Chân dung nghệ sĩ Mạnh Hưng: Người lính hát hết mình vì đồng đội

Những người đã từng trải qua năm tháng chiến tranh đầy đau thương mất mát nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, thường yêu thích những bài ca cách mạng.

tac-gia-1658576125.jpg

Biết bạn mang bệnh trọng, tôi đã viết bài giới thiệu về anh. Tôi đến Bệnh viện thăm anh và mang theo 50 tờ báo để Mạnh Hưng tặng bạn bè và các y bác sĩ chăm sóc cho anh

 

Một trong những nghệ sỹ đem đến cho chúng ta niềm xúc cảm mãnh liệt và tự hào ấy phải kể đến Đại tá, Nghệ sỹ ưu tú Mạnh Hưng, người con của quê hương Sơn Tây - Xứ Đoài, anh là diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Mạnh Hưng nhập ngũ năm 1974, ở đơn vị E12 của tỉnh đội Hà Tây. Do có năng khiếu ca nhạc, anh được tuyển vào Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không – Không quân. Đây là bước ngoặt để Mạnh Hưng bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình.

Năm 1975, Mạnh Hưng cùng Đội văn công xung kích đi biểu diễn khắp các chiến trường. Bằng lời ca tiếng hát, anh đã cùng đồng đội động viên các chiến sỹ trước giờ xung trận và theo các mũi tiến công cho đến ngày toàn thắng – mùa xuân năm 1975.

ch1mhung-1658593105.jpg
Mạnh Hưng hát khi công tác tại Nhà hát ca múa nhạc quân đội.

 

Tháng 8 năm 1976, Mạnh Hưng được chuyển về Đoàn Văn công Tổng cục chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Có thể kể qua về thành tích của anh: - Năm 1984, 1985: Huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc toàn quân, toàn quốc; 1987: Giải nhất cuộc thi ca nhạc nhẹ toàn quốc khu vực 1 và đạt giải nhì toàn quốc; 1988 Bằng khen cuộc thi ca nhạc nhẹ quốc tế mang tên “Giai điệu bạn bè” tại U-lan-ba-to và Gala ca nhạc nhẹ tại Cu-Ba; 1995: Huy chương vàng ca múa nhạc toàn quân; 1999: Huy chương vàng ca múa nhạc toàn quốc...ngoài ra, Mạnh Hưng còn được tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích phục vụ trong quân đội. Mạnh Hưng đã đi biểu diễn ở nhiều nước như CHLB Nga, Đức, Ba Lan, Hung ga ri, Lào, Cam Pu Chia... Đến đâu anh cũng để lại ấn tượng tốt đẹp về người nghệ sỹ- chiến sỹ. Năm 1993, Mạnh Hưng vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, có lẽ đáng nhớ nhất là năm 1989, anh cùng Đội văn công xung kích đi phục vụ các chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa. Chuyến đi rất vất vả, nhưng ai cũng thấy vui. Trong đội hầu hết mọi người lần đầu đi biển nên đều bị say sóng, riêng Mạnh Hưng “không làm sao”. Tới nơi anh mới thấu nỗi gian lao vất vả mà người lính đảo đang ngày đêm âm thầm chịu đựng để canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Mới chân ướt chân ráo, Mạnh Hưng vừa đàn vừa hát mấy bài liền cho các chiến sỹ nghe. Cánh lính vội vàng mang sổ tay ra xin chữ ký, làm anh thật sự xúc động. Có lẽ đó là món quà đầy ý nghĩa của người chiến sỹ trong đất liền gửi tới những người lính đảo.

Tôi và Mạnh Hưng vừa là bạn học phổ thông, vừa là đồng đội nên hay có dịp gặp nhau. Sơn Tây, mảnh đất xứ Đoài nơi anh sinh ra và lớn lên. Mỗi khi có dịp lễ, tết hay ngày kỷ niệm... nếu không bận việc ở đoàn là anh nhận lời tham gia văn nghệ và sẵn sàng phục vụ hết mình. Phải chăng, đó cũng là phong cách của người lính. Mạnh Hưng là hội viên CLB Văn nghệ sỹ Xứ Đoài. Mỗi khi Câu lạc bộ tổ chức gặp mặt đầu xuân, mọi người lại thấy anh say sưa hát những ca khúc cách mạng.

Năm 1996, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Phùng Hưng (Sơn Tây). Tôi và NSUT Mạnh Hưng đến dự với tư cách là học trò cũ. Cô Dương Thị Lụa là chủ nhiệm lớp 6A chúng tôi năm 1969, khi đó là Hiệu trưởng nhà trường. Cô rất mong tôi và Mạnh Hưng có mặt, là niềm tự hào của riêng cô, bởi cô rất quý mến hai chúng tôi, cũng là niềm tự hào của thầy và trò nhà trường đã có các thế hệ học sinh trưởng thành từ mái trường Phùng Hưng. Trước đó, tôi đã về giúp cô và Ban giám hiệu làm Tập san cho ngày hội trường.

Hội trường năm ấy, thầy trò gặp mặt trong niềm vui và xúc động. Mạnh Hưng và tôi được các thầy cô quan tâm hỏi rất nhiều chuyện. Riêng các em học sinh thì quá ngưỡng mộ. Tôi làm MC, đọc thơ và hát. Mạnh Hưng thì khỏi phải nói, anh là một trong những cây đơn ca số 1 của Đoàn Ca múa Quân đội. Mạnh Hưng hát tới 4 bài. Riêng bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” bài "tủ" của anh thì tất cả thầy trò và đại biểu về dự cùng hát theo. Ngày Hội trường năm ấy là một kỉ niệm khó quên đối với chúng tôi.

Tôi có nhiều kỷ niệm với Mạnh Hưng, nhưng kỷ niệm ấn tượng nhất, sâu sắc nhất cũng bắt đầu từ mảnh đất xứ Đoài này. Tháng 7 năm 1996, Mạnh Hưng về phép. Tôi đến chơi và bộc bạch một ý nguyện là, nhân dịp ngày 27-7, muốn anh tổ chức riêng một đêm ca nhạc từ thiện, lấy tiền ủng hộ các gia đình thương binh liệt sỹ. Mạnh Hưng hát, tôi dẫn chương trình. Tôi vừa mới dứt lời là anh gật đầu đồng ý liền. Sau mấy buổi tập, đêm ca nhạc từ thiện đã được tổ chức tại Nhà Văn hoá thành phố. Khán giả đến rất đông, không còn chỗ ngồi. Tham gia chương trình còn có hai ca sỹ trẻ. Đêm ấy, Mạnh Hưng hát 24 bài. Anh “tâm phục, khẩu phục” ông bạn MC không cần một thứ giấy tờ gì, mà sao lại “lắm lời, nhiều chữ” đến thế. Anh dặn tôi: - Những bài hát nào dài, mất nhiều sức thì ông “buôn” nhiều hơn một chút để tôi “thở” và thay trang phục. Mạnh Hưng đêm hôm đó đã "cháy" hết mình. Những bài hát đã tạo nên chân dung Nghệ sỹ - Chiến sỹ Mạnh Hưng như: Lên núi, Tiểu đoàn 307, Cây đàn ghi ta của Lotsca, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Chiếc khăn piêu, Vết chân tròn trên cát, Giai điệu Tổ quốc, Đất nước vv... Những tràng pháo tay, những bó hoa, những giọt nước mắt của các bà mẹ, của các đồng chí thương binh bệnh binh và những người tham dự chương trình đã làm Mạnh Hưng vô cùng cảm động. Anh cũng không ngờ là việc làm gây quỹ từ thiện lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế. Mạnh Hưng đã nhiều lần nói với tôi: Đồng đội mình hy sinh đã đành, nhưng cha mẹ, vợ con, gia đình họ còn mang nỗi đau đến hết đời. Tôi cũng có em trai hy sinh trên đất bạn Cam Pu Chia năm 1979, nên thấu hiểu nỗi đau mà mẹ tôi và gia đình tôi phải gánh chịu. Vì thế, tôi chỉ muốn làm được nhiều việc có ích để chia sẻ những mất mát đau thương đó. Mỗi lần nghĩ đến năm tháng chiến tranh, những hy sinh của đồng đội... chỉ những trái tim vô cảm mới không hề day dứt...

Hình như những người lính, nhất là người lính làm nghệ thuật thường dễ gần. Có lần, một sự ngẫu nhiên đáng buồn nhưng đáng nhớ là tôi và Mạnh Hưng đều phải nằm viện. Vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, các bệnh nhân, các cháu học viên Trường trung cấp quân y đến thực tập lại quây quần bên hai chú nghe đọc thơ, hát và chụp ảnh. Năm ấy, vào dịp Bệnh viện Quân y 105 kỷ niệm ngày truyền thống, Mạnh Hưng đã tham gia chương trình rất sôi nổi và hào hứng, đúng phong cách người lính. Những lúc như thế anh chẳng nghĩ mình đang là bệnh nhân nữa. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sỹ.

Mạnh Hưng còn có một kỉ niệm khó quên đối với Văn nghệ sĩ Hà Tây, đó là vào ngày đầu xuân năm 2006, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ tư. Tôi được tín nhiệm làm MC, Mạnh Hưng nhận lời mời đến dự và biểu diễn 3 tiết mục, được khán giả nhiệt tình đón nhận và vỗ tay không ngớt. Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội VHNT Hà Tây Dương Kiều Minh lên sân khấu tặng hoa chúc mừng. Tôi nhớ mãi lời chúc của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Hà Tây có người con ưu tú là Mạnh Hưng, chỉ mong sao mỗi khi có dịp, Mạnh Hưng lại trở về quê hương cất tiếng hát cho người Hà Tây nghe và cứ mặc áo lính như thế này. Ngày thơ Việt Nam tại Hà Tây là một ngày thật đặc biệt, thơ hay, hát hay, đông vui lắm, xúc động lắm…

Đại tá, Nghệ sỹ ưu tú Mạnh Hưng là một trong những cây đơn ca trụ cột của Đoàn ca múa Quân đội như Doãn Tần, Minh Hoa, Hồng Hạnh, Anh Phương... Ngoài việc biểu diễn, anh luôn tạo điều kiện bồi dưỡng, động viên các ca sỹ trẻ tiếp tục sự nghiệp của thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu hết mình vì nền nghệ thuật cách mạng. Đó là phẩm chất cao quý mà anh muốn truyền lửa cho thế hệ sau.

Khi viết bài này, tôi bỗng nhớ đến câu nói mà Mạnh Hưng viếng thăm nghĩa trang Trường Sơn trở về: - Có hát thế, hát nữa cũng chỉ là một nén tâm nhang, một tấm lòng thành kính dâng lên đồng đội của mình mà thôi...!

Thật đau buồn, Mạnh Hưng rời xa người thân và bè bạn vào năm 2008, khi anh đang ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh". Biết bạn mang bệnh trọng, tôi đã viết bài giới thiệu về anh. Tôi đến Bệnh viện thăm anh và mang theo 50 tờ báo để Mạnh Hưng tặng bạn bè và các y bác sĩ chăm sóc cho anh. Mạnh Hưng nằm trên gường bệnh đọc rồi cười:

- Ông lấy đâu ra tư liệu về tôi mà viết đúng thế?

- Thì cái lần tôi làm MC cho ông hát từ thiện nhân ngày 27/7... tôi vẫn giữ mà...

- Mà này... hình như Quốc Toản lo cho mình hay sao ấy. Yên tâm đi, mình còn khỏe... còn hát đến U90 cơ...

Vậy mà 10 ngày sau anh ra đi bởi căn bệnh hiểm nghèo. Sau lời điếu của Giám đốc Nhà hát Quân đội, tôi thay mặt các Văn Nghệ sĩ đọc lời vĩnh biệt Mạnh Hưng trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, bạn bè và đồng đội.

Hàng năm mỗi độ tết đến xuân về, tôi đi viếng mộ các cụ trong gia tộc vẫn dành thời gian đến thắp nén hương thơm cho người bạn học phổ thông cùng tôi - Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hưng đang an nghỉ nơi đất mẹ. Tôi nói với Mạnh Hưng rằng:

Mày nằm đó, tao còn đi

Vẫn đầy duyên nợ thầm thì gửi trao

Bao giờ hết chuyện tào lao

Về nơi cực lạc lại tao với mày...

Thương nhớ lắm, người bạn thân thiết của tôi!

Trái Tim Người Lính

Quốc Toản

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chan-dung-nghe-si-manh-hung-nguoi-linh-hat-het-minh-vi-dong-doi-a14217.html