Chị Mát, con gái ông, vừa dựng chiếc xe máy ngoài sân đã gọi oang oang: - Thầy ơi! Thầy…
Chị dừng ngay lại khi thấy Mật - em trai bước ra, đưa tay ra hiệu cho mình nói nhỏ.
- Thầy đâu rồi cậu?
- Chị nói nho nhỏ thôi, thầy đang ngủ.
Chị kéo tay em trai ngồi xuống bậc hiên, dù đã hạ giọng nhỏ lại thì tiếng chị vẫn vang lên lọt cả vào phía giường cha đang nằm.
- Ý thầy ra sao? Cậu hỏi chưa?
- Thì thầy bảo tùy chị em mình.
- Sao lại tùy? Thầy hay thật đấy. Rõ là chuyện thầy làm ra mà cứ nửa nạc nửa mỡ như vậy là sao?
Mật định nói rồi lại ngập ngừng. Anh nhìn ra phía ngoài vườn, nơi mấy cây bưởi sai trĩu quả. Hồi sáng anh về, thấy cha đang đứng ngắm nghía mấy cây bưởi, còn khen giống bưởi này ngon lắm, rồi kể ngày xưa thằng Mạnh nó đến chơi, mua biếu hai trái bưởi, ông ăn quả xong, lấy hạt ươm cây. Vậy mà vèo cái đã ngót chục năm. Cây đã lớn rợp cả một góc vườn, xòe lòa xòa che mát cả một khoảnh sân. Mùa bưởi ra hoa, ông thường kê cả cái chõng tre ra góc sân đó ngồi uống nước trà, hít hà hương bưởi. Lâu lâu, ông bỏ vài bông bưởi vào ướp cùng với trà. Mỗi lần ngồi một mình nhấp khà chén nước trà, ông lại miên man nhớ bao nhiêu chuyện.
- Thế còn ý cậu thì sao?
Mật giật mình khi nghe chị hỏi. Anh còn chưa kịp trả lời thì chị Mát lại tiếp:
- Cậu với cậu Mừng định thế nào? Tôi là tôi không đồng ý đâu đấy.
Anh Mật nhìn chị, nhỏ nhẹ:
- Chị ạ! Em nghĩ thế này. Chú Mạnh dù sao cũng là con của thầy, là em của chúng ta, dù không cùng một mẹ sinh ra. Ngày xưa, thầy cũng muốn nhận chú ấy rồi nhưng khi bu còn sống, bu không đồng ý, thầy cũng không muốn bu buồn nên không nhắc đến chuyện này. Giờ bà Nhàn cũng không còn nữa, người thân của chú ấy còn ai đâu, ngoài thầy và chị em mình…
Anh Mật chưa nói hết câu, chị Mát đã giãy nảy cắt ngang:
- Ai là người thân với nó. Thôi, vậy là tôi biết ý cậu rồi. Cậu và thầy làm sao thì làm, đừng để thiên hạ cười vào mặt cho.
- Kìa chị.
- Để tôi hỏi thầy. Thầy không thể cái gì cũng "tùy chúng bay" được.
- Kìa chị, thầy đang mệt, vừa mới nằm nghỉ.
Anh Mật giữ tay chị gái kéo ngồi xuống. Chị Mát vùng vằng, cứ ngoái cổ nhìn vào trong nhà chỗ cha đang nằm. Thực ra, ông Thau nằm để đó, giả ngủ chứ câu chuyện của hai con, ông nghe cả. Ông nén tiếng thở dài nặng nhọc. Hai giọt nước mắt hiếm hoi được ông chắt ra từ đôi mắt già nua kèm nhèm, vừa chảy ra khỏi hốc mắt đã lẩn cả vào những vết nhăn trên khuôn mặt. Đôi mắt ông đờ đẫn mệt nhọc nhìn thẳng vào bức tường trắng trước mặt mà như loang loáng nước. Nước mắt của ông hay loang loáng nước mưa của bầu trời giông gió chiều hôm đó, hay nhạt nhòa nước mắt của người đàn bà ấy, hay giàn giụa nước mắt đau khổ của vợ ông.
Ông Thau nhắm nghiền mắt lại. Lại thấy mình của thuở mới ngoài hai mươi. Bữa đó, ông đi chăn vịt. Đang mùa khoán đồng, ông thả vịt bơi lội ăn khắp chốn, còn mình thì cầm cái cây đi theo chúng hết bờ nọ ruộng kia. Bỗng đâu cơn giông bất ngờ ập đến. Sấm. Chớp. Và mưa. Ào ào, xối xả. Ông chạy nhanh vào cái chòi canh dưa đã bỏ hoang giữa đồng để trú. Ở đây, ông gặp Nhàn. Bà ấy hơn ông hai tuổi nhưng chưa chồng. Đúng ra là Nhàn ế chồng vì ngay từ nhỏ bà đã bị chột một con mắt. Nên ngoài hai mươi, Nhàn vẫn chưa có ai hỏi cưới. Ông nhìn Nhàn, bộ quần áo ướt sũng bám chặt lấy thân hình tròn lẳn, đẫy đà của người con gái đang độ xuân thì. Ống quần xắn đến quá gối để lộ ra đôi bắp chân trắng nõn nà. Ông ngại ngùng quay đi, giữ cho hơi thở đều đều để Nhàn khỏi phát hiện trống ngực mình đang đập mạnh. Nhưng ngay lúc đó, Nhàn lại tiến đến bên ông, chủ động cầm lấy tay ông. Nhàn xin ông một đứa con để nương tựa lúc tuổi xế chiều. Ông thương người con gái bất hạnh ấy và ông cũng không kìm nén nổi dòng máu nóng đang hừng hực trong mình. Vậy là hai người quấn lấy nhau trong căn chòi nhỏ. Ngoài trời, mưa vẫn xối xả, sấm chớp vẫn ì đùng. Cánh đồng mênh mông nước và không một bóng người.
Nhàn sinh con, chẳng ai biết bố đứa bé là ai. Nhưng thằng bé càng lớn càng giống hai đứa con trai của ông. Rồi người ta đồn đoán. Rồi có lần ông lén đến gặp mẹ con Nhàn. Rồi vợ ông đòi sống, đòi chết vì ông đã lừa dối bà mà đi trăng hoa để có con rơi con rớt. Rồi chẳng hiểu sao, năm thằng con riêng của ông mười bảy tuổi, cả hai mẹ con bỏ quê mà đi. Đi đâu ông không biết, nghe đâu vào tận trong miền Nam để sinh sống. Tưởng vậy là hết duyên hết số, ông cứ trách mình không dám nhận con, nó chưa từng được gọi ông một tiếng cha, giờ đây biết nó ở đâu mà tìm.
Bẵng đi hơn chục năm, mẹ con bà Nhàn trở về. Bởi bà Nhàn về già, ốm đau thì muốn về lại quê để nếu có nhắm mắt cũng nằm lại nơi mình sinh ra. Rồi hai năm sau bà mất, Mạnh ở lại quê luôn cho đến tận bây giờ.
Ông Thau trở mình, thở dài. Thoắt cái đã gần chục năm. Những lần ông gặp Mạnh đếm trên đầu ngón tay chưa hết. Bà vợ ông cũng mất mấy năm rồi. Mấy lần ông dò ý các con về chuyện nhận Mạnh, hai đứa con trai ông là Mật và Mừng thì có vẻ xuôi theo ý cha nhưng còn con gái đầu là Mát thì nhất quyết không chịu. Lần nào chị ấy cũng làm ầm lên khiến ông rất buồn. Cũng ngại với các con, vì lỗi lầm của mình gây ra nên mới vậy. Nên giờ, nghe các con cứ nói đến chuyện này là ông lại lẩn tránh. Ông chỉ buồn một nỗi, giờ mình cũng sắp "gần đất xa trời" mà chưa bao giờ được ngồi một bữa cơm đoàn tụ cha con với Mạnh, chưa bao giờ được nghe một lời "cha" từ đứa con rơi ấy. Ông biết nó cũng muốn được qua lại thăm nom ông lắm.
Ông Thau ngồi dậy, bước xuống giường, húng hắng ho. Anh Mật phía ngoài nghe tiếng thì vội đi vào đỡ cha ra ngồi bên chiếc tràng kỷ:
- Thầy không ngủ thêm mà đã dậy rồi.
- Thầy đã dậy rồi thì con thưa với thầy luôn là thế này - Chị Mát vừa bước vào vừa nói - Con không biết thầy nghĩ thế nào, cũng không muốn biết chuyện ngày xưa của thầy với bà Nhàn ra làm sao. Nhưng ngày ấy đã chẳng nói năng gì rồi, giờ đã hơn bốn chục năm lại còn moi ra, nhận cha nhận con gì nữa. Thầy không xấu hổ nhưng con xấu hổ.
Ông Thau chết lặng khi nghe con gái nhấn từng lời một. Ông vịn tay vào mặt bàn, run run. Anh Mật thấy vậy thì vội ngăn chị:
- Kìa chị! Thầy…
Ông cụ xua tay, giọng nói như nghẹn lại:
- Lỗi ở thầy. Thầy có lỗi với mẹ con, với các con, với cả mẹ con bà ấy nữa. Rõ ràng thầy là cha của thằng Mạnh mà chưa từng lo cho nó được ngày nào. Thầy còn để một mình mẹ con bà ấy đối diện với mọi điều tiếng thế gian. Giờ đây, thầy chỉ mong…
- Thôi thì tùy thầy. Nhưng con nói trước, con chỉ có hai đứa em là cậu Mật và cậu Mừng thôi. Con về đây.
Chị Mát vùng vằng lên xe chạy thẳng ra ngõ. Ông Thau nhìn theo thở dài, nước mắt rưng rưng. Anh Mật nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo xương xương của cha, nhẹ giọng:
- Thầy đừng nghĩ ngợi nhiều. Tính chị ấy vậy, để thư thư con nói chuyện với chị ấy sau.
Ông Thau gật đầu. Hai cha con ngồi bên nhau nhìn ra những quả bưởi nặng trĩu cành đang lắc lư trong gió nhẹ. Bưởi năm nay đẹp lắm, căng tròn, nhẵn nhụi, cũng vừa kịp chưng dịp Tết. Ông bất ngờ quay sang con trai, ngập ngừng:
- Gần Tết, anh cắt bưởi cho mấy đứa, đem sang cho thằng Mạnh ít quả giùm thầy.
- Vâng thầy. Con cũng đã tính vậy.
Hai cha con cứ ngồi như vậy nói chuyện Tết nhất, chuyện chừng nào gia đình Mừng - con trai út của ông - về quê ăn Tết, chuyện bánh trái… Ông Thau nghe chừng đã vui vẻ hơn, còn nói giá như Tết này con cháu về được đông đủ thì hạnh phúc biết bao. Anh Mật biết, cha nói vậy, ý chừng nói luôn cả gia đình thằng Mạnh nên ngồi nói chuyện với cha mà bụng tính chuyện đâu đâu.
***
Ngày hai tám Tết, con cháu tập trung đầy nhà, gia đình anh Mừng cũng về cả. Không khí sửa soạn cho việc dọn dẹp nhà cửa, gói bánh cứ rộn ràng. Ông Thau ngồi bên hiên nhà nhìn lũ cháu nô đùa, đôi mắt nheo nheo cười. Chị Mát, anh Mừng thi thoảng lại ngóng ra ngoài ngõ ra chiều sốt ruột. Ngoài ngõ bỗng vọng lên tiếng nói cười, bọn trẻ con chạy ra.
- Khách ở đâu đến nhỉ?
- Người nhà thầy ạ! Không phải khách!
- Con chào thầy!
- Chúng cháu chào ông nội ạ!
Ông Thau dụi mắt, như không tin đó là sự thật. Vợ chồng con cái nhà Mạnh đang đứng trước ông, chào thầy, chào nội. Mà mấy đứa con ông đều rất vui vẻ, cả chị Mát cũng đang nắm tay vợ Mạnh cười tươi. Thế này là thế nào nhỉ. Ông đưa tay quệt đi giọt nước mắt đang chảy rỉ cả vào kẽ miệng, rồi khó nhọc chống gối đứng dậy, dáng liêu xiêu. Anh Mạnh, anh Mừng nhanh chân bước đến đỡ lấy cha. Ông Thau bỗng bật khóc thành tiếng khi nghe các con cùng một lời thốt ra: "Thầy cẩn thận!".
Chuyện Làng Quê
Nguyễn Hữu Đề
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/con-roi-a14018.html