Thành phố Cảng là điểm du nhập đầu tiên vào Việt Nam của các môn thể thao như bóng rổ, quần vợt, bóng bàn, boxing ... Bóng đá tuy chậm hơn một chút, nhưng khi vừa xuất hiện, nó đã chiếm trọn trái tim phóng khoáng của người dân phố biển.
Các đội bóng đất Cảng có cả người Việt, người Hoa, người Ấn, người Phi và cả người Pháp góp mặt trong đội hình. Đội Olimpique Hải Phòng, từ những năm 30 của thế kỷ trước, đã vượt đường dài vào Nam thi đấu với các đội bóng ở Tourane (Đà Nẵng) và Sài Gòn. Thời đó Hải Phòng có nhiều đội đá hay như đội Voi Vàng đất Cảng, Olimpique, Mũi tên (La Flèche), Trung học (Radium), Thanh niên Bắc kỳ (La Jeunesse Tonkinoise)… Hải Phòng có nhiều sân bóng đá như Jeunot (Thanh niên), Bonal, Máy tơ, Máy đèn, bãi Sông Lấp…đủ điều kiện để đón các đội ở Hà Nội về như CLB bóng đá Hà Nội (Stade Hanoien), đội Nhà binh 9e RIC, đội Racing Clup hoặc đội bóng Lê dương Đáp Cầu.
Những hôm đấy, quanh sân bóng đá đông kín người khiến ai cũng ngỡ toàn dân Hải Phòng đều bỏ việc để đi xem bóng đá.
Cũng vì nhiệt huyết như vậy nên Hội cổ động viên Bóng đá Hải Phòng là hội được thành lập sớm nhất trong cả nước.
Người Hải Phòng thế hệ trước, hầu như ai cũng biết cụ Nguyễn Lan và cụ Nguyễn Nhân, hai Tiên chỉ của bóng đá đất Cảng.
Chính hai cụ đã thừa lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thành lập đội bóng thành phố Hải Phòng thi đấu với đội Hải quân Pháp ngay sau ngày Hồ Chủ tịch đi Pháp ký Tạm ước 14/9/1946 về đến cảng Hải Phòng.
Ngày 20/10 hai cụ nhận lệnh. Chỉ sau mấy giờ đồng hồ hai cụ đã thành lập xong đội bóng để chiều hôm sau, 21/10, hai đội bóng đã thi đấu giao lưu trên sân Jeunot mà dân Hải Phòng quen gọi là sân Phố Ga.
Hải Phòng lắm anh tài nên đội tuyển thành lập vội mà đá với đội Hải quân Pháp cứ như đá tập. Về sau, để giữ thể diện cho Đô đốc Pháp D’Argenllieu đang có mặt trên khán đài, cụ Lan đành bảo đồng đội mở toang khung thành cho đội Pháp gỡ hòa. Những người làm rạng danh bóng đá Hải Phòng hôm đấy, ngoài cụ Lan và cụ Nhân, còn các cụ Giống, Hoàng Kính Châu, Viễn, Mùi Pố, Chi “móm” (bố danh thủ Hùng “xồm”)…
Hải Phòng được giải phóng năm 1955, chậm hơn Hà Nội 300 ngày, nhưng đến trước năm chiến tranh phá hoại 1964, Hải Phòng đã kịp có 5 đội mạnh thi đấu ở hạng cao nhất của nước nhà là Công an, Điện lực, Cảng, Xi măng và Sông Cấm. Bóng đá phong trào theo thống kê có 495 đội nên trên tuyển quốc gia thời nào cũng có tuyển thủ Hải Phòng góp mặt.
Từ năm 1956 tại giải Việt – Trung – Triều – Mông, ông Đức “Tàu bò” và ông Quán Mìn Te đã được báo Trung Quốc gọi là Tiểu quỷ.
Năm 1959, tiền vệ Nguyễn Trọng Lộ của Công an Hải Phòng cùng ông Lưu Đình Tòng (Công an Hà Nội), Đoàn Văn Đức (Đường sắt) được Ban tổ chức giải 6 nước Xã hội chủ nghĩa bình chọn trong đội hình tiêu biểu của giải. (Tại nhà ông Nguyễn Trọng Lộ, nay vẫn lưu giữ chiếc hộp sơn mài là quà tặng của Ban tổ chức).
Thành lập Trường huấn luyện (Đội tuyển quốc gia thời chiến tranh), Hải Phòng được tuyển 4 ông: Trọng Lộ, Ba Truy, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thái.
Các thế hệ bóng đá Hải Phòng luôn có tính kế thừa.
Lứa đàn anh ngoài các ông kể trên, còn có các ông Trần Duy Long, Duy Bỉnh Koóng, Túc “gù”, Hoàng Kính Dịp, Nguyễn Văn Phúc, Trần Hùng (Hùng “xồm”), Đặng Ngọc Việt, Nguyễn Trọng Đán, Nguyễn Thành Kiểm, Nguyễn Trọng Thư, Trần Văn Đức, Vũ Văn Tư, Trần Bình Sự…
Cầu thủ gốc Hải Phòng cũng có rất nhiều danh thủ như bộ ba Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Văn Nhật (Thể công), Hoàng Gia (Đường sắt), Lê Quang Ninh (Cảng), Đinh Thế Nam (CAHP), Đặng Văn Dũng (Thể công)…
Việt Nam có câu để chỉ về một thời: Ra ngõ gặp anh hùng!
Hải Phòng thời vàng son cũng vậy: Ra đường là gặp danh thủ bóng đá!
Chuyện làng quê
Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bong-da-hai-phong-a14246.html