã Mai Động, chặn đường ra vào của quân Đốc Tít.
-Thuộc tướng tuân lệnh.
-Tán lý Đào Trọng Kỳ.
-Có thuộc tướng.
-Tán lý đem quân đóng ở xã Quỳ Khê chặn đường sau lưng của Đốc Tít, không cho quân Hai Sông rút vào núi Đông Triều.
-Thuộc tướng tuân lệnh.
-Tán tương Nguyễn Đức Vinh.
-Có thuộc tướng.
-Tán tương đem quân đóng ở xã Hương Động, chặn cửa đường sông của Đốc Tít.
-Thuộc hạ tuân lệnh.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-44-a13785.html