Cột cờ và những lá cờ
Còn cờ - Đất nước còn. Mất cờ xem như mất nước. Đấu cờ còn là cuộc đấu tranh chính trị bền bỉ của quân dân Vĩnh Linh.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, các đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hàng ngày. Ở bờ Bắc, lá cờ đỏ sao vàng được treo trên ngọn phi lao cao 12 mét. Phía bờ Nam, cờ VNCH được treo trên nóc lô cốt Xuân Hòa, cao 15 mét. Lúc này, cờ vẫn theo kích thước nhỏ.
Phía bờ Bắc quyết định dựng cột cờ cao 18 mét. Cờ may bằng vải sa-tanh, khổ rộng 24 m2.
Phía bờ Nam, VNCH dựng một trụ cờ bằng bê tông cốt thép cao 30m.
Tháng 7 năm 1957, quân dân Vĩnh Linh dựng cột cờ cao 34,5m để treo lá cờ rộng 108 m2 được may từ Hà Nội mang vào.
Ngay lập tức, phía VNCH tôn cột cờ lên cao 35 m.
Năm 1962, Chính phủ VNDCCH cho dựng cột cao 38,6 m để thượng lá cờ rộng tới 134 m2. Lá cờ đỏ sao vàng tạo thành chấm đỏ, cao vút trên nền trời khu giới tuyến.
Năm 1967, không quân Mỹ và pháo binh từ căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, từ hạm đội 7 ở ngoài khơi, tập trung đánh phá cột cờ.
Cột cờ chính bị gãy, quân dân Vĩnh Linh dựng cột cờ khác và ngày nào cũng thượng cờ cho đến ngày thống nhất đất nước.
Trận đấu âm nhạc
Tin tình báo cho biết ngày 20/7/1964 chính quyền VNCH sẽ tổ chức cuộc mít tinh lớn ngay bờ Nam cầu Hiền Lương. Ngày 20/7 là ngày kỷ niệm ký Hiệp định Giơ-ne-vơ nhưng chính quyền VNCH coi là “Ngày quốc hận”. VNCH huy động các phương tiện truyền thông và các hãng thông tấn nước ngoài tới dự để tuyên truyền và hô hào Bắc tiến.
Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã điều Đội 1 thuộc Đoàn Quân nhạc Việt Nam vào Quân khu 4 từ những ngày đầu năm 1964 để phục vụ quân dân Quân khu 4.
Đến sát ngày 20/7, Tư lệnh Quân khu 4 Đàm Quang Trung lệnh Đoàn trưởng Đinh Ngọc Liên cho Đội quân nhạc di chuyển vào Vĩnh Linh. Quân số Đội 1 lúc đấy có khoảng 60 người, được những chiếc xe Môtôrôla bí mật chở xuống tập kết ngay trong khuôn viên đồn cảnh sát bờ Bắc sông Bến Hải.
Những nhạc công Đội 1 như các ông Đoàn Bá (chính trị viên), Nguyễn Văn Tiến, Trần Huy (chỉ huy dàn nhạc), Vũ Bằng Thành (nhạc sĩ phối khí), Mạc Văn Vòi ( kèn trompet), Phạm Văn Sắc (clarinet), Phạm Sinh Duyên (kèn cor)…vẫn nhớ như in khoảnh khắc này.
Đúng 5h45 ngày 20/7, lúc trời còn nhá nhem tối, Đội Quân nhạc Việt Nam đã có mặt ở đầu cầu bờ Bắc sông Bến Hải.
Phía bờ Nam, một lễ đài lớn đã được dựng lên. Tấm phông có hàng chữ lớn : “Ngày quốc hận 20/7”. Hơn một vạn dân từ Huế, Quảng Trị, Đông Hà được huy động tham gia buổi lễ do tướng Nguyễn Chánh Thi chủ trì.
Đội Quân nhạc VNDCCH mặc lễ phục trắng, được chia thành 2 dàn nhạc nhỏ. Đội 1 ổn định chỗ ngồi, chờ lệnh để tấu nhạc. Đội 2 ém quân trong đồn cảnh sát, sẵn sàng thay thế Đội 1 nếu bị phía VNCH bắn sang. Lãnh đạo đoàn xác định sau một hai tiết mục đầu không gặp sự cố, Đội 2 sẽ nhập cùng Đội 1 để biểu diễn.
Thời điểm đó cả 2 phía đều cử người sang phần đất bên kia, cùng Ủy ban Giám sát Quốc tế thực thi nhiệm vụ giám sát.
Buổi mít tinh phía bờ Nam bắt đầu. Người dẫn chương trình phía VNCH nói về ngày “quốc hận”, về lời thề “Bắc tiến - Lấp sông Bến Hải”. Phía bờ Bắc, người dẫn chương trình Phạm Sinh Duyên cũng bắt đầu giới thiệu chương trình. Khi tướng Nguyễn Chánh Thi lên bục phát biểu, cũng là lúc Đội Quân nhạc hòa tấu các bài Giải phóng miền Nam, Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Bình Trị Thiên khói lửa…
Âm thanh của dàn nhạc được hệ thống loa công suất lớn, trong đó có chiếc loa 500 W tiếp sức, đưa các giai điệu hào hùng của dàn quân nhạc đi xa đến tận huyện lỵ Gio Linh, nơi cách Hiền Lương cả chục cây số.
Buổi mít tinh của chính quyền VNCH tự động giải tán. Tướng Nguyễn Chánh Thi rời buổi lễ trên chiếc xe con. Đám đông dân chúng tụ tập ngay bờ sông xem các chiến sĩ quân nhạc biểu diễn ở bờ Bắc, mặc đám cảnh sát VNCH ra sức xua đuổi, giải tán.
Trận đấu bóng đá nơi giới tuyến
Cũng năm 1964, đội bóng đá Công an Triều Tiên sang thi đấu giao hữu tại Hà Nội. Lãnh đạo Bộ Công an hai nước đã thống nhất tổ chức trận bóng đá giao hữu giữa công an hai nước ngay tại Vĩnh Linh. Đội bóng đá Thanh niên Bộ Công an được thay mặt ngành công an Việt Nam thi đấu với đội bạn.
Đội mới thành lập tháng 8 năm 1961 gồm các cầu thủ trẻ như Kiểm, Linh, Hảo, Sinh, Đỗ, Hùng, Hòa, Tự, Bốn, Khiêm, Huy, Thơ, Nhung, Kim, Sáu… Đội đang đá giải Thanh niên và vừa đoạt ngôi vô địch giải Thanh niên mùa xuân năm 1963 gồm 4 đội Thanh niên Thanh Hóa, Hà Nội, Thể công và Bộ Công an.
Đội Bộ Công an Triều Tiên được ưu tiên di chuyển vào Vĩnh Linh trên những chiếc xe khách tốt nhất hồi bấy giờ. Đội Thanh niên Bộ Công an trên chiếc xe tải hiệu Môtôrôla bám theo sau, cùng về đến huyện lỵ Hồ Xá, đặc khu Vĩnh Linh – Quảng Bình.
Mặt sân vận động Hồ Xá cực xấu nhưng vận động viên hai đội đều chẳng thấy phiền lòng. Nhất là các cầu thủ trẻ đội Thanh niên Bộ Công an Việt Nam. Họ vinh dự và tự hào khi được phục vụ đồng bào nơi giới tuyến.
Trận đấu được tường thuật trực tiếp, được Đài phát thanh Vĩnh Linh tiếp âm, thu hút sự chú ý và thích thú của đồng bào hai bờ sông Bến Hải.
Đây là sự kiện thể thao lớn nhất Vĩnh Linh trước năm 1964. Từ 1965, miền Bắc Việt Nam bước vào cuộc chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Chuyện Làng Quê
Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-tran-chien-khong-tieng-sung-ben-cau-hien-luong-a14312.html