Giáo viên góp ý 52 tiết bắt buộc môn Lịch sử cấp THPT không nên nặng kiến thức

Đối với lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nề về kiến thức mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về lịch sử hào hùng của dân tộc. Còn với 35 tiết chuyên đề nâng cao, cũng không thể dạy như cách cung cấp kiến thức thụ động theo kiểu truyền thống đọc chép.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế hoạch này nhằm triển khai Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Đáng chú ý, theo Kế hoạch này, thì trong chương trình GDPT 2018 cấp THPT, mỗi năm học, môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc.

Là một trong những giáo viên lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường liên cấp Đông  Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, việc đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc là việc đương nhiên cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt.

Tuy nhiên, thầy Lê Đình Hiển cũng lo ngại rằng, việc sửa chương trình môn Lịch sử bao gồm cả việc xây dựng lại chương trình, thẩm định tài liệu, tập huấn giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà trên cả nước, thực hiện cùng lúc khi phải chuẩn bị nhiều điều kiện khác cho Chương trình GDPT nên sẽ có thể gặp rất nhiều khó khăn.

 

“Bộ cần có hướng xử lý ổn thỏa, hướng dẫn chi tiết cho các trường, nếu chỉ tập huấn theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì không thể hiệu quả", thầy Lê Đỉnh Hiển nói.

Từ việc xây dựng chương trình môn Lịch sử thời gian qua, giáo viên này cho rằng, với những chương trình lớn, Bộ GD - ĐT cần có kế hoạch lâu dài và lắng nghe ý kiến dư luận, chuyên gia: “Như chương trình GDPT 2018, ngay khi ban hành lấy ý kiến, giáo viên đã có sự phản hồi về chương trình môn Lịch sử, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn thực hiện theo quan điểm của Bộ, đưa Lịch sử thành môn tự chọn, nên khi chương trình được đưa vào triển khai lại tiếp tục vấp phải phản đối. Bộ GD-ĐT cho rằng, thời điểm xây dựng chương trình đã lấy ý kiến nhưng không ai phản đối, tại sao khi chương trình được áp dụng, SGK đã làm xong lại phản đối? Phải nói rằng đây là lỗi của những người thực hiện chương trình, khi làm có những phản hồi từ cơ sở, từ giáo viên, nhưng lại chưa tiếp thu chặt chẽ”.

Để học sinh không còn sợ môn Lịch sử thì tinh giản chương trình, giảm nhẹ kiến thức là cần thiết

Theo thầy Hiển, trong thời gian tới, những gì liên quan đến SGK, văn bản hướng dẫn, Bộ GD-ĐT cần có nghiên cứu kỹ lưỡng và lắng nghe phản hồi của dư luận.

Nói thêm về chương trình môn Lịch sử khi điều chỉnh, thầy Lê Đình cho biết, nếu mỗi năm, học sinh THPT có 52 tiết học bắt buộc, tức là trung bình mỗi tuần có khoảng 1,5 tiết Lịch sử.

Ngoài ra đối với học sinh có nguyện vọng học nâng cao đối với môn Lịch sử, sẽ được học thêm 35 tiết chuyên đề nâng cao. Như vậy với 52 tiết bắt buộc, cùng với 35 tiết chuyên đề, thì những em thực sự có năng lực học bộ môn này sẽ có 87 tiết.

Thầy Lê Đình Hiền cho rằng, vấn đề ở đây không phải học sinh có nhiều tiết học Lịch sử mà là học sinh sẽ được học nhiều và biết nhiều về lịch sử hơn và nếu muốn môn Lịch sử không còn là “nỗi sợ” của nhiều học sinh thì việc tinh gọn chương trình và giảm tải kiến thức là rất cần thiết.

“Đối với lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nề về kiến thức mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trong khi đó, riêng đối với học sinh chọn học thêm 35 tiết chuyên đề. Đây là những học sinh có năng lực học tập và tìm hiểu cao hơn các bạn. Hơn hết chính vì em có niềm yêu thích, say mê nên mới chọn học Lịch sử nâng cao. Những em như vậy thì 35 tiết học chuyên đề không thể dạy như cách cung cấp kiến thức thụ động theo kiểu truyền thống đọc chép trước đây mà chủ yếu là: hoạt động tự tìm hiểu, tự giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Hiểu đơn giản là các em không chỉ học lịch sử ở trường mà còn thông qua các hoạt động trải nghiệm, tham quan, giao việc, làm việc nhóm...

Do đó 35 tiết chuyên đề nâng cao, tuy đã giảm đi so với trước nhưng không có nghĩa là cứ học nhiều tiết nên là sẽ đảm bảo cho chất lượng tiếp thu kiến thức của các em. Vậy nên đợi cho chương trình học triển khai một thời gian xem hiệu quả ban đầu thì mới đánh giá được”, thầy Lê Đình Hiển nói.

"Ai cũng nói sẽ cần đổi mới chương trình học, cách dạy, giáo viên phải biết áp dụng nhiều cách dạy học mới để thu hút học sinh, nhưng cũng nên thông cảm cho các thầy cô. Hỏi rằng đến khi nào mà một trường học ở các vùng mà học sinh mỗi em có một chiếc máy tính, mỗi phòng học có một máy chiếu, học sinh đi học online không phải 3,4 em chung 1 cái điện thoại nữa thì các thầy cô mới có thể phát huy hết năng lực của mình. Nhiều thầy cô nhiệt huyết, có chuyên môn nhưng cơ sở không có cũng đành bất lực. Bên cạnh đó nếu giáo viên còn phải lấy nghề tay trái để nuôi cho nghề chính thì không thể mong chất lượng giáo dục cao”, thầy Hiển thẳng thắn nêu.

Còn theo cô Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), việc sắp xếp lại môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT sẽ tác động trực tiếp tới việc sắp xếp các tổ hợp môn học. Cụ thể, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở tất cả các tổ hợp thì nhà trường phải giảm môn Địa lý, Giáo dục Kinh tế pháp luật khi xây dựng tổ hợp. Điều này ảnh hưởng đến những giáo viên dạy các môn này, số giờ dạy bị giảm đi nghiêm trọng, có thể khiến lương của những giáo viên này cũng bị hạ xuống.

Bên cạnh đó, các trường cũng bị xáo trộn, phải xây dựng lại kế hoạch dạy và học khi đang ở thời điểm học sinh trúng tuyển vào lớp 10 chuẩn bị nhập học.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cũng băn khoăn rằng, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc mỗi năm học, còn theo chương trình ban đầu, học sinh phải học 70 tiết/năm học. Như vậy còn những tiết tự chọn sẽ được dạy thế nào.

Đặc biệt, cô Văn Liên Na cũng cho rằng, theo Chương trình GDPT, thì Lịch sử là môn tự chọn và chương trình của môn này sẽ gồm những kiến thức chuyên sâu, nâng cao hơn so với chương trình bắt buộc đại trà như trước đây, vậy việc sửa nội dung, giảm tải kiến thức sao cho phù hợp với học sinh đại trà cũng sẽ cần nhiều thời gian. Việc sửa toàn bộ chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong 1-2 tháng là rất khó.

Với những băn khoăn trên, cô Văn Liên Na kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể việc triển khai dạy môn Lịch sử bắt buộc để các trường phổ thông xây dựng kế hoạch dạy học cho năm học mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) môn Lịch sử sẽ được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn, thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp trung học phổ thông đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử); các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua (thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử).

Để kịp thời triển khai năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đang thực hiện theo kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Nguyễn Trang

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giao-vien-gop-y-52-tiet-bat-buoc-mon-lich-su-cap-thpt-khong-nen-nang-kien-thuc-a13982.html