Chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh phát triển du lịch bền vững

Chuyển đổi số xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng sâu sắc của dịch COVID-19.

Đối với du lịch Việt Nam, các chuyên gia đã khẳng định số hóa góp phần tăng khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch nước ta. Quá trình số hóa trong ngành du lịch đang diễn ra và có sự đóng góp tích cực từ nhiều điểm đến, địa phương, doanh nghiệp…

Nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy du lịch phát triển

Chú thích ảnh Khách du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Một điểm đến nổi tiếng của Thu đô là Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Tập đoàn công nghệ VIETSENS vào tháng 5/2022 đã chính thức ra mắt hệ thống vé điện tử. Đây được coi là bước đi đột phá nhằm đổi mới mô hình quản lý vận hành hướng tới sự khoa học, hiệu quả và mang lại sự thuận tiện cho khách tham quan ở nơi đây.

Đáng chú ý là ngoài việc sử dụng vé giấy có in mã QR để vào tham quan, du khách cũng có thể sử dụng thẻ du lịch thông minh (thẻ cứng hoặc tích hợp trên “Ứng dụng Du lịch Việt Nam”). Thời gian tới, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ đưa vào sử dụng việc bán vé tự động và bán vé từ xa (online) trên website, qua đó giúp du khách chủ động, tiết kiệm thời gian đến với Văn Miếu.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam. Trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm mới phục vụ khách du lịch là một định hướng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh du lịch “không chạm” ngày càng phổ biến. Với những sản phẩm công nghệ mới như ở Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động đón và phục vụ khách du lịch đến tham quan tìm hiểu một địa chỉ văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng thời gian qua, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vẫn chú trọng thực hiện chuyển đổi số. Đã có nhiều ứng dụng trên các nền tảng được nghiên cứu, triển khai và đưa vào sử dụng để tăng trải nghiệm cho du khách, cải thiện môi trường du lịch. Tổng cục Du lịch đã chú trọng xây dựng các kênh YouTube, Zalo, Facebook để đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch Việt Nam với nội dung đa dạng, liên tục cập nhật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-91, Tổng cục Du lịch triển khai nhiều ứng dụng trên nền tảng di động, mang đến tiện ích, khả năng tương tác hơn cho người sử dụng; tiêu biểu nhất là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”…

Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Google ra mắt Dự án “Kỳ quan Việt Nam” trên nền tảng số này thực hiện các triển lãm trực tuyến, triển lãm ảnh về những điểm du lịch nổi tiếng, các di sản, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Vào tháng 6/2022, Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp với Google giới thiệu nền tảng số này tới các sở quản lý du lịch, các điểm du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch và tin tưởng rằng đây sẽ là cửa sổ đưa các giá trị văn hóa, du lịch nổi trội của Việt Nam đến với thế giới. Bởi số hóa tài nguyên để tiếp cận du khách toàn cầu là một trong những việc quan trọng để thúc đẩy du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh hậu COVID-19.

Tại các địa phương trọng điểm du lịch cũng phát triển các phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ du khách. Có thể kể đến một số trạm thông tin du lịch thông minh, phần mềm du lịch thông minh như “Vibrant Ho Chi Minh City”, phần mềm tiện ích “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map” ứng dụng “Danang FantastiCity”, hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “Go! Đà Nẵng,” “Da Nang Bus”, Chatbot Danang FantastiCity…

Chú thích ảnh Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ mô hình 3D để giới thiệu đến du khách. Ảnh: XM/Báo Tin tức.

Tại Hà Nội cũng đã có phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long cùng một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus… Thừa Thiên – Huế cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đối tác trong quảng bá du lịch bằng công nghệ số, trong đó Lăng Tự Đức nằm trong 30 di tích, từ 13 quốc gia được Google số hóa 3D…

Tuần lễ Festival Huế 2022 (từ ngày 25– 30/6) với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã tạo nên diện mạo, sức sống mới cho vùng đất cố đô, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước. Số liệu thống kê từ Sở Du lịch trong thời gian từ 23-30/6, tổng số du khách đến Thừa Thiên -Huế ước đạt 180.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 155 tỷ. Khách lưu trú ước đạt 72.000 lượt (trong đó có gần 2.200 khách quốc tế), công suất phòng khách sạn bình quân đạt 85% (riêng ngày 24-25/6 công suất phòng của các khách sạn trên 93%).

Đặc biệt, bản đồ số Festival Huế là tính năng mới trên ứng dụng di động Hue-S được xây dựng và phát triển đã ra mắt ngay trước khi mạc. Theo Trung tâm Festival Huế, thông qua bản đồ số, người dân, du khách khi muốn tham gia các hoạt động tại Festival Huế 2022 có thể dễ dàng tra cứu, quan sát được tổng thể tất cả các chương trình lễ hội, hoạt động được đánh dấu đỏ có logo Festival Huế trên bản đồ. Qua đó, khán giả quan sát được tổng thể tất cả các chương trình lễ hội, thu hút hơn 7,7 triệu lượt xem trên các nền tảng Facebook, Zalo và hơn 634.108 lượt tương tác.

Theo Ban Tổ chức, quảng bá Tuần lễ Festival Huế 2022 trên nền tảng TikTok @huefestival có 1.500.000 lượt xem video. Kênh Youtube Festival hue đã thu hút hơn 1.200.000 lượt xem. Loạt video ngắn đính kèm hai hashtag trên các nền tảng mạng xã hội cũng đạt lượt xem ấn tượng, trong đó #HelloHue với 250 video được đăng tải đạt xấp xỉ 11,2 triệu lượt xem, #FestivalHue2022 với 780 video đạt xấp xỉ 4,5 triệu lượt xem. Từ ngày 25/6, số lượng video được đăng tải với tổng lượt xem tăng mạnh cho cả hai hashtag nhờ vào sự thành công và sức lan tỏa của Tuần lễ Festival Huế.

Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản

Chú thích ảnh Du khách có thể tự đặt phòng khách sạn không phải qua lễ tân tại một khách sạn ở Hà Nội. Ảnh: XM/Báo Tin tức.

 

Theo Tổng cục Du lịch: Số hóa ngành du lịch đang được triển khai chủ yếu trong việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm, đặt các dịch vụ qua các nền tảng thông minh; hỗ trợ khách du lịch tham quan, khám phá, thuyết minh các địa điểm tham quan… Tuy nhiên, chuyển đổi số còn nhiều lĩnh vực khác, thí dụ như bán sản phẩm, quản lý du lịch. Hiện tại các điểm đến, các địa phương đều tăng cường bán sản phẩm trực tiếp đến tay khách hàng qua ứng dụng thông minh, không thông qua đại lý nhưng việc này còn nhỏ lẻ.

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên sàn thương mại điện tử đã có để doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm hoàn toàn miễn phí.

Thời gian tới, Tổng cục Du lịch tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch. Đó là trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.

Tổng cục Du lịch cũng sẽ huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số. Ngành cũng đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch…

Chú thích ảnh Khách thăm quan khu di tích nhà tù Hoả Lò. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, tạo "sân chơi chung" cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là một bước đi quan trọng của ngành du lịch, trong đó có doanh nghiệp du lịch. Việc chuyển đổi số sẽ số hóa các dữ liệu, số liệu thống kê du lịch - yếu tố quan trọng để nghiên cứu và xúc tiến thị trường. Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin quan trọng để định hướng triển khai các hoạt động.

Các doanh nghiệp, tập đoàn như Vietravel, Vinpearl, Hanoitourist… cũng đang tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh. Các đơn vị đều ủng hộ và bày tỏ mong muốn hợp tác, đồng hành cùng Tổng cục Du lịch trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng với sự đồng thuận, nhất trí cao và quyết tâm lớn, trong thời gian tới toàn ngành sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, giúp du lịch phát triển theo hướng bền vững, khai thác nhiều hơn các giá trị kinh tế số từ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thanh Giang (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/du-lich-ben-vung-bai-cuoi-chuyen-doi-so-de-tang-suc-canh-tranh-a13847.html