Để tiếng trống chèo lan tỏa trong đời sống

Cùng với sự ra đời của các loại hình giải trí mới, sân khấu cổ truyền Việt Nam nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng dường như đang đứng trước thử thách để tìm kiếm khán giả.

Giao lưu Những người yêu Nghệ thuật Chèo toàn quốc lần thứ VII-2022 do Đài TNVN tổ chức tại Quảng Ninh từ ngày 8 đến 10/7 là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ Chèo nhiều tỉnh, thành phố giao lưu, gặp gỡ, nỗ lực tìm cách để đưa chèo đến gần với khán giả hôm nay. 

Trong ba ngày diễn ra Giao lưu Những người yêu Nghệ thuật Chèo toàn quốc lần thứ VII-2022, Cung Văn hóa Việt- Nhật thành phố Hạ Long luôn chật kín khán giả.

Gần 500 diễn viên chuyên và không chuyên đến từ 23 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đến với chương trình giao lưu với những tiết mục đặc sắc nhất, tiêu biểu cho các chiếu chèo nổi tiếng. Những trích đoạn chèo cổ, những tiết mục chèo dàn dựng mới mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại được các nghệ sĩ, nghệ nhân các địa phương đem đến cho công chúng xứ mỏ. Ấn tượng hơn cả là tình yêu với chèo của những diễn viên không chuyên, họ có thể là nông dân chân lấm tay bùn, những cán bộ nhân viên trong các cơ quan, doanh nghiệp, các em học sinh... Tất cả cùng đắm say với những làn điệu chèo. Câu lạc bộ chèo Yên Đức huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh đi 40 người trong đó có 6 cháu học sinh. Câu lạc bộ dân ca chèo xã Liên Mạc, huyện Mê Linh 48 người tham gia. Rất nhiều câu lạc bộ như thế ở khắp các địa phương thể hiện sức sống của chèo ở cơ sở.

 

Một mình vượt gần 900 km từ thành phố Đà Nẵng ra Quảng Ninh để đến với giao lưu "Những người yêu Nghệ thuật Chèo toàn quốc" lần thứ 7, bà Phạm Thị Hồng Vân không giấu niềm vui khi được gặp lại những nghệ sỹ Chèo yêu thích: "Thực tế thì nghệ thuật hát chèo ở Đà Nẵng thì không có. Nhưng ở trong đó cũng có một số anh chị em người Bắc có thành lập nhóm để hát Chèo. Tôi cũng ở trong nhóm đó. Ngoài hai lần giao lưu Chèo toàn quốc, tôi cũng tham gia một số giao lưu của các Câu lạc bộ ở phía Bắc. Mình rất là thích. Khi mà đam mê rồi, làn điệu nào chưa biết thì mình học sẽ biết ngay".

Hai đứa cháu của bà Cẩm Tám Chủ nhiệm CLB Chèo Long Biên (Hà Nội) là Nam Anh (12 tuổi) và Thanh Trúc (10 tuổi) cũng đem đến chương trình giao lưu với tiết mục Chèo "Trung thu nhớ Bắc" theo làn điệu Luyện 5 cung của soạn giả Bùi Văn Nhẫn. Bé Thanh Trúc, nói: "Hàng ngày, con vẫn lên để cổ vũ giúp bà, và lên Hội, nhóm Long Biên để xem và tập hát Chèo hai tiếng. Con cảm thấy rất vui khi được mọi người khen. Con mong muốn đem làn điệu Chèo lan tỏa cho mọi người cùng nghe".

Ông Nguyễn Tiến Út, 80 tuổi, ở Thị xã Đông Triều sau khi xem xong các tiết mục chèo rất ưng ý, mỗi một vùng miền mang sắc thái khác nhau. Ông mong muốn: "Tôi có lòng đam mê về chèo. Nếu như các vùng miền có sự hướng dẫn của trên, thì mỗi một năm, mỗi một tỉnh thị xã có tổ chức một buổi thi dân ca chèo cũng như dân ca dân gian Việt Nam thì mới gìn giữ được, còn bộc phát nhỏ lẻ từng địa phương sẽ không đồng đều, nên có sự thống nhất từ xã, huyện, tỉnh rồi đến trung ương."

NSƯT Thanh Mai, Phó Ban Tổ chức chương trình giao lưu Những người yêu Nghệ thuật Chèo toàn quốc lần thứ 7 năm 2022 cho rằng:  Sân khấu truyền thống một phần là phải bảo tồn nguyên gốc những giá trị đã có. Hướng thứ hai là sân khấu phải tương thích với đời sống ngày hôm nay, phải thích ứng với khán giả hiện đại dù một điệu nhạc, một câu ca cất lên phải luôn mang đậm chất "Chèo".

"Nhìn chung về với Hội chèo lần 7 đại đa số là những diễn viên không chuyên. Họ có giọng hát và đam mê, hơi thở của nghệ thuật truyền thống dân tộc quện vào họ. Đặc biệt, có một số diễn viên không chuyên trẻ có giọng hát trong, ngọt ngào và có màu chèo đã thổi hồn cho những bài hát thể hiện trên sân khấu ngày hôm nay. Muốn được giữ chèo không bị lai căng. Chính trong những trường học là môi trường đào tạo và giữ lửa tốt nhất cho nghệ thuật chèo không bị mai một và mất đi.", NSƯT Thanh Mai chia sẻ.

Trăn trở của NSƯT Thanh Mai cũng là nỗi niềm của các nghệ sỹ, diễn viên và những người yêu Chèo.   

Hoàng Hiền,Huyền Chi/Đông Bắc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/de-tieng-trong-cheo-lan-toa-trong-doi-song-a13899.html