Ký ức ngày trở về

Tôi cùng đơn vị đang đắp đê sông Đáy, đoạn Yên Khánh Ninh Bình thì Đại trưởng Sinh gọi: "Cậu về đơn vị nhận công tác mới".

tro-ve-1657268510.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi chào gia đình chủ nhà rồi vui vẻ khoác ba lô đi bộ ra ga tầu hỏa Ninh Bình mua vé về Thạch Thành, Thanh Hóa. Xuống tầu cuốc bộ tiếp về lán trại Đại đội 3 ở sát đập nước nông trường chuối Vân Du mới biết công tác mới là về phục viên.

Tay cầm tờ giấy quyết định phục viên của thiếu tá Lê Ngọc Tháo, trung đoàn trưởng 15 Quân khu Hữu Ngạn vừa vui lại vừa buồn.

Vui vì ước mơ mòn mỏi trông chờ ngày ra quân của tôi bấy lâu nay giờ mới được toại nguyện. Ngày ấy ở bộ đội chán lắm! Suốt ngày tập tành lăn lê bò trườn... Quần áo luôn dơ dáy bẩn thỉu. Hôm nào không học quân sự thì học chính trị, mà học chính trị thì khô khốc chẳng có gì hứng thú, chỉ ba cái từ ngữ lập đi, lập lai: "Chính trị và Tư tưởng " nhàm chán đặc hai tai. Đã thế tối nào cũng chẳng được nghỉ ngơi chơi bời, không sinh hoạt này thì sinh hoạt kia gò bó vô cùng.

Nói về đồng lương thì buồn lắm. Tôi đi lính được gần hai năm thì lên chức tiểu đội trưởng, quân hàm hạ sỹ. Mãi tới năm thứ tư tôi mới được lên trung sỹ và mãi mãi trung sỹ thâm niên. Hàng tháng lĩnh phụ cấp 20 đồng mua đủ một cây thuốc lá Sông Cầu không đầu lọc và lạng trà Thái Nguyên ở chợ.

Vậy thôi tôi vẫn còn may mắn sướng hơn rất nhiều anh trong Sư Đoàn 308, đi lính trên dưới 10 năm vẫn là binh nhất, bởi cơ chế thời chiến khổ lắm, có chức vụ mới có cấp quân hàm. Không sướng như thời bình, lính tráng không thôi chẳng có chức vụ gì cũng là thiếu tá, thậm trí trung tá, thượng tá.

Nói thật lòng là lính ngày ấy không có tương lai, ra quân sớm được ngày nào là tốt ngày ấy.

Nhưng tôi cũng rất buồn, vì giờ không biết về đâu? Tôi liền tranh thủ viết đơn và nên gặp thủ trưởng Lê Ngọc Tháo. Tôi dơ tay chào đúng tác phong điều lệnh:

"Báo cáo thủ trưởng, em trình đơn này xin thủ trưởng quan tâm giải quyết cho em về mấy hôm để liên hệ công việc xin chuyển nghành ạ!".

Thiếu tá trợn tròn con mắt, nhìn tôi như thể nhìn kẻ thù số một, hồi lâu mà không thèm đọc lá đơn trên bàn và cũng chẳng thèm trả lời tôi? Thấy kỳ lạ ghê. Tôi liền lên tiếng:

"Thưa thủ trưởng, hồi em đi bộ đội, ở nhà còn một em trai và bố mẹ già, nhưng rồi em trai lại đi bộ đội, bố mẹ em không nơi nương tựa phải vào Thành Phố ở với gia đình anh chị, vậy là ngôi nhà ở quê bỏ hoang vắng chủ bị mục lát, HTX đã san phẳng để làm ruộng cấy lúa, vây giờ em không biết về đâu".

Thiếu tá đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế đẩu, liền đập tay xuống bàn, đứng phắt dậy, làm hai người lính bồng súng AK đứng gác hai bên cũng phải giật mình:

"Nghe đây, quân đội nhân dân Việt Nam, quân khu Hữu Ngạn, trung đoàn 15...".

Rồi thiếu tá trợn mắt to hơn, nhìn chằm chằm giống như thể hù dọa tôi:

"VIệt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập tự do hạnh phúc, căn cứ quy định số... Nay QUYẾT ĐỊNH... '.

Thiếu tá ngừng một lát để lấy sức, rồi ông cố quát thật to:

''Đồng chí có chấp hành mệnh lệnh không?".

Ui! Chao ôi! Sao mà chua chát, sao mà đắng cay, sao mà phũ phàng đến thế... Phải chăng năm năm quân ngũ của mình giờ là như thế này đây...

Cái số của mình đen đủi quá, giá như còn ở f 308 thì đâu đến nỗi này... Ý định ngày ấy tôi muốn chuyển nghành về UBND huyện Từ Liêm, bởi có người dì ruột chị Huyền tôi là phó Chủ Tịch Huyện, rồi từ đó tôi có điều kiện học hành thi cử sự nghiệp tương lai.

Quân khu Hữu Ngạn là khung huấn luyện tân binh, quen sống như Vua ở miền Bắc, hỗng hách lính quen rồi, đâu có biết mùi gian khổ chết chóc đạn bom như f 308 của tôi từng ở chiến trường mới có tình người. Mình mà nói thêm lời nữa, coi chừng thiếu tá lại điên tiết lên đọc quyết định "Tước Quân Tịch" vì tội không chấp hành mệnh lệnh thì thôi rồi Lượm ơi!

Thôi cũng được, không cần nữa, vĩnh biệt đời quân ngũ.

Tôi đi tầu hỏa về Hà Nội, vào thăm chơi nhà chị Huyền ở 18 phố Thi Sách. Tới đây rất vui tôi gặp lại Vũ Minh Hằng, Nguyễn Thi Lan, Nguyễn Thị Oanh lính thông tin A 61 gần d9, e102, f308 đơn vị cũ của tôi. Các bạn ấy về Hà Nội tập duyệt binh chào mừng kỷ niệm Quốc Khánh 2/9/1975.

Sau đó tôi lại đi tầu hỏa về Hải Phòng. Vừa về tới nhà anh trai cả số 06 Trần Phú, chị dâu tôi liền mua cho tôi đôi dép Tiền Phong và chị cho tôi tấm vải Pô pô luyn Hung Ga Ri trắng nõn nà. Anh trai tôi cho tấm vải ka ki Ang Lê Pháp rất đẹp cũng mầu trắng tinh. Rồi chị dâu dẫn tôi ra tiệm may nổi tiếng phố Lê Hồng Phong cắt may.

Tôi gục luôn đôi dép cao su vào thùng rác. Đôi dép này đã cùng tôi hành quân đi khắp Bắc Trung Nam, tôi cũng chẳng thiết tha giữ làm kỷ niệm đời Quân Ngũ.

Mấy hôm sau tôi được chị dâu cho đi Đồ Sơn tắm biển cùng với cơ quan của chị. Ôi! Thích thật! Lần đầu tiên trong đời được đi tắm biển. Lần đầu tiên trong đời được ngắm những thân hình nóng bỏng ba vòng eo vô cùng quyến rũ của chị em Tp Hải Phòng, trong bộ đồ Bikini bó sát da thịt căng tròn đầy hấp dẫn.

Năm năm lính quen rừng xanh, suốt ngày chẳng được đi đâu thấy ngố thực sự quê mùa.

Hai tháng ăn chơi rũ bỏ vương bụi áo quần khét lẹt mùi đạn bom đời quân ngũ, hòa nhập cuộc sống dân sự thoải mái tinh thần vô cùng.

Bắt đầu anh trai tôi cầm hồ sơ phục viên của tôi đi xin việc. Việc thì nhiều lắm, nhưng tiếc rằng tôi không có hộ khẩu ở Hải Phòng.

Tôi về quê gốc Hưng Yên, nhìn thấy đồng ruộng mà ngao ngán lòng, không lẽ mình lại làm nông? Không, nhất định không bao giờ.

Anh rể tôi là Công An hưu trí, anh về Chợ Gạo cửa ngõ thị xã Hưng Yên mở HTX bao bì xuất khẩu, tôi xin làm anh thợ mộc. Lần đầu tiên tôi cầm cái cưa tay cắt thanh ván sàng, ui chao méo mó nó chẳng giống ai? Tội nghiệp cho mấy em thị xã xinh đẹp tổ lắp ráp nể tình không lỡ kêu than.

Ngày làm tám tiếng, mỗi ngày sáu đồng, chủ nhật nghỉ không lương.

Chán quá, không làm thì không có tiền, mà làm HTX thì chẳng có gì gọi là tương lai.

Sẵn có đồ nghề cơ khí của anh rể, tôi xoay sang làm nghề sửa chữa xe đạp, ngày kiếm ít nhất được 10 đồng. Xem ra cái nghề này làm chơi mà ăn thật đấy chứ? Làm ba ngày cũng bằng lương chuẩn úy. Nhưng rồi cũng chẳng có gì gọi là sự nghiệp bền vững, tôi bỏ nghề sửa chữa xe đạp lên Thái Nguyên thăm chơi nhà chị gái.

Nhìn đất đai mầu mỡ, nhìn đồi núi nhấp nhô đẹp như tranh vẽ mà vui thầm trong dạ...Tư tưởng làm giầu của tôi bắt đầu trỗi dậy...Tôi sẽ trồng chè búp, tôi sẽ trồng mít, trồng mận, trồng đào, trồng nhãn, trồng táo, trồng vải... Và tôi sẽ nuôi ong mật.

Nghĩ là làm ngay, tôi gặp ông chủ nhiệm HTX xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ đặt vấn đề cấp đất. Ông chủ nhiệm rất tốt, sẵn sàng cấp cho tôi một quả đồi như ý, nhưng phải có hộ khẩu ở đây.

Tôi trở về quê làm hồ sơ xin chuyển khẩu, nhưng chết nỗi trong túi áo tôi chẳng còn đồng xu nào nữa mà về tầu xe. Tôi có 63 đồng cho anh rể mượn, giờ đòi không được vì gia đình anh chị ấy cũng quá nghèo, gần chục đứa con nheo nhóc đến là tội thương! Nếu anh có gom hay mượn tiền đâu ra để trả cho tôi, thì tôi cũng không đành cầm lấy một xu.

Tôi xin đi làm phụ hồ. Một mình tôi phục vụ năm người xây. Ôi! Chao ôi! Thở bở cả hơi tai. Nguyên cái chuyện gánh nước đã thấy toát mồ hôi hột...Tụt xuống dốc sâu thăm thẳm, vục hai thùng tôn nước xuống sông Cầu rồi leo dốc đi tới 200 mét nữa mới tới chỗ xây nhà. Sức khỏe tôi như trâu mà giờ cũng phải gục ốm đau lên cơn sốt cao độ vì quá sức chịu đựng của tôi.

Làm hai tuần lễ được 15 ngàn đồng đủ tiền tầu xe về quê.

Vừa về tới nhà, bác Lư cán bộ nhân lực xã nói với tôi: "Mày đi đâu mà tao không tìm thấy? Xã có chỉ tiêu hai đứa được đi Cộng Hòa Dân Chủ Đức, tao hứa cho mày đi, vậy mà tao không gặp mày". Ôi! Chao ôi! Nghe bác Lư nói mà tôi muốn ngất sỉu luôn, tiếc vô cùng. Cơ hội đổi đời nhanh nhất coi như chấm hết.

Tôi không trở lại Thái Nguyên nữa, bởi tôi nghĩ lại rồi, mình còn trẻ, tương lai còn dài, rất khoát mình phải ở Thành Phố, nơi mà từ nhỏ mình đã nuôi ước mơ.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, vậy mà cũng 47 năm mươi năm rồi đấy. Nghĩ lại tuổi trẻ của mình, cũng từng trải qua quá nhiều gian nan và thử thách...

Ngày nay thì tôi mãn nguyệt rồi, nhưng nhiều khi rảnh rỗi tôi vẫn nghĩ lại ngày trở về sao mà buồn thế? Tình không, tiền không, sự nghiệp cũng không.

TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH

 

Lương Hòa

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-ngay-tro-ve-a13823.html