Ốm vặt vãnh thì có nhưng từ ngày ấy đến nay mình chưa bao giờ phải nằm viện. Có lần cấp cứu ở Bệnh viện Việt – Xô vì tai nạn giao thông gãy xương quai xanh, hoặc vào khoa Nội ở bệnh viện Xanh Pôn thăm khám chiếu chụp kiểm tra các loại vì đã từng ho bật ra máu phải nằm nội trú, mình đều trốn về nhà khi đêm xuống để nghỉ ngơi. Sáng sau mới trở lại bệnh viện làm bệnh nhân nội trú.
Đợt này vào nằm nội trú Bệnh viện Ung bướu Hà Nội dài ngày, mình mới có dịp làm hàng loạt các xét nghiệm, chiếu chụp, nội soi, thăm khám để kiểm tra cơ thể. Đã kịp gắn thiết bị truyền thức ăn, dinh dưỡng vào thẳng dạ dày qua thủ thuật mổ nội soi. Đã truyền vào cơ thể một khối lượng khổng lồ những dung dịch, hóa chất để điều trị bệnh.
Những ngày nằm đếm từng giọt truyền tí tách, chậm rãi vào cơ thể, mình mới thấy rằng quỹ thời gian để hoàn thành những dự định trong cuộc đời của mình, có khi không còn nhiều cũng nên. Vì vậy, khi xong đợt truyền hóa chất đầu tiên, được về nhà làm bệnh nhân ngoại trú, đến tối mới vào xạ trị, mình tranh thủ liên hệ, gặp gỡ những người liên quan tới việc xuất bản những cuốn sách tâm đắc của mình.
Ngoại trừ cuốn sách Hàng Bột phố - Những gánh mưu sinh thời bao cấp do Công ty CP văn hóa CHI (CHIBOOKS) xuất bản trong Sài Gòn, tại Hà Nội mình làm việc với Công ty Sách và truyền thông Việt Nam của Giám đốc Đỗ Kim Cơ.
Cuốn Kim Sơn – Điệp viên lãng tử đã có giấy phép của Nhà xuất bản. Quá trình dàn trang, chỉnh sửa và bổ sung ảnh hóa ra cũng lắm việc. Ưng ý nhất của giai đoạn này là nhờ anh Tất Bình, NSƯT, diễn viên gạo cội của Đoàn kịch Công an Hà Nội và nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam viết lời giới thiệu cho cuốn sách. Trước đó mình và cả con trai cụ Kim Sơn đã có Lời giới thiệu của một vài người, nhưng khi đọc Lời giới thiệu do anh Tất Bình viết ra, cả mình và Giám đốc nhà sách Đỗ Kim Cơ đều ưng ý. Lời văn súc tích, khái quát được về cụ Kim Sơn, nhất là giai đoạn cụ đạo diễn vở kịch Bản danh sách điệp viên do đội kịch CAHN trình diễn. Đây là vở kịch đoạt nhiều giải thưởng nhất và là tác phẩm hay nhất nói về cuộc đấu tranh Bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vở kịch, đến nay “vẫn sáng đèn sân khấu” khi có nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng lại.
Thừa thắng, Giám đốc Đỗ Kim Cơ yêu cầu xuất bản tiếp cuốn Tản mạn bóng đá Hà thành. Đọc bản thảo, Giám đốc Đỗ Kim Cơ tiếc khi cuốn sách này không kịp in trước SEA Games 31 tại Việt Nam. Đành tự an ủi nhau với đề tài muôn thủa là bóng đá, việc xuất bản không bao giờ là muộn.
Đưa bản thảo qua nhà ông Sỹ Hưng - Ông con trai cụ Đồng Sỹ Nguyên, ông cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VietnamAirline, ông cựu cầu thủ đội Thanh niên Hà Nội. Ông Sỹ Hưng cười và nói ông đã kịp đọc những chuyện trong cuốn này mấy lần rồi. Văn phong lạ, hấp dẫn, tư liệu nhiều và khác hẳn 2 cuốn về bóng đá Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phát hành trước đó. Các cuốn của VFF theo dòng chính thống, buộc phải in kèm các văn bản nghị quyết của Liên đoàn khiến người đọc phát mệt. Cùng với gặp ông Sỹ Hưng là gặp họa sỹ Lê Trí Dũng. Ông lão chăn ngựa – Biệt danh giới họa sỹ gọi về người vẽ tranh ngựa có hồn nhất Việt Nam. Ông “Lính tàu bò” mê bóng đá này “đòi” để ông vẽ bìa và 3 tranh minh họa cho 3 phần của cuốn Tản mạn bóng đá Hà thành.
Ông Sỹ Hưng nhận lời sẽ thay mình giao dịch với Giám đốc Đỗ Kim Cơ mình để xuất bản sách nếu mình khi đấy bận trong bệnh viện. Ông Sỹ Hưng còngợi ý cuốn sách cần Lời giới thiệu của những danh thủ bóng đá Việt Nam.
OK Con gà đen. Vậy là đến gặp danh thủ Cao Cường nhờ viết Lời giới thiệu với tư cách cầu thủ. Anh em biết nhau từ thủa hàn vi, khi mới chập chững theo bóng đá nên Cao Cường đồng ý. Tuy vậy, ông này là người của công chúng nên suốt ngày bận rộn việc hiếu hỷ tiệc tùng, việc đến dự những buổi thi đấu, sinh hoạt của các đội bóng cựu cầu thủ và phong trào ở Hà Nội. Tóm được Vũ Cao Dũng, doanh nhân, fan ruột của anh em nhà Ba Đẻn – Cao Cường và “khoán” cho nó săn và giữ chân Cao Cường để mình đến gặp. Chỉ hôm trước hôm sau, mình đã đến căn phòng nhỏ Cao Cường dành làm nơi thù tiếp bạn bè ở phố Phan Huy Ích, ngay sát ngôi nhà của cụ thân sinh Nguyễn Văn Thìn - Gia tộc bóng đá danh giá nhất Hà thành. Anh em hàn huyên than nghèo kể khổ thời đá bóng trên sân Long Biên, ra máy nước công cộng uống “si rô chổng mông” hoặc xúm vào đẩy dùm những xe thồ leo dốc cầu Long Biên để lấy mấy đồng xu còm đi uống si rô thứ thiệt ở phố Hàng Khoai.Cao Cường thừa nhận cái hồi xưa ấy, được đi đá bóng là sướng, nào biết khổ là gì.
Việc nhờ một huấn luyện viên viết Lời giới thiệu cuốn Tản mạn bóng đá Hà thành thì nhẹ nhàng hơn. Ông Mai Đức Chung mình thường xuyên gặp gỡ. Ông Chung là HLV nổi tiếng nhưng ông còn là Chủ tịch Hội cựu cầu thủ Hà Nội, tâm huyết với bóng đá Thủ đô nên khi đặt yêu cầu ông Chung đồng ý ngay. Trên trang giấy in tiêu đề của đội bóng, có in khung vẽ sơ đồ chiến thuật, ông Mai Đức Chung viết về bóng đá Thủ đô và sự cần thiết phải có những cuốn sách ghi lại những dấu ấn của bóng đá Hà Nội và Việt Nam từ những ngày đầu phát triển. Kèm với nó là những lời động viên tác giả.
Cuốn sách về bóng đá cần có Lời giới thiệu của nhà quản lý bóng đá.
Không ngờ việc đến gặp ông Trần Duy Ly, nguyên Quyền Chủ tịch VFF, “cây đa cây đề” của bóng đá Việt Nam lại trở thành những cuộc hội thảo bóng đá đầy chất lượng, giữa tác giả, ông Trần Duy Ly và nhiều “Cây đa cây đề” của bóng đá Việt Nam. Người gặp trực tiếp, người online vì đang dịch Covid-19. Tất cả, ai cũng hoan nghênh và góp ý để bản thảo hoàn thiện hơn.
Ông Trần Duy Ly tâm sự:
“Khi tớ cầm tập bản thảo dày cộp, thú thực là rất ngại nhưng tự hứa sẽ vì bóng đá Việt Nam nên sẽ cố. Không ngờ khi đọc, cuốn hút quá nên tớ đọc một hơi. Cả thưởng thức, cả thẩm định các chi tiết lịch sử, tớ làm một lèo trong 2 ngày. Sách dày như thế, thường tớ phải cả tháng, có khi hàng tháng mới đọc xong”.
Viết xong Lời giới thiệu, ông Trần Duy Ly còn bàn chi tiết với tác giả về việc báo cáo để VFF chỉ đạo các bộ phận liên quan hợp tác trong lĩnh vực phát hành. Việc này mình đã yêu cầu Giám đốc Đỗ Kim Cơ chuẩn bị những bản in thử để giao VFF. Hợp đồng của mình với Nhà xuất bản, tác giả hưởng nhuận bút và việc phát hành do Nhà xuất bản toàn quyền quyết định những tận 5 năm, nhưng trách nhiệm với tác phẩm tâm huyết của mình thì mình cũng phải xắn tay vào.
Được bận rộn với những tác phẩm của mình, đó cũng là hạnh phúc, nhất là trong những ngày sức khỏe bản thân lại có vấn đề.
Suốt mấy ngày mải mê tối đi xạ trị, ngày gặp gỡ mọi người nên không để ý việc đại tiểu tiện bắt đầu trục trặc.
Bắt đầu là việc không có nhu cầu đi đại tiện, sau tăng dần lên, có cảm giác muốn đi nhưng không đi được. Việc tiểu tiện cũng thưa thớt dần.
Xuất hiện những cơn nấc. Ngày đầu thưa thớt sau tăng dần. Ngay đầu giường mình để sẵn chiếc gáo nhựa, chực chờ nôn là với tay đến chiếc gáo. Nôn khan, không ra nước nhưng nước bọt trào theo. Nấc làm mình kiệt sức. Có lúc chân tay bải hoải và như đang thở hắt ra, nghĩ đợt nấc tới nếu đờm chèn lên khe hẹp còn lại ở thực quản, dễ ngộp thở mà “thăng”.
Bụng dưới xuất hiện cảm giác căng vì bí đại tiện. Xuất hiện bí tiểu nhưng mình nghĩ đó là ảnh hưởng của việc bí đại tiện. Mình cho rằng chất thải lèn bụng dưới khiến bàng quang bị chèn, không có lối cho nước tiểu đi qua.
Cha sinh mẹ đẻ dù đã 2 thứ tóc nhưng trời cho mình sức khỏe bình thường, hình như chưa bao giờ bị bí đại tiểu tiện nên bây giờ không biết cách xử lý ra sao.
Cứ nấn ná chịu đựng 1 rồi 2 ngày, rồi 3 ngày.
Cái đêm Hà Nội mưa to, mình vào mạng tìm thấy một trung tâm xử lý việc thụt tháo khi táo bón.
Điện thoại, được hướng dẫn vào app để đăng ký. Bụng tức anh ách mà vẫn phải làm theo yêu cầu và đợi app trả lời, dù có đường dây điện thoại nóng gọi nhát ăn ngay.
Chờ mãi rồi trung tâm cũng trả lời, hẹn sau nửa tiếng sẽ qua.
Người đến là một phụ nữ ở quê, quen việc chăm sóc bệnh nhân nên được trung tâm tuyển dụng. Đồ nghề để tháo thụt, găng tay, ni lông lót giường đã sẵn sàng. Bây giờ thụt tháo không cần bơm nước từ bình vào bụng để làm mềm phân và lợi dụng sức nước đẩy phân ra như ngày xưa. Có bình bơm dung dịch nhỏ xíu loại CE 0477. Sau khi bơm sẽ làm mềm phân, tạo hoạt động của nhu động ruột, co bóp và đẩy phân ra ngoài. Nghe giới thiệu, ngỡ bình này là thuốc tiên và chỉ sau mươi phút nỗi khổ bí đầu ra sẽ được giải quyết chóng vánh. Mình nằm ngửa, tô hô để thăm khám.
Nhìn thấy bụng dưới căng tròn, ấn vào rắn đanh, chị nhân viên này cho biết việc cần kíp của mình là thông tiểu để giải phóng cho cái bàng quang đang phình to hết cỡ.
Do chỉ chuẩn bị việc tháo thụt nên chị nhân viên kê cho gia đình ra hiệu thuốc mua dụng cụ y tế và thuốc hỗ trợ về thông tiểu. Loại dụng cụ này gồm kem bôi trơn, ống thông có số hiệu kèm theo, găng tay, bình đựng nước tiểu có van một chiều… Những thứ này ông con trai phải xuống phố Phương Mai mới có.Đã gần 9 giờ đêm, sợ các cửa hàng đóng cửa nên ông con phải phóng thật nhanh, vượt qua đèn đỏ cho kịp giờ. Điện thoại kết nối với ở nhà, mua được loại nào báo về ngay lúc ấy để gia đình yên tâm. Vậy mà qua hướng dẫn tỉ mỉ, ông con trai vẫn mua nhầm loại kem bôi trơn không đúng chủng loại.
Bụng tức anh ách như muốn vỡ tung. Nỗi bí tiểu khiến mặt đỏ bừng rồi tím ngắt, mình chấp nhận loại kem bôi trơn nào cũng được, miễn là ngay lập tức thông tiểu cho mình. Lúc ấy có ai hỏi hay là mổ bàng quang mình cũng phải gật đầu. Lần đầu trong đời bị bí đại tiểu tiện, mình không kinh nghiệm nên chưa biết hết tác hại của nó. Nay mới bị thì bị trầm trọng ngay.
Chị nhân viên loay hoay luồn ống tiểu. Xoay xoay, luồn luồn, ấn ấn xuống rất sâu vẫn không thấy nước tiểu ra. Đau buốt đường tiết niệu do bị nong mà mình vẫn phải nhẫn nại trả lời là chưa bao giờ bị khối u nào chèn vào đường tiết niệu.
Ngoài trời đang mưa. Sấm nổi lên và ánh chớp lóe qua cửa kính.
Mình quyết định tháo ngay ống thông tiểu và đến cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn.
Nhà chỉ cách Xanh Pôn theo đường “Chim đi bộ” khoảng ba trăm mét nhưng vẫn phải đi ô tô vì quá đau, không thể đi bình thường. Chỉ mấy phút, xe ô tô đã lùi sát cửa khoa cấp cứu của Bệnh viện Xanh Pôn. Bác sỹ trực cấp cứu thấy bộ dạng của mình, quan sát bụng dưới đang phình to, quyết định cho thông tiểu ngay lập tức.
Tự tay bác sỹ làm thủ thuật và tranh thủ hướng dẫn cho hai y tá đang phụ việc các bước tiến hành. Dù đang đau tức phần bụng dưới, mình nghe bác sỹ này nói cũng vỡ vạc ra ít nhiều.
Bác sỹ luồn ống thông tiểu cũng đau, nhưng không đau bằng khi làm ở nhà vì có loại kem bôi trơn đúng chủng loại. Trước khi thủ thuật, bác sỹ vệ sinh tỷ mỉ và lót một tấm ni lông chuyên dụng, chỉ hở mỗi cái “dương cụ” đang nhũn như con chi chi để thao tác.
Ông con trai mình sau kể lại, khi dò ống thông tiểu tới bàng quan, bác sỹ mở van gắn liền với ống thông tiểu để bơm. Bơm dung dịch gì không rõ nhưng sau khi rút xi lanh, nước tiểu bắt đầu chảy, đầy bô vịt này sang đến bô vịt khác. Hóa ra madam của trung tâm dịch vụ tháo thụt không có thao tác khơi thông dòng tiểu này. Nỗi thống khổ suốt mấy ngày qua tan biến. Nhìn gia đình, nhìn bác sỹ đã rõ ràng hơn, đáng yêu hơn chứ không như trước, thấy ai cũng nhòe nhòe và chậm chạp.
Cấp cứu xong bác sỹ cho đi siêu âm ổ bụng, bàng quang và dặn về nghỉ ngơi tại gia đình để mai khám lại ở khoa Tiết niệu. Ở đấy các bác sỹ chuyên khoa sẽ quyết định rút thông tiểu hay không và hướng điều trị tiếp theo.
Theo lịch, sáng hôm sau mình phải có mặt tại khoa Xạ trị để khám định kỳ giữa các lần xạ trị.
Theo khám đúng chuyên khoa Tiết niệu ở Xanh Pôn hay về khám định kỳ tại khoa Xạ trị ? Cuối cùng mình quyết định đến sớm khám định kỳ và sau đó sẽ về Bệnh viện Xanh Pôn khám tiết niệu.
Bác sỹ điều trị của mình tại khoa xạ trị là bác sỹ Nam. Là đàn ông nhưng bác sỹ trẻ này lại có phong cách dịu dàng và tinh tế khi tiếp xúc người bệnh, khác hẳn bác sỹ nữ điều trị cho mình ở khoa Nội 2.
Thăm khám cho mình, nhìn ống thông tiểu vẫn gắn trên cơ thể, bác sỹ Nam nhẫn nại nói : “Lần sau xảy ra việc bác đến thẳng bệnh viện mình đang điều trị. Nguyên tắc cấp cứu, bác đến bệnh viện gần nhất là đúng. Cấp cứu xong, bác về ngay Bệnh viện Ung bướu. Ở đây có trách nhiệm và có chức năng chữa trị những căn bệnh mới phát sinh của bệnh nhân. Bác là bệnh nhân bệnh viện đang điều trị. Bác đừng ngại”.
Được an ủi, mình như trút được gánh nặng vì trước đó do nóng vội đã gọi dịch vụ y tế ở ngoài trợ giúp.
Ngay sau đó mình được chuyển về nằm nội trú tại khoa Xạ trị, ngay tầng 1 nhà C. Bác sỹ Nam chỉ định rút ống thông tiểu và kê đơn điều trị cho mình.
Tiểu tiện đã thông nhưng đường tiết niệu bị thương tổn sau hai lần chọc. Lại tiếp tục tiêm kháng sinh cùng các dịch truyền trợ sinh.
Tiếp tục xử lý tình trạng táo bón. Xịt dung dịch làm mềm phân và tăng nhu động ruột, nhưng mình đang mệt đứt hơi nên không có sức để rặn ra.
Ngày mỗi ngày, mình kiên nhẫn ép hơi, Mama Tổng quản bơm sữa cùng viên tạo xơ, thuốc nhuận tràng vào dạ dày. Mỗi ngày, kiên trì cũng ra được một chút. Lúc đấy mình cho rằng trong bụng chỉ có sữa và chút cháo dinh dưỡng nên làm gì có phân.
Vậy mà đến ngày thứ 4, mình đã tống khứ được “đống của nợ” to vật lưu cữu trong bụng mình gần chục ngày qua.
Việc đi tiểu cũng dần khả quan. Từ chỗ đi tiểu rát buốt và mỗi lần chỉ một tí ti, dần dần mọi cái đã trở lại bình thường.
Riêng bệnh nấc, bác sỹ Nam cho tiêm một mũi vào bắp. Chưa hết đau do tiêm bắp, mình đã giảm nấc ngay. Nay vẫn đôi lúc bị nấc, nhưng chỉ bất tiện khi giao tiếp chứ không mệt bã người như trước.
Không biết những phản ứng sau truyền hóa chất hoặc xạ trị như mình đã bị, có trong phác đồ điều trị hay không, hay bác sỹ Nam ngoài chuyên khoa xạ trị, tinh thông cả đa khoa, nhưng với việc xử lý ổn thỏa những ‘trục trặc” mình gặp phải, mình yên tâm về việc điều trị bệnh ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Ơn giời. “Máy bay địch đã đi xa. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường”.
(Còn nũa)
Hồ Công Thiết