Chuyện của người thợ phố cổ

Hôm qua ra Hàng Thiếc để nhận chiếc hộp tôn (dùng để che máy bơm nước) được đặt làm từ hôm trước. Mình ra đúng giờ hẹn mà ông thợ lại đi vắng và chiếc hộp tôn vẫn chưa được làm. Thật chán cho lời hẹn của ông thợ gò. Bà cụ trông hàng bảo mình buổi chiều quay lại vì chờ thì không biết đến bao giờ.

ch1dvh1a-1659058324.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ba giờ chiều, mình quay lại cửa hàng thì mới thấy bản vẽ đặt hàng của mình đang nằm trên một tấm tôn ở vỉa hè. Một lúc sau ông thợ gò bước ra với nụ cười xin lỗi vì buổi sáng phải đi giải quyết việc ở công trình. Biết trách cứ cũng chẳng để làm gì nên mình quyết định ngồi chờ gia công chiếc hộp luôn. Thật may. Vì không một lời trách móc, và kiên nhẫn ngồi chờ mà mình được nghe hai câu chuyện thú vị từ người thợ gò lâu năm của 36 phố phường :

1/ Câu chuyện thứ nhất :

"Sao hồi này ở Việt Nam có nhiều người giàu vậy ?". Câu chuyện đầu tiên được bắt đầu như vậy. Một hôm có chiếc ô-tô đắt tiền đỗ trước cửa hàng của ông, một cô gái trẻ, sang, đẹp bước từ ghế lái xuống đến cửa hàng của ông và lễ phép hỏi :

- Chú có nhận đi treo tranh ở nhà riêng không hả chú ?

- Có, nhưng đi tận đâu ? - Ông trả lời vì sợ đi lâu thì mất khách hàng vì không có mặt ở cửa hàng.

- Nhà cháu ở Lạc Long Quân, cháu đi về bây giờ và chú đi theo luôn. Chú đừng đến muộn vì cháu đã xem giờ treo tranh. - Cô gái cho ông địa chỉ nhà và lên xe đi luôn.

Ông cũng lấy xe máy chở đồ nghề theo luôn dù cả hai vẫn chưa nói về giá cả công treo một bức tranh.

- Anh có biết không. Đến nhà cô ta mà tôi không biết để giày của mình ở đâu, vì nhà đẹp mà sang quá. Có ba người phục vụ (một người trông mấy con chó Lài, một người luôn tay lau dọn và một người có lẽ là quản gia).

Một người thợ có nhà ở Khu phố trung tâm mà phải thốt lên lời ca ngợi như vậy thì chắc hẳn ngôi nhà đó phải đẹp rồi. Câu chuyện lại tiếp tục. Khi ông khoan lỗ trên tường để bắt tranh, tất cả bụi đều được máy hút bụi chuyên dụng của gia chủ hút sạch. Sau gần một giờ làm việc, bức tranh đã được treo ngay ngắn trên tường Phòng Khách đúng với ý của chủ nhân.

- Cháu cám ơn chú vì đã đến đúng giờ và treo tranh đúng với ý của cháu. Cháu phải chọn chú treo tranh vì tuổi chú mới hợp với việc treo tranh cho cháu ! - Nói xong cô gái đưa ông một phong bì đựng tiền công và tiễn ông ra cổng.

- Về đến nhà tôi mới kiểm tra phong bì và thấy có 1 triệu đồng. - Tiền công cho hơn 1 giờ đi lại và treo tranh. Đấy là số tiền khá lớn cho công lao động hơn 1 giờ của người thợ thủ công.

- Chắc cô ta là vợ bé của một quan chức hay một đại gia nào đó rồi ? - Tôi góp vui cho câu chuyện, không ngờ lại đúng thật.

- Cô ấy là vợ nhỏ của một Tổng giám đốc Công ti ! Có vậy thì mới tiêu tiền như thế, chứ nếu là vợ cả chắc phải căn cơ hơn !

Tôi tiếp lời :

- Vợ cả chắc đang ở quê, ăn cơm rau thôi !

Ông thợ cũng nói vui :

- Chẳng đến nỗi đâu. Bây giờ các ông ấy đều quan tâm đến các bà vợ rồi. Tuy nhiên các bà vợ chính thất đều hay xót của vì tài sản là của mình, còn các bà vợ bé thì thường không xót tiền mấy vì tiền như nhặt được !

- Tuy nhiên cô này tôn trọng người lao động như ông là đáng quí rồi ! - Tôi kết luận và người thợ gò cười tít với vẻ đồng ý.

2/ Câu chuyện thứ hai :

Ngay sau Tết có một chiếc xe bốn chỗ đắt tiền (khoảng 4 tỉ đồng, người ta nói với ông thế) đến trước cửa hàng nhà ông, chủ nhân chiếc xe bước tới trước Mẹ ông (bà cụ trông hàng đã 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, ân cần với khách hàng), ông ta lì xì bà cụ một tờ 500 nghìn đồng kèm theo lời chúc rất lễ độ. Sau đó chủ xe mới đến chỗ ông thợ gò và đề nghị : "Tôi đi khắp phố Hàng Thiếc mà họ đều từ chối không thay cho tôi miếng ốp mui xe. Và họ nói việc này chỉ có ông mới làm được. Đề nghị ông làm cho tôi, bao nhiêu tiền cũng được !" - Đây là người khách lần đầu đến cửa hàng của tôi. Sự giới thiệu của các hàng khác thực chất là sự "xì đểu", vì đây là một công việc khá khó (thay một miếng ốp nhôm bằng một miếng ốp i-nốc gương để biến chiếc xe đời 2014 thành 2016). Tuy nhiên vì tự ái nên tôi vẫn nhận làm vì biết đâu lại thành công, nếu không được thì mình trả lại tiền vậy. Ông chủ xe thấy tôi đồng ý liền lấy ra 5 triệu đồng ứng cho tôi và nói hết bao nhiêu ông ấy sẽ trả. Tôi phải mang đồ nghề lên trên gác để làm vì không muốn phân tâm vào những khách hàng khác. Đầu tiên tôi phải làm thử tấm ốp bằng một tấm tôn tráng kẽm. Sau khi lắp thử lên xe thấy ổn tôi lại làm tiếp tấm ốp bằng một tấm i-nốc, lắp thử lên xe thấy hài lòng, tôi mới đi mua i-nốc gương để gia công tấm ốp. Mất một buổi để gia công thì xong, mang lắp trên xe thì vừa in, chủ xe rất hài lòng và tôi cũng hài lòng. Tôi gửi lại chủ xe 2 triệu, chỉ lấy 3 triệu đồng cả vật tư lẫn công. Công sức của mình chỉ đáng vậy mình chỉ lấy vậy ! - Ông thợ gò cười và nói thêm :

- Chỉ Mẹ tôi là vui và bất ngờ nhất, vì cả đời bán hàng bây giờ mới thấy một ông khách hàng lạ hoắc mừng tuổi hẳn 500 nghìn đồng !

Sau đó ông mời tôi vào nhà đưa cho tôi xem những miếng ốp được gia công bằng tôn, i-nốc và mảnh i-nốc gương còn thừa sau khi gia công miếng ốp cho khách hàng. Lần đầu tiên tôi được biết vật liệu i-nốc gương và hiểu hơn nhân phẩm người thợ gò Hà Thành.

Trong lúc tôi ngồi chờ ông thợ gò gia công sản phẩm cho mình, nhiều du khách nước ngoài đã đứng lại xem, chụp ảnh và có vẻ rất thán phục tay nghề của ông thợ gò.

Hơn một tiếng ngồi chờ ông thợ gò gia công sản phẩm, và trả 200 nghìn đồng cho sản phẩm, nhưng lại được biết được nhiều điều vô giá. Tự nhiên ước mình thành nhà văn để chia sẻ với nhiều người.

Trong khi đang gia công sản phẩm cho tôi, có một khách hàng trẻ đến đặt hàng ông thợ gò. Khách hàng là một chàng trai dưới 30 tuổi, có lẽ là một Kĩ sư mới ra trường. Anh bạn khách hàng đề nghị ông thợ gò làm cho hai cái khay bằng i-nốc để hứng nước dưới tủ bếp cho khách hàng của anh ta. Anh ta đề nghị ông thợ gò làm sản phẩm bằng i-nốc để bắt vít vào tủ bếp. Ông thợ gò góp ý : "Tại sao không làm theo kiểu ngăn kéo để còn lôi ra để đổ nước đi. Phải tư vấn cho khách hàng chứ ?

Chắc anh bạn khách hàng này mới nhận được Hợp đồng đầu tiên, chưa có kinh nghiệm nên khi thấy ý tưởng của ông thợ gò quá đúng bèn đồng ý luôn vì giá thành gia công không thay đổi. Sau đó anh bạn khách hàng còn đề nghị gia công bằng i-nốc 2 li (Đúng là Kĩ sư từ trên trời rơi xuống !). Được tư vấn bằng i-nốc 8 rem thì anh ta lại muốn mỏng hơn “6 rem, 4 rem có được không ?”. Ông thợ gò nói, phải 8 rem mới có thể hàn bằng que hàn i-nốc được, chứ 6 rem trở xuống chỉ có thể hàn bằng thiếc thôi. Hai chiếc khay được định giá là 500 nghìn đồng và sau 5 ngày mới có hàng. Anh bạn khách hàng lại kì kèo bớt cho vài chục nghìn để đổ xăng. Ông thợ gò nhìn tôi cười đầy hàm ý, và đồng ý bớt cho anh bạn trẻ 50 nghìn đồng. Hai bên làm Giấy biên nhận tiền đặt cọc, số lượng sản phẩm.

Tôi chợt nhớ ra, hôm qua mình đưa tiền đặt cọc mà quên làm Giấy biên nhận. Tôi nhắc chuyện đó với ông thợ gò thì ông cười : "Có như vậy tôi mới có quyền quên lời hẹn với anh. Và có thể không làm cho anh mà vẫn có tiền !". Tếu thật !

Thật may là mình không trách ông thợ gò, vì ông lỡ hẹn với mình để đúng hẹn với những khách hàng khác. Và để mình có thêm những câu chuyện thú vị cho một buổi chiều đẹp tại một phố cổ Hà Nội.

Trái tim người lính

Bài và ảnh : Nguyen van Noi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-cua-nguoi-tho-pho-co-a14339.html