Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 1)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.      

Kỳ 1.

                                        Chương I. YÊN THẾ ĐÁNH PHÁP

Một ngày đã sắp qua đi, trưa đã ngả sang chiều, nắng chói  chang rải xuống khắp núi đồi Yên Thế. Những đồi núi quanh co cao thấp muôn hình thù xanh mướt màu xanh cây lá chìm trong nắng chiều. Mặt trời màu vàng đã ngả về tây, phiên chợ của làng Vân đã vãn người, không còn đông đúc. Tuy vậy, các quán nước, quán cơm, hàng rau quả vẫn còn bày la liệt, người vẫn đi lại mua bán nhưng thưa thớt của buổi chợ chiều.

ch1maxresdefault-1657283658.jpg
Nguồn: Internet.

 

Quán nước của bà Màu nằm cạnh con đường cái lớn đi vào chợ nên thường đông khách nhưng bây giờ đã chiều muộn nên chỉ còn một người khách quý. Đó là một thanh nữ khoảng hơn 20 tuổi. Mái tóc dầy óng mượt được quấn trong chiếc khăn đen đội đầu vẫn thừa ra đuôi tóc đen óng ả chảy xuống. Dưới vành khăn đó là một khuôn mặt trái xoan, nước da trắng mịn, hai má hồng hồng, đôi mắt to tròn lúng liếng, môi như bông hoa đỏ thắm nước trầu, chiếc áo màu nâu ôm lấy thân hình thon lẳn lưng ong thắt đáy, bên dưới là chiếc váy màu đen buông dài tới gót chân. Bà Màu nhìn cô gái không chán mắt. Bà nghĩ thầm: “Quả là một người con gái xinh đẹp, đảm đang nổi tiếng khắp vùng. Chả trách bao kẻ nhà giàu tìm cách mượn người mai mối để mong lấy được nàng. Thậm chí mấy kẻ giàu quyền thế còn dọa dẫm ép duyên". Bà Màu nói:

-Cô Nhu uống thêm bát nước rồi hãy về.

Thì ra tên nàng là Nhu. Nhu nhẹ nhàng mĩm cười đáp lại:                   

-Đa tạ bà, nước chè của bà ngon thật, thì bà cho con xin bát nữa.                                                                                                                          

 Bát nước đã giữ chân nàng lại thêm một ít thời gian. Nhu đang uống nước thì một người lái buôn bước vào quán. Người đó khoảng 30 tuổi, đầu chít khăn nâu, bận áo dài nâu, quần nâu, chân đi giầy vải đen, vai khoác một bọc túi nâu nhỏ. Nàng Nhu liếc nhìn thì ra đó là một người đàn ông tầm vóc trung bình nhưng vạm vỡ, khỏe mạnh, khuôn mặt vuông, mắt sáng, mày rậm, đôi môi dày, nước da đỏ au sạm màu sương gió. Người đó ngồi xuống và nói:

-Thưa bà, cho con bát nước.

  Bà Màu vui vẻ:

-Có ngay, mời quan khách.

-Dạ, đa tạ bà, đa tạ, xin mời bà và quý cô.

Bà Màu và cô Nhu cùng đáp:

-Xin mời quan khách.

Trong khi người đàn ông uống nước, bà Màu hỏi:

-Quan khách từ đâu tới? Trời sắp tối rồi, quan khách định về đâu? Tên quý khách là gì?

Người đàn ông trẻ tuổi đáp:

-Thưa bà, tên con là Hoàng Hoa Thám. Con là dân đi buôn, dọc đường đến Kép đã bị bọn thảo khấu cướp hết hàng hóa, may mà thoát thân, bây giờ cũng chưa biết về đâu nữa.

Cô Nhu vừa uống nước, vừa nghe chuyện giữa hai người. Cô nhìn lại người đàn ông trẻ một lần nữa, thốt nhiên cô cảm thấy cảm thương. Cô mạnh dạn nói:

-Quý khách quả là gặp điều không may. Nhà tôi cũng gần đây, quý khách có thể về nghỉ tạm rồi sáng mai đi tiếp. Nhà tôi có cha, anh và em trai, đừng ngại.

Hoàng Hoa Thám đưa mắt nhìn người thanh nữ, quả là một người con gái xinh đẹp, sắc nước hương trời. Hoàng Hoa Thám nói:

-Đa tạ quý cô, nhưng vậy sẽ bất tiện cho quý cô.

Bà Màu nói:

-Đây là cô Nhu, hiện đang ở với bố và anh nuôi, có gì mà bất tiện. Về đó ba người đàn ông nói chuyện suốt đêm không vui à?

Cô Nhu nói:

-Bố con nói hôm nay nhà sẽ có khách quý, quả không sai.

Bà Màu nói:

-Ông cụ là thầy cúng, cũng là thầy tướng số nổi tiếng vùng Yên Thế này. Cụ đã nói vậy là trời định rồi, quý khách không nên từ chối.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Con xin vâng lời bà và quý cô. Dạ, tiền nước hết bao nhiêu ạ?

-Thôi tiền nong gì.

-Đa tạ bà, xin cáo biệt bà.

Hai người chào bà hàng nước rồi đi. Cô Nhu mua thêm chai rượu và con gà vì nhà hôm nay có khách. Những món đồ nặng thì Hoàng Hoa Thám xách đỡ cô Nhu. Hai người đi bộ khoảng một dặm đường thì rẽ vào một cái ngõ lát gạch, từ đó đi thẳng vào một căn nhà ngói ba gian, gọn gàng sạch sẽ. Trước nhà là cái sân gạch, chung quanh sân là vườn, gần ngay ngõ là một cái ao. Những cây cau, cây mít, cây nhãn soi bóng xuống đáy ao lung linh gợn nước. Trong nhà, gian giữa kê bàn thờ gia tiên, có đặt bài vị, tay ngai sơn son thếp vàng óng ánh, phía trước là những lư hương đồng ngả màu vàng và những bát hương màu sứ trắng có vẽ long phượng màu xanh. Phía ngoài bàn thờ là bộ bàn ghế tràng kỷ màu gụ sẫm, tất cả đều khảm trai hoa văn cầu kỳ óng ánh. Hai người, một già, một trẻ đang ngồi đối diện trên ghế uống trà và đàm đạo. Một người khoảng 50 tuổi đầu chít khăn đen, mặc áo dài đen, quần trắng, một người khoảng 30 tuổi đầu chít khăn đen, áo dài nâu, quần nâu. Hai người trông thấy cô Nhu và Hoàng Hoa Thám bước vào sân vội đứng dậy bước ra. Cô Nhu đặt các thứ lỉnh kỉnh xuống và khoanh tay:

-Dạ thưa cha, thưa huynh, con về hơi muộn.

Hoàng Hoa Thám cũng đặt các thứ xuống chắp tay:

-Con chào thầy.

Hoàng Hoa Thám định chào tiếp người trẻ tuổi, chợt kêu lên:

-Đệ, Thống Luận sao cũng ở đây?

Người trẻ tuổi dáng dấp phương phi như một võ tướng nắm lấy tay Hoàng Hoa Thám và cũng kêu lên sung sướng:

-Huynh Hoàng Hoa Thám, sao lại lạc vào đây?

Cô Nhu hơi ngỡ ngàng liền nói với Hoàng Hoa Thám:

-Đây là cha nuôi của muội, còn đây là anh nuôi. Mà hai huynh quen nhau hả?

Người cha nuôi cô Nhu nói:

-Quý hóa quá, khách quý lại là chiến hữu với anh nuôi của con. Con xuống bếp nấu cơm. Sau bữa cơm rồi hàn huyên cũng chưa muộn.

Cô Nhu đáp:

-Dạ, con vâng lời cha.

Sau bữa cơm chiều thì trời đã tối. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu đặt trên chiếc ghế cao, bốn người ngồi bên nhau uống trà. Thống Luận uống xong, đặt chén xuống và nói:

-Nhu này.

-Dạ.

-Lúc mà muội nấu cơm dưới bếp, huynh đã nói cho cha nghe về huynh Hoàng Hoa Thám, vì sao huynh và Hoàng Hoa Thám quen biết nhau. Bây giờ muội có muốn nghe không? Nhưng trước hết muội nói lại vì sao gặp được huynh ấy vậy?

Cô Nhu đáp, dọng trong trẻo:

-Muội đi chợ mua thức ăn, thường đem các thứ gửi ở quán bà Màu rồi đi mua tiếp, khỏi phải mang xách lỉnh kỉnh. Hôm nay muội mua xong vào uống nước, đang định về thì huynh Hoàng Hoa Thám vào quán. Huynh ấy nói với bà Màu là lái buôn nhưng đi đến Kép bị bọn cướp cướp hết tài sản tiền nong, đêm nay không biết tá túc nơi đâu, bà Màu mới giới thiệu huynh ấy đi với em về nhà ta. Huynh là chiến binh chống Pháp, sao lại quen anh lái buôn này?

Hoàng Hoa Thám chắp tay cúi đầu:

-Xin tiểu thư thứ lỗi, huynh cùng chiến hữu với Thống Luận, đề phòng bị quân Pháp truy nã nên đến đâu cũng phải che dấu thân phận, đành phải nói vậy khi mà chưa quen biết. Xin tạ lỗi, tạ lỗi.

Thống Luận đỡ lời:

-Thưa cha và tiểu muội, như con đã nói với cha khi muội đi nấu cơm. Hoàng Hoa Thám đây là chiến hữu thân thiết với Thống Luận. Quê huynh ấy ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cha là Trương Văn Thân, mẹ là Lương Thị Minh. Hai cụ sinh được hai con trai, người trai đầu là Trương Văn Leo, người thứ hai là Trương Văn Nghĩa, tức Hoàng Hoa Thám. Hai thân phụ là những người trọng nghĩa, căm phẫn bất công nên đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nông Văn Vân chống lại triều đình. Cả hai cụ đã bị Bùi Duy Kỳ bắt đem nộp cho triều đình tháng 10 năm Bính Thân 1836, năm Minh Mệnh thứ 17. Khi Hoàng Hoa Thám được 7 tuổi thì bố, mẹ bị triều đình giết hại. Từ đó, trong lòng Hoàng Hoa Thám chứa đựng nỗi căm thù không đội trời chung với triều đình bán nước và giặc Pháp xâm lược. Năm 1875, Hoàng Hoa Thám đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Đại Trận và được gọi là Đề Dương. Năm 1886, Hoàng Hoa Thám tham gia cuộc khởi nghĩa của Đề Đốc kinh Thành, Thống đốc quân vụ Cần Vương Thanh Hóa-Nghệ An Trần Xuân Soạn với chức vụ Lãnh binh Bắc Ninh.

(Còn nữa)

CVL

                                                                                   

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-1-a13836.html