Nấm mộ trong chiến tranh (Để tưởng nhớ những đồng đội tôi đã hy sinh)

Chúng tôi hành quân suốt đêm, vượt những rừng tràm, những cánh đồng, những đầm lầy phủ đầy lau, lác, ửng sáng mới tới trạm đón quân. Lệnh hạ trại và nấu ăn được ban truyền. 

nam-mo-chien-tranh-1658877124.jpg
Ảnh tác giả và những đồng đội người Hà Nội khi còn là lính miền Tây Nam bộ. Tất cả đều ở độ tuổi 20

 

Cả đám tân binh người Hà Nội từ đầu đến chân ướt sũng, mặt bệch bạc vì thức đêm vì dầm trong bùn nước. Chỉ mấy người dẫn quân đầu đội mũ tai bèo mặt còn dạn dĩ, còn lại đám linh toàn mặt búng ra sữa, tuổi chỉ mười chín, đôi mươi, ngơ ngơ, ngác ngác vì lạ nước, lạ cái. Đây là lần đầy tiên những chú lính trẻ Thủ Đô đặt chân đến chiến trường vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Cái gì với họ cũng lạ. 
Do được huấn luyện trước, mỗi tiểu đội bắc một bếp nấu cơm. Người chặt cành tràm hình chữ T để treo Ăng gô, người bẻ cành tràm lót bếp, người kiếm củi chụm lửa, người vo gạo, chẳng mấy chốc khói đã lên xanh, mùi nhựa trảm, mùi gạo chín thơm toả cả cánh rừng. 
Tôi thèm rau, mấy tháng trên Trường Sơn hoạ hoằn mới kiếm được mấy ngọn rau tàu bay hay mấy đọt thanh trà về cả tiểu đội nấu nồi canh loãng, nay thấy rau muống xanh nõn mọc ngay dưới nước, sát bên cạnh, tôi vội vã thò tay hái. Mấy cán bộ của trạm nhìn thấy ngăn lại:
- Rau muống này độc lắm. Ăn vào đi ỉa ngay. Nhưng thèm quá có thể luộc qua nước muối hai lần. Nhớ tuyệt đối không uống nước luộc rau. 
Quả nhiên rau xanh búng mà khi hái nhựa tứa ra trắng như mủ cao su. Luộc đến lần thứ hai nước vẫn thâm đen như nước củ nâu. Cơm vừa chín, rau vừa luộc xong, cả tiểu đội háo hức quây quần thì nghe đạn pháo rít trên đầu rồi tiếng nổ chát chúa ngay bên cạnh. Cứ như thế tiếng đạn rít và tiếng nổ ngày một cấp tập. Cả đám tân binh bỏ mâm cơm lóp ngóp chui nấp dưới những gốc tràm. 
Có tiếng hét to của cán bộ trạm giao liên:
- Bị pháo kích rồi. Chạy khỏi khu vực này. 
Thế là nhất tề đám lính trẻ vùng chạy về hướng có tiếng hô. Vẫn nhìn thấy những cột nước dựng lên, những thân cây bị đốn ngã do đạn pháo bắn trúng. 
Hốt hoảng chạy trong khoảng tiếng, cả đơn vị cũng núp được trong những căn hầm chữ A phía bìa rừng. Được thông báo tiếp: sau pháo kích, địch sẽ đổ quân càn quét. Đấy là ngày căng thẳng đầu tiên của mấy chú lính trẻ Hà thành trong tay không tấc sắt. 
Căng thẳng thế mà vẫn không quên cái đói. Ngồi trong căn hầm hẹp thằng nọ nghe tiếng sôi réo òng ọc vì đói từ bụng thằng bên cạnh. 
Tôi chẳng nhớ chúng tôi đã trải qua đêm đó ra sao trong cái lạnh, đói và sự căng thẳng. Nhưng may là địch đã không đổ quân như dự đoán. 
Sáng hôm sau, tôi là một trong số ít những tân binh được chọn quay lại nơi bị pháo kích để làm công tác tử sỹ. Lúc đó tôi mới biết đơn vị mình có người bị chết vì đạn pháo. 
Quay lại mới thấy cảnh tan hoang của chiến tranh. Cây đổ, tăng võng, ba lô rách toang, văng mỗi thứ mỗi nơi. Chỗ mâm cơm tiểu đội định ngồi ăn lĩnh trọn một quả pháo chẳng còn dấu tích dù chỉ một tàn củi. 
Một cán bộ giao liên người gầy như que, trắng như cục bột đeo khẩu AK gọi tôi và một chiến sỹ nữa ra một cái võng và bảo:
- Đồng đội chúng mày đấy. Mang đi mà chôn. 
Thấy tôi và chiến sỹ kia lớ ngớ chẳng biết phải làm gì, anh ta đến bên cạnh lật mặt võng. Bên trong là một túi áo mưa bọc kín mít. Cầm con dao găm dắt bên hông, anh ta rạch một đường phía đầu túi, vạch rộng ra rồi bảo:
- Nhìn đi! Có phải đồng đội chúng mày không? 
Tôi rón rén đến bên cạnh nhìn vào rồi giật mình lùi lại. Mùi tử thi bốc lên nồng nặc và bên trong một khuôn mặt không thể nhận dạng. Tôi bối rối lắc đầu. 
- Nhìn kỹ lần nữa đi. Xem đấy là ai? 
Tôi nhìn lại. Một khuôn mặt trắng bệch, trương phình, không thể nhận diện. Hốc mắt, hốc mũi, lỗ tai và miệng của người chết bu đầy những con kiến vống màu đỏ như máu, con nào con nấy to gần bằng đầu đũa, hai cái mắt lồi ra lơ láo. Lúc đó tôi mới kịp nhìn cả một dòng kiến vẫn đang di chuyển từ hai gốc tràm qua dây võng kìn kìn đổ về chỗ xác người chiến sỹ. Bất giác tôi lấy cả hai tay đập liên hồi vào lũ kiến đang bu đầy thân cây nơi đầu võng cho đến khi người giao liên giằng tay ra ngăn lại. Cũng là lúc tôi bật khóc. 
Người giao liên đưa đến một cái xuồng. Chúng tôi đặt người đồng đội không rõ danh tính trong bọc nilon vào lòng xuồng rồi đẩy ra khỏi rừng chàm. Chỗ nước cạn chỉ cần nắm mạn xuồng đẩy là xuồng di chuyển. Đến đoạn mương sâu, phải vừa bơi vừa đẩy xuồng mới đi. Tôi đẩy phía trước nên mặt mình kề sát ngay mặt tử sỹ, tôi đành quay đi. Nhưng mỏi cổ quá phải quay lại. Vẫn nhìn thấy những con kiến kềnh đỏ đến nhức mắt, và từng lỗ chân lông đã rạn hết mức trên mặt người chết. 
- Thôi cố lên. Cũng sắp tới nơi rồi. Anh giao liên động viên. Mà chúng mày chịu khó chôn người ta. Ít nữa chúng mày chết thì mới có người đi chôn chúng mày chứ. Đồng đội trong chiến trường quý nhất là lúc này đấy. Anh giao liên giảng giải thêm. 
Cuối cùng cũng tìm được mô đất cao để chôn người đồng đội đã hy sinh. Không thì cũng đành lấy cành tràm mà găm thi thể người chết xuống dưới sình lầy như dân vùng đồng nước thường làm chứ không còn cách nào khác. 
Tôi và người đồng đội mỗi người một xẻng ra sức đào bới. Người giao liên khoác súng cảnh giới thỉnh thoảng lại nhắc:
- Nhanh lên còn kịp về. Không tối xuống gặp phục kích thì chết mất xác. 
Đào được chừng hơn nửa mét, người giao liên ra lệnh dừng. 
- Đào thế thôi. Sâu thêm tý nữa nước ục vào mất công. 
Chúng tôi đặt người đồng đội xuống khoảng đất nông choèn rồi vội vã lấp đất lên trên, khoả cho bằng, rồi rút. Không đánh dấu, không bia mộ, không một nén nhang. 
Trước khi bước xuống xuồng tôi quay đầu nhìn lại lần nữa để cố định hình nơi đây là đâu. Nhưng chỉ thấy mênh mông đầm nước. Xa xa là cánh rừng nơi chúng tôi đóng quân. Không một gốc cây, một mỏm đá để ghi nhận. 
Vừa chạm vào thành xuồng, một con kiến vống đỏ như máu, to như đầu đũa đã kịp bám vào bắp tay cắn một cái đau nhói. Tôi lấy hết sức giáng cho một cái chí tử. Con kiến nát bét.
Từ đó tôi ghét kiến. Nhất là những con kiến màu đỏ dù chỉ nhỏ bằng đầu kim. 
Tôi dầm mình trong nước đẩy xuồng và dấm dứt khóc suốt chặng đường về. 

Trái tim người lính
 

Hùng Lý từ Berlin, Đức

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nam-mo-trong-chien-tranh-a14305.html