Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 45)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 45.

-Trung tá Đôn ni ê.

-Có ta.

-Trung tá đem 10 pháo hạm dàn ở các đoạn sông Kinh Thầy, Sông Con, sông Hán, sông Bạch Đằng bao vây, tiến vào gần căn cứ Hai Sông mà bắn.

-Tuân lệnh.

-Trung tá My sơ li ê:

-Có ta.

-Trung tá chỉ huy binh sĩ Pháp cùng ta đánh vào trước mặt Hai Sông.

-Tuân lệnh.

-Trung tá Phê ri.

-Có.

-Trung tá chỉ huy đội công binh đi trước bộ binh và quân tuần cảnh mở đường khi cần thiết.

-Tuân lệnh.

chmages1216301-anh8-gsin-1657196163.jpg
Mộ của cụ Nguyễn Thiện Thuật được đưa từ Trung Quốc về xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên vào năm 2005. Đây là quê hương của nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vào cuối thế kỷ XIX. Ảnh: baohungyen.vn

 

  Căn cứ Hai Sông bị bao vây bốn mặt, lương thực, đạn dược đã hết, chỉ còn có 200 tay súng. Tướng của Đốc Tít và Lê Phụng Hiểu, Trần Đức Phong ra hàng nói cho Khải biết tình hình nguy ngập của Đốc Tít. Khải nhân cơ hội viết thư dụ Đốc Tít hàng. Đốc Tít hẹn Khải mở cuộc đàm phán với điều kiện Pháp không được tàn sát các tướng lĩnh và những nghĩa quân đã theo ông. Khải đồng ý. Địa điểm đàm phán được quy định tại làng Phù Liêu Nội, xã Phù Ninh.

  Ngày 12 tháng 8 năm 1889, Đốc Tít đến đàm phán thì quân của Khải bất ngờ bao vây chĩa súng vào Đốc Tít, tướng Nguyễn Hữu Lan và Nguyễn Đức Thiệu. Cùng lúc đó Hoàng Cao Khải xuất hiện:

-Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn, ngài nên bỏ súng xuống thì hơn.

Đốc Tít cả giận mắng:

-Đồ đại Việt gian bán nước hại dân, còn chơi trò lật lọng tráo trở, bần tiện.

  Khải thản nhiên đáp:

-Trong chính trị, trong chiến tranh, dùng mưu lừa nhau là chuyện thường tình trong binh pháp. Tướng quân chinh chiến cả đời sao không hiểu điều đó?

  Đốc Tít và các tướng bị bắt. Pháp muốn ông đem quân đánh Đề Thám, ông cự tuyệt. Tháng 1 năm 1890, Pháp đày Đốc Tít sang An giê ri và ông tạ thế tại đây năm 1916, thọ 63 tuổi (1853-1916). Thi hài ông sau này được con gái và họ hàng thân hữu đưa về an táng tại quê nhà An Lưu, Thượng Huyền, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

  Tổng hành dinh Bãi Sậy, một ngày đông cuối tháng 12 năm 1889, trời u ám, gió lạnh bắt đầu tràn về, rừng sậy tràn ngập gió heo may xào xạc, từng đàn chim từ phương Bắc bay về phương Nam tránh rét. Chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đang ngồi cùng tướng lĩnh bàn về chiến sự, chợt có tin về báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, đạo quân của quân sư Ngô Quang Huy và em là Ngô Quang Chước đã bị Hoàng Cao Khải đánh tan. Hai thủ lĩnh chạy lên Phủ Lạng Thương, Ngô Quang Huy đã mất ở đó ngày 1 tháng 4 năm 1889 rồi ạ.

Lại có tin báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, Hoàng Cao Khải đã chiếm được căn cứ Hai Sông, Đốc Tít đã bị giặc bắt nhưng Đề đốc không đầu hàng Pháp.

  Lại có tin về báo:

-Dạ bẩm Hiệp thống quân vụ, Đội Văn đã hàng Pháp nhưng tháng 9 năm 1889 đã quy tụ được 1.000 nghĩa quân đầy đủ súng đạn về Yên Thế, Bắc Giang theo Đề Thám nhưng đi đến Bắc Ninh, bị Việt gian báo cho Pháp, Đội Văn bị bắt và bị Pháp xử tử tại Hà Nội ngày 7 tháng 11 năm 1889. Chỉ có các tướng là Lãnh Giám, Lãnh Giới, Lãnh Thiết, Lãnh Bối là về được Yên Thế.

  Lại có tin báo:

-Bẩm chủ tướng, lương thực và đạn dược chỉ còn được hai ngày nữa, mong chủ tướng định đoạt.

Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Do hoàn cảnh của đất nước và thời cuộc mà sự nghiệp giúp vua cứu nước của Bãi Sậy đã suy tàn. Có lẽ chúng ta phải phá vòng vây lên Yên Thế với Đề Thám thì có thể tiếp tục đánh Pháp, cứu dân, cứu nước.

  Các tướng đồng thanh nói:

-Xin nghe lệnh của Hiệp thống quân vụ.

Đêm hôm sau vào một đêm tối mịt mùng, Đốc Cọp, Đốc Sung đi tiên phong bát ngờ tấn công đồn giữa nam Bắc Ninh và Văn Lâm. Quân Pháp bị bất ngờ chỉ trong đồn bắn ra, do đó nghĩa quân và Nguyễn Thiện Thuật vào được làng Bích Khê, huyện Gia Lương. Nguyễn Thiện Thuật nói với Nguyễn Thiện Kế và các tướng:

-Bây giờ ta giao quân Bãi Sậy cho Nguyễn Thiện Kế chỉ huy. Ta sẽ sang Trung Quốc phối hợp với quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết xây dựng lực lượng, huy động súng đạn, vũ khí đưa về nước để có nguồn lực kháng chiến. Còn ở trong nước, Pháp và Hoàng Cao Khải thực hiện đồn lũy bao vây, tách chúng ta khỏi bách tính thì cuộc khởi nghĩa nào cũng sẽ thất bại. Rộng lớn như khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Mạnh mẽ và thế hiểm như Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng, gan dạ anh hùng như Bãi Sậy của ta đều bị bao vây mà lần lượt thất bại.

Nguyễn Thiện Kế nói:

-Hiệp thống quân vụ nói phải nhưng phải cho vài tướng lĩnh đi cùng để bảo vệ huynh.

Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Không cần đâu. Hiện nay nhân lực còn thiếu cho chiến đấu. Đường sang Trung Quốc ta đã quen rồi.

  Rồi đêm đó, sau vài ly rượu, các thủ lĩnh chia tay chủ tướng kính yêu của mình, đứng nhìn Nguyễn Thiện Thuật bóng xa mờ vào trong đêm.

  Quân Bãi Sậy ở Gia Lương chưa kịp hành quân lên Yên Thế thì đã bị Hoàng Cao Khải cho quân truy kích và bao vây. Quân Bãi Sậy chiến đấu quyết liệt nhưng hy sinh hết. Nguyễn Thiện Kế bị Pháp bắt ở Chợ Sơn, Tiên Sơn, Bắc Ninh và bị đày đi Côn Đảo. Mãi năm ông 70 tuổi, Pháp mới đưa ông về quản thúc ở quê nhà. Nguyễn Thiện Kế tạ thế năm 1937, thọ 88 tuổi (1849-1937). Cùng năm 1890, thủ lĩnh Đốc Vinh là người cuối cùng của Bãi Sậy bị Pháp bắt và xử tử.

Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc có gặp được Tôn Thất Thuyết, sau ông bị bệnh và tạ thế ngày 25 tháng 5 năm 1926, thọ 82 tuổi (1844-1926), mai táng ở Hương Quán Kiều, ngoại vi thành Nam Ninh (Quảng Tây), trên bia mộ có ghi: "Việt Nam cách mạng cố tướng quân Nguyễn Thiện Thuật chi mộ”. Năm 1990, Việt Kiều chuyển mộ ông về Hương Đại Linh, phía Nam thành phố Nam Ninh. Ngày 3 tháng 1 năm 2005, dòng họ Nguyễn đưa hài cốt của Nguyễn Thiện Thuật về quê nhà, Xuân Dục, Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Người anh hùng Cần Vương yên nghỉ trong lòng đất mẹ thương yêu.

Khởi nghĩa Bãi Sậy kết thúc cũng là kết thúc phong trào Cần Vương chống pháp. Toàn bộ giai cấp phong kiến Việt Nam đã đầu hàng, bán nước làm tay sai cho Pháp. Chỉ còn một số người  trong giai cấp phong kiến, những văn thân, sĩ phu yêu nước kiên quyết chống giặc, quên cả bản thân, gia đình, bất chấp hy sinh gian khổ đứng ra lãnh đạo phong trào Cần Vương. Do nhân tố chủ quan và khách quan, phong trào Cần Vương dù anh dũng nhưng đã thất bại trước một thế lực xâm lược mới. Dù thất bại, nhưng Phong trào Cần Vương đã nêu cao khí phách anh hùng của nhân dân ta, kiên quyết chống ngoại xâm, làm chậm bước tiến bình định và thống trị của Pháp ở Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho những cuộc đấu tranh về sau.

  Tiếng súng của Phong trào Cần Vương đã tắt, Đại Nam đã mất vào tay bọn xâm lăng dã man, tàn bạo thời Cận đại, nhưng bầu trời Đại Nam vẫn chứa đầy giông bão sấm sét sẵn sàng giáng xuống đầu bọn cướp nước và bè lũ bán nước. Trong bầu trời giông bão đó sáng chói những tên tuổi Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Xuân Ôn và nhiều lãnh tụ Cần Vương khác. Họ trở thành bất tử trong lòng Dân Tộc Việt Nam.

(Hết tập VI)

Đón đọc tiếp tiểu thuyết lịch sử “VIỆT NAM DIỄN NGHĨA” Tập VII “ KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI”

CVL.                                                                                   

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-45-a13804.html