Trung Đông - Nhà báo tài năng và giản dị của Báo Nhân Dân

Tôi về công tác tại Báo Nhân Dân năm 1982. Theo thông lệ, đầu tiên tôi phải tập việc ở Ban Thư ký-Biên tập, trước đây gọi là Ban Bí thư do nhà báo Quang Đạm phụ trách. Khi tôi về, ban này do nhà báo Lê Bình phụ trách. Nhà báo Lê Bình công tác ở Báo Nhân Dân từ năm 1951, từng có mặt ở Hội nghị Paris năm 1968, là một trong những “khai quốc công thần”, một nhà báo tiền bối đáng kính ngưỡng.

trung-dong-1657334591.jpg
 

 

Sau ba năm, thời gian của một hạn “nghĩa vụ quân sự” bấy giờ; vả lại, cũng là một cựu chiến binh thời chống Mỹ, tôi mạnh dạn trình bày với Tổng Biên tập Hồng Hà: “Thưa chú, cháu muốn chuyển công tác sang ban khác”. Nhà báo Hồng Hà nhã nhặn: “Vậy cháu muốn chuyển về ban nào?".

“Cháu học Tổng hợp Văn, cháu muốn về Ban Văn hóa-Văn nghệ ạ”. Tổng Biên tập Hồng Hà sau phút trầm ngâm, đùa: “Trừ Ban Biên tập, cháu về ban nào chú cũng đồng ý. Nhưng về Ban Văn hóa-Văn nghệ là khó lắm đấy”!

Sở dĩ nhà báo Hồng Hà có sự “ưu ái” với tôi là vì mỗi lần đem bài lên duyệt, tôi lại tranh thủ nêu những ý kiến, dù nhiều ý kiến chưa chín chắn và nhiều ý kiến sai, bây giờ nhớ lại, tôi còn thấy ngượng; nhưng ông lại thấy được sự chân thành, tâm huyết của tôi đối với tờ báo. Và, tuy tôi là người viết trẻ, có lúc, ông đã đăng cho tôi những bài hết cả trang báo; những bài thơ ở trang nhất, trang 8 (vinh dự lắm) - tuy nhiên, những bài ấy, có khi tự nhiên, có khi theo gợi ý, phân công của nhà báo Thép Mới, một người rất chú ý đào tạo thế hệ trẻ.

Nếu tôi chuyển về ban khác, cuộc đời sẽ khác rất nhiều. Về Ban Văn hóa-Văn nghệ quả thật là khó.  

Ban Văn hóa-Văn nghệ lúc ấy do chị Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan làm Trưởng Ban. Phó Ban có họa sĩ Nguyễn Thọ, nguyên sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương; họa sĩ Hoàng Tuấn Nhã, một trí thức Việt kiều ở Pháp về. Anh Trung Đông tuy là một sinh viên xuất sắc của Khóa 8, Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng chỉ là hàng em út bên các cây đại bút khác, còn tôi là hàng “tép riu”.

Là phóng viên thường, thì tự phấn đấu mà vươn lên. Trong báo đã khó. Vươn ra xã hội càng khó hơn. Vậy mà anh Trung Đông đã vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành một tên tuổi đáng nể trong phê bình nghệ thuật, nhất là trở thành một tên tuổi danh tiếng trong làng sân khấu với những vở diễn được nhiều đoàn dàn dựng như Đồng tiền Vạn Lịch, Bóng râm trong ngày nắng...

Tất cả những sinh viên văn khoa thời ấy đều thuộc lòng câu nói của Lê-nin trong bài Tổ chức của đảng và văn học đảng: “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải trở thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy dân chủ-xã hội vĩ đại, thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác tổ chức, có kế hoạch, thống nhất, của Đảng dân chủ-xã hội”. (V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 21, Nxb Tiến bộ, M, 1978, tr. 122, 123).

Anh Trung Đông thường nói, thậm chí cả trong nhiều cuộc họp của báo, rằng hiện nay, Văn hóa-Văn nghệ chỉ được coi như “bánh xe thứ năm” trong cỗ máy đó (ý là cái bánh xe thừa ra, phụ vào trong chiếc ô-tô bốn bánh). Nhưng khi là phóng viên, cũng như khi là Phó Ban, rồi Trưởng Ban, rồi Ủy viên Ban Biên tập, anh đã cố gắng để cho cái “bánh xe thứ năm” trở thành một bộ phận quan trọng, khăng khít của cỗ máy cách mạng.

Và trang văn nghệ của báo Nhân Dân do anh phụ trách trong một thời gian dài, rất có tín nhiệm trong xã hội.

Nhà báo Nguyễn Trung Đông sinh ngày 15/7/1945, nguyên quán thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng, Hà Đông (nay là Hà Nội).

Anh vào công tác tại Báo Nhân Dân từ năm 1967 cho đến lúc nghỉ hưu, năm 2010. Anh là em ruột của nhà văn Hồ Phương. Mỗi lần, tôi hỏi chuyện về nhà văn Hồ Phương, một “thần tượng” của thế hệ chúng tôi, anh thường nói: “Hồ Phương là Hồ Phương, tao là tao nhé”. Sau câu nói ấy là cả một bản lĩnh của người cầm bút, thể hiện quyết tâm phấn đấu vươn lên không ngừng, để không phải “ăn theo” bất cứ một cái bóng lớn nào.

Vào những năm đổi mới, anh Trung Đông thường dặn anh em chúng tôi: “Đổi mới gì thì đổi, nhưng phải giữ lấy hồn dân tộc. Cái mà thế giới cần là bản sắc, là cái riêng có của mỗi dân tộc. Đường đến dân tộc là đường vào nhân loại, nhớ kỹ lấy điều đó!”.

Vâng anh, chúng tôi, những thế hệ đi sau luôn nhớ lời anh, luôn sống và viết bằng trái tim của mình, trái tim của những người làm báo Đảng luôn thuộc về Đảng, về sự nghiệp lớn của dân tộc!

Trái tim anh đã vĩnh viễn ngừng đập vào hồi 20 giờ 39 phút ngày 5/7/2022, ở tuổi 77. “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, tuổi trời đã mãn. Nhưng với một tài năng, một con người sống giản dị, chan chứa yêu thương, anh đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng nghiệp, trong nhiều thế hệ cộng tác viên văn nghệ của Báo Nhân Dân.

Anh để lại sau một quãng đời hoạt động báo chí và nghệ thuật đầy ấn tượng; để lại những phần thưởng vinh quang: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Báo Nhân Dân, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa...

Nguyễn Sĩ Đại

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/trung-dong-nha-bao-tai-nang-va-gian-di-cua-bao-nhan-dan-a13844.html