Một địa danh lịch sử chớ nên quên !

Chưa rõ năm sinh năm mất của Vũ Mộng Nguyên. Chỉ biết ông quê làng Đông Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hiệu là Vi Khê, rồi Lạn Kha. Vũ Mộng Nguyên thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm Canh Thìn đời nhà Hồ, cùng khoa với Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, làm quan tới chức TẾ TỬU QUỐC TỬ GIÁM đời Hậu Lê.

Ông là một danh nhân kiệt xuất, được người đương thời hết lòng ca ngợi. Bài thơ CHU TRUNG VỌNG BÔ CÔ HÃN HỮU CẢM (Cảm hứng khi đi thuyền trông ra bến Bô Cô) là một trong những bài thơ vào loại đặc sắc của Vũ Mộng Nguyên.

chvubinhluc-1658197818.jpg
Chú thích ảnh

 

Phiên âm:

CHU TRUNG VỌNG BÔ CÔ HÃN HỮU CẢM

Vân thâm thâm xứ thủy mang mang,

Hàn mộc sâm si thất bát hàng.

Lưu Tuấn thì trầm yên thảm đạm,

Mộc Thành quân bại nhật hồn hoàng.

Công danh thực dữ Trùng Hưng thịnh,

Sự nghiệp nhưng đồng Xích Bích cường.

Vận khứ nan hồi Tây Hán nhật,

Bô Cô di tích thượng hoang lương.

Dịch nghĩa:

CẢM HỨNG KHI ĐI THUYỀN

TRÔNG RA BẾN BÔ CÔ

Nơi sâu hút trong mây thẳm nước mênh mang,

Những cọc gỗ nhấp nhô chừng bảy tám hàng.

Lưu Tuấn vùi thây trong đám khói ảm đạm,

Mộc Thạnh (Thành) bại trận, trong bóng ngả hoàng hôn.

Công danh nào rực rỡ bằng buổi Trùng Hưng,

Sự nghiệp vẫn ngang với trận Xích Bích.

Vận hết rồi khó vãn hồi được thời Tây Hán,

Nhưng vết tích trận Bô Cô vẫn còn lờ mờ phảng phất ở nơi đây.

Dịch thơ

Ánh mây mờ mịt nước mênh mang,

Cọc gỗ dăng dăng bảy tám hàng.

Lưu Tuấn vùi thây khói ảm đạm,

Mộc Thành bại trận bóng hôn hoàng.

Công danh nào sánh Trùng Hưng được,

Sự nghiệp so cùng Xích Bích ngang.

Vận hết khôn quay về Thịnh Hán,

Bô Cô tăm tích vẫn còn vang.

(BÙI VĂN NGUYÊN dịch)

Trong mây thẳm, nước mênh mang,

Dăng dăng cọc gỗ mấy hàng nhấp nhô.

Thượng Thư Lưu Tuấn không mồ,

Quốc Công Mộc Thạnh thân cô chạy dài.

Trùng Hưng rực rỡ kém ai,

Chẳng thua Xích Bích, ngang tài công danh.

Vận đi, sự nghiệp không thành,

Bô Cô chiến tích sử xanh vẫn còn.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Bô Cô, hay Bồ Cô chính là một địa danh lịch sử nổi tiếng. Nơi đây, ở đời Hậu Trần, đã diễn ra một trận quyết chiến chiến lược giữa giặc Minh xâm lược với quân dân nước Đại Việt. Giặc Minh, do Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh và Thượng Thư Binh bộ Lưu Tuấn cầm đầu. Bên ta, dưới sự lãnh đạo của vua Giản Định Đế (Trần Ngỗi), cùng Quốc Công Đặng Tất chỉ huy quân chủ lực, từ Tràng An (Ninh Bình) tiến ra.

Một trận đánh sinh tử diễn ra ở bến Bô Cô, ở đoạn cuối sông Đáy, vào ngày 30-12-1408 (tức ngày 14-12 năm Mậu Tý). Bến Bô Cô, thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Vọng Doanh, nay thuộc xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Kết quả, giặc Minh tan tác, bị tiêu diệt khoảng 5,6 vạn tên (sách ĐVSKTT ghép là hơn chục vạn). Lưu Tuấn bị chém đầu tại trận (sử Tàu viết là Thượng Thư Lưu Tuấn tự sát). Chủ tướng Mộc Thạnh thua chạy, dẫn một ít tàn quân chạy trốn vào cố thủ trong thành Cổ Lộng. Trần Ngỗi (Giản Định Đế), nhân đà thắng lợi, chủ trương đem quân tiến gấp ra giải phóng thành Thăng Long, trước khi giặc Minh có thể đem quân sang cứu viện. Nhưng Đặng Tất (bố vợ Trần Ngỗi) không nghe. Ông chủ trương dừng lại để củng cố phía sau, tấn công quân Minh ở các đồn lẻ. Điều này dẫn đến sự bất hòa trong giới lãnh đạo, khiến Trần Ngỗi rất bực mình. Sai lầm của Đặng Tất đã dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Giặc Minh có thời gian củng cố lực lượng, chờ viện binh đến giữ chặt Thăng Long. Thời cơ chiến lược đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đã không còn nữa. Có người tố cáo Đặng Tất lộng quyền, “ngầm có ý khác”. Trần Ngỗi tức giận giết chết Đặng Tất. Nhà Hậu Trần dần tan rã từ đấy, cuối cùng thất bại như chúng ta đã thấy…

Danh sĩ Vũ Mộng Nguyên đời Hậu Lê có lần đi thuyền qua khúc sông lịch sử này, thi nhân xúc động cảm khái làm thơ. Bài thơ chữ Hán, thể thất ngôn bát cú luật Đường CHU TRUNG VỌNG BÔ CÔ HÃN HỮU CẢM ra đời trong hoàn cảnh đó!

Hai câu đầu, tả khái quát quang cảnh khu chiến địa năm xưa. Đấy là “nơi sâu hút trong mây thẳm, nước mênh mang”, còn thấy “những cọc gỗ nhấp nhô chừng bảy tám hàng”…Đấy là dấu tích còn lại của một cuộc chiến đẫm máu, trong hoang lương, ảm đạm mênh mông.

Hai câu 3&4, tả thực, về hình ảnh hai tên tướng giặc cầm đầu, thua trận, thất bại nhục nhã. Thượng Thư bộ Binh Lưu Tuấn thì “vùi thây trong đám khói mây ảm đạm”. Còn như Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh thì bại trận, thừa sống thiếu chết, vội vã ôm đầu máu trốn chạy vào thành Cổ Lộng gần đó, trong “bóng ngả chiều hôm”. Chỉ bằng 2 câu thơ, tác giả đã tái hiện được hình ảnh và chân tướng thảm bại của những tên xâm lược Trung Quốc vốn rất ngạo mạn xưa nay...

Nhà thơ bình luận:

Công danh nào rực rỡ bằng buổi Trùng Hưng,

Sự nghiệp vẫn ngang với trận Xích Bích.

Đó là một sự khẳng định, rằng các bậc tiền bối ở thời kỳ TRÙNG HƯNG của nhà Trần, “Nhị Thánh (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) bắt Ô Mã” (BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ - Trương Hán Siêu), tiêu diệt mấy chục vạn quân xâm lược Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng lịch sử, vào năm 1288. Chiến công lẫy lừng ấy, sự nghiệp Trùng Hưng vĩ đại ấy, theo tác giả là có thể sánh ngang với trận Xích Bích ở đời Tam Quốc (220-280) bên Tàu. Liên quân Thục-Ngô đã tiêu diệt tám chục vạn quân của Tào Tháo ở đoạn sông Xích Bích. Đó là sự thật lịch sử, cũng là niềm tự hào của người Đại Việt muôn đời sau.

Với trận Bô Cô chiến thắng giặc Minh xâm lược, cơ hội vừa mới mở ra, có thể tiến tới đánh đuổi hết giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, đã nhanh chóng tuột khỏi tay người Việt chúng ta. Chủ trương dừng lại để củng cố, chỉ tiến công tiêu diệt các đồn nhỏ của Đặng Tất, là một sai lầm chiến lược, dẫn đến thất bại không tránh khỏi của nhà Hậu Trần. Thế nên, tác giả mới bình luận tiếp ở hai câu thơ cuối bài:

Vận hết rồi, khó vãn hồi được thời Tây Hán,

Nhưng vết tích trận Bô Cô vẫn còn lờ mờ…

Tây Hán là cái thời nào vậy? Đó chính là thời kỳ thịnh trị mạnh mẽ của nhà Hán bên Tàu. Trước đó, ở thời kỳ “Hán-Sở tranh hùng”, Lưu Bang (Hán Cao Tổ), nhờ tài năng kiệt xuất của Hàn Tín, Trương Lương…đã đánh bại Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ, lập ra nhà Hán (206 T.cn-220), kinh đô là Tràng An. Sau khi dẹp được Vương Mãng tiếm ngôi, một tôn thất nhà Hán là Lưu Tú lên ngôi vua (Hán Quang Vũ). Và cũng từ đây nhà Hán phân làm 2 thời kỳ. Tây Hán (206 T.Cn - 9 Sau C.n) kinh đô là Tràng An. Đông Hán (23-220), đóng đô ở Lạc Dương. Sau nhà Hán thì đến thời kỳ TAM QUỐC (Ngụy-Thục-Ngô) đấy!

Ở đây, tác giả mượn sự tích bên Tàu, ở thời kỳ nhà Hán. Thời kỳ Tây Hán mạnh mẽ, hưng thịnh. Đến thời kỳ Đông Hán, nhà Hán dần suy tàn. Thời vận đã hết rồi, nhà Hán rồi cũng đã diệt vong. Cũng ví như nhà Trần, thời Trùng Hưng thì thịnh vượng, vô cùng mạnh mẽ, oanh liệt vẻ vang. Đến đời Hậu Trần, vận hội mất rồi, thì cũng không thể làm sao cứu vãn được nữa. Vận hội một triều đại, một người anh hùng cụ thể nào đó, đã bỏ ta đi, thì biết làm thế nào? Lịch sử bi tráng cũng đã lầm lũi trôi qua, nhưng chiến thắng Bô Cô vẫn còn kia hình bóng oanh liệt năm xưa, với những cọc gỗ nhấp nhô trong mây khói mịt mờ, cũng gợi lên bao nỗi ngậm ngùi khôn tả của kẻ hậu sinh vậy!

Thơ lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử, tình ý chân thành và sâu sắc.

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-dia-danh-lich-su-cho-nen-quen-a14129.html