Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         

Kỳ 9.
 

Các cốc đã đầy rượu, Phùng Quý Phúc nâng chén lên nói:

-Xin kính mời Thống đốc quân vụ, chúc sức khỏe ngài, chúc sức khỏe các tướng quân.

Thân Bá Phức và mọi người nâng chén:

-Đa tạ, đa tạ, xin mời tướng quân.

Mọi người vừa cạn tuần rượu thứ hai thì có lính vào báo:

-Bẩm tướng quân, có ngài Lê Đình Thiện, Phái viên của quan Khâm sai tới ạ.

-Cho mời vào.

ch1-anh-le-hoi-bgphon-suong-1657975395.jpg
Di tích đền Phồn Sương vẫn lưu giữ những thành hào tường đất cổ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Nguồn: Internet.

 

Phùng Quý Phúc cũng đứng dậy và nói với Thân Bá Phức:

-Hạ quan xin lỗi.

Rồi tiến ra cửa thì thấy Lê Đình Thiện bước vào. Phùng Quý Phúc chắp tay hành lễ:

-Xin chào quan Phái viên.

-Xin chào tướng quân.

Đáp lễ rồi Lê Đình Thiện vào trước, chủ nhà theo sau. Mọi người đứng dậy:

-Chào quan lớn.

-Xin chào các tướng quân.

Chủ khách an tọa. Phùng Quý Phúc chỉ vào Thân Bá Phức:

-Đây là ngài Thân Bá Phức, người chỉ huy cao nhất của nghĩa quân Yên Thế. Còn đây là ngài Lê Đình Thiện, đặc phái viên của ngài Khâm sai đại thần Bắc Kỳ. Xin mời các quý vị nâng cốc mừng cuộc hội ngộ.

-Đa tạ, đa tạ, xin mời.

-Xin mời, xin mời.

Khi mọi người đã cạn, đặt chén xuống thì Phùng Quý Phúc nói:

-Thưa các ngài, hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây là vì một việc lớn. Ngài Khâm sai đại thần Lê Hoan đang gánh một nhiệm vụ nặng nề là dẹp yên cuộc xung đột giữa Yên Thế với người Pháp. Nhưng ngài Lê Hoan không muốn dùng đại bác đổ máu dân mình nên ngài muốn giảng hòa với Yên Thế, nói rõ hơn là ai muốn quy phục về với triều đình cũng được. Qua cuộc thương thuyết giữa phái viên của ta và đại diện của ngài Thân Bá Phức, ta biết được ngài muốn quy phục triều đình và Chính phủ bảo hộ vì tuổi cũng đã cao, không còn xông pha trên chiến trường được nữa. Vậy hôm nay ngài Thân Bá Phức và ngài Lê Đình Thiện hãy bàn với nhau xem sao.

Lê Đình Thiện hỏi:

-Hôm nay ngài Đề đốc Hoàng Hoa Thám không tới ạ?

Thân Bá Phức đáp:

-Thưa đại nhân, Đề đốc Hoàng Hoa Thám không rõ lý do không tới. Hôm nay ta cũng chỉ thương lượng cho ta và những tùy tướng dưới quyền ta, còn ta không đại diện cho Hoàng Hoa Thám.

Lê Đình Thiện hỏi:

-Ngài về với triều đình có điều kiện gì không?

 Thân Bá Phức đáp:

-Tại hạ không có yêu cầu gì nhiều, chỉ yêu cầu nhà cầm quyền bảo đảm an toàn, cho đất đai nhà ở và cho làm một nhân viên là chức thương tá để có nguồn sinh sống.

Lê Đình Thiện đáp:

-Hai điều kiện của ngài triều đình có thể đáp ứng. Còn phía triều đình yêu cầu ngài thứ nhất phải nộp hết ấn tín thời vua Hàm Nghi phong cho ngài chức vụ, thứ hai phải nộp lại hết vũ khí. Thứ ba đúng trưa 25 tháng 11 ngài và các thuộc tướng phải có mặt ở đồn Nhã Nam để ngài giao vũ khí và triều đình tiếp nhận ngài quy thuận.

Thân Bá Phức nói:

-Để có vật làm tin, tại hạ có mang theo ấn tín, ngài có thể nhận và về trao lại cho ngài Lê Hoan được không?

-Nếu  như ngài tin tưởng ta, ta sẽ nhận và chuyển cho ngài Khâm sai đại thần giúp ngài.

-Đa tạ ngài.

Nói rồi Thân Bá Phức trao tín vật cho Lê Đình Thiện, đó là ấn Thống đốc quân vụ Song Yên mà triều đình Hàm Nghi đã ban khi ông dương ngọn cờ Cần Vương khởi nghĩa ở Yên Thế.

Khi Thân Bá Phức trao di vật cho Lê Đình Thiện, mọi người mới cảm thấy bàng hoàng, trầm lặng và buồn bã. Người anh hùng hảo hán đã chín năm trời tung hoành dưới ngọn cờ Cần Vương Yên Thế bây giờ sức lực đã cạn, chí lớn đã sụp đổ mất rồi. Để phá tan không khí nặng nề, Phùng Quý Phúc nói:

-Kính mời các ngài xuống đại sảnh vui với hạ quan chén rượu nhạt.

Mọi người đều nói:

-Đa tạ, đa tạ.

Và mọi người tiến vào đại sảnh trong không khí trầm lắng lạ thường.

Theo thỏa thuận tại hành dinh của Phùng Quý Phúc, ngày 25 tháng 11 năm 1894, Thân Bá Phức cùng các thuộc hạ gồm Đề đốc Nguyễn Văn Trứ, Lãnh binh Nguyễn Văn Vi, Lãnh binh Nguyễn Văn Công, Đề đốc Thân Văn Luật, Đề đốc Hoàng Đình Thám, Lãnh binh Nguyễn Văn Chiến cùng 100 tay súng ra đồn Nhã Nam quy thuận triều đình, quy thuận chế độ bảo hộ của Pháp, chấm dứt chín năm chiến đấu của quân thứ Song Yên dưới ngọn cờ Cần Vương Yên Thế.

 IV                                            

                                          

Mùa xuân năm 1895, khắp vùng Yên Thế nắng chan hòa tuy tiết trời vẫn còn se lạnh. Cây cối đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc tiễn đi một mùa đông lạnh giá. Cây lá xanh bát ngát phủ lên thôn làng, phủ lên những núi đồi tươi tốt. Mây đi lang thang trên trời, những đàn chim bay về tổ đón nắng ấm mùa xuân.

Trong hành dinh của Lê Hoan, hôm nay có một người vừa là hàng binh, vừa là khách. Đó là Thân Bá Phức. Từ khi ra đầu thú, hôm nay Lê Hoan mới chính thức gặp Thân Bá Phức. Hai cốc rượu vang đã được lính rót ra. Lê Hoan nâng cốc nói:

-Nghe đại danh của Thống đốc quân vụ đã lâu, nay mới được gặp. Nào xin mời ngài nâng cốc mừng cuộc hội ngộ.

Thân Bá Phức nâng cốc và nói:

-Tại hạ nay không còn là Thống đốc quân vụ nữa, từ nay là một bại tướng đã rửa tay gác kiếm. Xin ngài Khâm sai cứ gọi tại hạ là Thân Bá Phức là được. Nào, xin đa tạ ngài.

Sau khi hai người cạn và đặt cốc, Lê Hoan có vẻ sốt ruột:

-Hôm nay là ngày Đề Thám hứa đem thuộc hạ ra hàng, không biết ông ta có đến không? Đã quá giờ rồi.

Thân Bá Phức nói:

-Hôm trước tuân lệnh ngài Khâm sai, tại hạ đã đến Hữu Nhuế gặp Đề Thám.

Lê Hoan hỏi:

-Đề Thám nói sao?

-Đề Thám có đặt điều kiện ra hàng với ngài và với người Pháp.

-Những điều kiện gì?

-Điều kiện thứ nhất là không được buộc ông ta phải nộp vũ khí, điều kiện thứ hai là người Pháp phải rút quân khỏi các đồn ở Yên Thế, giao Yên Thế cho Đề Thám cai quản. Cho nên hôm nay ngài ấy sẽ không đến đâu. Vả lại theo tại hạ được biết thì Đề Thám đang ra sức củng cố, xây dựng lại các làng chiến đấu, các pháo đài Hố Chuối, đồn Hom, Phồn Xương, Hữu Nhuế đã bị Đại tá Fơ rây tàn phá trong các trận tấn công năm 1891-1892.

Lê Hoan gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đem rượu ra đây, không thấy các cốc đã cạn rồi hả?

-Dạ.

Có rượu Lê Hoan nói:

-Xin mời ngài Thân Bá Phức, hôm nay không say không về.

-Đa tạ ngài Khâm sai.

Lê Hoan vừa uống vừa im lặng suy nghĩ, hết cốc này đến cốc khác, sau cùng nói với Thân Bá Phức:

-Những điều kiện ngài Đề Thám đưa ra ngài ta biết là người Pháp không chấp nhận được. Hiện nay Đề Thám thành nhân vật chủ chốt của Yên Thế, chỉ có hạ sát được ngài ta thì mới dẹp được Yên Thế. Ngài Thân Bá Phức này.

-Xin ngài Khâm sai chỉ giáo.

Lê Hoan đứng dậy vươn người về phía Thân Bá Phức, ghé sát vào tai nói nhỏ một hồi, cuối cùng mới nói to:

-Cứ thế, cứ thế…

Thân Bá Phức gật đầu. Sau đó Lê Hoan ngồi lại ghế và cầm cốc:

-Chúc ngài thành công.

Thân Bá Phức nói:

-Cách này hơi bần tiện nhưng cũng không có cách gì khác.

Lê Hoan nói:

-Chúng ta chẳng ai muốn nhưng đành vậy thôi.

Hai người lại uống, vừa uống vừa đăm chiêu suy nghĩ.

Thân Bá Phức nói:

-Ngài Khâm sai yên tâm, tại hạ sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch của ngài. Vốn từ lâu là tình nghĩa phụ-nghĩa tử sâu đậm với Đề Thám, tại hạ sẽ sử dụng tình thân này để hoàn thành nhiệm vụ.

Lê Hoan mừng rỡ:

-Đa tạ đại nhân. Ta chờ đợi tin vui từ ngài.

Vài hôm sau, một biểu chiều có vẻ thanh bình của Yên Thế. Quân Pháp chưa càn quét vì còn chờ Đề Thám ra đầu hàng. Tại phòng khách của đồn Hữu Nhuế, Đề Thám vừa ngồi uống rượu  vừa xem diễn tuồng. Đề Thám ngồi trên ghế tràng kỷ nhìn về sân khấu trước mặt. Trước ghế đặt một chiếc bàn, trên bàn đặt bộ ấm trà, chai rượu và cốc chén bằng sứ trắng. Phía trước cách 20m là sân khấu nhỏ, kèn nhạc réo rắt xen lẫn tiếng trống chầu tùng tùng gõ nhịp theo tiếng hát. Hai diễn viên, một nam một nữ mặc áo quần lộng lẫy màu lụa vàng đang diễn tích Điêu Thuyền - Lã Bố. Chung quanh Đề Thám có nhiều vệ sĩ mang súng bảo vệ. Lối cửa ra vào cũng có hai nghĩa quân cầm súng đứng gác. Chợt có lính vào báo:

-Dạ bẩm tướng quân, có ngài Thân Bá Phức đến thăm đang chờ ngoài cửa.

-Mời vào.

(Còn nữa)

CVL

                                                                                   

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-9-a14055.html