Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc HĐND tỉnh Phú Thọ

Sáng nay (13/7), HĐND tỉnh Phú Thọ đã khai mạc kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên khai mạc kỳ họp.

Cùng dự có Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

dt1-23-1657697376.jpg

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự kỳ họp

 

Về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Công Thủy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thị; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.

dt2phu-tho-130722-1-1657697721.jpg

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ảnh trên) ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong thời gian qua và cho rằng, trong thành công chung của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của HĐND, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Phú Thọ.

Để phát huy những thế mạnh, tiềm năng phát triển của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đảng bộ chính quyền tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 các chương trình hành động đã được phê duyệt để triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Các chính sách được ban hành cần chú trọng, nhóm giải pháp ngoài phát huy lợi thế, so sánh, mang tính đặc thù riêng của một tỉnh Trung du miền núi còn phải hướng tới tính liên kết vùng.
Hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng sản xuất đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quan tâm phát triển kinh tế đồng bộ, phát triển văn hóa và xã hội theo hướng bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển công nghiệp sạch, góp phần vừa phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của quê hương đất tổ Hùng Vương.

dt3-17-1657698330.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tỉnh Phú Thọ cần tập trung quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, các luật, nghị quyết của Quốc hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để thống nhất nhận thức tư tưởng, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự nhất trí cao đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn, g phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

HĐND các cấp tỉnh Phú Thọ chủ động nghiên cứu, đề xuất những quyết sách để sớm cụ thể hóa các chủ trương định hướng lớn của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2000 tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi các nghị quyết của HĐND phải có tính chủ động, được chuẩn bị bài bản từ sớm, từ xa, có tính khả thi cao, sát với thực tiễn, mang tính dẫn dắt và tính dự báo chính xác. Mục tiêu, chính sách phải được lượng hóa, các giải pháp và công cụ, chính sách phát triển kinh tế xã hội phải rất cụ thể rõ ràng, dễ triển khai và dễ giám sát, kiểm tra,  bám sát thực tiễn của cuộc sống.

Với lịch sử phát triển lâu đời Phú Thọ là miền đất của những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa vật thể. Vì vậy, các cấp chính quyền, trong đó có HĐND cần tăng cường bảo tồn, giáo dục, truyền thụ, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn động lực nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng và văn minh như tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.

Nhấn mạnh công tác cán bộ luôn được Đảng ta nhấn mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng, là “khâu theo chốt của then chốt”, là “cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách cho nhiệm kỳ 2026-2031 theo đúng quy định và hướng dẫn của Đảng; triển khai rà soát, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng cán bộ cho các khóa tiếp theo.

dt2-23-1657697878.jpg

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu (ảnh trên) nhấn mạnh: Kỳ họp lần thứ Tư là kỳ họp thường lệ giữa năm 2022, đây cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, do đó công tác điều hành của Chủ tọa kỳ họp sẽ được thực hiện linh hoạt, định hướng đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề trọng tâm mà HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, giá trị xuất nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; doanh thu sản lượng của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) có tiến bộ rõ nét. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, sản lượng khá; hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi nhanh. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc.

Để kỳ họp đạt kết quả tốt, đồng chí đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu kỹ tài liệu, phân tích, đánh giá để đưa ra các giải pháp có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm; đồng thời, lựa chọn các vấn đề quan trọng mà cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm để thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng.

UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh cần tiếp thu, giải trình rõ những nội dung kiến nghị của cử tri, các vấn đề chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, từ đó đưa ra các cam kết, giải pháp, thời gian cụ thể để thực hiện; đồng thời, có kế hoạch giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh, góp phần vào thành công của kỳ họp và tạo sự chuyển biến mới trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong chương trình làm việc, HĐND tỉnh sẽ nghe đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XIX; Báo cáo kết quả thực hiện kết luận phiên giải trình, chất vấn của Chủ tọa Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XIX; Xem xét các báo cáo thường kỳ của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

HĐND tỉnh dự kiến thông qua 8 nghị quyết, tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về: Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh; Danh mục các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng phải thu hồi đất, danh mục các dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh chấp thuận, danh mục các dự án chuyển tiếp tại Nghị quyết số 09 ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh, danh mục các dự án điều chỉnh, bổ sung tại các nghị quyết của HĐND tỉnh đang còn hiệu lực, danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2030; Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; Phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022; Phân bổ vốn kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước và cơ chế huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025; Quy định chính sách thưởng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh và nhiều nội dung quan trọng khác.

Kỳ họp thứ Tư - HĐND tỉnh Phú Thọ sẽ kết thúc vào ngày mai (14/7)..

Đình Thơm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-du-khai-mac-hdnd-tinh-phu-tho-a13971.html