·Hãy trả lại tên cho bài thơ của Nguyễn Trãi ! 

ĐỀ CHÙA HOA YÊN TRÊN NÚI YÊN TỬ

ch1vbl2-1659316200.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

(Sách AN NAM CHÍ chép: Núi này ở huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, lại có tên là núi Tượng Đầu (đầu voi), tương truyền là chỗ tu luyện của Yên Kỳ Sinh, cho nên lấy đó mà đặt tên. Sách HẢI NHẠC DANH ĐỒ đời Tống nói: “Ngôi phúc địa liệt vào hạng thứ tư trong thiên hạ là núi Yên Tử ở Giao Châu”. Sách PHONG VỰC CHÍ nói: “Trên núi có các thắng cảnh như ngọn núi Tử Tiêu, am Ngọa Vân và Long Động. Chùa Hoa Yên ở trên đỉnh núi cao nhất, cảnh trí nom bát ngát. Vua Nhân Tông nhà Trần tu ở đó, là vị tổ thứ nhất của phái thiền Trúc Lâm).

Trên dãy núi Yên Tử ở chòm cao nhất,

Mới đầu canh năm mà mặt trời đã rực hồng.

Mắt nhìn vũ trụ ra tận ngoài biển xanh,

Người ta nói cười ở trong làn mây biếc.

Giáo ngọc (cây trúc) bao bọc ở cửa rậm rà nghìn mẫu,

Treo trên đá, những giải châu (nhũ đá) lơ lửng rủ xuống lưng chừng.

Di tích vua Nhân Tông năm xưa còn để dấu,

Trong ánh hào quang tỏa ra giữa hai lông mày, trông thấy rõ mắt có đôi con ngươi.

Dịch thơ:

Chòm Yên Tử chất ngất cao,

Đầu canh năm, đã hồng hào nắng mai.

Mắt trông thấu biển rộng dài,

Trong mây biếc, rộn tiếng ai nói cười.

Nghìn mẫu trúc dựng giáo dài,

Lửng lơ nhũ đá treo ngoài thinh không.

Còn đây in dấu Nhân Tông,

“Trùng đồng” tỏa ánh sáng hồng con ngươi.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Bài thơ này có lẽ Ức Trai viết khi đã về ở ẩn tại Côn Sơn, có dịp lên chơi núi Yên Tử này. Thể thất ngôn bát cú luật Đường truyền thống, phổ biến trong các bài thơ chữ Hán của ông. Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cũng gần núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bây giờ. Đời Trần, Phạm Sư Mạnh đã làm thơ về núi này, cũng có cái ý đứng trên cao chót vót, mà phóng tầm mắt ra tận biển xanh. Tương truyền, Yên (An) Kỳ Sinh tu luyện ở đấy, thành Tiên, nên đặt tên núi này là núi Yên Tử (Yên Tử Sơn).

Hai câu đầu, khái quát về không gian rộng lớn, khi đứng trên chòm cao nhất của núi Yên Tử, ở thời điểm canh năm, chính xác là “mới đầu canh năm” (tài ngũ canh sơ). Mới mờ sáng thôi, đã nhìn thấy mặt trời rực hồng, đang nhú lên ở phía chân trời ngoài Đông Hải. Như thế là tả cái rộng lớn, để nói độ cao chất ngất của núi Yên Tử, ở tầng khái quát.

Hai câu tiếp theo, tiếp tục tả độ cao của núi, cụ thể hơn. Đứng trên đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử, có thể phóng tầm mắt “Nhìn vũ trụ ra tận biển xanh”. Ở gần, có thể “nghe tiếng cười nói trong làn mây biếc”.

Cũng là tả độ cao của núi, nhưng có hơi ấm của con người trần tục, qua tiếng cười tiếng nói rì rầm lẫn trong sương khói ban mai vô cùng huyền ảo. Thật là một câu thơ rất hay, vừa tả được độ cao, vừa có hơi thở gần gũi của cuộc sống, lại vừa như huyễn hoặc màu Tiên màu Phật, sống động vô cùng!

Câu 5 và 6, tiếp tục tả thực.

Đây là cảnh trước mắt, trực diện:

Trúc như giáo ngọc cắm ở cửa, rậm rà ngàn mẫu,

Nhũ ngọc treo ở đá rủ xuống lưng chừng.

Hai chi tiết, đều ở quan sát gần, gợi những liên tưởng đẹp. Nghìn mẫu trúc trùng trùng, như muôn nghìn ngọn giáo cắm khắp đó đây, gợi cái oai linh của chiến trận, cái hào khí của ngàn năm. Nhũ đá như ngọc châu, buông xuống lưng chừng, treo lơ lửng như sắp rơi sắp rụng, mà không thể rơi rụng. Đã không biết bao lâu rồi, cái mành nhũ hàng hàng châu ngọc kia, do bàn tay kỳ diệu của thiên nhiên tạo tác kia, cứ như là sắp rơi, mà chẳng chịu rơi, hay là như một sự rơi vờ vĩnh, đẹp lạ lùng…

Hai câu kết nói về một con người cụ thể, đó là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Nhân miếu đương niên di tích tại,

Bạch hào quang lý đổ trùng đồng.

Miếu thờ Trần Nhân Tông bây giờ còn lưu dấu tích người tu Thiền năm xưa. Trong ánh hào quang trông thấy rõ mắt đôi con ngươi. Tương truyền, vua Trần Nhân Tông có tướng lạ, mắt có hai con ngươi (trùng đồng). Ngài bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu Thiền, sáng lập ra một Thiền phái mới, kết hợp tinh hoa của ba Thiền phái tiêu biểu trước đó, mang nét đặc sắc riêng biệt của Thiền học Đại Việt, đó chính là Thiền phái Trúc Lâm ở núi Yên Tử này. Sách Phật nói, đức Phật (Phật Hoàng Nhân Tông) có hào tướng sắc trắng ở giữa lông mày, phóng ra ánh sáng. “Bạch hào quang lý đổ trùng đồng”, ý nói Phật Hoàng Nhân Tông có ánh hào quang trắng ở lông mày toả ra, thấy rõ tròng mắt có hai con ngươi….

Chuyện này có lẽ không phải là hư truyền. Mới đây, thấy truyền hình công bố phim tư liệu về một nhà nhiếp ảnh không chuyên nào đó đã tình cờ chụp được một khoảnh khắc cực hiếm, như chưa bao giờ thấy, rằng đôi mắt Phật Hoàng bỗng dưng phát ra ánh hào quang. Chỉ một lát cắt (một sát na) thôi, nhưng là tấm ảnh được công bố trên truyền thông rộng rãi. Thế thì câu chuyện mắt Phật Hoàng có hai con ngươi (trùng đồng), cũng có thể đáng tin lắm chứ? Cõi Phật huyền diệu vô cùng …

Thế là Hoa Yên Tự toạ lạc trên đỉnh Yên Sơn cao chót vót được Nguyễn Trãi miêu tả một cách thật hoàn hảo.. Đây là nơi tu luyện và bây giờ là nơi thờ tự vị Phật Hoàng nổi tiếng, tổ thứ nhất thiền Phái Trúc Lâm ở nước ta. Ngợi ca cảnh và cũng ca ngợi người tu Thiền đắc đạo. Điểm nhấn của bài thơ là ở nhân vật vua Phật Trần Nhân Tông, dấu xưa còn đó. Hình ảnh vị vua anh hùng từng mấy lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, còn được thể hiện sinh động trên tượng đá tạc hình Người, đã tu thành Phật. Chi tiết về đôi mắt ngài có hai con ngươi, không chỉ là câu chuyện lạ về hình tướng. Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng lên Yên Tử, tu Thiền. Tuy nhiên, quan niệm của ngài về tu Thiền rất khác. Theo ngài, Phật không ở đâu xa, ở chính trong lòng ta, ta là Phật đấy. Ngài lên Yên Tử ngồi tu luyện thành Phật, nhưng tâm ngài có lẽ chưa yên, nên phải dùng đôi mắt của mình để quan sát việc đời, để có thể quét ánh hào quang ra tới ngoài Đông Hải mà coi chừng bọn giặc ngoại xâm nhiều tham vọng lấn cướp từ phương Bắc có thể ào tới bất cứ lúc nào, khi chúng ta lơ là mất cảnh giác? Đấy chính là nhận xét của danh nhân Ngô Thì Nhậm, cứ ghi vào đây để bạn đọc tham khảo…

Thật là một câu chuyện trộn lẫn đời với Phật, vừa huyễn hoặc, vừa như tươi rói sắc đời, vị đời nhân văn đẹp đẽ. “Đề chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử” là thơ tả cảnh chùa ở độ cao lẫn trong sương khói, nơi thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Một danh thắng và một danh nhân, như tạc vào nhau, hoà quyện vào nhau, tôn vinh nhau và cùng rực rỡ như ánh nắng ban mai, như ánh hào quang của tuệ nhãn vậy!

Trên đây là cảm nhận của tôi về bài thơ của Nguyễn Trãi, có nhan đề là ĐỀ CHÙA HOA YÊN TRÊN NÚI YÊN TỬ.

2.

Trong cuốn NGUYỄN TRÃI THƠ CHỮ HÁN, các nhà biên soạn ở TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC đã ghi nhan đề bài thơ là ĐỀ YÊN TỬ SƠN HOA YÊN TỰ (Đề chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử). Tuy nhiên, tôi cho rằng, ghi như vậy là không chính xác. Sao vậy? Lý do đơn giản như sau:

1

Chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử vốn tên cũ là chùa Vân Yên. Chùa này dân quen gọi là chùa Cả (chùa lớn, chùa chính) hay đơn giản chỉ là chùa Yên Tử (Yên Tử sơn). Chùa Vân Yên do Thiền sư Hiện Quang chỉ đạo dựng lên. Hiện Quang là đệ tử nối tiếp của Thiền sư Thường Chiếu. Tiếp đến là Thiền sư Trúc Lâm. Tiếp nữa là Quốc sư Chân Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Huệ Tuệ. Sau nữa đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông trụ trì. Ngài hợp nhất các Thiền phái đương thời, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. PhẬt Hoàng Nhân Tông là Tổ thứ Nhất. Pháp Loa (Tổ thứ Nhì) cho xây dựng thành một quần thể kiến trúc Phật giáo hoành tráng hơn nhiều, trở thành một trong mấy trung tâm Phật giáo lớn nhất ở đời Trần.

2

Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) lên thăm núi Yên Tử, thăm chùa Vân Yên. Thấy phong cảnh ở đây tuyệt đẹp, có rất nhiều hoa rực rỡ sắc màu, ngài liền cho đổi tên chùa Vân Yên (Chùa trong mây núi Yên Tử) thành chùa Hoa Yên.

Vậy sai lầm bắt đầu từ đâu?

- Cái sai thứ nhất, nắt đầu từ những người biên soạn sách PHONG VỰC KÝ. Sách này viết là CHÙA HOA YÊN, cho nên, có lẽ các nhà biên soạn sách NGUYỄN TRÃI, THƠ CHỮ HÁN ở Trung tâm nghiên cứu Quốc học mới theo đó mà viết theo.

- Chúng ta đều biết vụ án “thiên cổ kỳ oan” năm Nhâm Tuất (1442). Vua Lê Thái Tông mất đột ngột tại hành cung Lệ Chi Viên (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Vợ chồng Nguyễn Trãi bị bọn gian thần lộng hành khép tội “tru di tam tộc”. Tác phẩm của Nguyễn Trãi, do vậy, cũng bị tiêu hủy hết, trừ những sách không thể thiêu hủy được. Thực ra, đây là một án nhằm giết vua, giết vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ, do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh chủ mưu tàn độc. Hơn hai chục năm sau, Lê Thánh Tông mới xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi. Vua sai 15 vị Tiến sĩ sưu tầm di cảo Nguyễn Trãi khuất lấp trong dân gian, tập hợp lại ở 2 tập thơ chữ Hán và chữ Nôm. Nhiều bài chỉ sưu tầm theo trí nhớ của học trò, của các bạn văn chương cùng thời. Rất nhiều bài không phải do tác giả đặt tên.

Những người sưu tầm thơ Nguyễn Trãi là những người sống ở thời kỳ vua Lê Thánh Tông. Họ đã vô tình đặt tên bài thơ, khi chùa Vân Yên đã đổi thành chùa Hoa Yên. Họ chỉ biết rằng đấy là chùa Hoa Yên, chứ không nghĩ tới cái tên cũ của chùa này. Thêm nữa, sinh thời Nguyễn Trãi, làm gì đã có tên chùa Hoa Yên kia chứ? Đời này qua đời kia, cứ thế mà theo nhau chép là Hoa Yên Tự. Nay tôi đề nghị, phải đổi tên bài thơ của Nguyễn Trãi thành ĐỀ YÊN TỬ SƠN VÂN YÊN TỰ mới đúng nguyên tác!

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hay-tra-lai-ten-cho-bai-tho-cua-nguyen-trai-a14391.html