Trải qua 60 năm công tác liên tục, ông đã được Đảng và Nhà nước và nhân dân tín nhiệm giao nhiều trọng trách như Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa X, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn, Trưởng ban định canh-định cư Trung ương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Dân tộc Miền núi Chính phủ (nay là Ủy ban Dân tộc), Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa VI, IX, X...
Với cương vị là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông đã tích cực tham gia thể chế hóa đường lối của Đảng và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.
Ông Cư Hoà Vần sinh ngày 15 tháng 5 năm 1935, tại xã Quan Thần Sán, huyện Bắc Hà cũ (naytách ra thành huyện Si Ma Cai), tỉnh Lào Cai, trong một gia đình nông dân nghèo người Mông. Quan Thần Sán là một trong những làng cao nhất của huyện Si Ma Cai, ở độ cao trên 1500 mét, cách trung tâm huyện Bắc Hà cũ 30 km. Trước năm 1945, ngôi làng nhỏ bé này, chỉ có 13 hộ dân với mấy họ là: Họ Cư, họ Tráng, họ Hoàng, Họ Ma.
Như mọi thiếu niên nghèo người Mông khác, từ nhỏ ông không được đi học. Mãi đến cuối năm 1949, khi các cán bộ phong trào Việt Minh phát triển tại Lào Cai để xây dựng cơ sở, ông được chọn đi học tiếng phổ thông và được đào tạo để trở thành liên lạc viên cho cán bộ dân vận của Việt Minh, chống lại quyền kiểm soát của “vua Mèo” Hoàng A Tưởng. Tháng 11 năm 1950, ông là người dẫn đường cho Trung đoàn 165 Lao Hà tập kích vào thị trấn Bắc Hà, tiêu diệt các đồn Pháp tại đây và đánh đuổi Hoàng A Tưởng.
Sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt quyền kiểm soát ở vùng Bắc Hà, ông được cho đi học các lớp Bình dân học vụ xóa mù chữ, sau đó theo học các lớp học bổ túc kiến thức, được đào tạo để trở thành một cán bộ dân vận, tham gia các hoạt động tiễu phỉ tại các huyện trong tỉnh như Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa. Ông là một trong số cán bộ dân tộc thiểu số của Lào Cai được tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 24 tháng 9 năm 1958, khi Chủ tịch lên thăm Lào Cai. Ông được biểu dương và trao tặng Huân chương tiễu phỉ.
Năm 1959, ông được cử làm cán bộ Thuế. Tuy nhiên không lâu sau ông được cử đi học tại Trường Chính trị Việt Bắc và đến năm 1960, lúc mới 25 tuổi ông đã được bầu làm Phó chủ tịch huyện Bắc Hà. Năm 1963, ông trở thành Phó chủ tịch tỉnh Lào Cai khi mới 28 tuổi.
Được xem là người nỗ lực nâng cao kiến thức, ông tham gia nhiều lớp học bổ túc và dần theo học lên đến bậc Đại học và đã có 2 bằng đại học, sử dụng 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung. Cuối năm 1975, khi Lào Cai sáp nhập vào tỉnh Hoàng Liên Sơn, ông được cử làm Phó Chủ tịch tỉnh. Năm 1976, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội và sau đó được phân công giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ông trưởng thành từ cán bộ của Đội Thiếu niên Tiền phong và tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 15 tuổi. Đặc biệt, ông còn trở thành người được hầu hết đồng bào các dân tộc ở Lào Cai và các tỉnh miền núi trong nước biết tới bởi tên tuổi ông gắn liền với cuộc vận động định canh định cư của Đảng từ những năm 70 thế kỷ trước. “Là cuộc vận động lớn nhưng do tiềm lực kinh tế của đất nước còn hạn chế nên vận động nhân dân tự nguyện, tự giác định canh định cư là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Lúc đó, cán bộ vùng dân tộc như chúng tôi thường về với vùng đồng bào bằng tấm lòng hăng say, nhiệt tình để mong giúp đồng bào thoát khỏi cuộc sống du canh du cư, dần ổn định cuộc sống” – ông Cư Hòa Vần bộc bạch. Với suy nghĩ đó, trong nhiều năm liền, ông đã đi, đến, cùng ăn, ngủ và vận động đồng bào ổn định định canh định cư ở nhiều tỉnh miền núi, vùng cao của tỉnh Lào Cai và cả nước.
Ở những vùng đã định canh định cư không chỉ ở Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc mà tinh thần Cư Hòa Vần còn lan tỏa sâu rộng đến các vùng Tây Nguyên. Nhắc đến “già làng” định canh định cư Cư Hoà Vần, đồng bào vẫn nhớ đến với tình cảm sâu nặng. Bởi nhiều năm sau giải phóng, đồng bào chủ yếu sống du canh du cư, tự cấp tự túc, nhờ cuộc vận động (trong đó có nội dung tách hộ lập vườn) mà đồng bào đã tách hộ, phát triển vườn cà phê, vườn tiêu, điều... hình thành những vùng cây công nghiệp lớn, giúp hàng nghìn hộ ổn định cuộc sống. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các cán bộ định canh định cư mang đến vùng đồng bào các giống cây, kỹ thuật trồng trọt, hình thành vùng cây ăn quả, vùng trồng chè, quế... cho đến tận hôm nay. Ông Vần tâm sự: “Thời gian đó, đến với vùng đồng bào chủ yếu đi bộ, rồi cùng ăn, ở với đồng bào. Tuy gian khổ nhưng tình cảm giữa cán bộ và đồng bào rất sâu sắc. Đồng bào coi những cán bộ định canh định cư như những người thân thiết trong gia đình. Về là đón, chia tay là bịn rịn. Thậm chí ngay cả khi có các thế lực xấu rình rập, gây nguy hiểm thì đồng bào che chở, đón tiếp các cán bộ định canh định cư rất nhiệt tình. Chúng tôi coi tình cảm đó là nguồn động viên lớn cho mình”.
Thời gian sau này, khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết 22 về phát triển kinh tế-xã hội miền núi, Trung ương đã điều ông sang làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Miền núi và Dân tộc cùng ông Hoàng Đức Nghi lúc đó là Chủ nhiệm . Các ông đã nghiên cứu và đưa ra tiêu chí miền núi, vùng cao để trình Chính phủ xét duyệt, ban hành.
Ông được đánh giá là một người làm việc thực tế, hay đi thực tế các nơi. Những việc làm được và những việc chưa làm được, ông đều có những phân tích nguyên nhân kỹ càng.
Sau mỗi chuyến đi công tác vùng sâu, vùng xa về, ông luôn thường trực nỗi băn khoăn: Làm sao để cải thiện cuộc sống cho đồng bào và chính từ đó, ông và các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiến hành các cuộc khảo sát kỹ lưỡng; Đưa ra Chương trình 135 là một ví dụ. Chương trình với những điểm mạnh, quy mô hơn hẳn một số chương trình trước đó (thường chọn nơi dễ làm trước, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai tiếp).
Trong vai trò là đại biểu Quốc hội, ông là người thẳng thắn và dám chịu trách nhiệm trước những việc mình đã nói, đã làm. Bởi ông là người nói luôn đi đôi với làm, luôn đi sâu đi sát, chịu khó đi cơ sở. Ông đi đến tận nơi để kiểm tra, nghe các ý kiến phản hồi từ phía người dân hoặc chỉ đạo các thành viên giúp việc của Hội đồng Dân tộc đến tận thôn bản phát và nhận phiếu điều tra. Từ các chuyến đi này, ông đã phát hiện được những sai sót để chỉnh đốn, xử lý kịp thời.
Năm 1978, ông được điều về Trung ương giữ chức vụ Trưởng ban Định canh định cư Trung ương. Một năm sau, ông được điều sang giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Văn phòng Dân tộc Miền núi của Chính phủ. Ông giữ chức vụ này trong 14 năm trước khi được bầu làm Đại biểu Quốc hội và được phân công vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa IX vào năm 1992. Năm 1997, ông tái đắc cử Đại biểu Quốc hội, thuộc đoàn đại biểu Lào Cai và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa X.
Sau khi nghỉ hưu, năm 2004, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông giữ chức vụ này cho đến khi qua đời.
Ông mất ngày 17 tháng 8 năm 2010 tại Hà Nội và được an táng ngày 20 tháng 8 năm 2010 tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. /.
Nguyễn Thị Thúy
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lao-cai-dat-ten-duong-cu-hoa-van-tai-huyen-ly-si-ma-cai-que-huong-ong-a13875.html