Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết văn học nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ

Ngày 22/7, tại tỉnh Kiên Giang, đã diễn ra Hội nghị Sơ kết hoạt động Liên kết văn học nghệ thuật Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm  2022 với sự tham dự của lãnh đạo 12 Hội văn học nghệ thuật trong khu vực.

ch1-dong-bang-song-cuu-long-1658491585.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

 

Hoạt động liên kết các Hội văn học nghệ thuật Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nét đặc thù trong hoạt động văn học nghệ thuật đã được duy trì 35 năm đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ quan tâm, trao đổi, học tập kinh nghiệm, sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng phục vụ cuộc sống.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Hội văn học nghệ thuật Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức 04 cuộc thi, liên hoan, gồm: Cuộc thi sáng tác ca khúc (Trà Vinh); Bút ký (Bạc Liêu); Triển lãm mĩ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27 năm 2022 (Vĩnh Long); Liên hoan ảnh Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 37 năm 2022 (Trà Vinh).

Các Hội văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ đạo các chuyên ngành trực thuộc phát động văn nghệ sĩ tham gia tích cực các cuộc thi, liên hoan trong khu vực, của các bộ, ngành Trung ương, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, quốc gia và quốc tế,...và đạt nhiều giải thưởng có giá trị cao.

Tuy nhiên, hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong khu vực còn gặp không ít khó khăn, trong đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật năm 2021 đã cắt giảm 50% kinh phí, kinh phí năm 2022 đến nay (18/7/2022) một số Hội vẫn chưa được cấp.

Ban chấp hành Hội, hội chuyên ngành đa số công tác kiêm nghiệm, chế độ bồi dưỡng hỗ trợ chưa được thực hiện; trụ sở một số Hội chưa thật sự phù hợp với hoạt động chuyên ngành.

Lực lượng hội viên trẻ ít, đội ngũ kế thừa mỏng, thu hút tài năng văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hội viên hoạt động thường xuyên chưa cao, quảng bá và tiếp nhận tác phẩm văn học nghệ thuật đến vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Tác phẩm được giới thiệu, xuất bản của văn nghệ sĩ ngày càng nhiều nhưng ít tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước.

Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang cho biết. 6 tháng cuối năm 2022 các Hội văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, tăng cường giáo dục chính trị, lý tưởng, nâng cao nhận thức cho hội viên, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ của từng địa phương phát huy năng lực tạo ra những sản phẩm có giá trị "Chân - Thiện - Mĩ" phục vụ chính trị của  địa phương và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và phát triển toàn diện của con người.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật của Trung ương cần kịp thời; phát triển hội viên trẻ, có cơ chế chính sách thu hút tài năng văn nghệ sĩ, cần có giải pháp quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật đến vùng sâu, vùng xa hiệu quả, ...

Hoàn thành chấm, trao giải các cuộc thi; đề nghị Liên hiệp hội các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đôn đốc Bộ tài chính sớm cấp kinh phí Quỹ hỗ trợ hoạt động sáng tạo công trình văn học nghệ thuật năm 2022 để các Hội triển khai thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ địa phương.

Trương Anh Sáng 

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-bang-song-cuu-long-lien-ket-van-hoc-nghe-thuat-dap-ung-nhu-cau-huong-thu-van-hoa-van-nghe-a14200.html