Kỳ 5.
Thống sứ hỏi:
-Nhưng cuối cùng quân ta cũng chiếm được Hố Chuối vào cuối năm 1891. Ngài Thống tướng cho là vì lý do gì?
-Thưa ngài Thống sứ, thuộc cấp cho rằng do ta tập trung binh lực lớn, với vũ khí hiện đại như đại bác thì không một đồn lũy nào có thể cố thủ lâu dài được.
Thống sứ gật gù:
-Ngài đã đúc rút kinh nghiệm thất bại và chiến thắng. Thống tướng Pi en nghe lệnh:
-Dạ, có thuộc cấp.
-Thiếu tướng Voa rông nghe lệnh.
-Dạ, có thuộc cấp.
-Công sứ Bắc Ninh Ma hê nghe lệnh.
-Có thuộc cấp.
-Tổng đốc Bắc Ninh Vũ Quang Nhạ nghe lệnh.
-Có thuộc cấp.
- Sau đây các ngài về bàn bạc với nhau, làm thế nào để trong năm 1892 tiêu diệt bằng được cuộc nổi loạn ở Yên Thế, dựa vào kinh nghiệm các năm 1885 đến 1891, nắm chắc địa hình, sử dụng pháo binh và bộ binh gấp nhiều lần so với đối phương, tấn công bao vây nhiều hướng, phá tan căn cứ hiện nay của Thân Bá Phức, Đề Nắm, Đề Thám ở chợ Gồ, cửa sông Sỏi, Phồn Xương. Thứ hai, ngoài biện pháp quân sự còn phải sử dụng các biện pháp dụ dỗ mua chuộc các thủ lĩnh Yên Thế đầu hàng, mua chuộc họ để họ ám sát những nhân vật cao cấp của Yên Thế như Thân Bá Phức, Đề Thám, Đề Nắm. Ta nghe nói các thủ lĩnh Yên Thế đều đem theo vợ con sống trong doanh trại, trong các đồn và chiến lũy. Có thể bắt cóc vợ con của họ để buộc họ đầu hàng.
Thống tướng Pi en, Đại tá Ba tay và các quan chức Bắc Ninh cùng đáp:
-Thuộc cấp tuân lệnh.
Thống sứ Bắc Kỳ nói tiếp:
-Ta đã giao cho tướng Pi en thảo kế hoạch và điều động lực lượng tấn công Yên Thế. Xin mời Thống tướng Pi e trình bày.
Pi en đứng dậy, tay cầm cuốn sổ nhỏ và nói:
-Thưa ngài Thống sứ, thưa các ngài, các ngài đều biết rằng căn cứ mới của Thân Bá Phức, Đề Nắm và Đề Thám nằm sâu trong rừng rậm khu vực Yên Thế Thượng, thuộc chợ Gồ, cửa sông Sỏi, Phồn Xương, bao gồm nhiều chiến lũy, đồn, hào và hệ thống chướng ngại vật. Chúng ta phải tiến vào rất gần mới biết được đồn đó ở rất gần ta. Cho nên chiến thuật của ta vẫn là dùng pháo binh bắn dữ dội, sau đó các cánh quân mới tiến vào. Nay các sĩ quan sau đây nghe lệnh:
-Trung tá Bec ra.
-Có thuộc cấp.
-Trung tá hãy đem binh đoàn từ Thái Nguyên, tấn công bao vây Yên Thế từ phía bắc. Đồn mà Trung tá phải đánh đầu tiên là đồn của Đề Thám. Đây là một thủ lĩnh nổi tiếng can đảm, giỏi quân sự nhất của nghĩa quân Yên Thế. Trung tá phải hết sức thận trọng. Đề Thám còn có một bà vợ ba của ông ta là Đặng Thị Nhu, lính tráng và nhân dân Yên Thế gọi là bà Ba Cẩn cũng rất có tài chỉ huy và tài bắn súng, đã làm cho quân ta nhiều phen khiếp đảm.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Trung tá Bu di cơ.
-Có thuộc cấp.
-Trung tá chỉ huy binh đoàn tấn công bao vây quân Yên Thế ở phía đông.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Trung tá Gây.
-Có thuộc cấp.
-Trung tá chỉ huy binh đoàn bao vây và tấn công quân Yên Thế từ phía nam.
-Thuộc cấp tuân lệnh
-Trung tá Huy nhi.
-Có thuộc cấp.
-Trung tá chỉ huy đạo quân đánh trực tiếp vào đồn của Bá Phức.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Thiếu tá Cuốc tô.
-Có thuộc cấp.
-Thiếu tá chỉ huy một cánh quân đánh vào đồn của Đề Nắm.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Thiếu tá Văng đơ.
-Có thuộc cấp.
-Thiếu tá chỉ huy một đạo quân đánh vào đồn Đề Chung.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Thiếu tá Hăng ri.
-Có thuốc cấp.
-Thiếu tá chỉ huy một đạo quân phối hợp với Trung tá Béc ra cùng tấn công vào đồn của Đề Thám.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Trung tá Béc tanh.
-Có thuộc cấp.
-Trung tá chỉ huy pháo binh khoảng 50 khẩu 95 ly, 50 khẩu 65 ly chi viện mở đường cho các đạo bộ binh tấn công.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Thiếu tướng Voa rông
-Có thuộc cấp.
-Thiếu tướng chỉ huy tất cả các đạo quân hành quân tấn công Yên Thế và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quân sự Bắc Kỳ.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
Pi en nói thêm:
-Các đạo quân ngoài mang súng còn phải mang theo dao, kiếm và rìu để phát cây mở đường mà đi vì đồn lũy của bọn nổi loạn nằm trong rừng cây cỏ dày đặc, còn phải đem theo dầu cháy có thể đốt rừng để tìm ra căn cứ. Như vậy, trong cuộc tấn công này ta đã huy động nhiều binh lực, nhiều đại bác, bao vây nhiều tầng, nhiều lớp để tấn công. Ngài Thống sứ có gì bổ sung không?
Thống sứ Bắc Kỳ nói:
-Chúng ta không chỉ tấn công về quân sự mà còn kết hợp nhiều biện pháp khác phối hợp là dụ dỗ, mua chuộc các thủ lĩnh để họ đầu hàng, để họ ám sát lẫn nhau. Đêm qua, ta vừa nhận được tin báo thủ lĩnh Đề Sặt, kẻ thân tín bên cạnh Đề Nắm, thủ lĩnh tối cao về quân sự của nghĩa quân Yên Thế sẽ quy hàng trong trận này, Đề Sặt sẽ ám sát Đề Nắm để lập công. Cho nên, trận này có khả năng ta sẽ xóa bỏ được Yên Thế. Nào nâng cốc, chúc các ngài chiến thắng.
Tất cả đứng dậy nâng cốc:
-Cảm tạ ngài Thống sứ.
Cả bọn cạn cốc, tiếng cốc thủy tinh va vào nhau rờn rợn. Một cuộc tắm máu mới lại bắt đầu.
Ngày 25 tháng 3 năm 1892, trận tấn công lớn của quân Pháp với 2.200 quân vào căn cứ Yên Thế bắt đầu. Đó là một ngày cuối xuân, nắng màu trắng nhạt tỏa khắp núi rừng Yên Thế, sương vẫn trắng xóa bao phủ khắp trời và đất, một cảnh thanh bình kỳ lạ của mảnh đất này. Nhưng trong đó những vũ điệu của chiến tranh đẫm máu đang nhảy múa. Các binh đoàn quân Pháp từ bốn hướng súng khoác trên vai, tay cầm gươm, dao vừa tiến vừa phát cây rừng tiến vào rừng Phồn Xương dọc sông Sỏi. Giặc không thấy gì bên trong cả vì rừng rậm che hết, chỉ có một màu xanh cây lá dầy đặc. Đối với quân Pháp, rừng nhiệt đới quả là đáng ghét, đủ loại cây to, cây nhỏ, giây leo chằng chịt. Trên bản đồ, thiếu tướng Voa rông nhìn tọa độ và ước lượng đồn lũy của Yên Thế đã nằm trong tầm đại bác. Qua máy bộ đàm, Voa rông ra lệnh cho Trung tá Béc tanh:
-Nã pháo 95 ly và 65 ly vào Yên Thế. Tất cả các đạo bộ binh nằm xuống để pháo binh pháo kích.
-Rõ thưa thiếu tướng.
Lập tức, bốn phía của rừng Phồn Xương vang lên rung chuyển, những ánh chớp lửa lòe ra từ hàng chục khẩu đại bác. Những viên đạn lửa hình bắp chuối bay xé không gian, rít lên ghê rợn và lao xuống mục tiêu, tạo ra sấm chớp tàn phá nơi chúng rơi xuống. Chim chóc hoảng hốt bay lên trời loạn xạ, đâu đây có tiếng hổ gầm voi hú phẫn nộ, căm thù. Như bão táp, sấm chớp lửa đạn gầm rú ghê gớm của đại bác hoành hành suốt 4 tiếng đồng hồ tàn phá rừng Phồn Xương. Lúc tướng Voa rông nhìn đồng hồ, kim chỉ vào con số 12. Voa rông qua máy bộ đàm ra lệnh:
-Ngừng pháo kích.
-Rõ.
-Bộ binh bốn hướng tấn công.
-Rõ.
Bộ binh Pháp đứng dậy nhưng không thể ào ạt xông lên mà vẫn phải dùng dao, kiếm phát rừng mở lối. Tiến lên được khoảng 200m nữa thì quân Pháp bắt đầu bước vào khu vực rộng lớn đã bị đại bác tàn phá. Rừng cháy tan hoang trơ lại cành cây và gio than còn nóng bỏng. Các chiến lũy đã sập hoàn toàn hoặc còn một nửa ngổn ngang, lửa khói vẫn còn nghi ngút cháy. Quân Pháp không biết nghĩa quân ở trong những chiếc đồn đã sụp đổ còn hay đã chết. Bây giờ đến lượt quân Pháp không còn rừng để che chở nữa mà đã phơi trần trên một không gian rộng lớn trống trải do đại bác của chúng tạo nên. Hàng chục tên lính đi đầu thốt nhiên bị rơi xuống hố, tiếng kêu la vang động. Thì ra chúng đã sa xuống những hầm chông. Hàng trăm tên phía sau lao lên để lôi những tên dưới hố. Khi đó khắp rừng Phồn Xương, từ những giao thông hào, từ những lỗ châu mai ở các đồn, tiếng súng trường, súng hỏa mai vang lên như pháo nổ khắp không gian rộng lớn. Quân Pháp vào quá gần nên hứng đạn, hàng trăm tên gục xuống. Mặc cho chỉ huy phía sau hét đến khản cổ:
-Ala xô.
-Alaxô.
Binh lính Pháp miễn cưỡng đứng lên lại đổ gục xuống. Các chỉ huy liên tục gọi bộ đàm cho Voa rông.
-Đề nghị cho pháo kích.
-Đề nghị cho pháo kích chi viện cho bộ binh.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-5-a13948.html