Lễ chú nguyện rót đồng tôn tượng Đức phật di lặc
Tham dự có Hòa thượng Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Phó Trưởng ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN; Trưởng ban trị sự GHPG tỉnh Nam Định. Thượng toạ Thích Tâm Thuần – Phó Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm - Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc và lãnh đạo Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa: PGS.TS Nguyễn Công Khanh – Viện trưởng; TS Bùi Hữu Dược - Phó Viện trưởng thường trực; Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Viện trưởng cùng chư tôn đức trong ban thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, huyện Vụ Bản và trụ trì các chùa lân cận.
Đại diện chính quyền có đồng chí Trần Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định và đại biểu đại diện lãnh đạo Huyện uỷ, UBND, UBMTTQ huyện Vụ Bản, xã Liên Minh và nhà tài trợ - ông Trần Quang Đại, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong.
Sư thầy chú nguyện quanh tôn tượngđể chuẩn bị rót đồng
Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Đây là nơi công chúa Huyền Trân con gái vua Trần Nhân Tông về lập am thờ phật. Theo sử sách, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm là Chế Mân. Năm 1306, Huyền Trân lên kiệu hoa về Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân để giữ mối hòa hiếu giữa hai nước. Đáp lại tấm thịnh tình của vua Trần Nhân Tông, vua nước chiêm Thành đã dâng hiến hai Châu Ô và Châu Lý cho nước Đại Việt. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ngắn ngủi kéo dài có hơn 1 năm do vua Chế Mân đột ngột mất vì bạo bệnh. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa.
Nghe tin đó, vua Trần Anh Tông là anh trai của công chúa Huyền Trân đã cử một đoàn sứ giả sang nước Chiêm Thành đón bà về. Trải qua 10 tháng lênh đênh trên biển, tháng 8 năm 1308, công chúa Huyền Trân cùng với đoàn sứ giả mới về đến kinh thành Thăng Long. Đầu năm 1309, công chúa Huyền Trân đã xin thượng hoàng là cha Trần Nhân Tông – lúc đó đang tu ở Yên Tử cho bà xuống tóc xuất gia tu hành. Đến năm 1311, công chúa Huyền Trân về chân núi Hổ lập am thờ Phật cho đến khi qua đời vào ngày 9/4 năm Canh Thìn 1340. Thời điểm đó, ở làng Tiền, xã Tam Thanh, phía tây núi Hổ có Công chúa Thụy Bảo là cô ruột của Công chúa Huyền Trân đang tạo vườn hoa An Lạc và lập chùa tu hành ở đây. Hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng.
Sau khi hai bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn lập am thờ trên chùa Nộn Sơn để tri ân công đức. Ghi nhớ công ơn và tiếc thương người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước, sau khi bà mất, Nhân dân làng Hổ Sơn đã tôn bà là Thánh Mẫu và lập đền thờ bà tại nơi bà tu hành. Các triều đại vua phong 09 đạo sắc phong, tôn vinh công hạnh, nâng bậc tăng tài (Trai tính trung đẳng thần), tôn vinh thần mẫu, tôn tượng được thờ tại chùa Nộn Sơn, thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Căn cứ vào lịch sử của ngôi chùa, ngày 27/9/2006, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định công nhận Chùa Hổ Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Chùa Hổ Sơn khi xưa
Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước, Chùa Hổ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng.Thể theo nguyện vọng được trùng tu, tôn tạo để lưu giữ di tích lịch sử của Nhân dân, các tín đồ phật tử và nhà chùa đang trông coi tại chùa, ngày 22/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định cho phép chùa Hổ Sơn được tu bổ tôn tạo.
Được biết, sau lễ khởi công động thổ xây dựng ngôi Tam Bảo chùa Hổ Sơn ngày 05/12/2020, do một số điều kiện khách quan chưa tìm được nguồn kinh phí để xây dựng. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Di sản Văn hoá do ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Phó Viện trưởng cùng cán bộ của Viện về chùa làm việc với Đại đức Thích Nhẫn Trực, trụ trì chùa Hổ Sơn sau đó cầm hồ sơ thiết kế của chùa về để tìm nguồn tài chính xây dựng cho chùa.
Đầu năm 2021, chùa Hổ Sơn chính thức được khởi công xây dựng trên nền đất chùa cũ và được qui hoạch ban đầu chưa đến 1ha đã được mở rộng khuôn viên với tổng diện tích 13 ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trong đó, khu thờ thự gồm có tòa Tam Bảo, Đền thờ Mẫu, Đền thờ Huyền Chân công chúa, nhà thờ tổ, lầu Cô, lầu Cậu, cùng Tượng thập bát vị la Hán, nhà bia, Quần thể lăng tam tháp tổ… với sự tài trợ của Tập đoàn BB Group và một số nhà đầu tư khác.
Chùa Hổ Sơn mới
Hiện nay, các hạng mục công trình chính nằm trong tổng thể Chùa Hổ Sơn đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến đến cuối năm 2022, công trình tôn tạo Chùa Hổ Sơn sẽ hoàn thành, tạo nên một khu di tích lưu lại cho muôn đời sau.
Xuân Nguyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/le-rot-dong-duc-kim-than-ton-tuong-duc-phat-di-lac-tai-chua-ho-son-a14148.html