Bà là mẹ của chú Hoàng, chú là con bà cả, do bà cả ốm mất nên bố chú đi thêm bước nữa lấy bà. Vì cũng chưa lập gia đình, cũng đang còn trẻ nên mọi yêu thương bà dành hết cho chú Hoàng từ miếng cơm manh áo. Từ những bò gạo nắm thóc đem bán mua quần áo đẹp cho con ngày Tết nhất, không để con buồn tủi. Chăm sóc đủ đầy như mẹ ruột. Thấy mọi người bảo chú Hoàng lúc nhỏ sướng thứ hai thì không ai sướng thứ nhất ở làng này. Chú là con một con cưng của bà Cúc, một người mẹ theo cái nhìn khá toàn diện từ mọi người thì bà là người hiền lành, tốt bụng.
Thời gian thắm thoắt trôi qua. Ông mất, chú Hoàng lập gia đình. Có con cái cũng ra ở riêng ngay bên cạnh nhà bà, hai mẹ con chia nhau mỗi người một nửa. Cái vườn thì mẹ vườn nhỏ con vườn to. Nhà Chú thì nhà xây gạch lợp ngói, nhà bà thì vẫn nhà tranh vách đất cũ. Bà sống năm tháng yên bình trong ngôi nhà ấy khi đã vào độ tuổi xế chiều. Nhưng bà vẫn có thể đi làm ruộng, trồng rau tự chăm sóc mình.
Chú Hoàng có con cái, bà cũng có cháu vui chơi bồng bế. Nhưng khổ nỗi không biết có phải khác máu tanh lòng, hay như thế nào mà chú Hoàng cũng qua loa chăm sóc bà, con cháu cũng không mấy mặn mà. Bà thui thủi nơi xó bếp ngày nắng ngày mưa. Vài ba con gà nhíp hôi, con chó ghẻ làm bạn. Cũng xem như cuộc đời bà có phúc mà không có phận, con ruột không có dù ông bà trước đây đã cố gắng nhưng do bà không thể sinh con nên đành sống cảnh cô đơn ngay trong chính mảnh đất ngôi nhà của mình.
Có hôm đi không biết làm sao ngã gẫy cả chân mà tiền nong không có, chú Hoàng cũng không hiểu vì sao chỉ đắp lá cho bà sơ sơ, thành ra chân bà cong cong tập tễnh chống cái gậy mà đi, ai nhìn cũng ứa nước mắt. Có chú y sĩ hay đi tiêm trong làng, bà có mượn đến lấy thuốc nhưng ốm yếu tiền không có nợ vài ba lần rồi thấy chú không đến nữa. Bà mỗi tháng được trợ cấp hội người cao tuổi được mấy đồng, ăn chắt bóp vài mớ rau tạp tàng xung quanh nhà.
Con cháu về cười nói rôm rả cho bà đâu được gói bánh quy gọi là. Nhà bên thì vui nhưng bà thì buồn. Đi chơi huyện rồi đi chợ mua sắm nấu ăn mùi thơm phưng phức. Bà thì vẫn nằm đó trơ trơ trên giường, đau nhức cơ thể. Bếp le lói mấy ngọn lửa sắp tàn nhìn mà xót xa quá đỗi.
Ở cái làng quê quanh năm cày cấy ruộng đồng, bao nhiêu ngôi nhà bấy nhiêu cảnh đời. Ai cũng từng trải qua những năm tháng đầy vất vả. Cuối cùng cũng chỉ như một ngọn đèn dầu cơn gió nhẹ cũng tắt hẳn. Con cái người ở gần có người chăm sóc có người hờ hững buông lơi. Người có điều kiện thì con đi xa thành phố trong Nam ngoài Bắc vẫn đêm thâu lạnh lùng. May ra Tết đến Xuân về trong ngôi nhà mới đầy ắp tiếng cười nói thân thương. Còn Bà Cúc giờ đã là người thiên cổ, ngôi nhà cũng không còn. Chú Hoàng mang bà về thờ cho trọn đạo làm người. Ngôi nhà đã thay bằng mảnh vườn xanh tươi tốt. Như xoá đi những kỉ niệm của cả một thời, chỉ còn màu xanh hi vọng.
Chuyện làng quê
Thế Thanh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-dan-ba-co-don-a13964.html