Nghệ sĩ và chuyện ứng xử trên mạng xã hội

Những ồn ào về nghi án xâm hại tình dục ở Tây Ban Nha của 2 nghệ sĩ Việt chưa giảm sức nóng khi một số nghệ sĩ trong nước có những phát ngôn gây sốc.

Hơn một tuần qua, dư luận ồn ào về nghi án 2 nghệ sĩ của nước ta đi du lịch ở Tây Ban Nha và bị cáo buộc xâm hại tình dục. Theo thông tin từ Bộ VHTTDL, 2 nghệ sĩ đã có luật sư và đang tại ngoại, chờ tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo. Đến hôm nay, nhà chức trách nước bạn chưa đưa ra kết luận về vụ việc.

Tuy nhiên, ở trong nước, sự việc càng bị đẩy nóng thêm khi xuất hiện những phát ngôn bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân “gây sốc” của một số nghệ sĩ. Ví dụ như: “Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử “râu ngô” một tí. Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc người hâm mộ mời, tặng (đây là văn hóa đàn ông)”; hay “Tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vậy nên tôi bênh các bạn tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh đấy. Thì sao…”. Hoặc thậm chí một nghệ sĩ khác lại viết trên trang cá nhân của mình: “Đàn ông mà không chơi gái mới là lạ, đen thôi, đỏ quên đi, không có gì phải sốc hết… thế mới là đời”  v.v…  

Sau khi những phát ngôn của một số nghệ sĩ lan truyền trên mạng, có rất nhiều phản ứng của đông đảo công chúng. Thậm chí nhiều người phẫn nộ còn đề nghị tước bỏ danh hiệu nghệ sĩ nếu có phát ngôn phản cảm.

 

Là người làm nghệ thuật, tiếp xúc, làm việc nhiều với các nghệ sĩ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (phim “Đập cánh giữa không trung”) cho rằng cần có cái nhìn cởi mở, bình tĩnh, đặt đúng bối cảnh và thấu đáo hơn đối với các phát ngôn của nghệ sĩ. “Hiện tại nghệ sĩ KT cũng đã gỡ bỏ bài đăng và nhận lỗi về những phát ngôn vội vàng của mình. Hơn 2 năm qua tôi trực tiếp thực hiện một số dự án liên quan đến bình đẳng giới và tôi đã phải chứng kiến định kiến giới nó ăn sâu bám rễ như thế nào vào con người nói chung và người Việt Nam nói riêng. Điều đó dễ hiểu khi nghệ sĩ KT và một số nghệ sĩ khác có những suy nghĩ về giới như vậy, bởi đó là một suy nghĩ phổ biến. Đó mới là điều nguy hiểm chứ không hẳn ở chuyện gây ra một phát ngôn gây sốc. Tôi không bênh vực nghệ sĩ, tuy nhiên, đừng coi nghệ sĩ là biểu tượng về đạo đức, phải nhìn nhận rằng nghệ sĩ trước hết là người bình thường” – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.

Cũng theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, chính vì có tầm ảnh hưởng đối với công chúng nên việc giữ gìn hình ảnh đẹp mọi lúc mọi nơi đối với nghệ sĩ càng cần thiết. “Với bất kỳ người nào trong xã hội thì chúng ta cũng mong cầu ứng xử, phát ngôn đúng đắn. Tuy nhiên, những người nghệ sĩ là người được nhiều người biết đến, có những ảnh hưởng xã hội nên những yêu cầu này lại càng cần thiết hơn, cần để ý hơn trong ứng xử, trong hành xử, phát ngôn chứ không thể hành động vội vàng, cảm tính”.

Thực ra, từ trước đến nay những lùm xùm trong việc phát ngôn, ứng xử của nghệ sĩ, giải trí Việt cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội không phải là chuyện hiếm. Cũng đã có những nghệ sĩ từng bị miễn nhiệm chức vụ vì phát ngôn thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến danh tiếng. Nhưng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” chứ cũng không nên coi đó là biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ nói chung như nhiều ý kiến phê phán thời gian qua.

Có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng, nên những việc làm tốt, hình ảnh đẹp của nghệ sĩ sẽ dễ dàng truyền cảm hứng đến mọi người. Ngược lại, những thông tin chưa chính xác, thiếu minh bạch từ họ cũng tác động tiêu cực khi được lan truyền. Vì thế, ngày 13/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, với mong muốn nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật điều chỉnh hành vi ứng xử theo tinh thần: “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khóa XV, bộ quy tắc này đã có những tác động tích cực: “Bộ quy tắc không mang tính chế tài, tuy nhiên chúng ta thấy có một tác động là thay đổi hành vi bằng cách tăng cường nhận thức. Nó hình thành nên một kênh, ủng hộ cái tốt, cái tích cực, lên án cái xấu, từ đó giúp các nghệ sĩ nhìn nhận và điều chỉnh để xây dựng nên những hình ảnh tốt từ bộ quy tắc này”.

Để góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp của nghệ sĩ, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp một yếu tố không thể thiếu đó chính là thái độ của công chúng. Công chúng cần có thái độ hết sức rõ ràng, cần phải lên án, thậm chí “tẩy chay” những nghệ sĩ có những phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực, chứ không nên châm chước, bỏ qua, bởi như thế chẳng khác nào chúng ta a dua, tiếp tay cho những sai phạm. “Người nghệ sĩ sống với tác phẩm và tác động đến công chúng thông qua tác phẩm. Ngược lại công chúng cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự sáng tạo, góp phần điều chỉnh hành vi, ứng xử của nghệ sĩ. "Bộ quy tắc" quan trọng nhất của nghệ sĩ chính là thái độ của công chúng” – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhấn mạnh.   

Tự ý thức được xem  là  “bộ  máy  chỉ  huy”  cao  nhất trong toàn bộ ý thức, nhận thức của con người nói chung và nghệ sĩ nói riêng. Với tầm ảnh hưởng lớn và rộng rãi đến công chúng, những nghệ sĩ chân chính sẽ tự ý thức được điều này để có ứng xử phù hợp, văn minh trên môi trường mạng xã hội, qua đó xây dựng được hình ảnh, uy tín, thương hiệu cho chính mình cũng như thực hiện đúng mục tiêu “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” trong quy tắc ứng xử của những người hoạt động nghệ thuật.

Thu Hà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-si-va-chuyen-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-a13864.html