Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên Nguyễn Ngọc Bài cho biết: Huyện Vị Xuyên hiện có tổng số 518 NCC với cách mạng và thân nhân NCC, trong đó số đối tượng người có công hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 319 người, thân nhân người có công hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 199 người. Để thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công và đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương trong huyện rà soát đúng đối tượng, thực hiện chi trả đảm bảo đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách cho từng đối tượng; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc da cam….
Công tác quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi NCC được huyện triển khai kịp thời, chi trả đúng và đủ chế độ. Việc giải quyết tồn đọng chính sách qua các thời kỳ kháng chiến được các cấp, ngành, địa phương trong huyện giải quyết đúng hạn.
Hàng năm phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên đã tham mưu tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng nhân các ngày lễ, ngày tết, kỷ niệm ngày TBLS 27/7, trao quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và quà từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác cho NCC với tổng số tiền trên gần 7,5 tỷ đồng.
Một trong những hoạt động nổi bật của huyện Vị Xuyên những năm qua đó là quan tâm đến nhà ở cho người có công. Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng”, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Quyết định 1953 về xây dựng nhà ở cho NCC, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao của chính quyền cùng sự linh hoạt trong huy động các nguồn lực, đến nay, tổng số hộ NCC với cách mạng được hỗ trợ sửa chữa. xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Vị Xuyên là 66 hộ với kinh phí trên 3 tỷ đồng.
Ông Lục Thái Sơn sinh năm 1954 ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên) tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường miền Nam từ năm 1973. Sau khi xuất ngũ về địa phương, ông bị nhiễm chất độc da cam, cuộc sống gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện để xây dựng nhà ở.
Cuối năm 2021, niềm vui của ông và gia đình như được nhân lên khi được sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ làm nhà mới. Ông Sơn cho biết: “Gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ nhà ở cho người có công cùng với sự chung tay giúp đỡ bằng vật chất và ngày công lao động của các tổ chức, đoàn thể của xã, bà con trong thôn, gia đình tôi đã xây dựng được căn nhà khang trang, sạch đẹp, không lo mưa, nắng nữa”.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; tổ chức hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương và thắp nến tri ân; chỉnh trang, tôn tạo, vệ sinh sạch đẹp nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, động viên, trao quà tới từng hộ gia đình chính sách, NCC…
Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên, Nguyễn Ngọc Bài khẳng định: Công tác đền ơn đáp nghĩa tại huyện Vị Xuyên không chỉ thể hiện lòng tri ân, đời đời nhớ ơn các liệt sĩ, NCC đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, mà còn giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn của dân tộc. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tri ân, chăm lo tốt hơn đối với NCC tại địa phương.
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho gia đình chính sách. Phát huy truyền thống cách mạng, các gia đình chính sách đã tham gia đóng góp xây dựng, phát triển quê hương. Qua các phong trào thi đua xuất hiện ngày càng nhiều cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng làm kinh tế giỏi và tham gia hoạt động xã hội. Tiêu biểu như ông Trần Đức Phú, sinh năm 1939, trú tại thôn Minh Thành, xã Trung Thành (Vị Xuyên). Năm 1960, ông Phú nhập ngũ tham gia Sư đoàn 304 đóng quân ở Thanh Hóa. Sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1963, ông được phục viên. Theo chủ trương xây dựng các vùng kinh tế mới của Đảng, ông đã tình nguyện cùng gia đình lên khai hoang, lập nghiệp tại mảnh đất Vị Xuyên. Ban đầu cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng phẩm chất cần cù, chịu khó của người lính Cụ Hồ, ông Phú đã biến hơn 2ha đất hoang vu thành trang trại trồng cam sành, bười, thành long… cho thu nhập cao, mỗi năm đem lại nguồn thu trên dưới 300 triệu đồng.
Những ngày này, để thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, huyện Vị Xuyên đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về truyền thống lịch sử cách mạng, ý nghĩa công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đồng thời, tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, hỗ trợ người có công gặp khó khăn về nhà ở; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”... góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Lê Hoàn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-giang-huyen-vi-xuyen-thiet-thuc-cham-lo-doi-song-nguoi-co-cong-a14203.html